Trang chủ PGVN Cửa thiền "Ngôi nhà" có hơn trăm em bé cùng một họ

"Ngôi nhà" có hơn trăm em bé cùng một họ

59

Có một nơi mà bất cứ ai đặt chân đến cũng không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên, bùi ngùi, xót xa: chùa Bồ Đề (Phú Viên – Long Biên – Hà Nội). Hơn trăm con thơ là ngần ấy những cảnh ngộ éo le, hơn chục người mẹ là từng đó những số phận trắc trở. Nhưng dưới mái nhà Bồ Đề, một gia đình lớn có Mẹ và các con, bù đắp, san sẻ yêu thương và kỳ mong những đứa con thơ một ngày mai sẽ trưởng thành, là một công dân tốt.

Từ những đứa con cùng một họ…

“Sao ở đây nhiều trẻ con thế?” “Ôi, sao lại có nhiều đứa bé đẹp thế kia!” là thắc mắc của tất cả những ai lần đầu đến chùa và chưa được nghe kể về chùa. Chùa không chỉ cưu mang trẻ em đủ mọi lứa tuổi, mà có cả những người già, những phụ nữ bất hạnh. Thương tâm nhất vẫn là những số phận bé nhỏ bị cha mẹ bỏ rơi ở cổng chùa…

Hai chục năm qua, số cha mẹ đến nhận lại con chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Những đứa con côi cút được sư trụ trì Thích Đàm Lan làm giấy khai sinh. Các con đều được mang họ Cù và sở hữu những cái tên gắn liền với cửa Phật như: Minh Anh, Thế Anh, Phương Anh, Hiền, Linh… Mỗi khi có khách tới thăm, các con đều chạy ùa ra và dang tay mong được bế bồng.

Bé Trà My, 5 tuổi, mới vào chùa
 
Tôi sững lại trước hình ảnh bé Nhi (3tuổi) ôm chầm lấy một anh thanh niên và mếu máo “Ba ơi! Ba bế con một tí đi ba! Ba bế con đi!”. Trong tiếng kêu thảng thốt lẫn giọng nói ngọng nghịu, tôi hiểu con khát khao lắm một tổ ấm như bao bạn bè bình thường.
 
Bên này, cạnh góc cây, một cô bé ngồi tha thủi, ánh mắt con dại dại, khuôn mặt con không như trẻ bình thường. Con cũng chẳng thể nói tròn một chữ, chỉ nhoẻn nụ cười không trọn vẹn. Xung quanh con, đống đồ chơi ngổn ngang với những mảnh vải nho nhỏ…

Mỗi tuần chùa đều có thêm 2-3 đứa con

Chúng tôi đến thăm chùa vào một buổi trưa, giữa lúc có một bé gái khoảng hai tháng tuổi vừa được mang từ cổng chùa vào, mẹ đã “để quên” em ở đó. Nhìn con bé bỏng nằm gọn trong vòng tay “mẹ mới” mà thấy xót lòng. Sư thầy đặt tên con là Cù Huệ Anh.
 
Con vào chùa chưa được 1 tuần thì đã phải đi viện 2 lần, bệnh viêm phổi làm thân thể con tím tái. Nhìn con cứ khóc ngặt đi, người “mẹ mới” bối rối, ai cũng thương con, thay nhau nựng mà vẫn thấy con còn đau lắm! Tiếng khóc của con xoáy sâu vào lòng mẹ, chẳng thể đau thay con được.
 
Bé Huệ Anh, 1 tuần vào chùa, 2 lần đi viện vì viêm phổi
 
Bất hạnh hơn Huệ Anh là Hiền (2 tuổi). Con được đưa vào chùa từ khi còn đỏ hỏn, từ ngày đó các mẹ đã biết đôi chân con đã không được lành lặn nên thương lắm. Con mới được phẫu thuật vài tháng trước, giờ đây một chân con không có ngón, chân kia thì bị cắt bỏ. Nhưng con ngoan và nghị lực lắm: tiêm đau cũng không sợ, tháo băng mổ mà mặt vẫn tỉnh bơ, ngã không khóc, lúc nào cũng cựa quậy đòi nghịch. Nhìn con kéo lê đôi chân dị tật trên nền đất nhanh thoăn thoắt, trông thương vô cùng.
 
Trà My (5 tuổi), con mới vào chùa được 3 hôm nay. Con nổi bật nhất so với các bạn, mập mạp, da trắng hồng, sắc sảo, thông minh, ăn nói lễ phép, lại vẽ đẹp… Vậy mà chiều hôm đó mẹ đã bỏ con lại đây mà về, không một mảnh giấy viết lại, làm con thi thoảng đang tập trung vẽ lại ngẩn người ra vì nhớ mẹ!
 
Đến những người mẹ bất hạnh
 

Chị Nguyễn Thị Huyền, sinh năm 1985, là một trong những người mẹ mới nhất ở chùa Bồ Đề. Ngoài con gái ruột Mai Anh (3 tuổi, ảnh), giờ đây chị được phân công chăm thêm hai con: Linh (3 tuổi), Hiền (2 tuổi).
 

Những người mẹ ở đây hầu hết còn rất trẻ. Các chị đang ở độ tuổi đẹp nhất của người con gái nhưng lầm lỡ, lạc bước mà thành ra dở dang. Mỗi mẹ được phân công nuôi 3 con nhỏ. Ngày ngày mẹ lo lắng, chăm bẵm giấc ngủ, miếng cơm cho từng con. Nhìn con vui đùa, hay ăn, chóng lớn là mẹ vui biết nhường nào!
 
Trời chuyển gió, con bị sốt, uống thuốc mãi cũng không hạ, mẹ lo quá, chỉ biết túc trực bên con, thi thoảng lau người cho con mau tỉnh. Mẹ mệt nhất là khi con thì bị sốt, con thì khóc đòi ăn, con thì hờn dỗi cứ nước mắt ngắn nước mắt dài mãi không thôi.
 
Mẹ cứ chạy đi chạy lại, hết dỗ dành lại đút từng thìa cơm cho con ăn. Mẹ không la mắng vì biết các con đã thiệt thòi lắm rồi, chỉ mong bù đắp phần nào và các con lớn lên đều khỏe mạnh, xinh xắn.