Đến hôm nay, ngày xưa của tôi lại bị đánh thức một lần nữa không phải bởi nắng vàng đầu hạ, bởi sắc phượng hồng, bởi trời rất xanh và mây rất trắng; mà đánh thức bởi mùi hương giải thoát, bởi tiếng chuông chiều xa, bởi ngọn đuốc trí tuệ, bởi tấm lòng từ bi, bởi nụ cười hiền hòa, bởi ánh mắt nhân từ ..
Phật pháp nhiệm màu và nhân duyên thù thắng, cùng với sự quan tâm của Giáo Hội Phật Giáo, các cấp chính quyền và mạnh thường quân, khóa tu mùa hè do chùa Hoằng Pháp tổ chức thấm thoát đã bước sang năm thứ bảy. Trong dòng chảy bảy năm qua, một khoảng thời gian chưa dài, một con số còn quá khiêm tốn nhưng đã đạt được một thành quả to lớn, bằng chính sự phấn đấu âm thầm bền bỉ, thấm đẫm mồ hôi và công sức bao người. Vì hoài bão hoằng pháp độ sanh, vì tầm nhìn trong thảy sáu cõi, vì tấm lòng nghĩ tới nghìn đời, vì tương lai đất nước, vì thế hệ ngày mai; thay cho mùa hoa Vô Ưu nở là bản đồng dao ve hè, hàng ngàn bạn trẻ khắp 64 tỉnh thành trong nước và các nước bạn lại hân hoan náo nức hành trang hội tụ về nơi đây, ngôi già lam thân quen thánh thiện “chùa Hoằng Pháp thân thương”.
Từ những bước đầu chập chững, khóa thứ nhất con số chỉ 300 bạn, khóa thứ hai hơn 700 bạn, khóa thứ ba hơn 1.700 bạn, khóa thứ tư hơn 3.000 bạn, khóa thứ năm thì hơn 6.000 bạn. Mặc dù cố gắng hết sức nhưng cơ sở vật chất hạ tầng có hạn, số lượng hơn 6.000 bạn khiến Ban tổ chức hoàn toàn bị động trong khâu điều hành và gặp nhiều khó khăn trở ngại trong việc sắp xếp nơi ăn chỗ nghỉ. Gặp khó không sờn lòng, đáp lại tinh thần ham học ham tu của giới trẻ và đảm bảo chất lượng khóa tu, khóa thứ sáu và thứ bảy mỗi khóa tổ chức 2 lần, mỗi lần với số lượng khoảng 2.000 đến 3.000 bạn. Để đạt được thành quả, uy tín, niềm tin và thu hút số lượng lớn bạn trẻ như thế, hẳn nhiên vai trò chính phải thuộc về tinh thần khoa học; một tinh thần khoa học chân chính bao giờ cũng tạo bề mặt và nuôi cái gốc bằng tinh thần nhân văn nhân đạo. Không phải nhân đạo trong sách vở, mà nhân đạo ngay trong đời sống, trong cách sống lời nói hành động của những vị thầy; không có những điều đó, xem như những lời giảng văn hoa, hay ho, cao đạo đến mấy cũng không có tín chấp; và ngôi già lam Hoằng Pháp đã được xây dựng và tồn tại bởi cái móng này.
Phân chia ảnh hưởng và sự chia phối của con người trong cuộc đời, người ta thường nói đến ba loại quyền. Đầu tiên là uy quyền, được hình thành do cậy vào uy lực và quyền chức, nên uy quyền có khả năng chi phối con người tức thì và mạnh mẽ; nhưng ảnh hưởng của uy quyền không sâu và không lâu, người ta có thể do kiêng nể nhất thời mà tuân thủ, chưa chắc do tâm phục khẩu phục. Thứ hai là trí quyền, là sức mạnh của trí tuệ của tư tưởng, nên trí quyền có ảnh hưởng lớn và sâu. Người có tư tưởng sâu sắc độc đáo luôn có sức hấp dẫn mạnh đối với dạng người có nhu cầu tư tưởng; những tư tưởng khoa học mới mẻ sắc xảo bao giờ cũng có ảnh hưởng mạnh tới đầu óc khoa học của con người, giới chuyên môn. Tuy nhiên không phải trí quyền của ai cũng rộng và bền, vì các tư tưởng luôn tồn tại dưới dạng thống nhất và đấu tranh lẫn nhau, cái đến trước bị phủ định bởi cái đến sau; bởi thế ảnh hưởng của người cậy vào trí quyền cũng lu mờ theo. Thứ ba là tâm quyền, là ảnh hưởng chi phối của tấm lòng đến tấm lòng. Do cảm động bởi tình nghĩa, ân đức giữa con người với con người mà có, nên tâm quyền bao giờ cũng thấm thía sâu vào tận tâm can, khiến người ta luôn ghi lòng tạc dạ những nghĩa nặng ơn sâu và tự nguyện đáp đền cho xứng đáng. Bởi vậy, xưa nay nhân tâm dường như chỉ chịu quy phục tâm quyền. Chẳng lạ gì khi trong thế gian loài người cao ngạo dám thách thức mọi thế lực ghê gớm nhất lại là người sẵn sàng quỳ gối trước những tấm lòng. Có thể nói, trong ba thứ ấy tâm quyền là bền vững nhất, là dạng mềm chân chính của nhân gian.
