Hầu hết những nhận định về vấn đề này đều dựa trên các Kinh Luận Phật học chứ chưa phải qua sư chứng đắc của các bậc thiền sư nên rất khó cho việc xác định chính xác về thế giới Người cõi âm.
Để chứng minh giải thích những vấn đề nêu trên tôi xin dựa chủ yếu vào các Kinh, Luận : Kinh Trung ấm, Luận Vãng sinh (Tử thư Tây tạng )…
Tôi chọn Luận vãng sinh (Bardo Thodol) vì nếu dựa theo vào cuốn Tử thư này phân tích chúng ta sẽ có một cơ sở rất khoa học, rất logic và hết sức thuyết phục giải thích được các hiện tượng người cõi âm đang tiếp xúc với các nhà ngoại cảm.
Thêm nữa, Luận vãng sinh từ lâu đã được coi là báu vật bí truyền do Tổ sư Liên Hoa Sinh – Người được cho là sự tái thế của Phật Thích Ca Mầu Ni để lại và được đại đức Siddha Karma-Lingpa tìm thấy trong núi Gampo-Darr .
Dù không phải từ kim khẩu của Phật nhưng nó vẫn được coi là nằm trong tam tạng Kinh điển của Phật giáo.
Hiện nay, nó đang được phổ biến vì các Lạt ma sợ vào thời kỳ mạt pháp cuốn Tử thư này sẽ bị thất truyền. Thật sự được tiếp cận với nó, hiểu được hết ý nghĩa của cuốn Luận Vãng sinh phải tạo nhiều thiện nghiệp, nhiều công đức trong quá khứ cho nên Luận văn này còn gọi là Pháp môn “Lắng nghe và giải thoát”.
Qua Luận Vãng sinh, chúng ta thấy có rất nhiều chi tiết phù hợp với Kinh Trung ấm. Kinh được cho là do Phật Thích Ca rời khỏi thân xá lợi vào thế giới trung âm hoá độ chúng sinh thân trung ấm.
Thân trung ấm tồn tại trong bao lâu?
Theo Luận Tỳ Bà Sa – Luận sư Thế Hữu cho rằng, tuổi thọ của thân trung ấm tối đa là bảy ngày, sau một tuần thất nếu không tìm được chỗ đầu thai thì chết và tuỳ theo nghiệp thọ thân trung ấm kế tiếp nhưng trong vòng bốn mươi chín ngày (bảy thất) thì thân trung ấm phải tìm được chỗ thọ sinh.
Theo luận sư Pháp Cứu thì thân trung ấm tồn tại không hạn chế thời gian nếu nhân duyên chưa đủ để đầu thai.
Vấn đề thân trung ấm, hiện tồn tại nhiều quan điểm khác nhau trong các bộ phái Phật giáo. Phật giáo Nam truyền ngày nay không chấp nhận có thân trung ấm, người chết xong thì tái sinh ngay như ngọn đèn khác thì cháy ngay (Thanh tịnh đạo luận).
Phật giáo Bắc tông, hầu hết các tông phải chủ trương có thân trung ấm. Riêng phật giáo Tây Tạng nghiên cứu rất chi tiết về thân trung ấm và những phương thức để khai thị, chuyển hoá thần thức (Tử thư Tây Tạng).
Tổ Liên Hoa Sinh là vị thầy đầu tiên giảng dậy giáo lý về thân trung ấm. Đối với những nghiệp cực ác hay cực thiện thì lập tức đoạ địa ngục hoặc sinh thiên, không có thân trung ấm. Còn đối với các loại nghiệp khác thì có thân trung ấm.
Như vậy, ngoại trừ những người tạo nghiệp cực thiện hoặc cực ác, còn lại hầu hết chúng ta sau khi chết đều thọ thân trung ấm trước khi tái sinh.
Việc cho rằng thân trung ấm chỉ tồn tại trong 49 ngày là tái sinh qua kiếp sống mới đang là quan điểm chính thống cho nhiều các lễ nghi Phật giáo hiện nay.
Cũng vì đó mà các tăng sĩ xuất gia cho rằng, sau 49 ngày không tái sinh được thì thân trung âm không còn được gọi là thân trung ấm nữa mà là các oan hồn hay ma quỷ không siêu thoát được.
