Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Ngồi thiền theo lời Phật dạy

Ngồi thiền theo lời Phật dạy

13559

Qua kinh nghiệm thiền tập và tâm chân thành học hỏi lời Phật, người học Thiền thấy muốn Thiền và thụ hưởng được kết quả tốt đẹp của Thiền, ngồi thiền phải được ưu tiên thực tập.

a. Kỷ thuật Thiền:

Đọc lại từng lời Phật giảng trong Kinh Saccaka, Tứ niệm xứ, Thân hành niệm và Quán niệm hơi thở, người học Thiền thấy có ba kỷ thuật Thiền được Đức Phật chia sẻ.

1. Chánh niệm:

Chánh niệm được hiểu là “ghi nhận đơn thuần”. Ghi nhận những gì đang diễn ra, không chủ quan, không tham dự vào cảm xúc hay nhận thức. Như Đức Phật nói: “Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri (biết): Tôi thở vô dài; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri (biết): Tôi thở ra dài; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri (biết): Tôi thở vô ngắn; hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri (biết): Tôi thở ra ngắn.”[1] . Chánh niệm ở đây chính là ghi nhận, biết hơi thở diễn ra như nó đang là. Không có suy nghĩ, không có mong muốn, không có phán xét, không có can dự và không có áp đặt. Để thân, tâm, hơi thở và ngoại giới tự nhiên, người hành Thiền chỉ có một yêu cầu là “quan sát và ghi nhận”. Mục đích của chánh niệm là đạt tới tâm giải thoát.

2. Quán niệm:

Quán niệm được hiểu là “ghi nhận có chủ ý”. Quán niệm khác Chánh niệm ở chổ “có chủ ý” và “đơn thuần”. Người quán niệm thay vì chỉ đơn thuần ghi nhận (như Chánh niệm), người ấy ghi nhận theo chủ ý của mình. Như Đức Phật nói: “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô, vị ấy tập; Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập; An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô, vị ấy tập; An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập.”[2] . Quán niệm ở đây (như lời Phật) có nghĩa trước hết phải có chủ ý, sau đó ghi nhận theo chủ ý đó. Lời hướng dẫn “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô, vị ấy tập; Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập” cho thấy rõ người tập Thiền thở có ý thức và chủ quan ghi nhận cảm giác toàn thân mình. Mục đích của quán niệm là nhìn thấy sự thật của thân, tâm và ngoại giới, đạt tới tuệ giải thoát.

3. Hướng tâm:

Hướng tâm được hiểu là đưa tâm ý mình hướng đến một mục tiêu, thực hiện một mục đích. Với những ai có tâm giải thoát và tuệ giải thoát, hướng tâm chính là cách triển khai thần lực tinh thần. Đại kinh Saccaka còn ghi lại Đức Phật nhờ sử dụng phương pháp hướng tâm mà thành tựu minh trí, nhớ lại toàn bộ quá khứ của mình: “Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh. Ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này.” [3]

b. Mục đích Thiền:

Khi đã nắm bắt được kỷ thuật thiền, để có hiệu quả tốt trong thiền tập, người học thiền cũng cần thấy rõ mục đích thiền tập của mình. Thiếu mục đích rõ ràng, người thiền tập khó có đủ nhiệt tình, tinh tấn, kiên nhẫn để thành tựu những gì cần thành tựu.

Trong bài giảng Quán niệm hơi thở, Tứ niệm xứ hay Thân hành niệm, Đức Phật đều nói rõ mục đích và thành quả của thực hành. Ví dụ trong Tứ niệm xứ Đức Phật nói: “Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất (Tứ niệm xứ) đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn.”

Như thế, mục đích Thiền (theo lời Phật) rất rõ ràng là vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí và chứng ngộ Niết-bàn. Trong kinh Thân hành niệm Đức Phật còn liệt kê cả mười thành quả của Thân hành niệm để người học Thiền biết và tự có mục đích:

