Để rồi không lâu sau đó, ngày 01-11-1963 cũng là ngày đánh dấu sự cáo chung của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm sau 9 năm tồn tại (1954-1963).
Vậy sự tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức có liên quan gì đến chế độ Diệm và sự sụp đổ của nó? Đây là vấn đề khiến tôi muốn quan tâm tìm hiểu.
Hoà thượng Thích Quảng Đức sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, tỉnh Khánh Hòa, xuất gia lúc 15 tuổi, tu học tại chùa Linh Mụ – Huế. Trước lúc tự thiêu, Ngài trú tại chùa Quán Thế Âm – Sài Gòn. Hoà thượng Thích Quảng Đức là người đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã tự nguyện hy hiến cuộc đời cho đại nghĩa giữa ngã tư đường Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt Sài Gòn, sáng ngày 11.6.1963.
Khi nói về Hoà thượng Thích Quảng Đức và sự kiện tự thiêu của Ngài, đã có rất nhiều bài viết được đăng trên các báo, tạp chí và sách từ trước tới nay. Tuy nhiên sức sống của ngọn lửa Thích Quảng Đức vẫn còn sống mãi trong lòng người dân Việt và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới bởi ý nghĩa lớn lao của sự kiện: không những Ngài đấu tranh cho bình đẳng tôn giáo mà cao hơn nữa là đấu tranh vì mục tiêu công bằng xã hội lúc bấy giờ. Tiến sĩ Robert Topmiller (Mỹ) viết: “Ngày nay, “ngọn đuốc sống” của Ngài vẫn được nhiều người Mỹ quan tâm nghiên cứu. Đó là một đề tài bất tận đối với khoa học phương Tây”(1).
Vì lẽ đó tôi chọn đề tài: “Ngọn lửa Thích Quảng Đức đấu tranh vì mục tiêu công bằng xã hội” làm bài dự thi của mình.
Trở về bối cảnh lịch sử những năm 1950-1960 của thế kỷ XX, khi nhân dân miền Nam đang sống dưới chế độ độc tài Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ hết sức đau khổ. Đồng bào miền Nam và giới tăng ni, phật tử bị chìm trong “9 năm biển máu” dưới thời Diệm. Một chế độ mà đặc điểm “là hối mại quyền thế, gia đình trị, tham nhũng, khinh miệt thuộc hạ và tàn nhẫn với những đòi hỏi của nhân dân”(2).
Đối với phật giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành chính sách kỳ thị tôn giáo hết sức dã man khiến cho giới tăng ni, phật tử và đồng bào miền Nam phải đứng lên đấu tranh quyết liệt. Chế độ này cũng đã thi hành rất nhiều hình thức thống trị, đàn áp kiểu thời trung cổ như bị chôn sống, bị thiên cư, bị nhục mạ…; giới phật tử còn bị vu khống là cộng sản, bị đặt ngoài vòng pháp luật, tức là sẽ bị khủng bố, tù đày, bắn giết. Xin lấy một dẫn chứng tiêu biểu để nói lên điều đó: tại Cà Mâu, ngày 27-7-1961, trong lúc 200 đồng bào và sư sãi Khmer họp tại chùa Cao Dân, xã Tân Lộc để làm lễ nhập hạ, binh lính Diệm đã bắn hàng loạt súng cối vào chùa làm hơn 20 đồng bào và sư sãi chết và bị thương, chùa bị thiệt hại nặng.
Như vậy từ trước tới nay, ngay cả dưới thời thuộc Pháp, chưa hề có một chế độ nào thi hành chính sách kỳ thị phật giáo khắc nghiệt kiểu như chế độ Diệm. Thế nên sự phản kháng của tín đồ Phật giáo đối với chính sách áp bức của chính quyền Ngô Đình Diệm có lúc được thể hiện ngấm ngầm, nhưng không kém phần quyết liệt để bảo vệ tôn giáo truyền thống của họ.
