Máy thâu băng
Đêm qua trời đổ cơn mưa thật lớn làm đường phố lầy lội dơ bẩn. Những luồng gió lạnh vẫn còn thổi mạnh và bầu trời vẫn giăng giăng mây xám. Dường như là ông Mặt Trời đủng đỉnh không chịu vén màn nhìn xuống trần gian; ánhsáng mặt trời làm cho trái đất thêm phần ấm áp xinh tươi đầy sức sống, nhưng hôm nay thì thật là u ám quá.
Nhìn trời, nhìn mây, tôi thấy tâm hồn mình trì trệ hẳn lại, tối tăm hơn.
Một thanh niên trẻ trung đến gặp tôi. Anh ta có vẻ như là một “từ điển sống”, một “từ điển biết đi.” Những lời nói của anh ta sặc mùi sách vở. Một cái mùi đáng chán!
Mặc dầu anh ta đến để nghe tôi nói, nhưng thực ra tôi đang chịu đựng để nghe anh ta nói. Anh ta nói đủ thứ, nói huyên thuyên, nói dai dẳng – những điều anh ta nói toàn là nhai lại những gì người ta đã nói rồi – và anh ta cứ lập đi lập lại, tưởng rằng người khác sẽ kính sợ cái “mớ trí thức” của mình.
Lối học ngày nay cũng vậy, nó dạy người ta trở thành những cái máy nói thụ động, máy móc. Cái lối học đó không giúp cho con người mở mang trí óc và đi sâu vào vùng đất tâm linh trí tuệ – nó chỉ sản xuất ra những người máy, những cái máy thâu băng chánh hiệu.
Chung quanh tôi, có rất nhiều máy thâu băng như vậy. Họ thâu, họ lập lại những gì họ nghe, họ thấy mà chẳng hiểu gì cả. Nhưng nếu có một người trí nào nhắc nhở họ thì họ lập tức nổi nóng lên liền và cãi lý dữ dội.
Cánh cửa
Có một vị thầy gởi các đệ tử của mình đi tham vấn khắp nơi. Hết kỳ hạn thời gian vị thầy cho phép các đệ tử của vị ấy lần lượt trở về, chỉ thiếu một người.
Vị thầy rất bằng lòng về sự tu học cũng như kinh nghiệm gặt hái được của các đệ tử mình. Họ đã rút tỉa được rất nhiều kinh nghiệm sống cũng như đã thâu lượm được tinh hoa của sách vở, kinh điển.
Cuối cùng, người đệ tử chậm trở về với thầy cũng đã trở về.
Ông thầy nói:
-“Con đã về sau các huynh đệ con. Chắc con đã học hỏi được nhiều hơn?”
-“Con chẳng học được gì cả, hơn nữa con cũng quên luôn những gì Thầy đã dậy con.” Người học trò điềm nhiên trả lời.
Ông thầy bực bội, tuyệt vọng lắc đầu, bỏ đi.
Một ngày kia, người học trò “đặc biệt” đó vào kỳ lưng tắm cho thầy, khi kỳ eo lưng cho thầy, người học trò lẩm bẩm và vỗ vỗ vào lưng thầy mình:
-“Cái điện thờ thì đẹp, nhưng tiếc quá bên trong, không thấy tượng Phật đâu cả.”
Ông thầy nghe nói vậy, giận lắm. Ông ta hiểu nó muốn ám chỉ gì mình đây. Người đệ tử thấy thầy giận thì cười ha hả. Ông thầy càng đỏ mặt tía tai, hăm rằng nếu nó còn xấc láo như vậy nữa, ông ta sẽ tống cổ nó ra khỏi tu viện.
Ngày khác, khi ông thầy đang chăm chú ngồi đọc sách, người đệ tử đó lại đến gần, ngồi cạnh thầy. Ông thầy vẫn chăm chú tiếp tục đọc. Vào lúc đó, có một con ong bay lạc vào phòng và nó cố tìm đường ra. Nhưng con ong như bị lạc hướng. Cánh cửa phòng rộng mở như vậy mà con ong cứ húc đầu vào cánh cửa sổ đã đóng chặt. Con ong cứ húc đầu vào cánh cửa đóng đó mãi và tiếng ong kêu dzì dzì …làm người nghe phát sốt ruột.