“(1) Lạc bất lạc được nhiếp phục, và bất lạc không nhiếp phục vị ấy, và vị ấy sống luôn luôn nhiếp phục bất lạc được khởi lên; (2) khiếp đảm sợ hãi được nhiếp phục, và khiếp đảm sợ hãi không nhiếp phục vị ấy, và vị ấy luôn luôn nhiếp phục khiếp đảm sợ hãi được khởi lên. (3) Vị ấy kham nhẫn được lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, mặt trời, các loài rắn rết, các cách nói khó chịu, khó chấp nhận. Vị ấy có khả năng chịu đựng được những cảm thọ về thân khởi lên, khổ đau, nhói đau, thô bạo, chói đau, bất khả ý, bất khả ái, đưa đến chết điếng. (4) Tùy theo ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức, vị ấy chứng được bốn Thiền, thuần túy tâm tư, hiện tại lạc trú. (5) Vị ấy chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện một thân; hiện hình biến đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể, thân có thần thông bay cho đến Phạm thiên; (6) với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng, chư Thiên và loài Người, ở xa hay ở gần. (7) Với tâm của vị ấy, vị ấy biết tâm của các chúng sanh, các loại người; tâm có tham, biết tâm có tham; tâm không tham, biết tâm không tham; tâm có sân, biết tâm có sân; tâm không sân, biết tâm không sân; tâm có si, biết tâm có si; tâm không si, biết tâm không si; tâm chuyên chú, biết tâm chuyên chú; tâm tán loạn, biết tâm tán loạn; tâm đại hành, biết tâm đại hành; tâm không đại hành, biết tâm không đại hành; tâm chưa vô thượng, biết tâm chưa vô thượng; tâm vô thượng, biết tâm vô thượng; tâm Thiền định, biết tâm Thiền định; tâm không Thiền định, biết tâm không Thiền định; tâm giải thoát, biết tâm giải thoát; tâm không giải thoát, biết tâm không giải thoát. (8) Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ với các nét đại cương và các chi tiết. (9) Với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, vị ấy thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. (10) Với sự diệt trừ các lậu hoặc, sau khi tự mình chứng tri với thượng trí, vị ấy chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát không có lậu hoặc.”[4]

c. Ngồi Thiền:

Có kỷ thuật và có mục đích, người học Thiền được xem như đã có điều kiện đủ để sẳn sàng thực hành và thành tựu. Năng lượng nhiệt tâm, tinh cần của người ấy sẽ cho người ấy đủ kiên trì và sáng tạo để đi tới được tốt đẹp trên con đường Thiền. Cần lưu ý là tâm thiền chứ không phải thân thiền. Thân sẽ theo tâm. Tuy nhiên, thân ngồi yên trong tư thế hoa sen được Phật khuyến khích.

1. Ngồi yên

Chọn một không gian yên tĩnh, thoáng mát, thích hợp với điều kiện bản thân. Chọn khu rừng, gốc cây, hay ngôi nhà trống theo đề nghị của Đức Phật để ngồi thiền thì càng hay [5]. Ngồi kiết già hoặc bán già (tư thế hoa sen), lưng thẳng (tự nhiên, không gượng ép), trở về với giây phút hiện tại, ghi nhận hiện trạng của thân và tâm. Trong trường hợp có bệnh, có thể ngồi yên trên ghế.

2. Chánh niệm hơi thở

Khi đã ngồi yên (như phần ngồi yên), mắt nhắm nhẹ, ý thức hơi thở ra vào, buông thư hoàn toàn, ghi nhận hơi thở vào và ra, biết rõ hiện trạng của thân và tâm nhưng không có phán xét hay áp đặt bất kỳ một hệ giá trị sống nào. Tự nhiên, tĩnh lặng, biết hơi thở ra vào, cảm nhận rung động của sự sống đang diễn ra trong thân, tâm và ngoại giới. Ghi nhận đơn thuần. Cảm nhận đơn thuần. Biết rõ đơn thuần. Để thế giới và chính mình như nó là, chỉ giữ lại một tâm biết rõ. Thư giản, hồn nhiên, định tĩnh, trong sáng theo từng hơi thở ra vào. Quá khứ và tương lai rũ bỏ hết. An trú chánh niệm (ghi nhận đơn thuần) trong giây phút hiện tại. Tại đây và ngay bây giờ là toàn bộ chính mình, là sự sống chính mình. Không truy tìm, không lo lắng, không mơ tưởng, người ngồi thiền ngồi yên với tâm tĩnh lặng, chú tâm biết rõ hơi thở ra vào như chính nó. Như thế, người học thiền đang thực tập chánh niệm hơi thở trong tư thế ngồi yên (Thiền chánh niệm hơi thở).

Ngồi yên chánh niệm hơi thở là bài thiền tập căn bản trong tất cả các bài thiền tập được Phật hướng dẫn. Nó là nền tảng cơ bản của thiền tập theo Đức Phật. Kinh Tứ niệm xứ, Thân hành niệm và Quán niệm hơi thở còn ghi lại lời Phật hướng dẫn các học trò thực hành bài thiền tập cơ bản này: “Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống và ngồi kiết-già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Chánh niệm, vị ấy thở vô. Chánh niệm, vị ấy thở ra. Hay thở vô dài, vị ấy biết: Tôi thở vô dài. Hay thở ra dài, vị ấy biết: Tôi thở ra dài. Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: Tôi thở vô ngắn. Hay thở ra ngắn, vị ấy biết: Tôi thở ra ngắn.