Ngày 9-5-1963, tại Sài Gòn, dưới hình thức một “Lá tâm thư”, gởi toàn thể Tăng, tín đồ, giới lãnh đạo Phật giáo đã vạch trần chính sách bất công của chính quyền Ngô Đình Diệm trong suốt 9 năm thống trị, rằng: “Phật tử chúng ta (cả xuất gia và tại gia) có nơi bị chôn sống, bị vu khống, bị tù đày, bị thiên cư, bị nhục mạ, ngày nay lại thêm cái tát đau đớn nữa là lá cờ Phật giáo Quốc tế – linh hồn của Phật giáo – bị hủy bỏ ngay ngày kỷ niệm Đấng Giáo chủ của chúng ta, đến nỗi cuộc hy sinh vì đạo đã phải diễn ra tại Huế”; đồng thời kêu gọi “toàn thể Phật giáo đồ, không phân biệt xuất gia hay tại gia, người Việt hay ngoại kiều, hễ ai còn nhiệt huyết vì đạo, chúng ta hãy tự bình tĩnh, luôn luôn muôn người như một, sẵn sàng bảo vệ đạo, chết vì đạo”(3).
Cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1963 không phải chỉ nói lên sự bất bình đẳng về tôn giáo mà còn là sự đọa đày bất công của người dân miền Nam Việt Nam dưới một chế độ tôn giáo ngoại lai độc tài bù nhìn Ngô Đình Diệm. Biến cố Phật Giáo năm 1963 chỉ là một giọt nước làm tràn ly đã quá đầy. Với cái nhìn thoáng qua chiều dài lịch sử như thế giúp chúng ta hiểu hơn cuộc tranh đấu do Phật giáo khởi xướng không những của toàn dân miền Nam Việt Nam mà là cuộc tranh đấu của những người yêu chuộng tự do, bình đẳng và công bằng xã hội trên khắp thế giới.
Công bằng xã hội đã được Đức Thế Tôn khẳng định như là một quy luật xã hội, cô đọng lại trong lời dạy nổi tiếng, mang tính vượt thời gian: “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có đẳng cấp trong giọt nước mắt cùng mặn”(4).
Từ khi quy ngưỡng giáo lý Phật đà cách đây hơn hai ngàn năm, người Phật tử Việt Nam qua bao thế hệ không chỉ hằng mơ ước mà đã xả thân cho mục tiêu công bằng xã hội, trong đó phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 được xem như là một trong những sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất. Ngay từ khi phong trào bắt đầu (7-5-1963), Phật giáo Việt Nam đã đặt vấn đề công bằng xã hội một cách cụ thể:
Về mục tiêu: “Bình đẳng và tự do cho tín ngưỡng Phật giáo (trong phạm vi nhân quyền); về đối tượng: “Chỉ phản đối chính sách bất công, không coi Chính phủ, nhất là không coi Thiên Chúa giáo là kẻ đối lập”(5).
Từ chủ trương đó, trong cuộc rước Phật từ chùa Diệu Đế về chùa Từ Đàm (Huế) vào sáng ngày 8-5-1963, Tăng Ni và Phật tử đã đưa cao các biểu ngữ: “Cờ Phật giáo Quốc tế không thể bị triệt hạ”; “Phật giáo đồ chỉ ủng hộ chính sách bình đẳng tôn giáo”; “Yêu cầu Chính phủ thi hành chính sách tôn giáo bình đẳng”; “Phản đối chính sách bất công, gian ác...”(6).
Giới lãnh đạo Phật giáo Việt Nam cho công bố bản Phụ đính của “Bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963”, trong đó khẳng định lại một lần nữa mục tiêu cuộc vận động: “Tranh đấu cho lý tưởng công bình, chứ không phải tranh đấu với tư cách một tôn giáo chống một tôn giáo”. “Có bình đẳng tôn giáo sẽ có bình đẳng về mọi mặt. Bình đẳng tôn giáo chẳng phải là thực chất thiết yếu của dân chủ, tự do ư? Phật giáo Việt Nam đã hiểu rõ nhu cầu của dân tộc và đặt cuộc vận động trong cuộc đấu tranh của dân tộc”(7).
