Trang chủ Diễn đàn Ngọn đèn nhỏ trong đêm

Ngọn đèn nhỏ trong đêm

Điều này chứng tỏ tăng đoàn chúng ta ngày càng được đào tạo chính quy, nâng cao kiến thức, quả đáng mừng so với mấy chục năm trước chỉ thấy người gõ mõ tụng kinh là đã hài lòng.

Đương nhiên chúng ta vẫn nên phát huy công tác đào tạo này, bởi trình độ kiến thức của Phật tử nói chung đã nâng cao, nếu chư tăng không học hành thì sẽ xuất hiện “độ chênh”, làm sao đồng hành với họ để mà giáo hoá.

Tuy nhiên, việc học nhiều như thế nếu không khéo cũng gây ra những hệ quả đáng buồn.

Thứ nhất, tăng ni sinh bỗng thấy mình trở nên quan trọng, bởi cái gọi là “chất xám”. Hồi chưa đi học thì việc nhỏ việc lớn gì cũng làm không nề hà, nhưng khi đi học rồi bỗng sinh ra nhàm chán những công việc quen thuộc, những lao tác cần có trong chùa, những phận sự nho nhỏ. Và bắt đầu mơ ước những thứ lớn lao hơn.

Mơ ước này dĩ nhiên cũng chính đáng, nhưng đôi khi nó trở thành một cái gì quá tầm tay mà chính vị đó không hề hay biết, rồi sinh ra bất đắc chí, khổ sở. Đó là hệ quả thứ hai của việc đi học.

Chúng tôi từng chứng kiến một số vị sau khi học Cao cấp xong cứ muốn trở về làm việc ngay, muốn được cơ cấu vào Tỉnh Hội hoặc Ban đại diện huyện, chứ không muốn trở về chùa của mình như trước.

Thật ra, trong lòng quý vị cũng nuôi một tâm huyết rất tốt là đem sức trẻ ra cống hiến, làm việc này việc kia, năng nổ, cách tân hoạt động Phật sự, đặc biệt không thích sự chậm chạp của nông thôn như trước.

Tâm huyết ấy đáng ghi nhận, chỉ tiếc rằng, khi người thực hiện quá nôn nóng thì nó quay trở lại làm khổ người đó. Quá nôn nóng ở chỗ, chưa chi đã muốn đẩy những người cũ, những vị tôn túc ra khỏi chức vụ, thì đã không đắc nhân tâm rồi.

Nên hiểu tâm lý con người, dù là xuất gia, thì ai cũng nặng lòng với cương vị đang mang, đâu dễ rời đi nhanh chóng.

Thứ hai, làm sao Tỉnh Hội biết năng lực và uy tín của người mới ra trường như thế nào mà cơ cấu ngay vào làm việc. Bao giờ người ta cũng dè dặt với người mới, người trẻ, chuyện nghìn đời. Nếu chúng ta nắm được cái tâm lý và cái sự đời vốn dĩ như thế, thì chúng ta chắc chẳng ngạc nhiên hay bực bội làm gì.

Vấn đề là làm sao thực hiện được tâm huyết của mình mà không biến nó thành nỗi khổ tâm đáng tiếc. Chúng tôi xin trao đổi một vài ý kiến như sau. Còn nhớ ngày xưa, chúng tôi đọc được một câu rằng: “Nếu không làm được trăng sao chiếu sáng cả bầu trời, thì hãy làm một ngọn đèn nhỏ đủ thắp sáng căn phòng”.

Đối chiếu với hoàn cảnh ngày nay, có lẽ câu ấy cũng có tác dụng. Thiết nghĩ, mơ ước thì ai cũng có quyền mơ ước, vì nếu không mơ ước thì con người chắc rơi vào an phận, thụ động, làm sao Giáo Hội và chúng sanh được nhờ.

Nhưng từ mơ ước tới khi thực hiện là cả một quãng đường không đơn giản. Có khi thất bại hẳn, có khi không làm được bao nhiêu. Thật sự một người làm nên sự nghiệp lớn là có yếu tố ý chí và phước duyên đầy đủ. Khi không đủ phước duyên, mình phải tự kiểm lại mình thay vì ngồi trách móc thiên hạ, rồi buông xuôi phó mặc, bất đắc chí, bất mãn.

Có người bỏ xứ đi luôn, trở lên thành phố học tiếp, học hoài mà không biết sẽ về đâu, làm gì. Từ chỗ nôn nóng của tuổi trẻ, xoay qua bỏ mặc, đều là những thái cực.

Chúng tôi nghĩ rằng nếu không đủ phước duyên làm ngay việc lớn thì hãy thử bắt tay vào làm từ những việc nho nhỏ xem sao. Thí dụ, nếu không được thuyết pháp cho hàng trăm thính chúng trong giảng đường, thì xin giảng một bài pháp 15 phút cho 5,10 Phật tử đến chùa tụng kinh mỗi tối.

