Trang chủ Văn học Truyện Ngôi chùa dưới lòng hồ

Ngôi chùa dưới lòng hồ

205

Cho đến một ngày, tôi đã kể cho bà nội tôi câu chuyện về ngôi nhà ma và tiếng ma gõ mõ trong đêm cho bà nghe. Nghe xong, bà cốc nhẹ vào đầu tôi và mắng yêu: “Cha bố mày, ma đâu mà ma, thần thánh đấy. Ma mà lại biết gõ mõ tụng kinh à”. Và bà kể cho tôi nghe câu chuyện về ngôi nhà dưới đầm nước.


Đó không phải là câu chuyện cổ xưa. Câu chuyện nảy ra ở làng tôi, một làng cách Hà Nội 40 cây số. Đó là câu chuyện về một ngôi chùa dưới đáy một hồ nước và tiếng gõ mõ, tụng kinh trong những đêm trăng sáng vẫn vọng lên từ ngôi chùa ấy.

Làng tôi nằm bên sông Đáy. Ngay dưới chân đê là một đầm nước rộng. Trong con mắt tuổi thơ tôi, đầm nước ấy như chạy đến tận chân trời. Thuở ấu thơ, vào những ngày nghỉ học, tôi thường cùng đám bạn lang thang cả ngày dọc bờ đầm nước. Đó là một thế giới kỳ diệu mê dụ chúng tôi như chẳng bao giờ có thể thoát ra khỏi với các loài quả dại như quả vú bò, quả mâm xôi, quả tóc tiên, quả đậu dao, quả phù dung, quả mây, quả gáo, quả dưa dại, quả ổi găng…và với những lối đi bí ẩn của lũ chuột, cầy hương, dái cá, rắn cạp nong…Và trong một ngày đẹp trời, chúng tôi đã phát hiện ra một điều kỳ lạ dưới đáy hồ qua làn nước trong vắt : một ngôi chùa mà lúc đầu, chúng tôi nghĩ đó là một ngôi nhà. Lũ trẻ con chúng tôi vừa kinh ngạc vừa sợ hãi.  Chúng tôi quả quyết với nhau đó là một ngôi nhà ma. Chỉ có ma mới xây được nhà dưới nước và có thể sống ở đó. Và thế là, cả ngày hôm đó, chúng tôi nằm dưới gốc một cây gáo đại thụ và thì thầm với nhau về ngôi nhà đó. Đêm ấy, những đứa trẻ liều lĩnh nhất quyết định mò ra bờ đầm để xem có ma hiện ra từ ngôi nhà ấy không.

Đó là một đêm trăng mùa hạ đẹp huyền ảo như không có thực. Chúng tôi tụm vào nhau bên bờ đầm và nhìn không chớp xuống mặt nước. Nhưng chờ mãi mà chẳng thấy bóng một con ma nào. Khi chúng tôi chuẩn bị bỏ đi thì chúng tôi nghe thấy tiếng người lầm rầm đâu đó và sau đó là tiếng gõ mõ văng vẳng trong đêm trăng. Lũ trẻ co rúm người lại bên nhau. Nhưng không đứa nào bỏ chạy. Sự kích động mê dại của tiếng người lầm rầm và tiếng mõ văng vẳng trong đêm khuya tĩnh lặng ở một làng quê đã giữ chúng tôi lại.  “ Ma nói đấy”, một đứa trẻ thì thào run rẩy. Sau những phút trấn tĩnh, chúng tôi vẫn không thấy một bóng ma nào nhưng tiếng người và tiếng mõ vẫn văng vẳng từ dưới đầm nước vọng lên. Bỗng một đứa vùng bỏ chạy. Thế là tất cả lũ trẻ chúng tôi cũng bỏ chạy tán loạn. Càng chạy, chúng tôi càng nghe có tiếng chân người đuổi phía sau. Đêm đó, tôi không ngủ được. Trong tôi mang một cảm giác lạ lùng. Thế giới quanh tôi bỗng trở nên bí ẩn lạ kỳ.

Cho đến một ngày, tôi đã kể cho bà nội tôi câu chuyện về ngôi nhà ma và tiếng ma gõ mõ trong đêm cho bà nghe. Nghe xong, bà cốc nhẹ vào đầu tôi và mắng yêu : “Cha bố mày, ma đâu mà ma, thần thánh đấy. Ma mà lại biết gõ mõ tụng kinh à”. Và bà kể cho tôi nghe câu chuyện về ngôi nhà dưới đầm nước.

