Người ảo hóa khoe thân ảo hóa,
Thuở chiêm bao thốt sự chiêm bao.
Rừng thiền ắt thấy nên đầm ấm,
Đường thế nào nơi chẳng thấp cao.
Hiện hữu là ảo hóa (maya), là trò chơi màu sắc của cầu vồng. Từ ảo đến ảo, từ người đến thân chẳng có gì thật sự đáng khoa trương, đáng phơi bày. Chữ “khoe” của Nguyễn Trãi thể hiện tài tình cái rồ dại huênh hoang của con người.
Người ảo hóa là ai? Chính là ta. Nhưng ảo hóa (maya) cũng là quyền lực bí ẩn đã tạo nên ta, đã ném ta vào trò chơi sinh tử. Cái maya đó đã được thi hào Tagore diễn tả như sau:
“Maya của người muốn tôi phát triển thật nhiều, rồi xoay mình ra mọi phía hắt bóng màu lốm đốm lên vẻ ngời sáng nơi người…Bài ca não lòng của người ngân vang khắp bầu trời thành hy vọng, nụ cười, niềm khiếp sợ, và nước mắt long lanh. Sóng triều dâng cao rồi chìm sâu, mộng vỡ lại thành. Trong tôi tụ đọng bản ngã thất vọng của người…Đám rước lớn lao rước người và tôi đã dong qua bầu trời. Không khí ngân rung tiết điệu của hai ta; và giữa chúng mình đã diễn ra qua bao thời đại trò chơi đi trốn đi tìm”. (Đỗ Khánh Hoan dịch)
Người ảo hóa, dù có khoe khoang thế nào, cũng phải chứng kiến thường xuyên cái bản ngã bại vong của mình, cái bản ngã được tạo kết từ ảo hóa maya. Như Tagore nói: “In me is thy own defeat of self”. (Gitanjali, bài số 71)
Thuở chiêm bao thốt sự chiêm bao. Bản thân thời gian là chiêm bao, và bản thân vạn sự là chiêm bao. Như sóng triều, dâng cao rồi chìm sâu, mộng vỡ lại thành (waves rise up and sink again, dreams break and form)
Người chiêm bao chỉ ú ớ những lời chiêm bao, chứ chẳng bao giờ dám ném chiêm bao đi. Trong Ức Trai thi tập, Nguyễn Trãi có nói đến cái chiêm bao đáng bị ném vứt:
Mạc ngoại hư danh thân thị ảo,
Mộng trung phù tục sự kham phao!
(Hư danh là ảo, dung thân ảo,
Phù thế trong mơ, ném cái mơ!)
Ném cái mơ đi, ném cái mộng sự đi (Phao là ném vứt). Ai có thể làm được điều đó?
Nguyễn Trãi nhiều lần cúi đầu trước bụi đất mà thương thân. Ông đi qua quê hương mà như quê hương đi qua ông. Đó là chiêm bao:
Lâm tuyền hữu ước na kham phụ
Trần thổ đê đầu chỉ tự liên
Hương lý tài qua như mộng đáo
Can qua vị tức hạnh thân tuyền.
(Suối rừng lỡ hẹn, phụ tình
Cúi đầu đất bụi chỉ mình ta đau
Làng quê trở gót chiêm bao
Còn nguyên thân thế mặc dầu lửa binh).
Những chiêm bao tan vỡ và hình thành liên tục trong thơ Nguyễn Trãi. Vì thơ ấy muốn nhìn thấu cái thế giới này, thế giới của mộng, huyễn, bào, ảnh như kinh Kim Cương đã nói.
Trong Quốc âm thi tập, bài số 32 mở đầu bằng câu:
Tưởng thân hư ảo nổi bằng bèo
Bài số 52 thì kết thúc như sau:
Dập dìu là ấy chiêm bao
Bài số 63 nhắc đến một tổ kiến trong mơ:
Mơ mơ bằng thuở giấc Hòe An.
Bài số 108 trình bày khát vọng tỉnh ngộ:
Phồn hoa một đoạn tỉnh mơ
Bài số 71, trở về cố hương bằng mộng:
Non quê ngày nọ chiêm bao thấy
Bài số 51 cũng là mộng cố hương:
Chiêm bao giờ đã đến trong…
Trong Ức Trai thi tập, chữ mộng còn được nhắc đến nhiều hơn nữa.
Đối với Ức Trai, cuộc đời làm quan chỉ là cái mơ hão huyền, cái mơ đáng ném vứt.
Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư
Giác lai vạn sự tổng thành hư
Như kim chỉ ái sơn trung trú
Kết ốc hoa biên độc cựu thư.
(Đời như một giấc mơ dư
Tỉnh ra, vạn sự thành hư không rồi
Giờ ta ở núi mà chơi
Bên hoa lều cỏ ta ngồi đọc thơ)
Và cuộc sống ấy dẫn đến thiền. Rừng thiền ắt thấy nên đầm ấm. Và nhà thơ về Côn Sơn, dưới bóng núi thiền, nơi mà từ đời Trần, các am chùa của Thiền phái Trúc Lâm đã rợp bóng, từ Trúc Lâm thiền sư đến Huyền Quang tôn giả.
Nhưng nói là như thế, Ức Trai khó lòng thực hiện giấc mơ gối đầu lên đá ngủ ở Côn Sơn:
Hà thời kết ốc vân phong hạ
Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên.
(Bao giờ nhà dựng bên mây
Pha trà nước suối, ngủ say đá rừng)
Xa cái đầm ấm của núi thiền, rừng thiền, cuộc đời của Ức Trai rơi vào bi kịch. Từ thượng uyển đến vườn Lệ Chi, con đường ác mộng.
Đường thế nơi nào chẳng thấp cao. Đó là nơi người ăn thịt người.
Ngôi nhà dưới mây núi Nguyễn Trãi chỉ có thể dựng lên bằng thơ ca. Thơ ca của người chính là sự giải thoát mà người không tìm thấy trong cuộc đời.