Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Ngôi chùa cổ lưu giữ nghi lễ hát rối đầu gỗ

Ngôi chùa cổ lưu giữ nghi lễ hát rối đầu gỗ

Nghi lễ hát rối chùa Đại Bi không dừng ở nghệ thuật múa rối giải trí mà đã được nâng lên tầm mức của nghệ thuật hầu Thánh.

Không chỉ nổi danh ngôi cổ tự đẹp của xứ Sơn Nam xưa, chùa Đại Bi ở thị trấn Nam Giang (Nam Trực, Nam Định) còn lưu giữ nghi lễ linh thiêng cổ xưa: Hát rối chầu Thánh. Đó không phải múa rối nước như thường thấy mà là rối cạn (ổi lỗi). Nghi lễ hát rối chùa Đại Bi không dừng ở nghệ thuật múa rối giải trí mà đã được nâng lên tầm mức của nghệ thuật hầu Thánh.

Truyền thuyết “bọc trứng quái thai”

Theo các tư liệu cổ tại chùa Đại Bi, hát rối đầu gỗ (ổi lỗi) là một hình thức rối cạn hầu Thánh độc nhất vô nhị, chỉ có ở một vài nơi thuộc khu vực ven sông Hồng và sông Thái Bình. Giới nghiên cứu cho rằng, loại hình này đã xuất hiện từ rất lâu, vào thời Lý – Trần. Không như những loại hình múa rối nghệ thuật khác, ổi lỗi mang đậm tính tâm linh, những đầu rối được coi là thánh tượng, mà đã là thánh tượng thì không ai được phép gọi là con rối.

Thánh tượng là những đầu rối bằng gỗ, còn được gọi là “thập nhị thánh tượng” với 6 tượng rối lớn và 6 tượng rối nhỏ có niên đại khoảng 400 năm. 6 tượng rối lớn được người dân gọi là 6 ông Lộng, được chế tác từ gỗ khoét rỗng, cao khoảng 40cm, đường kính 30cm, nặng khoảng 3kg và có cán cầm ở phía sau gáy để nghệ nhân cầm khi biểu diễn.

Chùa Đại Bi được khởi dựng dưới thời vua Lý Nhân Tông.

Sáu tượng rối lớn lại chia thành 3 cặp: Đôi Lộng Chúa mặt đỏ, mắt nhìn quắc thước, miệng rộng và râu ria, thể hiện khí chất của người chính nhân quân tử; đôi Lộng tỳ (Tùy trắng) mặt trắng, miệng cười rộng, mũi to, biểu trưng cho sự phồn thực, no đủ; đôi Cóc vàng mặt sơn hồng nhạt tượng trưng cho nền nông nghiệp lúa nước của dân tộc Việt.

Sáu tượng rối nhỏ gồm: Tượng Chàng – chàng trai thư sinh, tuấn tú, mặt đỏ hồng; hai tượng tiên gồm hai vị tiên mặt trắng, phần múa hát mang âm hưởng lễ hội; ông Chớp mặt đỏ – tượng trưng cho thời tiết, nắng mưa thuận hòa; một tượng Hậu mặt trắng, tóc đen, toát lên vẻ phúc hậu, hiền từ; ông còn lại là ông Mách mặt đỏ và to, mang vẻ dữ tợn, có vai trò như người dẫn chuyện kể về sự tích ổi lỗi. Các tượng nhỏ làm bằng gỗ đặc, được đội mũ hoặc vấn tóc theo lối cổ xưa với nét mặt vui vẻ.

Tại sao chùa Đại Bi (Nam Định) và một số ngôi chùa khác ở Bắc Bộ lại có tục hát chầu Thánh ổi lỗi?

Một số truyền thuyết giải thích rằng, khi xưa hoàng hậu mãi không có được mụn con, nhà vua liền tổ chức lễ cầu tự. Một thời gian sau, hoàng hậu có mang và đẻ ra một bọc trứng. Tuy nhiên trong bọc không phải là người, mà là 6 quái thai. Nhà vua sợ hãi liền lệnh cho người thả bọc trứng ấy xuống sông.

