Ta có thể so sánh thân mình với vật dụng trong nhà mà ta đã xài bao nhiêu năm – ly, chén, muỗng, nĩa, v.v… Khi mới được sắm về chúng sạch bóng, nhưng giờ, sau khi đã được sử dụng quá lâu, chúng bắt đầu hư hao. Có cái sứt mẻ, cái lạc mất, những cái còn lại thì cũ kỹ; không giữ nguyên hình thể ban đầu, và đó là đặc tính của chúng. Thân thể của ta cũng thế. Nó luôn luôn biến đổi kể từ lúc ta chào đời, rồi lớn lên, trưởng thành, và già đi. Ta phải chấp nhận điều đó. Đức Phật bảo mọi duyên hợp, dù là duyên hợp bên trong, ở thân, hay ở ngoài, tất cả đều không phải là ngã – đặc tính của chúng là vô thường, luôn biến đổi. Hãy quán chiếu tư duy này cho đến khi ta thật rõ ràng.
Các bộ phận trong cơ thể ta đang bị hoại diệt, đó là saccadhamma. Sự thật về thân thể là saccadhamma, và đó là giáo lý bất biến của Đức Phật. Đức Phật dạy ta phải chăm sóc cho thân thể, để sống hoà hợp với nó, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đức Phật dạy rằng dù thân ta có bị giam cầm, nhưng đừng để tâm hồn ta cùng bị trói buộc theo nó. Giờ đây khi cơ thể của ta bắt đầu suy yếu, hoại diệt với tuổi tác, hãy chấp nhận điều đó, nhưng chớ để tâm ta cũng bị hủy hoại, suy yếu theo. Hãy tách biệt thân và tâm. Hãy tăng thêm sức mạnh cho tâm bằng cách nhận ra tính cách vô thường của mọi vật. Đức Thế Tôn đã dạy đó là bản chất của thân. Không thể làm gì khác hơn. Sinh ra, lớn lên, già, bệnh rối chết. Đó là sự thật tuyết đối mà ta phải chấp nhận. Hãy quán chiếu thân này với trí tuệ và nhận chân sự thật.
Ta không nên lo âu, vì đây không phải là căn nhà thật sự của ta. Đây chỉ là một chỗ tạm trú. Tất cả mọi thứ trong căn nhà này sẽ biến mất. Nếu ta nhận biết điều đó, tâm ta sẽ được an lạc.
Ta đã sống một thời gian dài. Mắt đã được nhìn bao nhiêu cảnh vật, màu sắc, tai đã nghe được bao âm thanh, và ta đã có bao nhiêu là kinh nghiệm sống. Vâng, tất cả tóm lại cũng chỉ là thế – chỉ là kinh nghiệm. Ta đã thưởng thức bao nhiêu miếng ngon, và miếng ngon cũng chỉ là miếng ngon, không có gì hơn. Miếng dở, cũng chỉ là miếng dở. Tất cả chỉ có thế. Nếu mắt đã được nhìn bao cảnh đẹp, thì cảnh đẹp cũng chỉ là cảnh đẹp, cũng như ngược lại. Tai đã nghe bao điệu nhạc du dương, thì cũng chỉ thế. Mà tiếng động chói tai thì cũng chỉ có thế.
Đức Phật dạy rằng, giàu, nghèo, già, trẻ, con người hay động vật, không có gì trên thế gian này có thể giữ nguyên hình thể của mình trong một thời gian dài; mọi vật đều thay đổi và biến hoại. Đó là một khía cạnh cuộc đời mà ta không thể làm gì thay đổi được. Tuy nhiên Đức Phật cũng dạy điều chúng ta có thể làm được là quán chiếu thân và tâm để nhìn ra tính vô ngã của chúng, để thấy rằng không phải thân cũng chẳng phải tâm là ‘cái tôi’ hay ‘cái của tôi’. Chúng chỉ là phương tiện vật chất. Giống như ngôi nhà này: trên danh xưng là của ta, nhưng ta không thể mang nó đi theo đâu cả.