Trong Kinh Trung ấm – Quyển thượng ( thuộc tạng kinh) từ thân khẩu của Phật Thích Ca thuyết, có đoạn “Chúng sinh Trung ấm nương làn gió để ăn uống . Thọ mạng của chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề là một trăm tuổi. Cõi Đông Phất Vu Đãi là năm trăm tuổi. Cõi Tây Câu Da Ni hai trăm năm mươi tuổi cõi Uất Đan Viết là một nghìn tuổi. Thọ mạng của thân Trung Ấm chỉ có bảy ngày.”
Điều đó có nghĩa là thân trung âm chỉ tồn tại có bẩy ngày là chết nhưng cũng không có nghĩa là sau bẩy ngày chúng sinh mang thân trung ấm sẽ tái sinh vào kiếp sống mới. Bài Kệ của Đức Thế Tôn nói rằng:
Hàng chúng sinh ba phẩm
Trung Ấm khi thọ hình
Đổi thay không lường nổi
Có thể hiểu là sau khi hình thành, thân trung ấm liên tục thay đổi theo thời gian, mất đi lại hình thành, rồi lại mất đi lại hình thành…. Cứ như thế cho đến khi tái sinh qua kiếp sống mới.
Xem toàn bộ cuốn kinh này tôi không thấy đoạn kinh nào nói là sau 49 ngày thân trung ấm sẽ thọ thai. Vì sao thân trung ấm có sự thay đổi như vậy tôi sẽ nói rõ ở phần sau.
Trong Luận Vãng sinh nói về thời gian tồn tại của thân trung ấm như sau: “Đối với người cõi trung ấm lúc nào cũng mờ mờ với ánh sáng xám nhạt như một ngày mùa thu, không phân biệt ngày và đêm. Giai đoạn mang thân trung ấm này kéo dài một, hai cho đến sáu bẩy tuần thậm chí có thể kéo dài đến 49 tuần…điều đó tuỳ thuộc nơi nghiệp lực quyết định.”
Theo một vị Lạt ma hoá thân thì “Khi xác thể và dục thể có tan rã hết (tức là bỏ hết tất cả nhũng tham luyến của kiếp sống cũ ) thì con người mới siêu thoát và có thể đầu thai vào kiếp sống mới. Dục thể là cái quyết định thời gian con người phải sống cõi âm lâu hay nhanh chóng. Những con người có tâm hồn thanh khiết dễ siêu thoát hơn người có nhiều dục vọng."
Theo sư phụ các vong linh không siêu thoát được đều rất đau khổ, họ không ý thức rằng mình đã sang một cõi khác mà cứ bám lấy cõi trần thần trí mê mờ điên đảo.
Trong Luận vãng sinh, người ta phân con người từ khi sinh cho đến khi tái sinh trở lại kiếp sống mới gồm 6 giai đoạn về tâm thức (6 bardo), bao gồm:
– Khi mới sinh ra.
-Trong giấc mộng.
– Khi nhập định.
-Bắt đầu chết.
– Thân trung ấm.
-Trước khi tái sinh.
Nếu đối chiếu với những quan niệm về cõi giới âm hiện nay thì chúng ta sẽ thấy nó bao gồm 3 giai đoạn : Bắt đầu chết – Thân trung ấm – Trước khi tái sinh.
Thực tế, giai đoạn 4 và giai đoạn 6 không thể gọi người cõi âm được vì thần thức còn mê man bất tỉnh chưa hình thành thân (4) và thân trung ấm đã chuyền sang thân của cõi giới chuẩn bị tái sinh (6). Nếu có gọi hồn cũng không lên được.
Nếu đối chiếu vào 6 giai đoạn tâm thức trên ta thấy, thế giới của các chúng sinh mà ta gọi là các oan hồn hay ma quỷ là không có.
Thật là oan ức cho các thần thức phải mang tên gọi như vậy. Chỉ cần chúng ta bỏ đi quy ước về tuổi thọ 49 ngày của thân trung ấm thì chúng ta sẽ giúp cho bao nhiêu các hương linh, người thân, các chiến sĩ, các vị anh hùng dân tộc không còn bị gọi là các oan hồn hay là ma quỷ.