Ngồi yên chánh niệm hơi thở nếu được thực tập tốt đẹp trong vòng 30 đến 45 phút, có thể làm cho tâm rất an và thân rất khoẻ. Một sự thư giản, định tĩnh, an lạc xuất hiện bao trùm thân tâm người thực tập. Đời sống người ấy sẽ trở nên sinh động, có lòng thương và rất biết trân trọng tự thân và muôn loại. Tất nhiên, nếu ai ngồi yên chánh niệm hơi thở nhiều giờ và mở rộng chánh niệm trong đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng và hành động, người ấy cũng có thể phát triển định, đi vào các tầng thiền [6] và thành tựu được tâm giải thoát.

3. Quán niệm

Trong trường hợp ngồi yên chánh niệm hơi thở bị trở ngại do các tâm niệm không mời mà đến quá nhiều, người ngồi thiền có thể chuyển sang quán niệm hơi thở. Cách thực tập như sau: Vẫn ngồi yên, nhưng thay vì chỉ ghi nhận hơi thở đơn thuần, không phản ứng, phán xét, người ngồi thiền có thể niệm “hít” khi thở vào và niệm “thở” khi thở ra (niệm “hít”, “thở” theo hơi thở ra vào có chủ ý và cảm nhận sự sống sinh động, tươi mát của thân tâm). Thời gian thực tập trung bình khoảng 30 – 45 phút. Khi thấy tâm an tịnh hơn, vọng niệm ít hơn, có thể trở lại thực hành chánh niệm hơi thở để đi sâu hơn vào sự tĩnh lặng và phát triển định.

Đối với ai sợ hãi trước cái chết hay có sự dính mắc nhiều vào thanh danh và tự ngã, quán niệm về Năm uẩn [7] (thân thể, cảm xúc, tri giác, tâm tư và nhận thức) được khuyến khích thực hành. Người ấy thực tập như sau (để quán niệm có hiệu quả, cần học hiểu lời Phật về năm uẩn vô ngã): Trong tư thế ngồi yên, ý thức hơi thở, người thiền tập cảm nhận sự sống và cảm nhận sự yên tĩnh bên trong chính mình, khởi niệm về xác thân và thấy rõ đây là xác thân; khởi niệm về cảm xúc và thấy rõ đây là cảm xúc; khởi niệm về tri giác và thấy rõ đây là tri giác; khởi niệm về tâm tư và thấy rõ đây là tâm tư; khởi niệm về nhận thức và thấy rõ đây là nhận thức. Thực tập khởi niệm và nhìn thấy rõ ràng từng uẩn (như trên) thuần thục, sau đó quán niệm: “Năm uẩn không phải là tôi; tôi không phải là năm uẩn” (nương vào niệm khởi, dùng con mắt tâm nhìn từng uẩn một và thấy rõ thân thể và tâm thức không gì khác ngoài sự phối hợp tự nhiên của năm uẩn. Nó vô thường và không có tự ngã). Khi đã thực tập thuần thục quán niệm “Năm uẩn không phải là tôi, tôi không phải là năm uẩn”, tiếp tục thực tập quán niệm: “Năm uẩn không phải là của tôi; năm uẩn duyên sinh và vô thường” (quán niệm đến đâu, dùng con mắt tâm nhìn rõ đến đó). Cuối cùng, quán niệm: “Chấp thủ năm uẩn, khổ đau sinh; không chấp thủ năm uẩn, khổ đau diệt” (quán niệm đến đâu, dùng con mắt tâm nhìn rõ đến đó). Thực hành quán niệm về Năm uẩn như thế cho đến thuần thục, người thực hành sẽ không chấp thủ tự ngã, sợ chết và cầu danh.