Anh chàng đệ tử vội kêu lên:
-“Nè, con ong ngu xuẩn kia, không phải cánh cửa đó đâu. Hãy dừng lại, đừng húc đầu vào giấy dán cửa sổ nữa và nhìn lại sau ngươi đi. Cánh cửa mở rộng đó kia kìa!”
Không phải con ong mà chính ông thầy nghe những lời học trò mình nói, và ông đã “tìm thấy cánh cửa.” Đây là lần đầu tiên, ông nhìn kỹ vào mắt đệ tử mình. Đó không phải là đứa học trò mà ông đã cho nó đi tham vấn nữa. Ông thầy hiểu đệ tử mình đã trở về sau khi “nhận thức được điều gì” chứ không phải đã “học được” điều gì. Giờ thì ông đã hiểu câu nói của đệ tử mình “điện thờ không linh vì không có Phật.” Ông nhìn con ong và thấy nó cũng tìm được lối ra rồi.
Câu chuyện này là thông điệp của tôi. Đó là những gì tôi cứ nói mãi, nói đi nói lại, không thôi.
Khi dòng tâm thức thôi không xao động nữa, Phật Tánh, Chân Như xuất hiện.
Tôi mời bạn đi vào Chân Không. Đó là lời mời vào tôn giáo. Nếu bạn nhận lời mời này, bạn là một người có tôn giáo. Chúng ta chỉ cần có vậy thôi.
Trở thành vĩ nhân
Có một cậu bé nói với tôi “Tôi muốn trở thành một vĩ nhân giống như Đức Phật. Ông có thể chỉ cho tôi cách gì đạt đến mục đích đó không?”
Cậu bé đó không trẻ đâu. Cậu bé đó khoảng 60 tuổi rồi. Nhưng người nào hỏi tôi một câu hỏi như vậy, tôi đều cho là họ còn khờ dại bé bỏng, họ chưa trưởng thành. Vì sao? Vì người đã trưởng thành rồi thì không bao giờ muốn “trở thành một người khác mà không muốn là chính mình?”
Làm sao ta có thể thành một người khác được khi chính “ta đã đánh mất mình?”
Tôi cũng đã trãi qua giai đoạn ấu trĩ như vậy. Tôi cũng đã muốn trở thành một người khác; những nhân vật có tên tuổi, tiếng tăm, địa vị, đều là thần tượng của tôi, những ước mơ của tôi. Và tôi xoay cuộc đời tôi chung quanh những nhân vật đó. Tôi mơ tôi là họ, tôi sống trong mơ, tôi ngủ trong mơ. Nhưng rồi, một ngày, khi tôi sực tỉnh sau một cơn mộng dài mê muội, tôi thấy mình thật là trẻ con khi muốn trở thành một người khác.
Này các bạn tôi ơi, người nào muốn trở thành một người khác thì đã đánh mất chính mình rồi. Mỗi một hạt giống đều có sẵn trong nó một loại cây. Con người cũng vậy. Mỗi con người đều có chủng tử tốt xấu của chính con người đóï.
Hãy tìm hạt giống của chính mình. Đó là phương cách duy nhất để phát triển chính mình. Ngoài ra, không có cách nào khác. Trên con đường “tìm lại chính mình, sẽ có rất nhiều trở ngại, chông gai, thử thách, nhưng nếu ta không vượt qua được, ta sẽ không bao giờ tìm lại được con người thật của mình.”
Bàn thờ
Người nào muốn thấy được chân lý sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ một lý thuyết hay tư tưởng nào áp đặt lên mình. Nếu hắn ta chấp nhận một lý thuyết nào, tức khắc hắn sẽ xa rời chân lý ngay.
Để thấy được chân lý, con người cần có sự can đảm để phóng xả toàn vẹn tâm thức. Hắn phải chối bỏ mọi giáo điều, mọi khuôn khổ, mọi kỷ luật cứng ngắc, bảo thủ. Hắn cần phải có lòng dũng cảm để gạt bỏ ra ngoài những lý thuyết từ chương vô ích, những đam mê của tri thức. Một khi hắn bị đóng khung trong mớ hành trang không cần thiết đó, hắn sẽ đánh mất chính hắn và tấm màn vô minh đang che phủ trong tâm tư hắn càng lúc càng dầy đặc hơn.