Đức Thánh Từ Đạo Hạnh sau khi đi học Kinh Pháp Phật trở về nước thì trông thấy 6 quái thai trôi dạt vào một bến nước. Động lòng trắc ẩn, ông đã vớt lên và đem chúng về nuôi nấng, cảm hóa, dạy dỗ thành người có ích.

Một truyền thuyết khác kể về mười hai ông thần Sóng dâng nước ngập lụt hại dân, Đức Thánh Từ ra tay phép thuật thu phục được sáu ông, còn sáu ông Sóng bị đuổi ra biển, bèn đặt ra tích trò rối sáu ông thần Sóng múa trên mặt nước (tấm màn che để múa đầu tượng rối phải thêu hình sóng nước). Thuyết thứ ba cho rằng sáu đầu tượng rối chính là đại diện cho các “đức” của người quân tử: Liêm, Sỉ, Trí, Tín, Hiếu, Nghĩa.

Một huyền tích khác giải thích nguồn gốc của rối cạn ổi lỗi tại đình Xuân Trạch (Quỳnh Phụ, Thái Bình), gắn liền với các nhân vật lịch sử thời nhà Hồ. Rằng thời ấy có người tình cờ nhìn thấy một cái bọc trôi trên mặt nước, vớt lên thì thấy bên trong có 16 đầu rối. Về sau 16 cái đầu ấy được chia ra mỗi đình khác nhau để thờ.

Từ các truyền thuyết này mà ở Việt Nam có tới 6 nơi duy trì tục hát ổi lỗi. Các giai thoại cho rằng, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã tạo nên trò rối với 6 tượng đầu gỗ tượng trưng cho sáu người trong bọc trứng quái thai để căn dặn con người về những điều nên và không nên làm. Vì lòng nhân từ ấy mà sau này, dân một số địa phương đã tạo nên 6 đầu rối để thờ và tưởng nhớ công ơn, đức độ của Đức Thánh Từ.

Linh thiêng hát rối chầu Thánh

Tại chùa Đại Bi ở thị trấn Nam Giang (Nam Trực, Nam Định), các tư liệu ngọc phả cho biết, thiền sư Từ Đạo Hạnh họ Từ, húy là Lộ, cha là Từ, húy Vinh… quê ở làng Láng, làm chức Tăng quan Đô sát. Tuổi nhỏ có nhiều điểm khác thường, có cốt khí tiên phật, hào hiệp phóng khoáng, có chí lớn, phàm việc làm lời nói không ai đoán trước được.

Ông kết bạn thân với nho sĩ Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và người kép hát là Vi Ất. Ban đêm ông miệt mài đọc sách, ban ngày đá cầu, thổi sáo, đánh bạc vui chơi. Cha ông bị Diên Thành hầu nhờ Đại Điên dùng phép thuật giết chết. Ông đi trả thù không thành, tìm đường sang Tây Trúc học phép thuật, đường đi đến nước Kim Xỉ gian nan, bèn bỏ về núi Phật Tích tu luyện, đọc chú Đà La Ni mười vạn tám ngàn lần, hoàn thành đạo pháp, tìm Đại Điên trả thù.

Lễ hội chùa Đại Bi được ví lớn hơn cả hội Phủ Dầy.

Sau khi rửa sạch oán thù, sư đi khắp nơi trong chốn tùng lâm tìm thầy ấn chứng. Thánh đã gặp thiền sư Trí Huyền và thiền sư Sùng Phạm để học hỏi, mở rộng kiến văn. Sau đó, sư đầu thai làm con Sùng Hiền hầu, về sau là vua Lý Thần Tông.