Cuộc đấu tranh của giới tăng ni phật tử diễn ra rất nhiều hình thức theo phương châm bất bạo động như rước linh, biểu tình, tuyệt thực… Tuy nhiên, chính quyền Ngô Đình Diệm càng trở nên phản động hơn, ngoan cố hơn trước những mưu cầu nguyện vọng thiết thực của Phật giáo. Cuộc đấu tranh vì mục tiêu công bằng xã hội của Phật giáo Việt Nam càng lúc càng đứng trước tình thế “ngàn cân treo đầu sợi tóc”. Trong tình hình đó, giới lãnh đạo Phật giáo không còn cách nào khác, buộc phải chấp nhận hạnh nguyện tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức.
Ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã anh dũng tự thiêu giữa đường phố Sài Gòn trước sự chứng kiến của hàng chục vạn Tăng Ni, Phật tử cùng nhiều quan sát viên, báo chí quốc tế.
Trong các bút tích để lại, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã nói rõ hạnh nguyện tự thiêu của Ngài là nhằm đẩy lùi bất công và xây dựng công bằng xã hội.
“Vì sự bất công tôi thiêu xác
Khói hồn nguyện độ cảnh hàm oan”.
Hoặc:
“Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác
Tro trắng phẳng san hố bất bình”(8).
Đấu tranh vì mục tiêu công bằng xã hội ở Hòa thượng Thích Quảng Đức chứa đựng một tinh thần vị tha cao cả, rộng lớn của giáo lý Phật giáo: “Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, hãy thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để nước nhà vững yên muôn thuở”(9).
Hòa Thượng Quảng Đức hiến dâng đời mình bằng cách tự thiêu để thức tỉnh lương tâm của Tổng thống Diệm và lưu ý cho toàn thế giới. Người đã chịu đựng sự đau đớn của tia lửa hồng đang đốt cháy da thịt nhưng không một lời kêu than. Trước khi tự thiêu, Người gởi mấy lời cho Tổng thống Diệm. Đó là tiếng nói của tình thương, chứa đựng sự giải thoát của nhân dân miền Nam Việt Nam, yêu cầu Chính phủ Sài Gòn thực thi ngay quyền bình đẳng tôn giáo cho Phật giáo đồ và tự do cho dân chúng Việt Nam.
Báo cáo về tôn giáo của Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Đại hội Mặt trận lần thứ II (1-1-1964) viết: “Trong phong trào chung của các tôn giáo chống chế độ độc tài phát-xít Mỹ-Diệm và đòi tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, phong trào đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật vừa qua đã ghi đậm nét trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam”(10).
Trên bình diện quốc tế, cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam và sự tự thiêu của Hòa Thượng Quảng Đức vì mục tiêu công bằng xã hội đã thu hút sự chú ý của hầu hết mọi quốc gia, mọi tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức tôn giáo. Ngay cả Mỹ, tác giả của việc thiết kế chính quyền “Việt Nam Cộng Hòa” cũng phản đối Diệm về chính sách kỳ thị phật giáo. Vị tha cao cả và dũng mãnh của Phật giáo đã làm cho “cái chết vô úy của Hòa thượng Quảng Đức là một hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người, một tiếng gọi đàn cho hàng tứ chúng”(11).
Ngày 30-6-1963, tức hơn hai tuần sau khi Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, trong một bài giảng tại nhà thờ ở New York, Mục sư Donalds Harrington đã cho rằng cái chết của Thích Quảng Đức “đã cứu vớt bao nhiêu sinh linh đang chìm đắm trong khổ hận, kẻ đàn áp cũng như kẻ bị đàn áp đều bừng tỉnh. Ngài đã tô đậm nét vàng son vào trang sử huy hoàng của Phật giáo và dân tộc”(12).