Một Tổ Sư đã nói rằng: “Ngay cả khi ngươi gặp Phật, gặp Tổ ở giữa đường tu tập, ngươi cũng xô mạnh những hình tượng đó qua một bên.”
(văn nhà thiền: “Phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ”)
Tôi cũng nói như vậy. Con đường bạn và tôi đang đi là con đường độc hành, chỉ một mình ta lẻ bóng. Một khi ta không còn gì để biết, không còn gì để thấy, lúc đó chân trời Chân Lý xuất hiện rực rỡ trong tâm.
Có một thanh niên khi nghe tôi nói điều này, đã về nhà xô xập và dẹp bỏ bàn thờ. Khi tôi gặp anh ta và được anh ta cho biết như vậy, tôi đã cười thương hại:
-“Anh bạn, đáng lẽ dẹp bỏ những hình tượng trên bàn thờ, anh phải dẹp bỏ cái bàn thờ trong chính tâm hồn anh đó. Có ích gì khi anh phá tan đi các hình tượng bên ngoài mà trong tâm lại chất chứa không biết bao nhiêu là ngẫu tượng, giáo điều, khuynh hướng, lý tưởng, v.v.?
Thật tội nghiệp xiết bao!
Thần thông
Tôi ngạc nhiên xiết bao khi thấy nhiều người mờ mắt vì những xảo thuật bịp bợm của kẻ khác. Người ta dễ bị kẻ xấu lợi dụng lòng mê tín quyền năng hay phép lạ. Do sự mờ mịt thiếu suy xét cẩn thận đó, con người đâm ra sợ sệt, tôn sùng, kính phục những trò xảo thuật, những hào quang giả hiệu, phù phiếm, những lời nói dụ dỗ, sai lầm đưa họ vào nẻo tà, đường trái.
Vì chán cuộc đời nhiều bất an và đau khổ, con người mơ mộng có một thế giới tốt đẹp hơn, nhiều lạc thú hơn; và họ đi tìm những phương cách tu luyện để đạt thần thông hay quyền năng. Chính vì lòng tham muốn dại khờ đó, họ đã vô tình tự biến mình thành con mồi ngon cho kẻ khác đục khoét. Nơi đâu có tin đồn phép lạ xẩy ra, họ đổ xô chạy đến, nơi đâu có thần thông hào quang xuất hiện, họ ào đến để cầu xin giúp đỡ hay thỏa mãn tham muốn.
Họ đâu có biết rằng quyền năng chỉ có nơi các bậc tu chứng thượng thừa, cả một cuộc đời tinh khiết thanh bạch, trong sạch thân, khẩu, ý; và quyền năng được dùng để giúp đỡ người khác trong mục đích thiện chứ không phải để mưu lợi riêng tư.
Tuy nhiên, mọi người có một đời sống riêng và nghiệp quả riêng, dù tôi có khuyên bảo hay nói đúng sự thật, họ cũng chẳng chịu nghe, nếu họ có nghe thì chốc lát sau, họ cũng quên ngay; có khi trái lại, họ tỏ vẻ giận dữ hay khinh thường nữa. Con người thường chỉ thích nghe những gì hợp với ý mình, đúng với cái điều họ thích chứ không muốn nghe “sự thật” dù sự thật đó là một chân lý bất di bất dịch. Mặc dù họ đang “mê ngủ” hay “thiếu trí tuệ” cân nhắc mọi việc, nhưng họ không bằng lòng nếu ai đánh thức họ dậy.
Thực đáng tội nghiệp biết chừng nào! Họ như một người đeo đá nặng trăm cân, leo dốc núi hoài mà không tới đích được.
Mỏ châu báu
Con đường Đạo có rất nhiều ngã rẽ. Ở mỗi ngã rẽ đó, người ta tưởng là mình đã tới đích rồi.
Theo một lối nói và suy nghĩ nào đó, điều đó cũng có vẻ đúng, nhưng thực ra, trên con đường trở về “nhà”, có rất nhiều “hoá thành.”
Đây là thử thách khó khăn nhất mà đấng Đạo Sư muốn thúc đẩy ta tới. Ngài nói rằng: “Đây chỉ là bước đầu, còn rất nhiều sự mới lạ nữa đang chờ đợi con.” Mặc dù có thể ta ngờ ngợ không tin hoàn toàn vào những lời Đức Đạo Sư nói; tình thương và kính ngưỡng đối với Ngài vẫn thúc đẩy bước chân ta.
