Trang chủ Quốc tế Ngôi chùa tại Richmond phấn đấu để hội nhập với vùng đất...

Ngôi chùa tại Richmond phấn đấu để hội nhập với vùng đất mới

80

Khammany Mathavongsy, thành viên của ban trị sự của chùa nói, “ Giới trẻ ngày nay đang mất dần sự quan tâm đến tôn giáo. Tại Lào, ngôi chùa là trung tâm của toàn bộ cộng đồng. Mỗi ngôi làng đều được đặt tên theo ngôi chùa của làng mình. Nhưng tại đây, cách sống đã thay đổi quá nhiều. Mọi người đều phải làm việc, mọi người đều bận rộn, cố gắng xây dựng sự nghiệp của mình. Họ dành ít thời gian hơn cho việc thực hành giáo pháp.”

Việc mất dần truyền thống của Lào tại Hoa Kỳ là mối quan ngại thường được những thành viên lớn tuổi của ngôi chùa Phật giáo theo truyền thống Nguyên thủy đề cập đến, nhưng đôi khi, thế hệ trẻ cũng làm cho họ ngạc nhiên.
 
Mikey Vongthichack, 13 tuổi, xuống tóc khi bác của mình chết ba năm trước và vào ngôi chùa Lào Rattanaram xuất gia gieo duyên một vài tuần. Chú sa di nhỏ quay về Richmond cùng một số các cậu bé khác vào mỗi mùa hè để học Giáo pháp của Đức Phật và làm công quả để hồi hướng phước báu cho người bác đã qua đời của mình.
 
Em nói, “ Việc này làm cho con trở nên một người tốt hơn. Những việc con làm sẽ giúp cho bác của con bớt đói khổ, lạnh lẽo. Nó làm cho bác của con hạnh phúc và nó cũng làm cho con hạnh phúc.”
 
Có bốn vị tỳ khưu, hay những tu sĩ đã thọ đại giới, đang sống và  tu tập tại ngôi chùa tại Richmond. Các cư sĩ của chùa nói rằng không một ai trong số các tu sĩ này nghe iPods hoặc truy cập vào Facebook. Cuộc sống đơn giản của họ bắt đầu vào lúc rạng đông với việc tụng kinh, cầu nguyện và chấm dứt cũng bằng sự cầu nguyện. Họ sống và tuân giữ 227 giới luật dành cho tỳ kheo. Họ thọ thực ngày hai bữa nhưng không bao giờ ăn quá ngọ.
 
Mikey nói về những kỳ hè của mình khi em sống cuộc đời sa di, “ Khi quen rồi thì việc ăn ngày hai bữa như vậy cũng không khó lắm.”
 
Tuy nhiên, cậu học sinh cấp hai nhanh chóng chỉ ta những kế hoạch khác một khi em lớn lên.
 
Em nói, “Em là loại người muốn có gia đình. Em chắc mình sẽ vào đại học và sau đó không sống cuộc đời tu sĩ nữa vì em phải gầy dựng gia đình.”
 
Mikey đang theo đuổi một con đường cong hiếm ai trong số những bạn bè người Hoa Kỳ của em đi theo nhưng lại rất phổ biến ở Lào, nơi mà thanh niên được khuyến khích xuất gia gieo duyên.
 
Bounmy Somsanith, cựu chủ tịch của ngôi chùa nói, “Trước khi bạn kết hôn, bạn phải vào chùa tu một thời gian. Thời xưa, khi chưa có trường học, thanh niên học hỏi mọi điều từ các nhà sư, từ tập viết cho tới tập nói, và học cách sống để có thể tồn tại trong đời.”
 
Một cư dân của Pinole nhớ lại thời thơ ấu của mình đã từng đi theo con đường tâm linh với sự thích thú mặc dù ông cũng cho rằng có khó khăn.
 
Somsanith, một người làm công tác xã hội và giáo viên toán tại trường đại học Alameda đã nghỉ hưu,  nói, “ Khi tôi 15 tuổi, tôi làm sa di trong ba tháng. Thật chẳng dễ. Bạn ăn hai bữa một ngày. Bạn phải dậy sớm để lau sàn của ngôi chùa. Đi ra ngoài để kiếm ăn, đi khất thực.”
 
Sal Phoummala đã từng làm tu sĩ còn lâu hơn nhiều nữa, cho đến năm ông 32 tuổi. Ông xả y trước khi ông sang Hoa Kỳ vào năm 1980.
 
Phoummala said, “ Bạn phải tự làm mọi thứ và phải tự biết cách để làm. Bạn phải hiểu, phải thấy bằng chính mắt của bạn, phải hiểu bằng chính trí óc của bạn trước khi bạn tin.”
 
