Trang chủ Văn học Truyện Người bẫy chim

Người bẫy chim

560

Đại Đức thong thả từng bước, với bộ y áo màu vàng, tay trái vân vê vòng tràng hạt. Dù đã nhìn thấy người bẫy chim nhưng Đại Đức vẫn thản nhiên như không có việc gì xảy ra trước mắt. Đại Đức ung dung đi về phía sau chùa ngắm nhìn vườn cây trái một lúc rồi mới vòng qua cửa Tam bảo đi ra phía cổng.

Giữa trưa hè, bóng nắng đã tròn dưới chân, những luồng gió nam từ cánh đồng lúa non tràn về dưới gốc đa mát rượi. Người bẫy chim dựa xe vào gốc đa đến ghế đá ngồi. Anh vẫn theo dõi từng bước chân của Đại Đức, tự nhiên trong lòng rộn lên một niềm vui trước cảnh chùa cây cối xum xuê bóng mát, chim chóc hót ríu ran, dưới hồ cá đớp bì bõm.

Nhưng anh thấy có một điều gì đó khác lạ với người tu hành này? Tại sao thấy mình vào đây định bẫy chim hay làm một việc gì đó mà không hề để ý gì đến. Hay là Nhà chùa không cấm bẫy chim, không cấm câu cá? Khi Đại Đức đã đến gần, người thanh niên chủ động chắp hai bàn tay lễ phép.

– A di Đà Phật!

Đại Đức với nét mặt bao dung rạng rỡ, niềm nở đáp lời.

– A di Đà Phật! Thế này không phải, chú đã ăn cơm chưa?

– A di Đà Phật! Con mang cơm theo đây rồi, nhờ gốc đa nhà chùa để ăn cho mát ạ.

– Nhà chùa cũng chưa ăn. Chú mang cả vào đây ăn với nhà chùa cho vui.

– A di Đà Phật! Con cám ơn Nhà chùa! Chắc Nhà chùa ăn chay, con lại ăn mặn.

– A Di Đà Phật! Thôi thế cũng được, ăn xong vào uống nước rồi ngủ trưa ở phòng khách, chiều hãy đi.

– A di Đà Phật! Con xin cám ơn Nhà chùa.

***

Khoảng  một giờ sau Đại Đức pha trà mời Thắng rồi nói.

– A di Đà Phật! Tưởng chú đến bẫy chim ở đây thì không được. Nhà chùa còn đang muốn có nhiều chim về  trú ngụ nữa, vậy chú bán số chim bẫy được này cho nhà chùa nhé. Thắng tưởng Nhà chùa nói đùa nên cũng chưa tin lắm. Anh hỏi lại:

– A di Đà Phật! Sao lúc nãy thấy con là thợ săn Nhà chùa chẳng nói gì? Con cứ tưởng Nhà chùa cho bẫy chim, cho câu cá.

– A di Đà Phật! Đại Đức mỉm cười, thì chú đã bắt đâu mà giữ, mà làm thế sao chú có thể thiện tâm với Nhà chùa ngồi uống nước thế này. Hiểu rõ điều này Thắng chắp hai bàn tay cúi xuống ba lần.

– A di Đà Phật! Con thật là người có lỗi. Con xin lạy thày tha thứ. Cúi đầu ba lạy mà anh vẫn chưa tin là Đại Đức mua cả lồng chim. Nhưng nhà chùa có mua hết được lồng chim này không?

– Bao nhiêu tiền một con?

– Dạ, năm ngàn.

– Nhà chùa sẽ mua hết. Chú đếm đi xem được bao nhiêu con.

Thắng đếm được ba mươi bảy con. Đại Đức không mặc cả nữa và gọi chú Tiểu mang ví tiền ra đếm được tất cả chỉ còn 160 ngàn.

– A di Đà Phật! Hôm nay Nhà chùa chỉ còn có vậy thôi, chú có đồng ý không?

– A di Đà Phật!  Thế này là cũng được rồi ạ.Thắng vui vẻ nhận số tiền rồi nói.

– A di Đà Phật! Dạ, nhà chùa đã có lồng để nuôi chưa ạ?

Đại Đức mỉm cười đôn hậu:

– Có rồi! Đại Đức chỉ tay lên trời. Chú mở lồng ra đi. Nhà chùa phóng sinh ngay đây. Thắng tròn xoe hai mắt  nhìn Đại Đức một cách ngạc nhiên.

– A Di Đà Phật! Sao Nhà chùa phải làm như vậy ạ? Như đọc được sự nuối tiếc của Thắng, Đại Đức liền bảo.

– Phóng sinh! Chú có biết phóng sinh là gì không?