Có một câu chuyện cổ mà tôi rất thích.
Ngày xưa, có một lão tiều phu già, nghèo và cô độc, ngày ngày vào rừng đốn củi để sinh nhai. Đường dẫn vào rừng thì rậm rạp, quanh co và nhiều thú lạ.
Mỗi ngày vào rừng đốn củi, ông lão tiều phu luôn đến đặt tay vào chân một vị khất sĩ ngồi thiền định dưới một tàng cây to lớn. Vị khất sĩ này ngồi ở đó có thể đã lâu rồi, râu tóc mọc đầy và người phủ đầy bụi. Tuy nhiên, ông lão luôn cảm thấy có một sự an tĩnh tâm hồn toát ra từ gương mặt và con người của vị khất sĩ này, và ông lão rất hân hoan mỗi lần được chạm đến chân vị ẩn tu đó. Vì thế, lão tiều hay đến gần vị khất sĩ này trước khi vào rừng đốn củi.
Một hôm, khi lão tiều phu vừa đặt trán lên chân vị khất sĩ đó, thì ngài hé mắt ra, mỉm cười, khẽ nói: “Ngươi thực là một tên ngu.”
Lão tiều giựt nảy mình như bị điện chạm và tự hỏi: “Lạ qúa, đáng lẽ khi ta chạm chân ngài tỏ lòng kính ngưỡng, ngài không ban phước cho ta thì thôi, sao lại mắng ta ngu?”
Nhưng lão không dám hỏi, và ôm sự bực bội thắc mắc vào rừng.
Một lần, hai lần, ba lần . . . ngày đó, lão tiều thu hết can đảm và hỏi vị khất sĩ rằng:
-“Bạch ngài, ngài nói con ngu là có nghĩa gì vậy?”
Vị khất sĩ trả lời:
-“Ta nói ngươi ngu dại là vì ngươi vào rừng đốn củi mỗi ngày nhưng lại không biết là sâu hơn một tí nữa, ngươi sẽ tìm thấy một mỏ đồng ở đó. Nếu ngươi tìm thấy, ngươi sẽ sống khỏe, no đủ trong vòng 7 ngày, khỏi cần nhọc xác đi đốn củi nữa.”
Ông lão lẩm bẩm:
-“Ủa, không biết thật có mỏ đồng không hay là vị tu sĩ này giỡn cợt mình đây? Hình như ông ta không có vẻ đùa cợt; hay là mình thử nghe lời xem sao, biết đâu lại vớ được món bở . . .?”
Lão tiều hăm hở vác búa vào sâu hơn nữa và qủa thật, lão tìm thấy mỏ đồng. Mừng hết lớn, lão thu vét vác bao ra và thầm phục vị ẩn sĩ.
-“Hèn gì, ngài cứ nói mình ngu. Có mỏ đồng mà không biết, cứ đốn cây kiếm củi hoài.”
Hí hửng, lão tiều ra về và chỉ vào rừng đốn củi một tuần một lần. Lão gặp vị ẩn sĩ và đến chạm chân ngài. Vị ẩn sĩ lại cười nói:
-“Ngươi vẫn là một thằng ngu.”
Ông lão cự lại:
-“Không, con không còn ngu nữa đâu, con đã tìm thấy mỏ đồng rồi.”
-“Nếu ngươi vào sâu hơn một tí nữa, ngươi sẽ bắt gặp mỏ bạc đấy.”
-“Trời đất ơi, sao ngài không nói sớm hơn một tí nữa cho con nhờ?”
-“Bởi vì nhà ngươi không tin ta nói là có mỏ đồng thì làm sao ngươi tin là có mỏ bạc? Thôi, vào sâu hơn một tí nữa đi!”
Lần này thì lão tiều phu thích chí quá, chẳng còn nghi ngờ gì, co chân phóng sâu vào rừng. Qủa nhiên, có mỏ bạc thật.
Lão tiều phu trở ra, ngồi dưới chân vị ẩn sĩ và nói:
-“Con tìm thấy mỏ bạc rồi. Ngài ạ. Bây giờ con không cần vào rừng mỗi tuần nữa, mà một tháng con vào một lần. Con sẽ nhớ ngài và ân sủng của ngài. Con bắt đầu thích nghe ngài nói: “Ngươi quả là tên ngu xuẩn.”