Cũng thế đối với của cải, sở hữu, người thân của ta – tất cả là của ta cũng chỉ trên danh xưng, chúng không thực sự thuộc về ta, chúng thuôc về thiên nhiên. Sự thật đó không chỉ dành riêng cho ta, mà cho tất cả mọi người, ngay cả Đấng Giác Ngộ và các đệ tử cùa Ngài cũng thế. Họ chỉ khác chúng ta ở chỗ biết chấp nhận sự vật như chúng là như thế. Họ nhận biết rằng không thể có cách nào khác hơn.
Đức Phật dạy ta phải quán sát lại thân này từ gót chân lên tới tận đỉnh đầu, rồi trở lại gót chân. Hãy quán sát thân. Ta thấy được những gì? Có gì thực sự sạch sẽ trong đó không? Có gì lâu bền không? Cả thân ta đang thoái hóa dần và Đức Phật dạy ta phải nhận biết rằng nó không thuộc về ta. Thân phải hoại, đó là điều tự nhiên vì tất cả mọi thứ do duyên hợp đều phải thay đổi. Đâu có thể khác hơn. Thật ra không có gì sai khi thân biến đổi như thế. Thật ra không phải thân tạo ra phiền não cho ta, mà chính là những sự suy nghĩ sai lầm, u mê của ta làm ta phiền não. Khi ta nhìn cái đúng ra sai, thì chắc chắn phải có sự đảo lộn.
Sự chú tâm của ta càng kiên định để có thể đối đầu với những cảm giác đau đớn dấy khởi, ta càng thấy mệt nhoài. Khi bắt đầu cảm thấy mỏi mệt, hãy dừng mọi suy nghĩ, để tâm có thể định tĩnh, và chuyển sự chú tâm vào hơi thở. Hãy thầm niệm: Nam mô – Nam mô. Hãy buông bỏ ngoại cảnh. Đừng nghĩ tưởng đến con cái, người thân ta, đừng nghĩ tới gì hết. Hãy buông bỏ. Hãy điều tâm về một chỗ, và để tâm định tĩnh trú ngụ vào hơi thở. Hãy để hơi thở là đối tượng duy nhất của tri thức. Hãy tập trung cho đến khi tâm dần trở nên tĩnh lặng, cho đến khi mọi cảm thọ đều không còn là trở ngại, và nội tâm trở nên sáng suốt, đầy tỉnh thức. Khi đó các cảm giác đau đớn khó chịu có dấy khởi thì chúng cũng tự tan lắng.
Sự thật là ta không thể tìm ra tự Ngã ở đâu. Chỉ có các cảm thọ dấy khởi, rồi qua đi, rồi dấy khởi, theo bản chất của chúng. Đó là bản chất của vạn vật, nhưng ta cứ bắt chúng phải thường hằng. Thật là khờ dại.
Hãy buông xả, hãy buông bỏ mọi thứ- trừ trí tuệ. Trong khi thiền định, nếu trong tâm ta dấy lên những cái thấy, những cái nghe, thì đừng để chúng dẫn dắt ta theo chúng. Hãy buông bỏ chúng. Đừng bám víu vào gì cả. Chỉ trú trong sự tỉnh thức trong tinh thần bất nhị nguyên. Đừng lo lắng về quá khứ hay cho tương lai. Hãy ngồi yên và ta sẽ đến được nơi không có sự tiến tới, hay thoái lui, không có sự ngưng nghỉ, không có gì để bám víu, nắm bắt. Tại sao? Bời vì không còn có cái ngã, không có ‘cái tôi’ hay ‘cái của tôi’ nữa. Tất cả đều đã lặng.
Đức Phật dạy chúng ta phải buông xả hết mọi thứ bằng cách đó, không mang theo thứ gì với chúng ta. Muốn đạt đạo, hãy buông xả.
