Chùa Bồ Đề, phường Bồ Đề (Long Biên – Hà Nội), phía bên kia con sông Hồng, nơi đêm đêm gió vẫn hú lên cồn cào từng đợt là nơi mái ấm của hơn 90 em nhỏ mồ côi và nhiều cụ già neo đơn không nơi lương tựa.
Nhiều anh chị sinh viên thường xuyên ghé thăm các em nhỏ |
“Chị vào đây chơi với em”, đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về một em bé khi vừa đặt chân đến ngôi chùa Bồ Đề. “Rét tháng ba bà già chết cóng”, trong cái lạnh cắt da cắt thịt của đợt rét mới, ấy vậy mà cô bé vẫn chân đất lon ton chạy trước và không quên cầm tay tôi níu về chiếc giường phía góc sân, nơi hai mẹ con đang ở. Hỏi ra mới biết em tên Hằng, năm nay vừa tròn ba tuổi. “Hôm nay, nó bị ho còn em chẳng biết làm sao đau đầu quá, không biết làm sao bây giờ, chắc lại chờ sư thầy đi lễ về thôi”, chị Nhàn mẹ bé Hằng than thở. Nhìn khuôn mặt già đanh nhưng cô vẫn toát lên một vẻ gì đó vụng về, lôi thôi và khờ dại.
Nằm nép sau nhà thờ Phật là ngôi nhà dành cho các trẻ em mồ côi và những người già neo đơn . Bước đến cửa tôi đã nghe thấy tiếng nói cười, tiếng cô giáo hát, giảng bài và tiếng các mẹ đang nựng nịu, vỗ về cho các bé ngủ. Nơi đây giống như một đại gia đình, từ em nhỏ nhất là 3 tháng tuổi đến những anh chị học lớp 10. Có lẽ phải tiếp xúc với nhiều người nên dường như trẻ nhỏ đứa nào cũng bạo dạn.
Nhà ở đây được chia làm hai dãy, nhà trên và dãy nhà ngang. Dãy nhà ngang được chia làm hai phòng, một phòng cho mẹ và các bé ăn ở sinh hoạt còn một phòng để các bé học tập. Lớp học được bắt đầu từ 8 giờ sáng; ở đây các cô dạy các em hát, chơi trò chơi, xếp hình. “Hai bàn tay của em, em múa cho mẹ xem”, nghe lời hát bên lớp học cất lên, bé Minh cũng ngồi hát theo. Hôm nay là đầu tháng, ở đây dường như có nhiều người đến chơi với các em hơn. Đến đây, không chỉ có các Phật tử, anh chị sinh viên mà còn cả nhiều bạn bè quốc tế. Có người mang đến cho các em mấy bộ quần áo cũ, người công đức tiền hay cho ít quà bánh… Nơi đây trở thành một mái nhà, một tổ ấm chan hoà tình thương đến từ khắp mọi miền tổ quốc.
Ngụ tại chùa nhiều năm nay, mặc dù lưng đã còng nhưng bà Lợi vẫn vui vẻ bên các cháu: “Ở đây chơi đùa cùng bọn trẻ, các già chúng tôi cũng thấy khoẻ và vui vẻ hơn nhiều. Tại đây các cháu nhỏ được sư thầy thuê giáo viên về dạy, mỗi cô hai đứa. Nhiều cô giáo trước kia cũng là những trẻ lang thang cơ nhỡ, không công ăn việc làm, chùa nhận về nuôi, cho trông em, và nhà chùa trả lương hàng tháng”.
Chếch sau là dãy nhà ngang, nơi có năm cụ già neo đơn đang sinh sống. Bắc nồi đậu đang sôi trên bếp xuống, cụ Thơm thở dài: “Chồng tôi mất sớm, có mỗi cô con gái bị nghiện, bán hết nhà cửa rồi bỏ đi mất, may về đây có các thầy, các sư đùm bọc, che chở tôi cũng phần nào vơi đi nỗi buồn, nỗi cô đơn”. Nhìn mái tóc bạc phơ, nước da mai mái, hình như phía sau nụ cười niềm nở ấy, trong ánh mắt cụ vẫn không giấu được nỗi buồn sâu thẳm.
Đội chiếc mũ tai mèo, xách xô nước bước đi thoăn thoắt, có lẽ khó có ai biết được bà Bùi Thị Thiều, 73 tuổi, người nấu cơm cho chùa trước kia lại là một thanh niên xung phong: “ Đi chiến trường về, 40 tuổi mới có đứa con gái không may bị bạn xấu rủ đi buôn thuốc phiện. Bị chồng bỏ, nay phải ở tù, được ba đứa con, một đứa cho đi làm con nuôi ở Ninh Bình, còn hai đứa được chùa cưu mang về đây cho ăn học. Đã bốn năm rồi bà cháu tôi mang ơn chùa nhiều lắm”. Tại đây, công việc hằng ngày của bà là nấu 30 kg gạo, rau canh các loại. Bữa cơm chùa mặc dù giản dị nhưng chan chứa tình thương. Những lúc rảnh bà còn phụ giúp các cô trông nom nhiều cháu nhỏ. “Tôi chỉ có một mong muốn, mong nhà nước, những nhà hảo tâm sẽ quan tâm, giúp đỡ chúng tôi, đặc biệt là các cháu nhỏ để các cháu có một môi trường học tập tốt hơn”, bà Thiều tâm sự.
Các mẹ thay nhau chơi đùa cùng bé |
Đã từ lâu, ngôi chùa Bồ Đề nổi tiếng linh thiêng và giàu lòng nhân ái. “Cứ hai, ba ngày lại có một vài đứa được đưa đến chùa; có đứa mẹ nó mang đến gửi rồi không thấy quay lại nữa, có đứa thì mới đỏ hỏn họ đã đem bỏ ở cổng chùa, sư thầy Thích Đàm Lan thấy vậy lại mang về chùa nuôi”, cụ Giáp 97 tuổi cho biết.
Tạm xa ngôi chùa đầy tình thương ấy, bước qua khoảng sân rộng, dưới những gốc nhãn xum xuê đang mùa kết quả, tôi vẫn nghe thấy tiếng trẻ nô đùa, hát vang“cả nhà ta cùng yêu thương nhau, xa là nhớ, gần nhau là cười”. Câu hát của các em vẫn cứ văng vẳng bên tôi. Cầu mong các em sẽ có một cuộc sống yên bình, một tương lai tươi sáng và ở đó luôn có sư thầy, các mẹ gửi trọn yêu thương cho các em