-“Nhưng mà ngươi vẫn còn ngu thiệt.”
-“Ngay cả lúc con tìm thấy mỏ bạc rồi, con vẫn còn ngu sao?”
-“Đúng vậy, nếu ngươi đi sâu hơn nữa, sâu hơn một ít nữa, ngươi sẽ thấy mỏ vàng đó. Đừng đợi đến một tháng sau, ngày mai ngươi trở lại đây đi. Ta sẽ chỉ cho.”
Ông lão, lần này lại băn khoăn ngờ vực, tự nhủ: “Coi bộ lần này, vị đạo sĩ này đùa ta thiệt. Nếu thực có mỏ vàng, sao ông ấy không đi lấy để thụ hưởng mà lại ngồi khổ cực ở dưới tàng cây này, chịu đựng mưa gió, nắng bụi và sống nhờ vào thực phẩm của người ta dâng hiến, có khi họ mang đến, có khi không . . . lạ thiệt! Ừ, nhưng nếu có mỏ vàng thiệt, vì hai lần trước, ổng không có nói đùa với mình. Thôi kệ cứ đi thử xem, không có thì thôi, cũng chẳng hại gì. Ai biết được hư thực thế nào?”
Thế là lão tiều phu phóng vào rừng, sâu hơn nữa để tìm mỏ vàng và quả nhiên, lão tìm thấy một mỏ vàng khổng lồ. Lão té đụi xuống, không tin vào mắt mình nữa. Ồ, đây là khu rừng lão đã thường xuyên đốn củi mỗi ngày gần suốt cả cuộc đời lão, nhưng sao mấy cái mỏ qúi báu này, lão không hề thấy cà? Sao vị ẩn tu đó biết mà chỉ cho lão vậy? Lão tiều hí hửng khuân vàng ra, đến bên vị ẩn sĩ nói:
-“Lần này, ngài phải nói là con khôn rồi đó nghe. Con tìm thấy mỏ vàng rồi.”
-“Ngươi vẫn còn là một tên ngu. Ngày mai ngươi trở lại đây vì chưa hết đâu, vàng chỉ là bước đầu thôi.”
-“Sao? Vàng chỉ là bước đầu, còn cái gì nữa à?”
-“Ngươi hãy về đi, mai trở lại. Ngươi sẽ còn tìm thấy nữa, nhưng ta không nói bây giờ đâu, ngươi sẽ không ngủ được. Mai trở lại đi.”
Đúng vậy, lão tiều phu thao thức trằn trọc suốt đêm. Lão như người mộng du. Từ một người bần cùng, lão trở thành một trưởng giả, lão là chủ nhân mỏ đồng, mỏ bạc, mỏ vàng – và còn nữa, trời ơi, còn nữa . . .
Sáng sớm tinh mơ, lão đã trỗi dậy lò mò vào rừng để gặp vị ẩn sĩ. Lão kích động quá, hồi hộp qúa. Cái gì sẽ chờ đợi lão đây?
Vị ẩn sĩ mỉm cười, hé mắt ra nói:
-“Ta biết ngươi không ngủ được đâu, hãy đi hướng này, một mỏ châu báu tuyệt trần. Hãy cẩn thận lần này, từng bước chân ngươi vào trong mỏ châu báu này là từng bước chân ngươi đi vào một thế giới khác; nếu ngươi không cẩn thận, ngươi sẽ bị điên khùng đó. Hãy suy nghĩ cẩn thận.”
Lão tiều vừa đi vừa suy nghĩ. Tại sao? Tại sao? Tại sao vị ẩn sĩ đó không thụ hưởng mấy mỏ quí giá này? Tại sao ông ta không chỉ ngay mỏ kim cương mà lại dẫn dắt lão từ mỏ đồng đến mỏ bạc, mỏ vàng? Tại sao ông ta lại nói là lão vẫn còn ngu muội? Tại sao ai ai cũng ham vàng bạc mà ông ta lại không thèm? Tại sao? Tại sao?
Hàng trăm câu hỏi nhẩy múa trong đầu lão tiều và chân lão cứ đều đặn bước sâu vào rừng, sâu, sâu hơn nữa.
