Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Ngôi chùa có một không hai ở Sài Gòn

Ngôi chùa có một không hai ở Sài Gòn

379

Ban đầu, chùa có tên là Phật Quang Đại Tòng Lâm. Do có rất nhiều tượng Phật nên mọi người quen gọi là chùa Vạn Phật.

Việt Nam hiện có 22.089 chùa, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường do giáo hội Phật giáo quản lý với ba hệ phái chính là Bắc tông (Đại thừa), Nam tông (Tiểu thừa) và Khất sĩ.

Tuỳ thời đại, vùng miền mà chùa có phong cách riêng nhưng kiến trúc chung kiểu chữ Đinh (T), chữ Công (工), chữ Tam (三), chữ Nhị (二), chữ Nhất (一) hoặc nội Công ngoại Quốc (trong chữ Công, ngoài hình vuông hoặc chữ nhật).

Có chùa thuần Việt, chùa Tàu (Minh Hương), Ấn Độ, Khmer và cả chùa châu Âu. Có chùa đơn sơ như chùa Quan Âm (còn gọi là chùa Mở vì không cổng, không cửa; chùa Thiên Mai vì có hơn 5.000 gốc mai) ở Đa Mi, Bình Thuận. Có chùa hoành tráng lộng lẫy hơn cung điện như Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam)…

Có chùa gần 2.000 năm tuổi như chùa Yên Phú (Hà Nội) xây dựng năm 40, trước cuộc khởi nghĩa Trưng Trắc – Trưng Nhị. Chùa Dâu, chùa Cổ Châu (Ninh Bình) xây dựng năm 187. Lại có chùa vừa mới khánh thành. Các chùa cổ đều điêu khắc, chạm trổ tinh xảo; từ không gian đến từng họa tiết. Các chùa mới thường bề thế nhưng xô bồ.

Người xưa nói “Vãn cảnh chùa”. Vào nhà là biết chủ. Vào chùa cũng vậy. Chùa thường có sân rộng, nhà trệt, mái ngói… Nhưng có một ngôi chùa phố, 5 tầng, không có sân, diện tích đất chỉ 200m2, không có cổng và cũng không có mái ở quận 5, TP.HCM.

Ban đầu, chùa có tên là Phật Quang Đại Tòng Lâm. Do có rất nhiều tượng Phật nên mọi người quen gọi là chùa Vạn Phật và thành tên chính thức. Chùa nằm cuối hẻm 66 đường Nghĩa Thục, chuyên kinh doanh vàng bạc và được bao quanh bởi những căn hộ cao tầng.

Chùa được xây dựng đơn sơ từ 1959, là nơi tu tập, lễ bái cho tăng ni và Phật từ người Minh Hương trong vùng. Từ năm 1998 – 2008, chùa có cuộc đại trùng tu và mang diện mạo mới như ngày nay.

Nhìn bề ngoài, không ai nghĩ đó là chùa. Bước vào trong, ngỡ ngàng bởi sự tận dụng tài tình không gian nhà phố thành chốn linh thiêng, trầm mặc. Từ cuộc sống nhộn nhịp, sôi động; chỉ mấy bước là lạc vào chốn Phật tĩnh lặng. Mỗi tầng có cách bài trí riêng, sắp xếp khéo léo; tạo cảm giác thoáng rộng hơn thực tế.

Ngay lối vào, bên hông chùa là quầy bán văn hoá phẩm Phật giáo. Trước cửa hàng có máy xin xăm tự động. Khách lấy đồng xu bên cạnh, bỏ vào máy. Một thiếu nữ trang phục chỉn chu lịch sự mang khay có lá xăm cuộn trong ống nhựa nhỏ đặt lên máy. Vài người giật mình vì tượng mà ngỡ người thật. Khách lấy lá xăm bàng cách cầm ống nhựa đẩy nhẹ vào trục sắt nhỏ, trả ống nhựa vào khay và cầm lá xăm nhở giải.