Hành pháp là con đường đưa ta thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, là việc ta phải tự mình thực hiện. Vì thế hãy cố gắng buông bỏ và học hỏi pháp. Hãy dốc mọi tâm lực vào việc tu tập thiền định. Đừng lo âu về người thân của ta. Hiện tại họ là họ, trong tương lai họ sẽ giống như ta thôi. Không có ai trên thế giới này thoát ra khỏi số phận đó. Đức Phật dạy chúng ta buông bỏ mọi vật có tính cách vô thường. Nếu buông bỏ được chúng, ta sẽ thấy được sự thật. Nếu không, ta sẽ mãi bị u minh che mờ. Chỉ có như thế và đối với ai cũng thế. Vì thế đừng nên lo âu và đừng bám víu gì.
Đó là công việc ta phải tự gánh vác, không ai có thể làm thay cho ta. Trách nhiệm duy nhất của ta hiện thời là quán sát tâm và mang lại an bình cho tâm. Hãy để mọi thứ khác cho ngưòi khác lo. Hình thể, âm thanh, hương thơm, mùi vị – hãy để chúng cho người khác quan tâm. Hãy bỏ chúng lại đằng sau và lo thực hiện công việc của ta, làm tròn trách vụ của ta. Bất cứ vọng tưởng nào dấy khởi trong tâm ta – dù là lòng sợ đau đớn, sợ chết, lo lắng cho người thân hay gì đi nữa – hãy nói với chúng, “Đừng quấy phá tôi. Các người không còn là mối quan tâm của tôi nữa”. Hãy tiếp tục tự nhủ như thế khi ta thấy các vọng tưởng phát sinh.
Ước muốn được sống thật lâu làm ta đau khổ. Nhưng ước rằng ta được chết ngay hay chết nhanh chóng cũng không phải là đúng. Các duyên nghiệp không tùy theo ý chúng ta, chúng có luật lệ riêng của chúng. Ta có thể tô điểm, làm sạch đẹp cho thân trong một khoảng thời gian ngắn, như cô gái trẻ tô son, đánh móng tay, nhưng khi tuổi già đến, mọi người có khác gì nhau. Đó là bản chất của thân, ta không thể làm khác được. Nhưng cái chúng ta có thể làm là phát triển tâm, thanh tịnh hóa tâm.
Ngay khi vừa được sinh ra, chúng ta đã chết. Sinh và tử chỉ là một. Giống như một thân cây: khi có rễ, phải có các cành non. Khi có các cành non, phải có rễ. Ta không thể có thứ này, mà không có thứ kia. Thật buồn cười khi chứng kiến cảnh con ngưòi đau khổ tột cùng, sợ hãi, thất thần, buồn thảm khi có người thân chết và mừng vui, hạnh phúc lúc họ được sinh ra. Thật ra theo tôi nghĩ, nếu cần khóc ta khóc lúc sinh ra đời. Vì sinh thực ra là tử, và tử là sinh, rễ là cành lá, cành lá là rễ, nếu cần khóc hãy khóc từ lúc bắt rễ, khóc lúc mới chào đời. Hãy nhận cho rõ: không có sinh, không có tử, chúng ta có thể hiểu điều đó không?
Ta không cần phải lo âu về bất cứ điều gì, vì đây không phải là căn nhà thực sự của ta, nó chỉ là một chốn tạm dùng. Dầu muốn, dầu không, ta đã có mặt ở trong cõi đời, vậy hãy quán chiếu về bản chất của cuộc đời. Tất cả mọi vật hiện hữu ở đây phút hiện tại, đều sẽ biến mất, hủy diệt. Hãy quán sát thân ta. Có bộ phận nào còn giữ nguyên hình thể lúc ban đầu? Da ta có giống như xưa không? Và tóc? Đã đổi thay rồi phải không? Những cái xưa cũ, đã biến đi đâu? Đó là luật tự nhiên, đó là bản chất của sự vật. Khi duyên hợp tan, chúng biến mất. Không có gì trên thế giới này đáng để ta dựa vào – đó là một vòng luân hồi không dứt của phiền não, khổ đau, sung sướng và đau đớn. Không bao giờ có sự bình an.
(Diệu Ngộ – Mỹ Thanh & Diệu Liên – Lý Thu Linh dịch từ Our Real Home, Tricycle 1997)