Lần cuối cùng đến, sức khỏe của cụ đã yếu đi rất nhiều. Nắm tay tôi, cụ nói: "Có lẽ mình không qua nổi…". Biết vậy, nhưng khi nghe hung tin cụ Hòa thượng đã viên tịch, thọ 85 tuổi, tôi vẫn không kìm được xúc động. Đối với tôi, tình cảm dành cho cụ vừa kính trọng, vừa thân thiết như một người anh ruột thịt!
Là người "có duyên" với đạo Phật, nên khi tròn 6 tuổi, cậu bé Trần Văn Long, quê ở xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên đã được cha mẹ gửi vào cửa Phật. Sống trong cảnh đất nước bị thực dân, phong kiến đô hộ, nên dù là người tu hành, chú tiểu Long vẫn ý thức được nỗi nhục mất nước.
Những năm 40 của thế kỷ trước, phát xít Nhật tràn vào nước ta gây nên nạn đói, cướp đi sinh mạng của hàng triệu đồng bào. Được sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đã vùng lên cướp kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo. Dẫn đầu dòng người sục sôi khí thế cách mạng ấy là nhà sư Trần Văn Long. Cách mạng thành công, sư thầy Long tham gia Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Hưng Yên. Nhà sư luôn sôi nổi, nhiệt tình tham gia nhiều phong trào xã hội để chống lại "giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm" như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực dân Pháp bội ước, đất nước bước vào giai đoạn trường kỳ kháng chiến, trước vận nước lâm nguy, sư thầy Long đã tạm cởi áo cà sa, khoác áo lính để đánh đuổi thực dân đế quốc.
Các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò giai đoạn 1930-1954 viếng Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ. Ảnh: Nguyễn Thành Long. |
Được tổ chức phân công hoạt động bí mật trong lòng địch, đến tháng 10-1951, Trần Văn Long bị địch bắt. Chúng tra tấn dã man, nhưng không làm lung lạc được ý chí sắt đá của một thanh niên đã nguyện hy sinh vì mục đích cao cả. Không khuất phục được, chúng đưa Trần Văn Long về giam tại xà lim Nhà tù Hỏa Lò cùng với những chiến sĩ yêu nước, chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng… Kháng chiến thành công, Trần Văn Long lại trở về cửa Phật, trở thành một người tu hành đắc đạo, với pháp danh "Hòa thượng Thích Thanh Tứ".
Nói về cuộc đời của mình, Hòa thượng Thích Thanh Tứ thường đọc 4 câu thơ mà cụ rất tâm đắc: "Thấy đời đau khổ phải đi tu/ Vì nước vì dân phải đi tù/ Thân tuy đau khổ lòng không nản/ Yêu đạo, yêu đời quyết lại tu".
Với lòng "từ bi hỷ xả" của nhà Phật, Hòa thượng Thích Thanh Tứ luôn đau đáu làm việc thiện và khuyến khích mọi người, nhất là bà con Phật tử làm nhiều việc thiện; đồng thời bằng uy tín của mình, cụ là trung tâm đoàn kết. Trong vai trò là đại biểu Quốc hội, cụ đã truyền tải những tâm tư nguyện vọng của giới Phật giáo, của Phật tử và nhân dân tới cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước; cùng các đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ hoàn thành tốt trọng trách mà nhân dân tín nhiệm giao cho.
Với những cựu tù cách mạng, Hòa thượng Thích Thanh Tứ là một người bạn thủy chung, tình nghĩa. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng cụ luôn có mặt trong các cuộc gặp mặt thường niên của người tù. Cụ còn đi hàng trăm cây số, vượt biển ra Côn Đảo để thắp hương cho những bạn tù đã vĩnh viễn nằm lại tại mảnh đất một thời là "địa ngục trần gian" – nơi kìm kẹp nhiều thế hệ các chiến sĩ yêu nước của ta. Trong vai trò là Hòa thượng, cụ đã tổ chức nhiều cuộc Đại lễ cầu siêu cho các vong linh liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và luôn động viên, dõi theo các đoàn tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, nhất là liệt sĩ là tù binh chiến tranh.
Với đức tính nhỏ nhẹ, khiêm tốn; cách ăn nói khúc triết, sâu sắc… cả cuộc đời, Hòa thượng Thích Thanh Tứ là một tấm gương mẫu mực về lối sống "Tốt đời, đẹp đạo". Cụ là sự hiện thân của quan điểm "Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc"… Bằng tâm đức và những đóng góp to lớn với Phật giáo, với niềm yêu kính của Phật tử và nhân dân, Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã được tín nhiệm giữ nhiều cương vị trong Giáo hội và các tổ chức, đoàn thể, như: Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện chủ Tùng lâm Quán Sứ, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn tôn giáo; nguyên Ủy viên BCH Hội Người cao tuổi Việt Nam; Ủy viên BCH Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản; Chủ tịch dòng họ Trần Việt Nam…
Ghi nhận những cống hiến với đất nước và dân tộc, Nhà nước đã tặng thưởng cụ Hòa thượng Thích Thanh Tứ nhiều huân chương, huy chương cao quý. Đặc biệt, trước lúc đi xa, cụ còn kịp tham dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho tập thể các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò, giai đoạn 1930-1954. Mới đây, ngày 23-10-2011, cụ vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh – Huân chương cao quý thể hiện sự đánh giá rất cao những đóng góp của cụ Hòa thượng đối với dân tộc và Phật giáo.
Trong dòng người lặng lẽ, xếp hàng vào viếng Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ tại Lễ đường Tùng Lâm, Quán Sứ, Hà Nội – chúng tôi, đại diện Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nhà tù Hỏa Lò giai đoạn 1930-1954, Ban giám đốc di tích Nhà tù Hỏa Lò, Ban giám đốc Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày là những đồng chí, đồng đội của cụ xin được thành kính tiễn biệt người đồng chí, người bạn, người anh – Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ về cõi Phật vĩnh hằng. Đối với chúng tôi, cụ Hòa thượng Thích Thanh Tứ thật xứng đáng với 8 chữ truyền thống của cựu tù cách mạng: "Tình nghĩa thủy chung / Kiên trung bất khuất".
NGUYỄN ĐÌNH CẦN (Nguyên UV thường trực Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò giai đoạn 1930-1954).