Trường hợp ai đó quá yêu xác thân và nặng về nhục dục, quán niệm tướng bất tịnh [8] được khuyến khích thực hành. Cách thực hành như sau: Trong tư thế ngồi yên, ý thức hơi thở, người thiền tập cảm nhận sự sống, để thân tâm thư thái, tự nhiên, sau đó khởi tâm quán niệm tướng bất tịnh . Đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tuỷ, thận, tim, gan, lá lách, phổi, ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước bọt, nước mủ, nước tiểu. Niệm tên từng bộ phận (như trên). Niệm đến đâu tâm thấy rõ đến đó. Thấy từng bộ phận bất tịnh và thấy thân xác hợp thành từ những thành phần bất tịnh ấy cũng bất tịnh, biến hoại theo thời gian. Nếu quán niệm về tướng bất tịnh thuần thục, tâm yểm ly và ly tham đối với thân xác sanh khởi. Người hành thiền bây giờ biết sử dụng thân xác một cách sáng suốt, chủ động và có ích lợi thiết thực cho bản thân và muôn loài. Bệnh tự yêu và tâm nhục dục sẽ theo thời gian biến mất. Xem các hình ảnh về bệnh da liễu như lậu, giang mai, sida… cũng giúp cho quán niệm tướng bất tịnh rất tốt. Xem, ghi nhận trong tâm trí và tư duy về những bất tịnh liên hệ với các hình ảnh bệnh da liễu một thời gian, các đam mê nhục dục và bệnh tự yêu sẽ rất dễ loại trừ. Người thiền tập sẽ an trú một cách tự do và có thể yểm ly dễ dàng với dục đời.

4. Hướng tâm

Khi đã vào được các tầng thiền, thành tựu xả niệm thanh tịnh, người hành thiền có thể học theo Phật tác ý hướng tâm đến các đời sống quá khứ, nhớ lại các tiền kiếp của mình (túc mạng minh). Cũng có thể hướng tâm khai triển thần thông và nhìn thấy túc mệnh của người khác (thiên nhãn minh). Riêng ở giai đoạn tiền nhập định, tác ý hướng tâm sẽ giúp cho tâm có định hướng và làm việc chuyên chú hơn. Tác ý hướng tâm cũng là một phương tiện gửi năng lượng tinh thần đến thế giới sống hữu hình cũng như vô hình một cách hiệu quả. Phương pháp tác ý hướng tâm gửi năng lượng tinh thần như sau: Trong tư thế ngồi yên, để hơi thở tự nhiên và thân tâm thư thái, nếu muốn gửi năng lượng tinh thần đến cho ai, nói bằng miệng hoặc niệm trong tâm những gì mình muốn gửi, sau đó hướng về người ấy bằng toàn bộ tình cảm, chân thành và sự tốt đẹp mình có. Có thể năm phút hướng tâm một lần. Thời gian giữa của những lần hướng tâm, người hướng tâm trở về với hơi thở và an trú chánh niệm trọn vẹn trong giây phút hiện tại.

Trường hợp muốn định hướng cho tâm mình định tĩnh, người thiền tập có thể tập hướng tâm như sau: Vẫn trong tư thế ngồi yên, để hơi thở tự nhiên và thân tâm thư thái, khởi niệm hoặc nói thành tiếng câu tác ý “định tĩnh”. Cứ vài phút lại tác ý “định tĩnh”. Lặp đi lặp lại tác ý như thế cho đến hết thời gian ngồi thiền quy định. Lưu ý là luôn ý thức hơi thở, để tâm ở trạng thái xả, thư giản và tươi mát hoàn toàn trong quá trình hướng tâm. Muốn tâm buông xả một quá khứ, từ bỏ một thói quen, thương yêu, tha thứ hay đơn giản là nuôi dưỡng một tâm nguyện nào đó đều có thể ứng dụng phương pháp hướng tâm này để thực hiện. Chỉ cần đổi câu tác ý “định tĩnh” thành câu tác ý khác, ví dụ như “buông xả”… là được. Một điểm quan trọng quyết định thành công là khi tác ý hướng tâm, hãy để năng lượng tác ý hướng tâm đó đi vào từng tế bào, bao trùng không gian quanh mình, làm rung động sự sống trong từng tế bào của mình và từng nguyên tử sống của không gian bao quanh, sau đó hướng tâm.

