“Phật bà Bể Nam – Truyện Quán Âm Diệu Thiện” bước đầu làm rõ quá trình truyền bá, tiếp nhận và dung hợp hình tượng Quán Âm trong Phật giáo với tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Bồ tát Quán Âm là một chủ đề bao trùm các lĩnh vực văn hoá, xã hội, tư tưởng, tôn giáo… ở Việt Nam từ trong lịch sử cho tới hiện tại.
Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu nào xác lập được một cách rõ ràng hiện tướng nữ giới (tức hình dáng bề ngoài là nữ) của vị Bồ tát này xuất hiện ở Việt Nam (trước đó hình tượng Quán âm có nhiều hiện tướng khác), cũng như sự lưu hành của hiện tướng này trong bối cảnh tín ngưỡng thờ cúng Quán Âm tại đây.
Xác định thời điểm Bồ tát Quán Âm hiện tướng nữ hiện diện ở Việt Nam
Trong bối cảnh đó, chuyên khảo Phật bà Bể Nam – Truyện Quán Âm Diệu Thiện tại Việt Nam của tác giả Nguyễn Tô Lan và Rostislav Berezkin (NXB đại học Sư phạm phát hành đầu tháng 4) đã bước đầu xác định hiện tướng nữ giới của Quán Âm lưu hành ở Việt Nam. Đồng thời, đặt nền tảng cho những nghiên cứu liên ngành khác về vị Bồ Tát đã thành Phật Bà trong lòng người Việt này.
Chuyên khảo này gồm bốn phần chính. Phần đầu “Đạo luận” khái quát về truyện tích Quán Âm Diệu Thiện ở Việt Nam và Trung Quốc. Chương I, II, III đi vào khảo cứu các phiên bản khác nhau của truyện Quán Âm Diệu Thiện ở các thể loại như bảo quyển, tiểu thuyết, truyện thơ Nôm… ở Việt Nam trong khoảng thời gian kéo dài từ thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XX.
Thông qua những tài liệu sưu tập được và qua những phân tích chi tiết ở các phần trong chuyên khảo, tác giả Nguyễn Tô Lan và Rostilav Berezkin đã bước đầu làm rõ quá trình truyền bá, tiếp nhận và dung hợp hình tượng Quán Âm (Avalokiteśvara) trong Phật giáo với tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Theo hai tác giả trong nhiều nghiên cứu trước đây, có thể nhận thấy ở Việt Nam có một sự dung hợp giữa Quán Âm trong kinh điển Phật giáo, Quán Âm Trung Quốc hóa và Quán Âm Việt Nam hóa.
Nói cách khác đó là sự dung hợp giữa Quán Âm hiện tướng nữ với những hiện tướng khác; hoặc giữa các hình thức khác nhau của Quán Âm hoặc gọi bằng tên gọi Phạm ngữ, hoặc bằng tên gọi Hán ngữ, hay bằng cách gọi dân gian Việt Nam, mà phổ biến hơn cả là Quán Âm Toạ sơn, Quán Âm Tống tử (Quán Âm Thị Kính), Quán Âm Hương Sơn (Đức chúa Ba, cô Ba), Quán Âm Đại Bi (Phật bà Nghìn mắt nghìn tay)…
Điểm then chốt nhất trong việc xác định sự hiện diện của hiện tướng nữ của Bồ tát Quán Âm đã được học giới quốc tế xác nhận từ năm 2001 với nghiên cứu quan trọng của Glen Dudbridge về truyền thuyết Quán Âm Diệu Thiện.
Tại đó, chỉ với sự xuất hiện của Phật tích về công chúa Diệu Thiện vào đầu thế kỉ XII thì quá trình nữ hóa Quán Âm diễn ra tại Trung Quốc mới được xác lập.
Diệu Thiện, một nàng công chúa cự tuyệt cuộc sống hoàng gia và hôn nhân thế tục để chuyên chú vào tu hành Phật pháp, tế độ cho chúng sinh khỏi cảnh đọa đày nơi địa ngục.