Trước kia, ngay dưới chân đê làng tôi có một ngôi chùa cổ kính. Ngôi chùa xây từ thuở nào bà tôi cũng không nhớ rõ. Ngôi chùa có tên là chùa Hoàng Lan. Chùa có tên như vậy bởi xunh quanh chùa có năm cây hoàng lan đại thụ. Cứ đến mùa hoa, cả ngôi chùa và khu vực quanh mấy làng quanh đó như được ướp bằng hương hoa hoàng lan. Sáng sáng, những cánh hoa hoàng lan rụng trắng nền đất. Bà tôi bảo, vì hoa hoàng lan nở nhiều và thế là những con chim thần màu tía chỉ sống trên những mỏm núi cao nhất của dãy núi Hòa Bình tìm bay về. Những con chim thần mỏ vàng ngọc với cái đuôi màu đỏ tía dài sát đất khi chúng đậu trên cành hoa hoàng lan. Tiếng những con chim thần trong vắt và huyền ảo như tiếng sáo đêm trăng ở làng tôi. Năm nào hoa hoàng lan nở ít thì chim thần không bay về và năm đó làng lại mất mùa hay có bệnh dịch.

Rồi một năm mưa lớn triền miên. Con sông Đáy vốn thơ mộng và hiền hòa vụt trở lên rộng lớn và hung dữ. Cứ sau mỗi đêm thức dậy, người làng tôi lại thấy nước sông dâng cao hơn. Suốt ngày đêm, tiếng trống canh đê thúc dồn. Nhưng mưa vẫn không ngớt. Con đê làng tôi giờ giống như một sợi chỉ mỏng manh trước dòng sông cuồn cuộn nước đỏ. Nguy cơ vỡ đê mỗi lúc một đến gần.  Khi nước đã dâng cao mấp mé mặt đê, cả làng tôi phải chạy lên đoạn đê rộng nhất vì sợ đê vỡ. Với sức nước như thế, nếu đê vỡ thì tất cả những ngôi nhà của làng tôi sẽ bị nước cuốn phăng đi. Nhưng có một người không dọn lên mặt đê. Đó là sư cụ trụ trì ngôi chùa Hoàng Lan. Suốt từ khi nước dâng cao, sư cụ không rời chùa, sư cụ ngồi gõ mõ tụng kinh suốt ngày để xin thần phật cho nước sông rút. Đến buổi chiều trước khi đê vỡ, những người già của làng cùng tiểu ở chùa đến chùa xin sư cụ hãy lên mặt đê. Sự cụ cám ơn người làng và nói nếu chết thì chỉ mình sư cụ chết. Còn nếu thần phật thấu lời cầu khẩn của sư cụ không vỡ đê thì cả làng được sống. Nghe sư cụ nói thế, nhiều người không cầm được nước mắt. Những chú tiểu cũng đòi ở lại với sư cụ, nhưng sư cụ không cho ai ở lại chùa. Sự cụ nói cần một không gian thật yên tĩnh để tụng kinh.

Sau khi không thuyết phục được sư cụ lên mặt đê, những người già trong làng cùng những chú tiểu ngồi tụm lại bên nhau trong những túp lều làm bằng lá chuối dưới mưa và cầu xin mọi điều tốt đẹp cho sư cụ. Họ nấu cháo mang cho sự cụ. Nhưng sư cụ quyết không ăn mà chỉ ngồi như bất động gõ mõ tụng kinh như thế đã ba ngày liền. Trong tiếng mưa và tiếng sấm rền rĩ trong ba ngày là tiếng gõ mõ, tiếng chuông và tiếng tụng kinh đều đều không dứt. Vào khoảng canh ba đêm đó, những người làng dựng lều sống trên đê bị dựng dậy bởi một tiếng nổ lớn. Đê đã bị vỡ. Trong bóng tối và mưa gió, không ai nhìn thấy gì mà chỉ nghe thấy tiếng nước gầm réo. Sáng hôm sau, người làng kinh hãi chứng kiến một biển nước mênh mông đã nhấn chìm toàn bộ làng họ. Người ta cũng không nhìn thấy ngôi chùa dưới chân đê nữa. Sau khi nước rút, dân làng cũng không biết ngôi chùa đã bị cuốn đi đâu. Đê vỡ đúng đoạn có ngôi chùa của làng. Người làng cử nhau đi mọi nơi để tìm thi thể của sư cụ. Nhưng hết ngày này đến ngày khác, họ chỉ thấy xác trâu bò, lợn gà và xác người bị nước cuốn.