Nếu không làm Phật sự lớn trên Tỉnh Hội thì xin thử hướng dẫn 10, 20 em nhỏ tại chính trú xứ của mình. Chúng tôi thấy nhiều vị ước mơ làm chuyện thật lớn ở đâu đâu, làm chẳng xong, mà chính Phật tử tại chùa vị ấy lại không biết gì về Tam quy, Ngũ giới… những bài học hết sức cơ bản.

Tại sao quý vị lại không giáo hoá những người thân thương nhất, gắn bó với chùa mình lâu ngày nhất, hoặc những em nhỏ lui tới hằng ngày tâm hồn còn trong veo, thánh thiện?

Nói về sự nghiệp thì có lớn có nhỏ, nhưng nói về tâm thương yêu chúng sanh thì đồng như nhau, không lớn không nhỏ, về tâm hạnh Bồ Tát thì bình đẳng, không cao không thấp. Dạy cho một người mà lòng chúng ta thương yêu, từ ái, thì công đức ấy đâu có nhỏ hơn dạy cho hàng trăm người mà lòng sinh ngã mạn.

Nếu như mỗi vị chịu khó thắp lên ngọn đèn nhỏ nơi chính trú xứ của mình, thì Phật giáo chúng ta cũng có hàng triệu ngọn đèn thật sáng đều khắp các địa phương.

Chúng tôi thử làm một bài toán, mỗi vị chỉ cần giáo hoá 20 em nhỏ quanh chùa, thì riêng tỉnh Đồng Tháp với hơn 200 ngôi chùa, chúng ta đã có 4000 em nhỏ hiểu biết Phật pháp, lớn lên thành những công dân lương thiện giúp ích cho xã hội. Con số ấy không nhỏ chút nào nếu nhân lên với mấy mươi tỉnh thành trong cả nước.

Thế thì ai dám chê những ngọn đèn nhỏ kia? Và tại sao chúng ta lại mặc cảm khi mình đã thắp sáng được như thế? Một khi đã gọi là tâm huyết thì dạy 1 người cũng là tâm huyết, còn hơn bất mãn buông xuôi không thèm làm gì hết.

Chợt nhớ chuyện bà lão ở một tỉnh miền Trung, ngày ngày cặm cụi ra bãi cát trồng một cây phi lao, bà nghĩ rằng sống một ngày cũng phải ráng cho có ích, trồng một cây rồi chết cũng an lòng. Không ngờ bà vẫn sống và bãi cát thành một rừng cây vĩ đại.

Vậy đó, tại sao chúng ta không thử làm từng chuyện nhỏ, một ngày nào đó phước duyên tích luỹ đầy đủ thì sự nghiệp lớn thành tựu, lo gì. Khi đã làm được việc này việc kia, thì Giáo Hội và chính quyền mới thấy được năng lực của ta mà mời ra cộng tác.

Có câu: “Ngọn đèn đã sáng rồi thì lấy thúng úp nó ánh sáng vẫn toả ra”. Thậm chí nếu không được ai vời đến thì mình cũng làm tròn nhiệm vụ của mình, xây dựng trú xứ an lành đã là quá tốt. Tay dài thì ta với ra xa, còn tay ngắn hơn, năng lực hạn chế hơn thì ta làm việc vừa tầm. Chỉ lo tay ngắn mà mơ ước lại quá tầm, đâm ra khổ.

Làm mà không mong cầu mới thật kỳ diệu. Hay là chúng ta chỉ mong làm nên sự nghiệp lớn để được nổi tiếng, được trọng vọng, chứ làm một ông thầy giáo làng ai mà biết đến? Huynh đệ của mình đi học về làm chức này chức kia,  còn mình lủi thủi dạy trong một ngôi chùa làng, sao mà tự ái?

Thử mổ xẻ thật lòng cái tâm của mình, biết đâu mình đang chạy theo hư ảo chứ không hề chân thành với ngôi nhà mà Như Lai để lại. Ngôi nhà ấy nếu đã có người làm cột, làm kèo, thì mình cũng xin làm một cây đinh nhỏ, một tấm ngói đơn sơ, miễn sao sự đóng góp đó là chí tâm chí nguyện.

Phật giáo đang bước vào giai đoạn mới rất cần sức cống hiến của người trẻ tuổi, được ăn học đàng hoàng. Xin đừng câu nệ vị trí lớn nhỏ, mà hãy lấy tâm Bồ Tát thương yêu chúng sanh làm thao thức hàng đầu. Ở đâu có chúng sanh đau khổ, ở đó cần quý vị nâng đỡ.

Đặc biệt vùng nông thôn hiện nay, đang phát triển đông dân hơn trước, rất cần quý vị về bám trụ, giáo hoá. Chúng ta đa số đều xuất thân nông thôn đi lên thành phố học hành, nên nghĩ về mảnh đất và những con người đã nuôi mình khôn lớn.