Thượng tọa Thích Nhất Hạnh cho rằng: Báo chí gọi đó là một hành động tự tử, nhưng thực chất không phải. Ngay cả đó không phải là một hành động phản đối. Điều mà những vị sư đã viết trong những bức thư để lại trước lúc tự thiêu là nhằm cảnh tỉnh, là để chuyển đổi tâm tư của những nhà cầm quyền, và để kêu gọi thế giới quan tâm đến những nỗi thống khổ triền miên của người dân Việt Nam. Người tự thiêu là để chứng tỏ rằng nguyện vọng mà ông đề cập là tối ư quan trọng… Tu sĩ Việt Nam tự thiêu nói lên với tất cả sức mạnh và quyết chí rằng tôi có thể chịu đựng sự khổ đau cùng cực nhất để bảo vệ cho đồng bào của tôi…; để bày tỏ ước vọng bằng cách tự thiêu của một người. Vì thế, không phải là một hành động hủy diệt mà là một hành động tạo dựng, đó là, để đau khổ và để chết cho người khác. Như thế, tự thiêu không phải là một hành động tự tử.
Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Kết tinh trong một vị chân tu những nỗi căm hờn đối với một chế độ độc tài cá nhân gia đình trị, vô nhân đạo và bạo ngược, hành động dũng cảm của Hoà thượng Thích Quảng Đức là một bản án không gì bôi được với chế độ bù nhìn của Mỹ ở Sài Gòn; đồng thời là một lời kêu gọi đồng bào Phật tử đấu tranh chống phát-xít, dù chết không chịu lùi bước. Thật không phải thường có những cái chết kích động nhân tâm sâu sắc và rộng rãi như cái chết của Hoà thượng Thích Quảng Đức”(13).
Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, đỉnh cao là sự tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức tuy mang màu sắc tôn giáo, nhưng thực ra đây là sự vùng lên của cả một dân tộc nhằm xoá bỏ chế độ độc tài, giáo trị, gia đình trị Ngô Đình Diệm. Điều cần nhấn mạnh là sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân không chỉ vì để ủng hộ Phật giáo mà chính là ý thức dân tộc: “Cuộc lay đổ chính quyền Ngô Đình Diệm 1963 đã động viên không những được ý thức bảo vệ Phật giáo, mà cả ý thức bảo vệ quốc gia nữa. Nơi những người Phật tử, hai ý thức ấy hoà hợp với nhau không tách rời được. Chính rất nhiều phần tử không Phật giáo cũng tham dự cuộc vận động này, không phải vì để giúp đỡ Phật giáo, mà vì thấy cuộc vận động của Phật giáo phù hợp với nguyện vọng của dân tộc”. Trên thực tế, “phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo miền Nam đã vượt khỏi ranh giới đơn thuần mà hình thành một phong trào yêu nước rộng rãi trong toàn dân”(14).
Cuộc tranh đấu Phật giáo năm 1963 không giới hạn trong việc đòi hỏi sự bình đẳng và quyền tự do tôn giáo mà còn là một cuộc đòi hỏi về sự công bằng xã hội và quyền được sống an bình trong một quốc gia như bao nhiêu quốc gia khác trên thế giới. Cuộc vận động vì mục tiêu công bằng xã hội của Phật giáo Việt Nam 1963 là một sự kiện lịch sử – văn hóa có tầm vóc lớn lao. Vì thế, cuộc tranh đấu này được toàn dân, toàn quân ủng hộ và thế giới tán đồng.
Việc tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức là một đòi hỏi chính đáng. Với tư cách là một tín đồ phật giáo, Ngài đòi hỏi quyền bình đẳng tôn giáo; với tư cách là công dân của một đất nước, Ngài đòi hỏi quyền tự do dân chủ cho mình và cho mọi người. Hành động của Ngài cao cả và dũng cảm biết bao!