Một thứ ánh sáng diệu kỳ hắt vào mặt lão. Sáng, sáng lắm, đẹp, đẹp lắm, đẹp lạ lùng. Mỏ kim cương đây rồi. Những viên ngọc, những viên kim cương lấp lánh, ngời sáng.
Lão tiều phu ngồi xuống, lần này lão không há hốc mồm ra nữa, không dụi mắt nữa, không bàng hoàng nữa. Cái cảm giác điên dại vì vàng bạc đó không còn áp lực đối với lão nữa. Lão lặng lẽ ngồi xuống, nhìn đám kim cương ngọc ngà kia. Đầu óc lão đầy những câu hỏi tại sao, tại sao, nên ánh sáng rực rỡ của kim cương không còn sức hấp dẫn nữa. Có cái gì ẩn mật đằng sau cái mỏ vàng này, có cái gì sâu kín nhiệm mầu hơn mà vị ẩn tu kia muốn nói cho lão biết. Lão cứ ngồi và miên man suy nghĩ, suy nghĩ hoài. Bây giờ lão đã già rồi, ôm mấy cái mỏ vàng này để làm gì, lão cũng đâu có mang được hết qua bên kia thế giới, mà không biết lão có còn sống lâu để hưởng hết của cải này không, cái niềm vui hào hứng khi đào được mỏ đồng, mỏ vàng sao vội tắt ngúm, không lâu dài . . . Lão tiều ngồi yên lặng, đắm chìm trong dòng suy tưởng . . . và chợt, ồ, lão “thấy” rồi, lão “thấy” rồi!
Trong đống kim cương ngọc ngà kia, lão thấy hào quang bao bọc toàn thân vị ẩn sĩ và hình dung ngài vô cùng tươi tắn, đẹp đẽ, uy nghi khác thường. Ngài mỉm một nụ cười từ bi và đưa tay xoa đầu lão. Lão run run thưa:
-“Sao Ngài đợi đến giờ phút này mới đến bảo cho con hay? Sao Ngài để con trông chờ qúa lâu?”
-“Ta đợi đúng thời cơ, đúng nhân duyên mới gặt quả chín, bây giờ con không còn là một tên “khờ dại” nữa, con đã “tỉnh thức.” Đây mới thực sự là “nhà châu báu” của con, ngoài ra tất cả chỉ là “hóa thành”, là “lâu đài trên cát.”
Có Thượng Đế không? Chúng ta không biết.
Thực sự có linh hồn không? Chúng ta không biết.
Có một đời sống khác sau khi người ta chết đi không? Chúng ta không biết.
Đời sống con người có một ý nghĩa nào nữa không? Chúng ta không biết.
Trên đây là tất cả triết lý của đời sống con người mà người ta vẫn thường thắc mắc và tự hỏi. Nhưng câu trả lời duy nhất chỉ là “Ta không biết.”
Người ta đã tìm ra nguyên nhân của nhiều căn bệnh hiểm nghèo, người ta đã phát minh ra nhiều công trình khoa học vĩ đại, người ta cũng đã giải đáp nhiều bài toán tâm lý hóc búa; nhưng những câu hỏi tương tự như trên hình như vẫn còn kẹt đáp số.
Tôi đã học hỏi, đã hành trì nhiều phương pháp của vài đạo giáo, tuy nhiên tôi cũng vẫy vùng mò mẫm trong bóng tối của tâm linh; cho đến khi tôi nghiên cứu học hỏi đạo Phật, tôi đã tự giải đáp cho mình.
Đức Phật đã dạy môn đệ của Ngài:
-“Đừng phí thì giờ tìm hiểu những vấn đề vô ích, có linh hồn hay không có linh hồn, chết rồi đi về đâu, có thượng đế hay không có thượng đế v.v. Điều căn bản thiết thực nhất là nỗi khổ của Sanh, Lão, Bệnh, Tử của kiếp người và phương pháp giải thoát khổ đau ngay trong đời sống hiện tại.
Đó là việc làm của một con người “trí tuệ.”
Đúng vậy, một khi chúng ta dừng tìm kiếm bên ngoài và quay lại nhìn sâu vào bên trong chúng ta, chúng ta sẽ tìm thấy câu giải đáp cho mọi vấn đề siêu hình hay tâm linh, và qua sự tu tập hành trì thiền định, chúng ta dễ dàng bước vào thế giới nội tâm và giải thoát khỏi luân hồi sanh tử.
