Trang chủ PGVN Cửa thiền Ngôi chùa ‘cử nhân’

Ngôi chùa ‘cử nhân’

67

Chùa Pitu Khôsarăng Sây hay chùa Viễn Quang ở số 27/18 Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư (Ninh Kiều, Cần Thơ) rộng 645 m2 được xây dựng năm 1950 là một công trình độc đáo tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo Khmer. Đây còn là mái nhà nuôi dưỡng hàng trăm sinh viên nghèo.


Giữa cái nắng đổ lửa, vài chục con người hí hoáy xúc cát, trộn hồ… phục vụ việc mở rộng tòa chánh điện. Họ chủ yếu là sinh viên. Trần Thanh Tiền, sinh viên năm thứ 2, Đại học Cần Thơ hồ hởi: “Đang nghỉ hè nên chúng em sửa lại “nhà” để đón thêm sinh viên”.


Tiền quê ở Sóc Trăng, nhà có 5 người làm thuê làm mướn. Ngày đi thi đại học, mẹ chỉ có cho Tiền 200.000 đồng cả nhà dành dụm được. Đến Cần Thơ không tìm được chỗ trọ, Tiền lần đến chùa Viễn Quang và ở  lại đến nay. Tiền chỉ là một trong số hơn 50 sinh viên đến từ các tỉnh ĐBSCL tá túc tại chùa.


Đại đức Lý Hùng dẫn tôi đi một vòng trang đường. Dãy nhà rộng 200 m2 là nơi ăn nghỉ của các sinh viên. 2 dãy giường tầng ngăn nắp, trên đầu giường là kệ sách, đèn.


“Còn chật nên nhiều sinh viên phải ở chung với các sư ở tịnh thất”- Đại đức nói: “Sắp tới tòa chánh điện hoàn thành, chùa có thể nhận thêm 50 sinh viên nữa”. Chánh điện là nơi sinh hoạt lễ nghi, trước đây chỉ có một tầng, Đại đức Lý Hùng đã vận động chính quyền và nhân dân xây thành 2 tầng, tổng diện tích hơn 500m2, tầng trên sẽ thành chỗ ở cho sinh viên nghèo, có cả phòng đọc và máy vi tính.


Ăn ở và sinh hoạt trong chùa cùng các phật tử, mỗi sinh viên đóng 90 ngàn đồng/tháng gồm tiền ăn và điện nước. Đại đức Lý Hùng tâm sự: “Mỗi bữa ăn các em chỉ phải đóng 2.000 đồng góp phần cùng nhà chùa, em nào không đủ điều kiện thì thôi. Nhiều em hoàn cảnh quá khó thì chùa mua tặng sách vở và dụng cụ học tập”.


Để có tòa chánh điện rộng rãi, tiếp nhận thêm sinh viên, sư trụ trì Lý Hùng đã mất hơn một năm đi vận động phật tử trong và ngoài nước quyên góp được hơn 2,5 tỷ đồng. Hơn 10 năm làm trụ trì chùa Viễn Quang, nhà sư đã tiếp nhận và giúp đỡ hơn 100 sinh viên nghèo.


40 tuổi, dáng người cao, giọng nói nhỏ nhẹ, Đại đức Lý Hùng kể, năm 1990 ông từ Ô Môn đến Cần Thơ để học bổ túc văn hóa. Được chùa cưu mang nên ông đến với giáo lý nhà Phật và năm 1996 được cử làm trụ trì của chùa. Hiện ông là Phó ban trị sự  chuyên trách phật giáo Nam Tông.


Ông là cử nhân luật, cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý Cần Thơ.  Hơn 100 con người đến rồi đi, những kỷ niệm buồn vui dài ra mãi. Nhiều sinh viên gắn bó với chùa gần 10 năm, xem ông như một người cha.


Nhiều sinh viên nay đã là công chức, không về thăm được, thường điện thoại về gặp ông, tâm sự chuyện cuộc đời. Sinh viên mới đến thường gọi ông là “sư” nhưng đa phần gọi bằng tiếng “cha” trìu mến.