d. Xả Thiền

Ở giai đoạn đầu thực tập ngồi thiền, người thực tập được khuyến khích ngồi từ 30 đến 45 phút. Tuỳ theo sự định tĩnh của tâm và sự dễ chịu của thân, người ngồi thiền có thể tăng thời gian ngồi thiền lên 60 phút, 90 phút hay 120 phút. Sau thời gian ngồi thiền, 3 đến 5 phút thư giản thân thể được khuyến khích. Lúc này, người ngồi thiền có thể dũi chân, xoa bóp, mát xa mặt, thận và uốn dẽo cơ thể nếu cần. Tại các thiền viện, thư giản thân thể sau ngồi thiền gọi là xả thiền. Các bước xả thiền được hướng dẫn như sau: (1) Nuốt nước miếng xuống; (2) hít vào một hơi dài bằng mũi, thở ra một hơi dài bằng miệng; (3) hạ lưng xuống, mở mắt lớn, buông thỏng hai tay, cúi đầu xuống cho cầm đụng cổ, nghiên đầu sang phải và trái; (4) nâng hai vai lên, thun đầu xuống để vai chạm vào cổ; (5) nắm chặt cả hai bàn tay thành nắm đấm; (6) hai tay xoa thận cho nóng; (7) hai tay bóp cơ bắp tay; (8) hai tay bóp cơ đùi và đầu gối; (9) cúi người xuống phí trước; (10) cúi người về hai bên đầu gối; (11) bung chân ra, bóp bắp chân và bàn chân; (12) dũi thẳng chân, hai tay chạm đất; (13) lắc người sang trái và phải; (14) đưa chân trở về lại trong tư thế hoa sen; (15) đôi bàn tay nắm thành nắm đấm và gồng lên toàn bộ cơ thể; (16) chấp tay sen búp chánh niệm và hồi hướng; (17) đọc lớn hoặc tâm niệm lời hồi hướng: Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, chúng sanh đều tỉnh thức, Phật pháp được thắm nhuần, tình thương luôn có mặt, hòa bình được dựng xây. Nguyện đem công đức này, kết nối nhân duyên thiện, nuôi dưỡng tâm biết ơn, sống an lạc chánh niệm, ly tham và buông xả, hướng tâm từ an nhiên; (18) chào nhau kết thúc.

e. Từng bước nở hoa sen

Khi mới thực hành thiền, người thực hành có thể gặp một số hiện tượng thân tâm nào đó. Trong trường hợp như thế, người thực hành được đề nghi tự đặt câu hỏi tại sao và lưu ý tham vấn người có kinh nghiệm thiền phong phú để được hỗ trợ.

Sự kiên trì luôn luôn được ca ngợi trong hành thiền. Sống đạo đức, có kỷ luật và phát tâm từ ái là những trợ duyên vô cùng hiệu quả để thành tựu thiền.

Đừng chờ đợi kết quả mà hãy thưởng thức từng phút giây thiền. Thiền là sự trở về kỳ diệu. Trở về thấy mình, thấy sự sống đích thực, thấy ta người như là chính nó. Thấy tự do.

Từng bước từng bước với sự thích thú khám phá chính mình và niềm hỷ lạc từ tâm định tĩnh mang lại, người thực hành thiền sẽ từng bước từng bước đi tới đẹp và thơm như một đoá sen. Hoa sen tinh thần sẽ nở. Hạnh phúc đích thực, bình an nội tại, tự do tâm thức và hơn thế nữa, chỉ có người hành thiền mới biết được mình.

Thích Nhuận Đạt

——————
[1] Kinh Tứ Niệm Xứ, Trung Bộ Kinh I, Hòa thượng Minh Châu dịch Việt.
[2]Kinh Tứ Niệm Xứ, Trung Bộ Kinh I, Hòa thượng Minh Châu dịch Việt.
[3]Đại kinh Saccaka, Trung Bộ Kinh I, Hòa thượng Minh Châu dịch Việt.
[4]Kinh Thân hành niệm, Trung Bộ Kinh 3, Hòa thượng Minh Châu dịch Việt.
[5]Kinh niệm xứ, Thân hành niệm và Quán niệm hơi thở, Đức Phật đều đề nghi chọn nơi chốn như vậy.
[6]Trong Đại kinh Saccaka, Đức Phật có kể lại kinh nghiệm bản thân về bốn tầng thiền: Này Aggivessana, sau khi ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
[7]Tham khảo thêm về phương cách quán niệm năm uẩn do Phật chia sẻ trong Kinh vô ngã tướng. Lịch sử ghi nhận: Sau buổi Chuyển pháp luân, trong nhóm 5 vị Tỳ-kheo nghe Pháp, Koṇḍanna (Kiều trần như) đã chứng đắc quả Thánh Nhập Lưu, là vị Thánh Nhân đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật. Tiếp theo sau, mỗi ngày một vị chứng đắc quả Thánh Nhập Lưu. Đến 6 ngày sau, nhóm 5 vị Tỳ-khưu đều đã chứng đắc, thành bậc Thánh Nhập Lưu. Qua ngày thứ bảy, Đức Phật tiếp tục một bài nói chuyện về Vô Ngã (Kinh Vô ngã tướng – Anattalakkhaṇasutta). Sau khi nghe xong về Vô ngã, 5 vị Tỳ-kheo hoàn toàn thành tựu quả vị A-la-hán (Arahan).
[8]Tham khảo thêm cách quán niệm tướng bất tịnh được Phật chia sẻ trong Kinh Bốn lĩnh vực quán niệm và Thân hành niệm