– A di Đà Phật! Dạ! Con chỉ biết là thả chim ra thôi ạ!

– Đúng! Phóng sinh là thả chim ra, nhưng với Nhà Phật coi mọi sinh vật đều là chúng sinh nên không được săn bắt, giết hại, phải cho bầy chim về với trời đất mới bảo vệ được môi trường sinh thái. Mà chú có biết không? Đạo Phật phải là đại từ đại bi đấy.

– A di Đà Phật! Dạ, thưa Đại Đức. Con là người theo đạo Thiên chúa nên cũng không hiểu được về đạo Phật, mong nhà chùa bỏ quá cho.

Sau một chút nuối tiếc, trong lòng Thắng tháy sảng khoái hẳn lên, anh có cảm giác bầy chim như những con người bị tù đày được vượt ngục. Anh kể: – Con đi giáo ở ngay cạnh nhà thờ. Đức cha cũng trạc tuổi nhà chùa thôi. Mà nhà chùa bao nhiêu tuổi ạ?

– A di đà Phật! Ba mươi lăm.

– A di Đà Phật! Dạ, thưa Đại Đức, Cha của chúng con hơn nhà chùa hai tuổi ạ. Nhưng cha sướng lắm. Có tiền xây nhà ở quê cho gia đình, lại mới mua xe con hơn một tỷ. Còn con thấy nhà chùa…

– A di Đà Phật! Nhà chùa không có tiền chứ gì?

– A di Đà Phật! Vâng ạ!

– A di Đà Phật! Đúng  rồi! Nhà chùa sao có nhiều tiền được. Mà nhà chùa chỉ mong mọi người giầu có là cũng an lạc rồi. Nhà chùa thì nghèo thôi, nhưng cũng có nơi người xuất gia của Đạo Phật đã giàu có đấy. Bên nào cũng vậy thôi, có sư giầu, sư nghèo, có cha giầu, cha nghèo, đó chính là cơ chế thị trường đấy. Điều quan trọng là có giữ được Đạo Pháp hay không. Những Phật tử, những con chiên có thấu hiểu và làm theo Đạo giáo hay không?

Suốt buổi chiều hôm ấy, Thắng ngồi chơi nói chuyện với Nhà chùa, mấy lần nhà chùa giục đi làm, nhưng Thắng nói- Từ nay con bỏ nghề thôi.

Đại Đức vui vẻ:

– Đừng bỏ nghề vì nhà chùa nhé. Khi nào hiểu nhiều  hơn về Đạo phật rồi hãy bỏ.

Thắng nói luôn:

– A di Đà Phật! Dạ, thưa…Được ngồi nói chuyện với nhà chùa mấy tiếng là con bỏ ngay được rồi ạ.

– A di Đà Phật! Cám ơn chú.

Tối hôm ấy Thắng về kể lại cho cả gia đình nghe, ai cũng sửng sốt. Bố Thắng hỏi- Sư chùa nào mà làm được như vậy. Ông năm nay ngoài sáu mươi cũng chưa bao giờ gặp được một người tu hành bên đạo Phật như thế liền bảo Thắng.

– Sáng mai anh đến chùa ấy cố gắng mời bằng được Đại Đức về nhà mình chơi, nói rõ bố con là chánh chương của giáo xứ muốn gặp nhà chùa để đàm đạo.

Sáng hôm sau Đại Đức nể lời bố Thắng xuống chơi. Ông dẫn Đại Đức đi thăm cảnh nhà thờ rồi mời dùng cơm chay với gia đinh.

Sau bữa ăn, khi ngồi uống nước ông nói.

– A di đà Phật! Dưới chế độ ta lương giáo đều là một, mỗi người dân phải sống tốt đời đẹp đạo. Những con chiên chúng con giá cũng hiểu được những lời Phật dậy thì…Chúng con mong nhà chùa đại sá cho. Con đại diện cho gia đình xin gửi 500 ngàn đông để công đức vào chùa. Còn cháu Thắng đã quyết định bỏ nghề bẫy chim rồi.

– A di đà Phật! Nhà chùa cũng xin cám ơn gia đình. Lúc nào thư thả xin mời chư ông về vãng cảnh chùa.

Chia tay với gia đình Thắng trong lòng Đại Đức cứ rộn lên một diều gì mới lạ? Phải chăng cả hai đạo giáo cũng giác ngộ con người ta làm việc thiện, nhưng tại sao việc phóng sinh đã thức tỉnh người theo đạo Thiên chúa như vậy?

Tháng 3 năm 2011.

Nghĩa Châu, Nghĩa Hưng, Nam Định