Những tu sĩ lớn tuổi được kính trọng ở Lào. Tại chùa Lào Rattanaram, nơi thu hút hàng trăm cư sĩ từ East Bay và xa hơn nữa, họ cũng được kính trọng.
Một số cư sĩ thành viên của chùa, cả nam lẫn nữ, nhiều người đã nghỉ hưu, đến chùa ở lại đêm trong những khóa tu ngắn ngày.
"Mathavongsy nói, “Họ chỉ việc trải chiếu ra và ngủ trên sàn. Nó chẳng lâu gì, chỉ một hoặc hai ngày, rồi họ lau dọn và ra đi. Họ chỉ chú trọng đến sự đơn giản, không xa hoa. Mục đích của họ là đạt đến sự giác ngộ.”

Mỗi sáng, trước 11 giờ, một nhóm phật tử hầu hết là những người lớn tuổi tóc đã muối tiêu đến ngôi chùa tọa lạc tại đại lộ Barrett với bát đựng xôi, rau và thịt đã được nấu chín – đôi khi có cả pizza- trên tay. Những thực phẩm cúng dường này là phương tiện sinh sống của các nhà sư, những người không thể tự nấu ăn vì giới luật quy định như vậy.

Bốn vị tu sĩ mặc áo ca sa ngồi trên sàn quanh một cái bàn dài và nói chuyện nhỏ nhẹ với nhau khi họ ăn buổi ăn cuối cùng trong ngày của họ.

Vị sư trẻ nhất, Bey Souvannarath, nổi bật lên trong nhóm mặc dù sư cố gắng hết sức để làm cho mình lu mờ đi. Sư là vị tu sĩ duy nhất lớn lên trong trường học và đường phố của Richmond và cũng là người duy nhất được thọ đại giới tại ngôi chùa ở Richmond chứ không phải ở Lào. Vị sư 32 tuổi này đã trở thành tu sĩ sau khi gia nhập Hải quân.

Souvannarath và các tu sĩ khác đều từ chối các cuộc phỏng vấn chính thức, nhưng trụ trì ngôi chùa nói rằng Souvannarath đã trở thành một loại kiểu mẫu giúp hướng dẫn cho các thanh niên Lào sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ tránh xa các băng nhóm tội phạm, ma túy và những thứ quyến rủ khác của cuộc sống hiện đại.

Miền bắc California là vẫn là trung tâm của cộng đồng thiểu số người Lào di dân sang Hoa Kỳ, nhiều người đã trốn khỏi quê hương sau khi Pathet Lào lên nắm chính quyền vào năm 1975. Các thành viên trong cộng đồng đã xem ngôi chùa tại Richmond – mở cửa hoạt động vào năm 2004- như là một biểu tượng của quê hương họ.

Somsanith và các thành viên của gia đình mình nằm trong số 20 gia đình Lào sống trong một tòa nhà chung cư phức hợp ba tầng  tại Lake Merritt phía đông Oakland từ những năm cuối thập niên 1970 đến những năm đầu thập niên 1980. Một ngôi chùa Lào đã được xây dựng trên đường số 12 ở tây Oakland một vài năm sau khi ông đến đó.
 
Somsanith nói, “Bọn tôi nhớ nhà và không biết đi đâu và làm gì. Chúng tôi không biết nói tiếng Mỹ. Chúng tôi đã không có một chỗ để thực hành tín ngưỡng của mình.”

Ngôi chùa đó, mặc dù chật hẹp, nhưng đã phục vụ cho mục đích của nó hơn hai thập kỷ cho đến khi cộng đồng mua một ngôi nhà thờ ở Richmond với giá 1,2 triệu đô là và biến nó thành một thành một ngôi chùa của truyền thống Phật giáo Nguyên thủy. So sánh với ngôi chùa tại địa điểm Oakland, ngôi chùa sáu năm tuổi này rộng rãi hơn và trang trí đẹp mắt với các bức tranh tường, tượng và những đường gờ ở tường và cột màu đỏ và mạ vàng theo mô hình thiết kế của các ngôi chùa cổ từ thành phố thiêng liêng Luang Prabang.

Somsanith nói, “Chúng tôi tu sửa ngôi chùa mỗi ngày.”

Ngày nay, mặc dù đã có ngôi chùa ổn định tại một nơi tiện nghi, các thành viên nói rằng thử thách vẫn còn vì thế hệ  di dân đã già hơn. Con số tu sĩ từ sáu xuống còn bốn sau khi hai người một  đã rời chùa để đến Central Vally và một đã trở về Lào. Sư Souvannarath đã giúp cho ngôi chùa gắn bó với những thành viên trẻ hơn nhưng sức hút của công nghệ hiện đại, công việc và những trò tiêu khiển thì quá mạnh.

Mathavongsy nói, “Chúng tôi đang tự thích nghi với sự thay đổi. Chúng tôi vẫn còn mới – một trong những cộng đồng Phật giáo của châu Á trẻ nhất tại khu vực này. Cộng đồng của chúng tôi đến đây chỉ mới 25 hoặc 30 năm do đi tỵ nạn, Hy vọng chúng tôi sẽ tồn tại với thế hệ kế tiếp.”
 
Người dịch: Supanna