Giọng nói của Satan
Có một lần, những tín đồ của vị thần này đi đập phá thiêu hủy những tượng thần và đền thờ cuả một đạo giáo khác. Điều đó không có gì mới lạ cả. Nó đã xảy ra từ khi có loài người.
Từ khi khai thiên lập địa, con người đã tranh giành nhau để sống còn (và chỉ có loài người làm như vậy.) Tranh giành miếng ăn, đất sống và tranh giành cả đất cắm thần linh. Ngôi đền này kèn cựa ngôi đền kia, ông tu sĩ này hậm hực ông đạo sĩ nọ, bà vãi này nói xấu cô sãi kia v.v. Vì sao? Vì sao? Vì lòng tham cố hữu và bản ngã con người; vì thế, thay vì ban phát tình thương cho nhau, con người đã đốt cháy đồng loại bằng thuốc độc của hận thù và chia rẽ.
Tôi vừa về đến nhà sau khi nghe tin một ngôi đền đã bị phá sập. Nhưng những kẻ phá hoại đó vẫn chưa nguôi giận. Chúng còn hung hăng muốn đi tìm các đền thờ khác để đập phá nữa. Chúng cho rằng đó là cách để bảo vệ tôn giáo của chúng, và nếu còn một ngôi đền nào thờ thần khác, chúng nó sẽ không được an ổn nghỉ ngơi.
Tôi bật cười vì luận điệu đó. Bọn người này tức giận, đổ xô tới tôi:
-“Đây không phải trò đùa đâu nhé. Chúng tôi rất quan tâm tới “tôn giáo của chúng tôi và quyết lòng bảo vệ Thần của chúng tôi.”
Tôi hỏi:
-“Các vị có hiểu được tiếng nói của quỉ Satan không?
Bọn họ ngạc nhiên:
-“Tiếng nói đó như thế nào?
Tôi nhận xét rằng đám người này vẫn bô bô đọc kinh và cầu nguyện, nhưng rõ ràng họ không hiểu gì về tiếng nói của Satan cả.
Tôi kể cho họ nghe một câu chuyện.
“Trên một chuyến tàu viễn du, giữa đám đông hành khách đang ồn ào cười nói huyên thiên, lao xao qua lại, có một vị khất sĩ ngồi yên lặng cầu nguyện. Sự im lặng cầu nguyện của vị tu sĩ đó khiến vài người trong đám hành khách đó cảm thấy khó chịu, bực bội. Họ bắt đầu cười cợt, trêu ghẹo ông ta. Vị khất sĩ vẫn im lặng, thản nhiên. Đùa giỡn một hồi, thấy không có kết quả gì, đám hành khách đó lấy chân đá vào vị khất sĩ, lấy giầy đập lên đầu ông ta. Vị khất sĩ vẫn đắm mình trong thiền định và cầu nguyện, và những giọt nước mắt tình thương lăn dài xuống má của ông.”
Chợt, có tiếng nói trên không trung vang vọng:
-“Này con, nếu con muốn, ta sẽ lật úp con tàu này, hất bọn kia xuống biển.”
Đám hành khách lố lăng kia hoảng sợ, vội qùi xuống xin lỗi, năn nỉ khất sĩ tha tội cho họ. Họ biết là hành động xúc phạm của họ đã phải trả một giá rất đắt.
Vị khất sĩ đó điềm nhiên trả lời:
-“Đừng lo sợ,” và ông ngước mặt lên trời, nói: “Lạy Thượng Đế, nếu Ngài muốn chuyển đổi, thì xin Ngài chuyển hóa tâm tư ho, khiến họ quay về đường lành nẻo thiện, chứ Ngài lật úp con tàu này, thì cũng đâu có lợi ích gì?”
Tiếng nói trên không trung vang vọng:
-“Ta rất bằng lòng về con. Con nói đúng lắm. Giọng nói lần trước không phải là của ta. Chỉ khi nào người ta nhận ra được tiếng nói của Satan thì mới có thể nhận ra được giọng nói của ta, của thượng đế.”
Hãy suy nghĩ kỹ đi, các bạn. Các bạn đang nhận ra giọng nói của Satan hay của Phật, của Chúa, của thần thánh, v.v. . . .?