Tôi sực nhớ trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Ukraina – Nikolai A.Ostrovsky có đoạn viết: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...”.
Đúng vậy! Vốn quý nhất của con người là sự sống, là tín mạng bản thân. Thế nhưng Thượng tọa Thích Quảng Đức đã hiến dâng sự sống của mình vì lợi ích của đại chúng, vì sự nghiệp của dân tộc. Ngài đặt nền độc lập của dân tộc lên trên hết để giải thoát nỗi khổ của chúng sanh như lời phật dạy. Hành động của Ngài là một minh chứng lịch sử hùng hồn, bác bỏ mọi quan điểm, luận điệu của một số người cho rằng cái chết của Ngài chỉ đơn giản là sự ngông cuồng, cực đoan, sân si, tự tử hay tự sát.
Sự hy hiến bi hùng của Bồ Tát Thích Quảng Đức cũng như những ngọn lửa thiêng tiếp nối sau đó đã góp phần làm cho chính quyền Ngô Đình Diệm càng sớm bị sụp đổ, đúng như triết lý đạo phật đã nói: “gieo nhân nào thì gặp quả đó”. Suy rộng ra, đối với đất nước, cuộc vận động “bước đầu góp phần làm phá sản chính sách can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, tạo đà cho phong trào cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi trọn vẹn trong đại thắng mùa Xuân 1975”(15).
Từ sự kiện tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức nêu trên, chúng ta có thể rút ra một bài học vô giá, đó là: bất cứ một thể chế chính trị nào, nhà nước nào, không riêng gì Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới, chừng nào không tôn trọng, không thực thi quyền bình đẳng tôn giáo, tự do, dân chủ cho nhân dân và công bằng xã hội thì chừng đó không sớm thì muộn sẽ có kết cục bi thảm như chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Có nghĩa là: cuộc đấu tranh và sự hạnh nguyện hy sinh của Hòa thượng Quảng Đức là một minh chứng lịch sử, một bài học kinh nghiệm quý giá cho tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam về việc đề ra chủ trương, chính sách và thực hiện quyền bình đẳng tôn giáo, công bằng xã hội.
Thực tế cho thấy, lịch sử Việt Nam đã chứng minh từ khi du nhập vào nước ta, Phật giáo đã có những đóng góp to lớn trong quá trình dựng nước và giữ nước, đồng thời gắn bó mật thiết với dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử “phật giáo và dân tộc như hình với bóng”.
Việt Nam là một Nhà nước dân chủ. Nhận thức được ý nghĩa to lớn nêu trên, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng và quan tâm đúng mức việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Thật vậy, từ trước đến giờ, đặc biệt những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, đứng ra tổ chức hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo tổ chức rất nhiều hoạt động có ý nghĩa. Điển hình như Đại lễ Phật đản Quốc tế năm 2008 tại Hà Nội, tổ chức Đại lễ Cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ tại Thành Cổ Quảng Trị, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn… Không những thế, Phật giáo còn có nhiều hoạt động từ thiện đáng quý khác như giúp đỡ người nghèo, trẻ em mồ côi, người tàn tật… Những việc làm này phần nào nói lên tinh thần “sống tốt đời đẹp đạo”, phục vụ chúng sinh và đạo pháp của Phật giáo.
Với tinh thần thiện nguyện của Phật giáo, với sự lãnh đạo nhạy bén, sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta, tin rằng Phật giáo sẽ ngày càng trường tồn và phát huy hơn nữa trong sự nghiệp chung tay góp sức xây dựng nước nhà ngày càng giàu đẹp, hạnh phúc hơn.
Bài dự thi Cuộc thi: viết về Bồ Tát Thích Quảng Đức trong trái tim tôi
————————–
Chú thích:
1,2.3,4,5,6,7,8,9,10,11,12,13,14,15: Lê Cung – “Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963”. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.