Ngày đó, tôi như một con ngựa hoang, không dây cương và bất thuần thục. Cha mẹ tôi bỏ nhau, tôi và bà tôi nương tựa nhau sống; tôi tự làm tự học, phải bươn chải kiếm sống giữa đời ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, dòng đời xô đẩy tôi đến những điều vất vả tủi nhục đắng cay và ngày càng chất đầy trong tôi. Tôi hận đời thù người, tôi bắt tôi phải học, không được quyền khóc, không được mỏi mệt, phải chai lì bước đi dù chân có rướm máu… và đó là cái thúc đẩy tôi bước qua ngưỡng cửa đại học. Như kẻ mù sờ voi, tôi nghĩ tôi giỏi giang lắm và mọi người đều mắc nợ tôi, tôi là người bất hạnh nhất thế gian. Trong tôi, tôi là điều quan trọng nhất; trong tôi, sở thích của tôi được ưu tiên nhất; trong tôi, cái tôi của tôi lớn nhất. Tôi làm ba tôi khốn đốn, mẹ tôi khóc dở mếu dở, tôi cho mình cái quyền xem trời bằng vung, bất cần đời.
Và nhân duyên đưa đẩy, tôi đến với khóa tu mùa hè lần thứ năm thật tình cờ và được gần gũi Phật pháp. Trong suốt quá trình 7 ngày tu tập, tất cả sinh hoạt ăn uống ngủ nghỉ tu học vui chơi… được do quý thầy lo khá chu toàn. Quậy phá, tinh nghịch, khó bảo, cứng đầu là điều hiển nhiên; tuổi trẻ và lại 6.000 cơ mà, quý thầy đuối sức vì bọn nhóc “thứ ba học trò” này, dở khóc dở cười. Những gì quý thầy làm, những lời quý thầy dạy đã tác động ảnh hưởng sâu sắc trong tôi, tôi luôn tự hỏi: Sức chi phối của quý thầy thuộc dạng nào?? Và lần nào cũng một khẳng định mười mươi: quý thầy không có uy quyền, mà có trí quyền. Nhưng trước hết và sâu xa nhất là có tâm quyền. Một tâm quyền bền vững và sâu đậm, thể hiện cả trong cách sống lẫn xu hướng học thuật. Vẻ đẹp sâu xa trong nhân cách của quý thầy là vẻ đẹp của lòng từ bi, sức sống của những bài giảng là sức sống của tinh thần nhân đạo, bác ái vị tha.
