Trang chủ Diễn đàn Nghi lễ hành chính Giáo hội: Theo hạ lạp hay chức vụ?

Nghi lễ hành chính Giáo hội: Theo hạ lạp hay chức vụ?

119

Chư Tổ có dạy: “Phật pháp tại thế gian”, nghĩa là: việc đạo không thể tách rời việc đời. Nói một cách khác, đạo ở tại đời, người nào cũng đi từ đời vào đạo, nương đời để ngộ đạo, tu tập để độ người, hành đạo để giúp đời. 

Chư Tổ cũng có dạy: “Hằng thuận chúng sinh”, nghĩa là: nếu phát tâm tu theo Phật, dù tại gia hay xuất gia, đều nên luôn luôn thuận theo việc dùng tứ nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự) để đem an lạc cho chúng sanh, tức là cho mọi người trong đời, bao gồm những người đang tu trong đạo .

GHPGVN hơn 30 năm thành lập và phát triển đã đạt được những thành tựu lớn trong việc hoằng dương chính pháp lợi lạc quần sinh, đồng hành cùng dân tộc, đưa giáo lý tối thắng của đạo Phật đi vào thế gian tùy duyên mà hóa độ.

Từ trung ương đến địa phương đã có 3 cấp GH để điều hành và theo dõi các công tác Phật Sự. Trên phương diện phổ cập cộng đồng , những buổi lễ hành chánh thể hiện sự “chuyên nghiệp” trong công tác quản lý và điều hành GH.

Thế nhưng theo thiển ý của chúng con thiết nghĩ thế gian còn có sự phân biệt Thượng – Trung – Hạ thì lẽ tất nhiên trong đạo Phật chúng ta dù những công tác Phật sự có chịu sự ảnh hưởng về mặt hành chánh thế nào đi nữa cũng cần phải trọng thị giới luật để những công tác Phật sự đó đúng thật được theo chính pháp.

Hành Hộ viết 5 hạ trở lên là địa vị A Xà Lê, 10 hạ trở lên là địa vị Hòa Thượng. Nhưng hiện nay có nhiều vị lại quên mất sự quan trọng về phương diện kính trọng bậc tỳ kheo lớn hạ lạp hơn mình như luật Phật chế.

Trong những hình ảnh các nghi lễ hành chánh chúng con thấy đa phần các vị có chức vụ GH lớn hơn cho dù hạ lạp nhỏ hơn vẫn ngồi trên ghế của quý ngài niên cao lạp trưởng nhưng chức vụ GH nhỏ hơn.

Thế nên điều chúng con muốn lạm bàn ở đây là có nhất thiết là chức vụ GH lớn thì ngồi trên tất cả, tạm thời dẹp bỏ việc chấp hành giới luật Phật chế để đưa cái địa vị hành chánh lên trên.

Trong quá trình xét duyệt Tấn Phong giáo Phẩm, có các trường hợp đặc cách tức là chưa đủ điều kiện về hạ lạp hoặc tuổi đời theo quy định về Tấn Phong giáo phẩm của GH nhưng có nhiều đóng góp cho sự phát triển GH và được toàn thể đại biểu GHPGVN – Tăng già toàn quốc thông qua.

Chúng con không dám lam bàn về việc tấn phong đặc cách này. Nhưng chúng con chỉ muốn đề cập một vấn đề mà thiển ý chúng con thấy ở đây là việc nên kính trọng quý vị lớn Hạ lạp hơn.

Chúng con xin có một số ý về việc sắp xếp vị trí trong các nghi lễ hành chánh như sau:

1. Không phân biệt chức vụ giáo hội cứ y theo luật Phật chế mà sắp xếp các vị trí đi cũng như nơi quý tôn túc an tọa

2. Riêng khi giới thiệu nếu là lễ do GH tổ chức thì giới thiệu theo địa vị lãnh đạo GH không cần tính đến hạ lạp. Còn những lễ hành chánh trong việc An cư, việc của Tăng Ni thì nên giới thiệu theo Hạ Lạp để chư tăng ni trẻ và Phật tử có thể biết được thứ hạ của mỗi vị. (Tránh trường hợp khi viên tịch hoặc những việc công bố hạ lạp thì Tăng ni trẻ và Phật tử lại cứ xôn xao vì sao vị này nhỏ hạ hơn vị kia, có nhiều vị nhỏ hơn mười mấy hạ mà lại luôn luôn ngồi trước, đi trước …. )

3. Qúy hòa thượng đã trên 60 hạ thì nên tôn xưng là trưởng lão Hòa Thượng. Qúy ngài trên 70 hạ thì tôn xưng là Đại lão Hòa Thương để tránh việc sinh tâm hồ nghi trong đại chúng về việc đồng danh xưng giáo phẩm.

Thiết nghĩ trong việc xiển dương Phật Pháp thì không thể quên mất việc thực hiện giới luật Phật chế đúng theo cương giới mà ngài đã để lại. “Giới luật là thọ mạng của Phật Pháp, giới luật còn là Phật Pháp còn” nên bất cứ việc Phật sự nào cũng cần phải đề cao giá trị đích thực của giới luật về phân Thượng Trung Hạ tòa thì việc Phật sự đó mới đúng chánh pháp và hằng mong Phật Pháp cửu trụ trên thế gian được.

Thiển ý của chúng con có phần vượt giới hạn bàn luận của mình, kính đỉnh lễ quý ngài hoan hỉ lượng thứ ân xá cho chúng con.

Cách xưng hô nên làm cho mọi người, trong đạo cũng như ngoài đời, cảm thấy an lạc, thoải mái, hợp với tâm mình, không trái lòng người, không quá câu nệ chấp nhứt, thế thôi! Đó là phần tu tâm.

Trong đạo Phật, cách xưng hô có thể biến đổi nhưng có một điều quan trọng bất biến, không biến đổi, đó là phẩm hạnh, phẩm chất, đức độ, sự nỗ lực, cố gắng  tu tâm dưỡng tính không ngừng, cho đến ngày đạt mục đích cứu cánh: giác ngộ và giải thoát, đối với Phật tử tại gia cũng như xuất gia.

Đó chính là một phần ý nghĩa của “tùy duyên bất biến” trong đạo Phật vậy.