Trường mầm non bán trú từ thiện Tịnh Nghiêm, toạ lạc tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành lập từ tháng 9.2006. Trường do chùa Tịnh Nghiêm đầu tư xây dựng với tổng kinh phí ban đầu gần 2 tỉ đồng trên khuôn viên rộng hơn 2.000m2, gồm sáu phòng học và các phòng chức năng, sân chơi cho trẻ, bếp ăn… đều đảm bảo đúng chuẩn ngành giáo dục.
Trường của học trò nghèo
Người sáng lập trường, ni sư Thích Nữ Tịnh Nghiêm, trụ trì chùa Tịnh Nghiêm, 59 tuổi, gần 40 năm quy y Phật pháp, kể rằng trước năm 2006 trên những bước đường giảng kinh hoằng pháp, bà thường xuyên chứng kiến cảnh nhiều trẻ em nghèo thất học, suốt ngày lăn lóc nơi đầu đường, xó chợ. Tìm hiểu kỹ, bà được biết trong quá trình đô thị hoá, dòng người lao động nghèo nhập cư vào thành phố và người nghèo ở địa phương vì chật vật kiếm miếng cơm manh áo hàng ngày nên không có điều kiện cho con em mình đến trường. Họ là những người bán vé số, người bán hàng rong, mua phế liệu phải dẫn con theo trên khắp nẻo đường. Có những người vợ vừa nuôi chồng bị bệnh tâm thần vừa nuôi đàn con nhỏ. Có nhiều trường hợp trẻ thơ vừa chào đời thì không còn mẹ.
Nhiều đêm thức khuya tụng niệm kinh Phật, ni sư Tịnh Nghiêm cứ day dứt trước viễn cảnh những đứa trẻ thơ lăn lóc ngoài đường bị bao hiểm hoạ rình rập, rất dễ bị những kẻ xấu lợi dụng. “Một lần gặp cô Đồng Thị Bạch Tuyết, lúc đó là giám đốc sở Giáo dục và đào tạo Tiền Giang, tôi bày tỏ suy nghĩ, day dứt của mình, cô Tuyết rất đồng cảm và gợi ý nhà chùa lập trường mầm non”, ni sư Tịnh Nghiêm nhớ lại.
Ý tưởng thành lập trường mầm non từ thiện được các ni cô, phật tử của chùa Tịnh Nghiêm nhiệt liệt hưởng ứng. Không có đất xây trường, ni cô Viên Chiếu hiến 600 m2 đất và cho mượn ngôi nhà, phật tử Minh Huệ cho mượn thêm đất để xây dựng trường. Hàng trăm gia đình nghèo hay tin đã mang con, cháu đến gửi gắm cho nhà chùa, họ không phải tốn đồng phí nào, kể cả đồng phục. Mỗi tháng nhà chùa phải chi ra khoảng 100 triệu đồng để mua thức ăn, trả lương cho giáo viên, bảo mẫu và chi trả các hoạt động phí của trường. Tất cả chi phí đều do ban từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh, các chùa lân cận, phật tử gần xa, ẩm thực chay Bồ đề quán và các tổ chức, cá nhân như nhóm Lion Pháp, hội Cannelle… ủng hộ, chùa Tịnh Nghiêm mới đủ sức duy trì lớp học. Trong năm học 2010 – 2011 trường có 220 trẻ em theo học các khối lớp nhà trẻ và mẫu giáo.
Cũng lắm gian truân
“Rất nhiều người giàu, khá giả đem con cháu tới xin gửi vào học, họ sẽ đóng góp, bồi dưỡng hậu hĩ, nhưng tôi cương quyết không nhận. Đây là ngôi trường dành riêng cho trẻ nghèo, có một vài trẻ giàu vào học sẽ phát sinh nhiều điều rắc rối tế nhị, không phải do các cháu gây ra mà do phía gia đình, nên trường nhất định không thu nhận”, ni sư Tịnh Nghiêm giải thích.
“Rất nhiều người khá giả đem con cháu tới xin gửi, họ sẽ đóng góp, bồi dưỡng hậu hĩ, nhưng tôi cương quyết không nhận. Đây là ngôi trường dành riêng cho trẻ nghèo”. Ni sư Tịnh Nghiêm |
Các ni sư ở chùa Tịnh Nghiêm cho biết sau khi thành lập, phải mất hai năm tranh cãi ngành giáo dục thành phố Mỹ Tho mới cấp phép cho trường hoạt động. Các cơ quan hữu trách thấy chi phí cả trăm triệu đồng/tháng nên yêu cầu phải thu học phí của trẻ, nhưng nhà chùa cương quyết không thu, bởi thu tiền của cha mẹ các cháu, dù chỉ là một đồng tượng trưng, cũng sẽ mất đi ý nghĩa giáo dục miễn phí vì người nghèo khi lập trường. Tranh đấu mãi, cuối cùng tỉnh, thành phố mới đồng ý không thu học phí và cấp phép cho trường hoạt động”, ni sư Tịnh Nghiêm nhớ lại.
Nhưng sau bốn năm hoạt động, trường mầm non Tịnh Nghiêm vẫn chưa thể giải quyết bài toán biến động giáo viên. Ni sư Tịnh Nghiêm cho biết, giáo viên của trường đều có trình độ chuyên môn thấp nhất là trung học sư phạm mầm non, giáo viên thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng, bảo mẫu gần 1,5 triệu đồng/tháng, được bố trí chỗ ở, ăn miễn phí. Tất cả những người hợp đồng lao động một năm trở lên đều được nhà chùa mua bảo hiểm xã hội. Nhưng giáo viên của trường giảng dạy một thời gian là bỏ đi nơi khác vì nhà trường không được ngành giáo dục cho biên chế giáo viên, nhà chùa phải chạy vạy khắp nơi tìm người để hợp đồng.
“Năm nào chúng tôi cũng đề nghị ngành giáo dục cho biên chế, giới thiệu các giáo viên mầm non mới ra trường, được đào tạo chính quy, nhưng phòng giáo dục thành phố Mỹ Tho đều lắc đầu, nói không có. Cho nên nhiều giáo viên xem trường này như nơi thực tập tay nghề, khi cứng cáp, xin được về trường khác có biên chế, họ liền dứt áo ra đi”, ni sư Tịnh Nghiêm bùi ngùi nói.
Một vấn đề khác mà các ni sư ở chùa Tịnh Nghiêm cũng chưa biết giải quyết ra sao là chuyện thuế của quán ẩm thực chay Bồ Đề. Đây là ngôi quán được nhà chùa mở ra để có thêm thu nhập làm chi phí cho hoạt động của trường, nhưng ngành thuế yêu cầu phải nộp thuế, dù nhà chùa đã tha thiết xin miễn giảm.