“Kính nhi viễn chi”! Không, quý thầy dễ gần lắm, đôi khi tôi còn chọc phá quý thầy nữa. Sống bên quý thầy chỉ vài ngày, tôi cảm nhận nơi đây thật ấm áp tình người. Quý thầy chăm sóc dạy dỗ chúng tôi, những con ngưòi xa lạ; từ trong đời thức hay sách vở văn chương, dù về một thân phận bi kịch hay một nỗi éo le tình thường, giọng thầy luôn nhẹ nhàng trầm bổng pha chút nghẹn ngào, tiếng thổn thức cơ chừng không nén nổi, rưng rưng nơi khóe mắt. Quý thầy là những người đã quay lưng với hỷ nộ ái ố, không phải là kiểu người ưa trang điểm cho khóe mắt của mình bằng những giọt lệ dễ dãi, càng không phải kiểu người có khả năng điều nuớc mắt như một thứ gia vị cho những câu chuyện và bài giảng của mình. Giáo pháp đã sinh cho thầy giọt nước mắt ấy, giọt nước mắt hiếu đạo ẩn sâu trong trái tim từ bi, dần chảy vào trong chúng tôi và làm tan chảy trái tim lạnh lùng của tôi. Nó hướng đạo chúng tôi trong cuộc sống, cách cảm nhận về giá trị cuộc sống trong đời người, mà trước hết là cảm nhận cái hiếu cái tình cái nghĩa cái nhân. Quý thầy đặt trọn tấm lòng mình vào đó, không ngừng gia tăng sự đồng cảm đối với mọi tâm tình tiềm ẩn ở từng trang viết trang đời, lấy văn chương chở đạo, tư tưởng nhân nghĩa vừa nồng vừa sâu. Thầy dẫn chúng tôi đến lẽ phải bằng chân lý và chân tình, nhưng cái tình luôn ở chân thuận, nó bước mạnh hơn mau hơn và truyền cái lý vào chúng tôi. Tôi rất may mắn đựơc quý thầy chia sẻ sự đồng thuận và rất nhiều niềm hoan hỷ như thế, những khi ấy tôi càng thấy rõ: đi vào cuộc đời phải bằng tấm lòng nhân ái, khoan dung. Vậy là lòng nhân ái đã xô lệch cả những hiềm thù muộn phiền, lay chuyển được cả những con tim băng giá cằn cỗi, đưa con người đến an vui tự tại. Bởi thế không biết người khác nghĩ thế nào, riêng tôi, bao giờ cũng thấy quý thầy lúc nào cũng đẹp; tất cả nét đẹp nhân hậu, chiến thắng và sự chế phục bản thân, hòa mà không tan, sự cảm thông của tấm lòng cùng nét cao thượng từ bi ấm áp của tâm hồn đều bừng sáng lên trên gương mặt hiền hòa. Càng gắn bó với Hoằng Pháp, tôi càng tin rằng: vẻ đẹp ấy là vẻ đẹp của một chữ Tâm viết hoa.
Ngày nay học thuyết nhiều, chủ nghĩa lắm, phương pháp luận cũng đủ loại; chúng ta không nên rẻ rúng học thuyết nào, miễn là chúng có ích cho việc nhận thức theo hướng tích cực lạc quan. Với Nho giáo, Phật giáo, chủ nghĩa Marx, các triết thuyết và sự áp đảo chủ nghĩa phương Tây đối với phương Đông trên phương diện văn hóa, tinh thần truyền thống, các trào lưu.. quý thầy luôn có cái nhìn bình quan, phân tích, luận giải, tường thuyết kỹ lưỡng, gạn đục khơi trong. Được thừa hưởng và tu học những điều vàng ngọc ấy, tôi rất tự hào. Nhưng… còn thế hệ sau tôi, liệu có được như tôi không?? Thật khó nói, càng nghĩ đến những lời giáo huấn của thầy, tôi càng thẹn. Sự tiếp nối liền mạch giữa các thế hệ Phật tử, giữa các thế hệ quý thầy, ngày sau có gián đoạn không?? Làm sao mà không thẹn, buồn, lo???!!
Tiếng còi báo động của các tệ nạn đang là điều lo lắng cho bậc làm cha mẹ và bức xúc nhức nhói của toàn xã hội ngày nay. Khóa tu mùa hè mở ra, giúp giới trẻ nhìn ra đạo đức làm con, làm người và có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. “Vì lợi ích trăm năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, tất cả chúng ta đều trăn trở ưu tư, mỗi người con Phật phải là một hoằng pháp viên; duy trì phát triển, chung tay góp sức “cày xới tưới tiêu” mảnh đất Hoằng Pháp và vun trồng những hạt mầm Phật pháp; giúp cho xã hội ngày mai luôn xanh tươi, cây tâm hoa ngộ nở nhà nhà; cho thế hệ con em chúng ta được uống giọt cam lồ từ bi, giọt pháp nhũ ngon ngọt, hướng những cánh chim non lạc bầy quay về nương tựa. Tiếng Tam Bảo, tiếng Ba La Mật, tiếng từ bi hỷ xả, mãi vang vọng trùng trùng điệp điệp khắp nơi; quốc độ Ta Bà trở thành thế giới Cực Lạc.
Chơn Hiền Bảo