Trải qua muôn vàn kiếp nạn, mà nhiều trong số đó được gây ra bởi chính phụ thân của mình, nàng tu hành đắc đạo trên núi Hương Sơn. Nàng đã hi sinh một phần thân thể của mình (tay và mắt) để làm thuốc cứu vua cha thoát khỏi trọng bệnh.
Cuối cùng, đã cảm hóa được cả gia đình đi theo con đường tu hành, tất thảy đều siêu thăng lên cõi Phật và chính nàng trở thành Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát được thờ phụng đời đời.
Truyện Quán Âm Diệu Thiện là một chỉ dấu quan trọng, nói cách khác là dấu mốc đầu tiên xác định được thời điểm Quán Âm bắt đầu được thờ phụng với tư cách là một nữ thần.
Dựa trên luận điểm này, và dựa trên những tài liệu thực chứng khả tín hiện có, đặc biệt là chi tiết năm 1313, thiền sư Huyền Quang khi nói về mục đích xây dựng chùa Đại Bi có nhắc tới Phật tích Diệu Thiện khuyến hoá phụ mẫu theo Phật đạo, tác giả Nguyễn Tô Lan và Rostilav Berezkin bước đầu xác nhận rằng, hiện tướng nữ giới của Quán Âm gắn liền với truyện Diệu Thiện đã được lưu hành ở Việt Nam.
Một chuyên khảo công phu
Quán Âm là một trong những chủ đề nghiên cứu mà hai tác giả Nguyễn Tô Lan và Rostislav Berezkin quan tâm từ khá sớm. Tuy nhiên, chỉ khi có cơ hội gặp gỡ tại một hội thảo quốc tế tại Đài Loan năm 2007, hai tác giả mới bắt đầu trao đổi với nhau về nghiên cứu của mình và nhận thấy có thể chia sẻ mối quan tâm chung về cùng một chủ đề nghiên cứu.
Trong khoảng hai năm từ 2015-2016, tác giả Nguyễn Tô Lan và Rostilav Berezkin đã làm việc cùng với nhau trên những thư tịch (sách vở tài liệu) của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, các thư viện và trung tâm lưu trữ khác. Hai tác giả cũng đã điền dã tới nhiều tự viện (chùa chiền) nơi bảo lưu nhiều tài liệu Hán Nôm; khảo sát văn bia và mộc bản ở nhiều vùng miền của Việt Nam.
Trong quá trình này, nhiều tài liệu nghiên cứu vốn không sẵn có trong các trung tâm tư liệu phục vụ công chúng đã được hai tác giả sưu tập. Đồng thời, những vấn đề nghiên cứu về Bồ tát Quán Âm cũng dần được hình thành một cách rõ nét và hệ thống.
Năm 2018, tác giả Nguyễn Tô Lan sưu tập được một văn bản truyện Quán Âm Diệu Thiện bằng chữ Nôm tại Đài Loan, đã hiện thực hóa một phần trong chương trình sưu tầm tư liệu ngoài Việt Nam của hai tác giả.
Bình phẩm về chuyên khảo này, giáo sư Vu Quân Phương (Đại học Columbia, Hoa Kỳ) viết: “Hai tác giả của chuyên khảo này đã có đóng góp lớn với việc truy vết diễn biến của truyện Diệu Thiện bằng những nghiên cứu chi tiết của họ trên nhiều văn bản quý hiếm tìm thấy ở Việt Nam”.
Còn tiến sĩ Nguyễn Nam (Đại học Fulbright Việt Nam) thì cho rằng: “Phật Bà Bể Nam thực sự là thành quả đẹp của hợp tác nghiên cứu quốc tế Việt – Nga”.
Ông cũng cho rằng “Khối lượng tư liệu tham khảo ấn tượng với nhiều văn bản quý hiếm như Hương Sơn Bảo Quyển (khắc in lại ở Hà Nội năm 1772), hay Quán Âm Tế Độ Bản Nguyện Chân Kinh (in khắc lại cũng tại Hà Nội năm 1887) được khảo sát nghiêm cẩn, cho thấy quá trình truyền nhập và sự tái sinh của văn bản Phật giáo nói chung, và của tín ngưỡng Quán Thế Âm nói riêng trong khu vực Đông Á”.
Minh Châu/ Zing