Trước cửa chùa có lư hương lớn làm bằng đá. Bước vào chùa, giữa tầng trệt thờ Bồ Tát Địa Tạng, 1 trong 6 vị Bồ Tát quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Một bên bán nhang đèn, một bên là văn phòng của chùa.

Tầng 1 Thờ Thiên thủ Thiên nhãn Thập nhất Diện Quán Thế Âm Bồ Tát. Hai bên hông là các bài vị đặt trong tủ kính. Phía sau là khu vực gửi tro cốt của người đã khuất, được người thân nhờ nhà chùa hương khói, tụng kinh. Tại đây, nhà chùa cho đặt một tượng Phật bằng đá để người dân tới dâng hương, chiêm bái.

Tầng 2 thờ Đức Phật Dược Sư – Lưu Ly Quán Như Lai. Hai bên thờ Bồ Tát Nhật Quang Biến Chiếu và Bồ Tát Nguyệt Quang Biến Chiếu. 2 bên tường trưng bài 18 vị La Hán và kinh phật trong tủ kính.

Ấn tượng và độc đáo nhất là tầng 4 với chánh điện, còn gọi là Đại Hùng Bửu điện; với tượng thờ Phật Thích Ca tọa trên 1.000 cánh sen. Điều đặc biệt, nhìn kỹ mới thấy, ẩn sau 1.000 cánh sen này là những bức tượng Phật nhỏ có màu trắng ngà. Chung quanh đài sen có 4 tượng Tứ đại Thiên vương.

Hai bên Phật Thích Ca là Bồ Tát Văn Thù Sư Lệ cưỡi sư tử và Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà. Quanh tường là các ô nhỏ, mỗi ô một tượng Phật. Có hơn 10.000 tượng như vậy nên chùa được gọi là Vạn Phật.

Mới nhìn, cứ tưởng các tượng đúc rập khuôn. Ngắm kỹ, mỗi tượng đều có nét riêng biệt. Các tượng lớn sắc sảo và sống động đến kinh ngạc. Tượng nào cũng có hồn và ẩn chứa nhiều thông điệp tâm linh, thay lời muốn nói. Tùy thành tâm thiện ý của mỗi người mà cảm nhận và giác ngộ.

Sân thượng chùa có tòa tháp 5 tầng và mộ tháp của hai Hòa thượng sáng lập. Dòng chữ trên tháp mộ ghi “Tào Động chánh tông đời 53 Hòa thượng Thích Đắc Bổn. Tào Động chánh tông đời 48 Hoà thượng Thích Thanh Diệu”. Không ghi năm sinh và mất. Hòa thượng Thích Đắc Bốn (1917 – 2.000). Hòa thượng Thích Thanh Diệu, không rõ năm sinh và mất. Phía trước có bức Cửu Long Bích, chạm nổi 9 con rồng đang uốn lượn trong mây.

Hơn 50 năm qua, chùa thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động từ thiện xã hội cứu trợ những vùng đồng bào gặp thiên tai; giúp đỡ các Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi; khuyết tật, neo đơn; người lỡ đường… Hằng tuần chùa có các lớp tu tập, thuyết giảng Phật pháp cho Phật tử và du khách.

Tôi đã viếng hàng ngàn ngôi chùa ở Việt Nam và nhiều nước nhưng không có chùa nào như chùa Vạn Phật. Lọt thỏm giữa nhà cao tầng, sầm uất; chùa phố; lạ từ bài trí đến kiến trúc, như nét chấm phá đặc thù văn hóa và kiến trúc Phật giáo Minh Hương. Nhà hộp, tường vuông nhưng có ô vòm và màu đỏ chủ đạo, tạo cảm giác mở rộng không gian và giữ bản sắc Minh Hương truyền thống.

Nối kết với phố vàng bạc, chùa Vạn Phật, ngôi chùa có một không hai, là điểm đến với nhiều bất ngờ thú vị, không chỉ của du lịch quận 5 mà của cả nước.


NGUYỄN VĂN MỸ