Trước khi tổ chức múa hát rối ổi lỗi, người làng phải tiến hành phần tế lễ xin phép rước và đưa các thánh tượng từ nơi thờ tự ra nơi biểu diễn. Lễ xin phép được chia làm bốn phần: Thánh y, rước tượng, tắm tượng và dâng tượng.

Những người được chọn để thực hiện các nghi lễ này phải là người có đạo đức, có uy tín trong phường hát. Tất cả các thành viên trong phường đều là nam giới và chia làm hai nhóm: Nhóm cấp trước và nhóm cấp sau. Trong mỗi đêm hội, nghệ nhân biểu diễn phải mặc áo chùng thâm, đội khăn xếp.

Để biểu diễn hát rối chầu Thánh, dân làng dựng một tấm vải đỏ, diềm xanh, trên có thêu họa tiết sóng nước mắc vào hai cây cột giữa tiền đường trong chùa. Lúc này, các thánh tượng được “mặc áo” phủ từ cổ xuống, che đi phần tay của người biểu diễn nhằm tăng tính nghệ thuật trong quá trình múa hát.

Các nghệ nhân sẽ đứng sau tấm vải đỏ, biểu diễn sao cho đầu hướng về ban thờ Phật và thiền sư Từ Đạo Hạnh. Lần lượt các đầu rối sẽ xuất hiện, đầu tiên sẽ là 6 ông Lộng (đầu lớn), tiếp sau là 6 đầu rối nhỏ, chia thành năm lớp diễn đơn và đôi. Tùy vào từng loại rối sẽ có cách biểu diễn khác nhau.

Nhạc cụ được sử dụng trong các buổi hầu Thánh là bộ gõ gồm 2 chiếc mõ tre, 1 trống bảng gõ bằng mảnh nứa, 2 thanh la, 2 trống cơm, 1 trống cái để gõ cầm canh chuyển làn điệu, 1 chuông đẩu và 1 trống thầy bói để người nghệ nhân gõ theo trống cái. Tuy chỉ có một bộ gõ đơn giản như thế, nhưng người nghệ nhân có thể diễn tới 26 bài ca và 32 làn điệu.

Các bài hát kể về công lao của vua chúa, những anh hùng và những đóng góp quan trọng cho đất nước. Ngoài ra, nó còn truyền tải những giá trị đạo đức, tình yêu gia đình và đạo lý sống. Những bài hát cũng dạy con người về cách xử thế, lòng hiếu thảo và tình yêu quê hương.

Ở bài cuối lễ hát chầu Thánh là bài “Dâng Phú”, có nhiều tên “húy” của các thánh. Do vậy không được ghi ra giấy, các ông trùm phường rối quỳ đọc lẩm nhẩm, đánh trống lấp tiếng đi không ai nghe rõ.

Bài “Dâng Phú” chỉ được truyền khẩu riêng cho những người kế nghiệp làm trùm phường. Vì thời gian biểu diễn ổi lỗi rất dài, đầu tượng rối lại nặng tới hơn 3kg mà lại phải cầm lâu nên người nghệ nhân phải có sức khỏe, đặc biệt tối kỵ trong việc để đầu rối bị rơi.

Các nghệ nhân phường rối ổi lỗi Nam Giang cho biết, nghệ thuật ổi lỗi tổng hòa ca – vũ – nhạc. Lời ca, dù là đơn ca hay đồng ca, kết hợp với vũ đạo của các ông Lộng và dàn nhạc đồng tấu, phụ họa tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Vũ đạo trong nghệ thuật rối chùa Đại Bi tuy đơn giản nhưng giàu tính tượng trưng. Tất cả thành viên trong phường đều là nam giới, được chọn theo tục cha truyền con nối hoặc người có tâm với Đức Thánh Từ.

Thánh tượng với 6 chiếc đầu rối được gọi là 6 ông Lộng.
Nghi lễ hát rối chầu Thánh thiên về tâm linh nên rất được người dân tôn kính.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here