Vì vậy, tất cả các chúng sinh sau khi chết, nếu chưa bước vài giai đoạn tái sinh đều có thể gọi là thân trung ấm hay Người cõi âm (theo quan niệm dân gian) hiện nay.
Thêm nữa, nếu tuổi thọ của tất cả thân trung âm chỉ tồn tại có 49 ngày là tái sinh thì cứ đến hẹn lại lên, tất cả chúng sinh trung ấm đều đi đầu thai, chúng ta cần gì phải lập Trai đàn,chẩn tế bạt độ cầu siêu cho các vong linh được siêu thoát.
Như vậy, nếu nhìn vào các hiện tượng tiếp xúc với người cõi âm của các nhà ngoại cảm trong suốt thời gian qua chúng ta thấy, 49 ngày của thân trung ấm có thể chỉ là một biểu tượng hay một khái niệm về thời gian của cuộc sống thân trung ấm.
Nó tượng trưng cho sự thay đổi 7 giai đoạn phát triển của thân trung âm từ khi hình thành cho đến khi đầu thai tái sanh. Trong 7 giai đoạn này đối với từng chúng sinh có sự dài ngắn khác nhau phụ thuộc vào sự tham luyến cuộc sống vừa mới rời khỏi hay chấp ngã về một thân xác trong quá khứ.
Sự hình thành thân trung ấm. Vì sao thân trung ấm lại có hình dáng giống người trước khi chết, Vì sao thân trung ấm thay đổi liên tục và có thần thông.
1. Sự hình thành thân trung ấm
Thực tế khi viết đến phần này tôi rất phân vân, không hiểu những điều viết ra bạn đọc có cảm nhận được hết những điều tôi muốn nói. Vì để hiểu được một số vấn đề như: Vì sao thân trung ấm hình thành. Vì sao thân trung ấm có hình dáng giống người mới chết, vì sao thân trung ấm thay đổi không ngừng và có thần thông… thì phải có một công phu thiền định nhất định. Nếu chưa trải qua thiền thì khó có thể hiểu một cách thấu đáo, nhiều người sẽ cho là hoang đường. Tôi sẽ cố gắng diễn giải một cách đơn giản và dễ hiểu nhất.
Theo Luận vãng Sinh Tây Tạng thì sau khi chết trong thời gian từ 3 – 4 ngày, thần thức con người bình thường ở một trạng thái giống như ngủ say, không biết mình đã ra khỏi thân người.
Theo đức Lạt ma Trungpa Rinpoche thì cảm nhận trong giai đoạn đầu của thần thức sau khi chết là ánh sáng và hình ảnh, chưa thấy vật chất và sắc thể. “Người đã mê man nhiều ngày, đến lúc tỉnh dậy, tâm thức người sáng suốt và có một thân giống như thân ngày trước của người đứng dậy…Vì ngươi nhớ lại thân quá khứ nên ngươi có một thân có vẻ như bằng xương bằng thịt …Vì thân này là do tâm thức biến hiện nên thân này giống như thân người. Thân xác này của người thật ra là đã được tạo bằng tư tưởng…”
Con người sống với thân xác vài chục năm hay trăm năm sau khi chết thần thức của họ vẫn chưa quen được với cuộc sống không thân xác. Chính vì mong muốn có một thân xác nên người mới chết luôn đi tìm một thân xác mới “Dù ngươi có chui chín lần vào lại trong thân xác cũ thì nó cũng đã tan hoại đi vì thời gian hoặc đã bị người thân đem đi thiêu đốt, chôn cất…”
Như vậy, do mong muốn của tâm thức nên thần trung ấm đã được hình thành. Vì sự níu kéo của thân ngã mà hình dáng của thân trung ấm không khác gì thân xác của người trước khi chết. Trong Kinh Trung ấm Đức thế Tôn đã kệ rằng:
Trăm tám ái một niệm.
Một ức hành trung gian.
Tưởng tưởng không thể hết
Có kia mới có thân.
Không kia không ngã tưởng.