Gần một năm sau, người làng tôi cũng không tìm dấu tích của ngôi chùa và những cây hoàng lan. Nhưng đến một ngày đẹp trời, đầm nước trong vắt, người làng phát hiện ngôi chùa nằm dưới đáy hồ. Mái chùa cổ kính vẫn thấp thoáng trong nước. Họ tin sự cụ đã bị nước cuốn xuống đáy hồ cùng với ngôi chùa. Họ đã thuê người lặn để tìm hài cốt sư cụ nhưng không thấy. Hơn nữa, nước đầm rất sâu nên thật khó khăn cho những người thợ lặn. Đây là đầm nước không bao giờ cạn vì có một lỗ hổng lớn thông từ đầm nước ra sông. Dân làng lập bàn thờ cúng lễ hương hồn sư cụ. Đã mấy lần, những người làng tôi tìm cách tát cạn hồ nước nhưng họ không làm được. Họ cứ tát được bao nhiêu nước đầm vào cánh đồng thì nước sông Đáy lại chảy vào từng đó qua một lỗ hổng lớn dưới đáy chân đê mà sau này người làng tôi nói đó là cái hang của một loài thủy quái có tên là con dải. Chuyện về con dải chuyên cắn chân những ai bơi qua sông và kéo xuống đáy sông một thời đã ám ảnh lũ trẻ con chúng tôi trong cả giấc ngủ.

Nhưng vào một đêm trăng sau ngày đê vỡ một năm, người làng nghe thấy tiếng gõ mõ và tiếng tụng kinh từ đáy hồ vọng lên. Tất cả người lớn của làng đều chạy ra bờ đầm nước. Họ quỳ xuống chắp tay hướng về giữa hồ nước như đã từng đến chùa nghe sự cụ tụng kinh những ngày mồng Một và ngày Rằm. Họ tin linh hồn sư cụ vẫn trụ trì trong ngôi chùa dưới nước và gõ mõ, tụng kinh cầu cho những điều tốt đẹp đến với dân làng. Và cứ thế, hàng tháng vào ngày mồng Một và ngày Rằm, người làng tôi lại mang lễ đến đầm nước, thắp hương và thả đồ lễ xuống đầm nước. Có những người già trong làng trước khi chết đã nói với cháu con ước nguyện của họ được thủy táng xuống đầm nước để họ vẫn được đi chùa như khi còn sống và giúp đỡ sư cụ giặt giũ, cơm nước và quét dọn như họ vẫn làm khi chùa còn ở chân đê.

Khi lớn lên, trong những lần về quê, thi thoảng vào một đêm trăng thanh gió mát, tôi lặng lẽ ra đầm nước. Tôi cố lắng nghe xem có thực là có tiếng gõ mõ, tụng kinh từ dưới đầm nước vọng lên không. Nhưng tôi không hề nghe thấy. Có lẽ khi còn nhỏ, chúng tôi không nghe thấy gì mà chỉ là trí tưởng tượng và sợ hãi của tuổi thơ mà thôi. Tôi nói với mẹ tôi là tôi chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng gió thổi và tiếng cá ăn đêm. Nghe vậy, mẹ tôi bảo khi còn nhỏ tôi nghe thấy vì với những đứa trẻ, thế giới luôn luôn chứa đựng những bí ẩn và kỳ lạ và chỉ khi có một tâm hồn trong sáng thì mới nghe được những âm thanh ấy. Khi lớn lên, tôi cố gắng nghe với ý đồ phán xét xem chuyện đó thật hay bịa thì tôi sẽ chẳng bao giờ nghe thấy. Mẹ tôi đã nói đúng. Nhưng phải mãi sau này, khi tôi tin cuộc sống ở quanh tôi luôn luôn chứa đựng những điều bí ẩn và thiêng liêng thì tôi mới bắt đầu nghe thấy tiếng gõ mõ, tụng kinh từ ngôi chùa dưới đầm nước vọng lên. Còn ngôi chùa dưới nước thì mọi người đều nhìn thấy khi nước trong đầm trong vắt. Cũng như bao nhiêu người trẻ của làng tôi sau này, rất ít người nghe được tiếng gõ mõ, tụng kinh ấy.

Có những câu chuyện mà chúng ta không cần lời giải thích cũng như không cần ai đó công nhận đúng hay sai nhưng mãi mãi là những điều thiêng liêng trong tâm hồn sâu thẳm của mình. Những câu chuyện đó chỉ làm cho tâm hồn chúng ta mở ra rộng lớn.


( Rút từ tập CÔ GÁI ÁO XANH, Nxb Trẻ )