Do chưa đi vào phân tích chi tiết nhận định trên, nên trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu vào lời của đại đức Thích Tục Khang.
Bên cạnh đó, mới đây, một ý kiến đóng góp cho bài Cần ngăn chặn “mô hình”: chùa – nhà đòn – nghĩa trang? lại bênh vực cho mô hình này, với lý do “đến chùa mà thấy mô hình nhà đòn – nghĩa trang thì âu cũng là phương tiện quý để tu vậy”. Cách lập luận để nghĩa trang hóa, nhà đòn hóa, âm công hóa nhà chùa này không mới. Chúng tôi đã từng nghe các ni cô chùa chứa đầy quan tài tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An lập luận cũng gần như thế. Ngoài pháp tu như đã nói trên, các ni cô còn nói đến… pháp tu “bố thí”.
Vậy, bán đất chùa lập nghĩa trang là ngụy biện hay là tạo công đức xây chùa, là tu quán bất tịnh, là tu hạnh bố thí?
Bán đất chùa làm nghĩa địa, xây chùa to chùa đẹp rồi đến chùa đó, sẵn có nghĩa địa, thì lại thêm một “phương tiện quý” để tu quán bất tịnh, nghe qua quả là một điều đáng nên làm.
Quán bất tịnh là một pháp tu của nhà Phật, đi đôi với pháp quán vô thường. Một trong những phương tiện quán là quán sát sự thối rữa xác chết.
Thế nhưng, trong Kinh Phật, đức Phật chỉ dẫn các tăng chúng đến nghĩa địa để quán, đặc biệt là các thi lâm, tức là rừng dùng nơi táng xác chết bằng cách để xác tại đó, không chôn. Nhờ đó, có thể nhìn thấy trực tiếp các giai đoạn phân hủy của xác chết và là cơ sở để hành giả nhận chân sự vô thường của kiếp người, lần lần thành một đống xương khô, cuối cùng là đám bụi bay đi trong gió…
Thi lâm, với cách an táng phô bày xác người như vậy, chắc chắn là không thể gần các khu dân cư, càng không thể ở ngay bên trong tự viện hay là một phần của tự viện, nơi đức Phật và tăng chúng tu hành. Vì nếu không thế, thì việc ô nhiễm môi trường khủng khiếp sẽ xảy ra ngay trong vài ngày không ai chịu nổi, cũng như sau đó là dịch bệnh lan tràn.
Cho nên, lấy mô hình chùa – nhà đòn – nghĩa địa là “phương tiện quý” để tu hành là lý giải lệch lạc lời Phật dạy. Phật dạy vào rừng nơi an táng theo kiểu không chôn cất gì cả để quan sát xác người phân hủy (và chỉ áp dụng đối với một số đối tượng thích hợp), còn bây giờ có ý kiến sửa lại là đến chùa, quan sát nhà đòn (cơ sở mai táng) và nghĩa địa trong chùa để tiến tu.
Trong Kinh Phật, không hề có tu viện nào có nghĩa địa, theo cách an táng thời bấy giờ cả.
Việc hiểu sai lời Phật ở đây là sai từ địa điểm, cách hiểu, đến cách làm, vai trò, vị trí người làm.
Kinh Phật dạy hành giả thường là tăng sĩ đến nơi táng tử thi theo cách bấy giờ để quan sát, tức là đứng ngoài để nhìn. Còn ngày nay, người tu sĩ thực hiện mô hình chùa – nhà đòn – nghĩa địa tham gia trực tiếp vào hoạt động mai táng, tức là đóng vai trò công ty dịch vụ mai táng, cung cấp quan tài, nghi lễ hộ niệm, cỗ bàn… rồi cuối cùng là đất chôn, bằng cách bán đất chùa, tức là dịch vụ từ A đến Z. Trong đó, đại đa số hoạt động có thu phí và thu phí giá cao (như trong trường hợp chùa ở Hải Phòng là 400 triệu đồng/mộ, có thể là kỷ lục thế giới, kỷ lục Phật giáo).
Kết quả, chùa biến thành nghĩa trang, trại hòm, rồi lại nói rằng nhờ đó có “phương tiện quý” để tu!
Thực chất của việc ngụy biện là lấy việc tu tập, công đức từ thiện để bào chữa cho hoạt động kinh doanh, mua bán thu lợi, mà cái đem bán là tài sản chung của bá tính, của Đạo Pháp. Vì vậy, nên đại đức Thích Tục Khang nói không sai là ngụy biện. Lấy tiền xây chùa có 2 vế, lấy tiền là sai, xây chùa là đúng, nhưng xây chùa giữa nghĩa trang là đúng hay sai? Lại giải thích là “phương tiện quý để tu”!
Rồi ai biết thu bao nhiêu, chi xây chùa là bao nhiêu? Ở đây còn có thể là tệ tham ô, tham nhũng nơi cửa Phật.
Nhưng dù gì thì cũng không thể biện hộ cho việc sử dụng màu áo tu sĩ tổ chức kinh doanh dịch vụ mai táng ở chốn thiền môn. Thà rằng nói thẳng, cung ứng dịch vụ mai táng là một khoản thu nhập truyền thống của một số chùa, mà nếu không có thì nhà chùa có thể hết sức khó khăn, hơn là “ngụy biện” (từ của Đại đức Thích Tục Khang), là để “xây chùa” hay là “phương tiện quý” để tu.
Mong rằng vấn đề được lý giải một cách rõ ràng, đúng đắn, đúng sự, để từ đó có giải pháp để giải quyết. Để nếu không, cái họa của Phật giáo chùa trở thành nhà đòn, nghĩa trang, tu sĩ Phật giáo trở thành giám đốc không cần giấu mặt của công ty dịch vụ mai táng không đăng ký kinh doanh mà lấy bảng hiệu chùa, có dây chuyền hoàn chỉnh từ A đến Z, từ cung cấp quan tài đến mộ phần không chỉ ở Hải Phòng, hay Bến Lức, Long An, mà rồi đâu đâu cũng có.
Đến thế thì còn gì Phật giáo, đạo của “duy tuệ thị nghiệp”!