Chúng sanh nơi Trung Ấm
Như thân ta nào khác
Thân năm ấm khổ đau
Tựa bánh xe quay mãi
Theo luận Câu xá – quyển 10 thì thân trung ấm chữ Phạn có năm nghĩa : ý sinh thân, cầu sinh, ăn hương liệu, trung hữu, sinh khởi. Nghĩa đầu của nó là do ý cầu mong mới sinh thân trung ấm.
Cũng vì vậy mà theo Kinh Trung ấm thì thân trung ấm trong suốt và cực kỳ vi tế không dễ ai có thể nhìn thấy được.
Hàng chúng sinh Trung Ấm
Có khác gì đó đâu
Dâm-nộ-si vi tế
2. Vì sao thân trung ấm lại thay đổi liên tục, sáng suốt và có thần thông diệu dụng
Do vì thân trung ấm được hình thành do tư tưởng mong cầu của thần thức sinh ra nên nó luôn luôn biến đổi do tâm thức dao động biến đổi không ngừng. Cũng như tâm thức của người sống, vọng niệm liên tục khởi lên, mỗi một suy nghĩ thay đổi thì thân trung ấm lại thay đổi theo.
Cứ như vậy theo nghiệp lực, khi thần thức tháo bỏ dần những tham chấp của cuộc sống cũ thì thân trung ấm cũng bắt đầu thay đổi cho đến khi nó hoàn toàn có hình dáng giống như chúng sinh ở kiếp sống mới. Bài kệ trong quyển thượng – Kinh Trung ấm :
Mê lầm của Trung Ấm
Mù tối chẳng Tam Tôn
Chuyển thân theo năm đường
Tùy chỗ làm dẫn đến
Hoặc sa hai nẻo thiên
Hoặc vào chốn ba đường
Vì không còn bị ràng buộc bởi xác thân bằng xương thịt và trở ngại của 5 uẩn, tâm thức thân trung ấm sáng suốt gấp 9 lần thông thường nên trong giai đoạn này chỉ cần nghe là hiểu rất linh hoạt Thần thức có đủ thần thông, có thể lắng nghe hoặc nhìn thấy từ xa và có mặt tức khắc khi một ai gọi đến.
Khi mang thân trung ấm thần thức có thần thông kỳ diệu không khác gì các bậc thiền sư đắc đạo. “Loại thần thông không phải do thiền định hay do trì giới mà đạt được. Đó là loại thần thông do nghiệp lực sinh ra”.
Vì sao thân trung ấm có khả năng này? Như chúng ta đã biết khả năng của con người là vô tận. Cũng vì nương theo 6 cảnh trần mà chúng sinh mang thân người mất đi năng lực thần thông này.
Nếu chúng ta hướng vào bên trong hay thiền định đạt đến cảnh giới chân không thì năng lực thần thông sẽ xuất hiện.
Việc tu hành đạt đến những cảnh giới thiền hay đi vào Cửa không là quá trình phá sắc, thọ, tưởng, hành, thức… Qúa trình chết của con người cũng diễn ra theo tuần tự gần giống như vậy. Nghĩa là : đất hoà vào nước, nước hoà vào lửa, lửa hoà vào gió, gió hoà vào thức… khi khí bát nhã bắt đầu rời bỏ khí lực của người chết thì ánh sáng của “Pháp thân thường trụ – chân tâm” hiện ra.
Nếu thần thức không nhập vào được ánh sáng của chân tâm sẽ mang thân trung ấm tiến và về 6 nẻo luân hồi. Vì vậy mà thân trung ấm cũng có được những diệu dụng thần thông không khác gì những bậc thiền sư chứng thiền.
Thân thể quá khứ và vị lai
Trong giai đoạn tái sanh
Có đầy đủ các căn
Đi lại không ngăn ngại.
Với nghiệp lực thần thông diệu dụng.
Nhìn bằng đôi mắt của bậc thánh
Với khả năng thần thông kỳ diệu đó, thân trung ấm sẽ biết hết cuộc sống của người dương thế và có thể đến bất cứ nơi nào mà chúng sinh muốn “Hãy lắng nghe, ngươi có đầy đủ các căn, nghĩa là trong giai đoạn chuyển tiếp ngày ngươi có đầy đủ mọi giác quan. Dù lúc còn sống có bị mù hoặc điếc hay tê bại thì giờ đây mắt vẫn thấy sắc tai vẫn nghe tiếng, mọi giác quan đều hòan hảo.
