Trang chủ Đời sống Ngôi chùa nửa thế kỷ ở chung cư

Ngôi chùa nửa thế kỷ ở chung cư

Giữa lòng các chung cư hơn 50 năm tuổi ở Sài Gòn, hiếm hoi mới có vài ngôi chùa tọa lạc ở tầng cao nhất. Chúng mang dấu ấn thời gian xuyên thế kỷ, cùng nhiều nét độc đáo.

173

Bỏ qua những xô bồ ở khu chung cư của dân lao động nghèo, chùa “ba cô” hay chùa “ba chị em” là cách gọi gần gũi của bà con chung cư Nguyễn Thiện Thuật, phường 1, quận 3 về ngôi chùa nằm trên tầng 3, lô G của chung cư này. Chùa là hai căn hộ liền kề chỉ gần 80 m2. Câu chuyện ly kỳ về chùa “ba cô” hay chùa Liên Trì được kể lại bởi sư Nhì – người kế nhiệm chùa sau khi sư Nhất mới qua đời cách đây không lâu.

“Chùa ở trên cao, lại nhỏ, dễ bị lẩn khuất nên hiếm khách vãng lai lắm, chỉ có người quen hoặc ở khu này lâu năm thi thoảng ghé. Ba cô từ khi về chùa thì cùng nhau buôn bán dưới khu chợ Bàn Cờ để có chi phí trang trải cho ngôi Tam Bảo và cuộc sống hàng ngày”, sư Huệ, 64 tuổi, hay còn gọi sư Nhì ở chùa Liên Trì, chung cư Nguyễn Thiện Thuật chia sẻ.

Sư Huệ hay hiệu là thầy Nhì năm nay 64 tuổi, là người lớn tuổi thứ hai ở chùa Liên Trì. Cách đó không lâu, sư Như Thông, hiệu thầy Nhất đã viên tịch ngay trong đợt dịch Covid-19. Chùa “ba chị em” giờ chỉ còn lại sư Huệ và sư Như Phát, hai trong số ba chị em ruột cùng tu tại chùa.

Trước dịch Covid-19, ở khu chợ giữa lòng chung cư, tôi thường bắt gặp sư Huệ cùng đệ tử chừng hơn 30 tuổi đứng bán đồ chay, bánh gạo. Sư Huệ nhỏ nhắn dù ở tuổi 64 nhưng rất nhanh nhẹn và thân thiện, hễ gặp người qua lại dù lạ hay quen đều nở nụ cười tươi tắn gật chào.

Vì vậy mà ở khu chợ này người dân đã quá quen với hình ảnh ba sư cô trước đó thường thay phiên nhau bán đồ dưới chợ. Nhưng lịch sử khai mở của ngôi chùa này thì ít người biết. Ngay cả sư Huệ, người đã về chùa từ năm 25 tuổi cũng chỉ nghe một đạo hũ (Trưởng ban Phật tử) kể lại khi tiếp quản chùa Liên Trì.

Sư Huệ kể: “Chùa này có từ thời thầy Thích Minh Cảnh, trước giải phóng. Hồi xưa thầy ở khu Bàn Cờ này. Nhà thầy có ba anh em ruột cùng tu tập. Sau thầy Cảnh viên tịch lúc mới 30 tuổi, hai người em cũng ra ngoài đời hết. Chỉ còn một đạo hũ ở lại canh chùa”.

Theo lời sư Huệ, khi hai chị em sư về thì chùa Liên Trì còn lụp xụp, ngôi Tam Bảo bây giờ dựng bằng cây gỗ, tượng Phật phải đội nón lá che mưa vì nhà dột. Chị gái sư Huệ là sư Như Thông, hiệu thầy Nhất thường cùng em gái xuống chợ buôn bán thêm đồ chay để về tu sửa chùa dần dần. Sau đó có thêm Sư Phát là chị Tư của hai sư (70 tuổi) cũng về tu tại chùa.

Trong ký ức của vị sư già, ngôi chùa Liên trì hôm nay đã trải qua không ít thăng trầm. Sư kể: “Hồi xưa sư ở Mỹ Tho tu cùng sư phụ. Hai chị em sư là thứ năm và thứ sáu trong chín anh chị em ở nhà. Sau hai sư bệnh quá nên mới xin thầy về lại Sài Gòn dưỡng bệnh”.

Năm sư Huệ 25 tuổi, sư ở khu Bàn Cờ cùng gia đình thì gặp ông Đạo hũ chùa Liên Trì là đệ tử thầy Minh Cảnh và được ông đạo hũ đưa về trông coi chùa. “Chùa ngày ấy không có cái chén ăn cơm, trước khi sư về chỉ có ông Đạo hũ ở canh chùa ban ngày, tối thì đóng cửa, ổng về nhà, vắng lặng lắm”, sư Huệ nhớ lại.

Kế bên chánh điện của chùa Liên Trì hôm nay có tháp thờ hai vợ chồng một đại úy chế độ cũ. Sư Huệ giải thích: “Tiền thân chùa Liên Trì là ngôi nhà dưới đất ở khu Bàn Cờ trước năm Mậu Thân 1968.

Chùa được lập nên hồi chiến dịch Mậu Thân 1968, lúc đó bom cháy làm gia đình ông đại úy tên Nguyễn Tri Phương chết cháy hết, người ta mới xây cái chùa và thầy Minh Cảnh là thầy tui về tu tại đây. Sau này khoảng cuối năm 1968, chung cư Nguyễn Thiện Thuật được xây lên cấp cho dân ở mấy căn nhà bị cháy thì thầy tổ đưa chùa lên tầng 3 này”.

Từ ngày về chùa, ba chị em sư Huệ cùng nhau buôn bán bánh gạo, làm đồ chay để sửa chùa, đóng tiền điện nước hay đi học thêm bên Giáo hội… Từ khi sư Nhất mất tới giờ, hai sư cô còn lại cũng tạm nghỉ bán. Nhưng họ tính mai mốt sẽ bán buôn lại để lo trang trải cho chùa.

“Trên này khuất lại cao nên ít Phật tử ghé, chiều 6 giờ tụng niệm thì chỉ có một Phật tử tới thôi. Trước dịch còn có 5-6 người đến. Trẻ thì làm biếng tụng, già thì leo lên thấy mỏi mệt, tụng niệm giờ chỉ có 2 sư và 1 cô Phật tử”, sư Huệ nói.

Sắp tới, Sư Phát (sư Tam) cũng sắp đi định cư nước ngoài với con cháu. Chùa rồi sẽ chỉ còn sư Huệ và một đệ tử từ Huế mới vào được 4 năm nay. Trong khu chung cư hơn 50 năm tuổi ở đường Nguyễn Thiện Thuật này, ngôi chùa trải qua thăng trầm lịch sử tọa lạc lặng lẽ cùng hai vị sư già như một điểm nhấn đặc biệt khi ai đó ghé qua.