Đây là dấu hiệu người chết đã và mang thân trung ấm” Không ngăn ngại, là vì giờ đây ngươi chỉ có tâm thức, đã lìa bỏ xác thân. Không còn sắc thân nên có thể đi lại khắp nơi …có khả năng nhìn rõ tất cả các chúng sanh cùng nghiệp lực như mình …
Với tâm thức này ngươi sẽ nhìn thấy nhà cửa, gia đình quyến thuộc…như cảnh trong giấc mộng . Ngươi lên tiếng hỏi nhưng không được ai trả lời Ngươi nhìn thấy người thân khóc lóc và ngươi tự hỏi Ta đã chết biết làm sao bây giờ… ”
Thông thường nghiệp lực mạnh hơn sự tham luyến và ngã chấp của thân trung ấm. Dù có cỗ gẵng bám víu đến đâu thì thân trung ấm cũng bị đẩy về các nẻo luân hồi do quy luật nhân quả chi phối “Từ bấy giờ cảm giác về thân thể của đời sống trước đang phai nhạt dần và xác thân của đời sống tiếp sau bắt đầu rõ rệt. Ngươi sẽ tự nhủ : Vì ta đau khổ, thèm khát một xác thân, nên giờ đây xác thân đang xuất hiện.. ..
Nếu ngươi không có nghiệp lành, ngươi sẽ có cảm giác lạc vào một nơi khổ đau. Ngược lại ngươi sẽ đạt tới một cảnh giới an lành… Nếu ngươi sẽ tái sanh ở cõi trời, chính lúc này ngươi sẽ nhận được dấu hiệu của cõi trời. Nếu là các cõi khác….người sẽ thấy dấu hiệu của các cõi đó”.
Vào giai đoạn thân trung ấm chuẩn bị tái sinh, những tham luyến về cuộc sống cũ dần dần phai nhạt, hình dáng của kiếp sống mới hình thành. Đây cũng là thời kỳ mà các nhà ngoại cảm và người thân khó giao tiếp được với họ. Khi họ đã bước vào cõi giới mới có lẽ họ cũng chẳng còn nhớ gì kiếp sống cũ, theo dân gian gọi là “ăn cháo lú” trước khi tái sinh.
Kết luận
Từ những điều khai thị trong Luận vãng sinh, chúng ta đã có một minh chứng khá thuyết phục về thế giới Người cõi âm đang giao tiếp với các nhà ngoại cảm trong thời gian qua không ai khác chính là các chúng sinh mang thân Trung ấm.
Vì còn bám chấp cuộc sống cũ vào cái thân ngã mà chúng sinh thân trung ấm luôn luôn muốn được trở lại và giao tiếp với người thân của mình.
Vị Lạt ma hoá thân đã nói sự mong cầu trở lại của các thần thức sau khi đã từ bỏ cuộc sống thế gian “Cõi âm thật ra không phải là một nơi kẻ đi thì có người về thì không. Theo thần nhãn của tôi và các sách vở bí truyền thì vẫn có người về qua các hiện tượng như sự hiện hình, người chết vẫn trở về cõi trần”.
Một thân nhân đi gọi hồn người thân kể rằng, các nhà ngoại cảm đã nhìn thấy các hương linh đến chật nhà vì họ rất mong muốn được nói chuyện với người thân nơi dương thế. Cũng vì vậy hầu hết những cuộc gọi hồn của những người mới mất đều có xác suất rất cao.
Như vậy, những chúng sinh của các cõi giới khác như ngạ quỷ, Atula, trời…khó có thể hiện về trong các cuộc gọi hồn mà họ chỉ có thể nhập hồn trong các trường hợp khác.
Theo tôi, hiện tượng nhập hồn của các chúng sinh cõi giới khác thì không gọi là người cõi âm. Vấn đề này khi có nhân duyên đầy đủ tôi sẽ trình bầy cho các độc giả sau.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mầu Ni Phật ! Nam mô Tổ sư Liên Hoa Sinh!