Trang chủ Đời sống Nghi lễ cầu siêu, cầu an trong cộng đồng các dân tộc...

Nghi lễ cầu siêu, cầu an trong cộng đồng các dân tộc tại Nam Bộ

365

Các cộng đồng tộc người này có những hoạt động tín ngưỡng nảy nở trong bối cảnh sinh thái nhân văn đặc trưng ở Nam Bộ từ thời kì khẩn hoang cho tới nay. Trong bài này chúng tôi đề cập đến nghi lễ “Cầu siêu – cầu an”. Cầu siêu là cầu siêu thoát cho vong linh người chết. Cầu an là cầu bình yên cho người sống. Hai nghi lễ này thường đi đôi với nhau trong tín ngưỡng các dân tộc ở Nam Bộ, nhưng tuỳ theo tính chất mỗi cuộc lễ mà yếu tố cầu an hoặc cầu siêu sẽ trội hơn.

Các nghi lễ của là lễ hội (ritual) được tiến hành dưới dạng nghi lễ tôn giáo hoặc nghi lễ thế tục hay kết hợp cả hai. Nghi lễ thế tục, trong một phạm vi nào đó cũng như phong tục tập quán, là quy ước lặp đi lặp lại thành thói quen ăn sâu thành nếp vào tâm thức tôn giáo, vào đời sống xã hội – văn hoá, trong sinh hoạt của cộng đồng, được mọi thành viên trong cộng đồng thừa nhận và cùng làm theo, tạo sự gắn kết bền vững của cộng đồng(1).

Nghi lễ thế tục trong mỗi cộng đồng tộc người không giống nhau, do đó, có thể phân biệt tộc người này với tộc người khác qua tiêu chí nghi lễ. Có những nghi lễ truyền thống, có nghi lễ được cách tân, có nghi lễ cho tới nay vẫn phù hợp với cuộc sống đương đại, nhưng cũng có những nghi lễ bị xem là lạc hậu, lỗi thời, v.v…

Đối với trường phái lí thuyết chức năng, Malinowski nhấn mạnh đến chức năng tâm sinh lí của lễ nghi. Từ ví dụ nổi tiếng của Malinowski về đời sống của người Trobriand ở một đảo của Thái Bình Dương đã rút ra nhận định là phù phép để trấn an chính con người về mặt tâm lí, mong được an toàn… Lí thuyết Malinowski đưa ra giả thuyết là môi trường càng bất trắc và kết quả càng bấp bênh thì con người lại càng cần đến lễ nghi, phù phép(2).

Trong bối cảnh lịch sử, kinh tế, văn hoá, xã hội tại Nam Bộ, nhất là thời kì khẩn hoang, con người đã chịu nhiều thử thách nghiệt ngã của thiên nhiên và cuộc sống, với tâm lí bất an, đầy đe doạ bởi bệnh tật, chiến tranh, tai nạn… nên họ rất cần có những nghi lễ mang sắc thái tôn giáo, tín ngưỡng, phù phép để họ được trấn an.

Theo Hy Văn Lương, khi nghiên cứu về nghi lễ, lễ hội, người nghiên cứu không dừng lại ở miêu tả dân tộc học những chi tiết về cơ cấu tổ chức và diễn biến của các nghi lễ thờ cúng và sinh hoạt cộng đồng, mà cần gắn các nghi thức lễ hội với bối cảnh kinh tế, xã hội vĩ mô và vi mô, cũng như lịch sử quá trình tương tác xã hội diễn ra trên thực tế ở địa phương; ngoài ra còn cần tìm hiểu những mâu thuẫn xã hội, trong đó có khía cạnh giới và các hệ quy chiếu khác nhau như đẳng cấp, chức nghiệp, gia đình, dòng tộc, làng xóm… trong quan hệ giữa các chủ thể hành động tham gia vào lễ hội.

Trở lại với nghi lễ cầu siêu – cầu an của các cộng đồng dân tộc tại Nam Bộ thì bối cảnh kinh tế – văn hoá – xã hội khi tín ngưỡng đó mới phát sinh là một Nam Bộ thời khẩn hoang, thiên nhiên hoang dã, dịch bệnh lan tràn trong khi y học còn vắng bóng, tiếp đó là chiến tranh gây chết chóc, tang thương và hiện nay thì con người còn là nạn nhân của tai nạn giao thông… Trong bối cảnh đó, trước đây một bộ phận người dân tại Nam Bộ cho là do bàn tay của các thần ôn dịch, cô hồn, ma quỷ quấy phá. Để đối phó với các thế lực vô hình này, người dân Nam Bộ phải dựa vào tôn giáo, phù phép và điều này đã đưa họ xích lại gần nhau trong một khối cộng đồng cư dân có chung không gian nghi lễ – nghi lễ cầu siêu, cầu an.

Ý nghĩa của nghi lễ “Cầu siêu – cầu an” là thí thực và cầu siêu các cô hồn vất vưởng, các vong linh ma quỷ để chúng không làm hại con người và từ đó cũng đem lại sự an lành cho dân cư, cho làng xóm.

Thời điểm cư dân ở Nam Bộ tổ chức nghi lễ cầu siêu – cầu an thường vào khoảng tháng 2, tháng 3 Âm lịch, là những tháng đầu mùa viêm nhiệt, lúc thời tiết dễ xảy ra dịch bệnh.

Tuỳ đặc trưng mỗi địa phương và tuỳ theo nhu cầu, tâm lí của mỗi dân tộc mà nghi lễ cầu siêu – cầu an diễn ra tại các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng khác nhau như chùa, đình, đền, miếu… Nhưng dù diễn ra ở đâu thì nghi lễ cầu siêu – cầu an của các tộc người Việt, Khmer, Hoa cũng đều có sự kết hợp giữa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, và đặc biệt là vai trò chủ yếu của Phật giáo trong việc cúng tế.
 

1. Nghi lễ cầu siêu-cầu an của người Việt

Tín ngưỡng cầu siêu – cầu an của người Việt Nam Bộ khá đa dạng, dưới đây là một số nghi lễ tiêu biểu:

1.1. Nghi lễ Trai đàn cầu siêu–cầu an

Theo niềm tin của cư dân, nghi lễ Trai đàn nhằm cầu siêu cho người chết và qua đó cũng cầu an cho người sống. Trong tín ngưỡng này không thể thiếu vai trò của Phật giáo vì người dân quan niệm đạo Phật chuộng từ bi làm căn bản, sự từ bi không chỉ với người sống mà còn với người chết; đặc biệt là sự thương xót các vong linh khổ não, vất vưởng. Chính vì lòng từ bi đó mà người ta lập Trai đàn để cầu siêu cho các vong hồn được siêu thoát, hoá giải sự quấy phá của ma quỷ, tránh được dịch bệnh, tai ương để cuộc sống của cư dân được ấm no, yên ổn.

Hình thức và quy mô của lễ hội diễn ra tại các địa phương Nam Bộ cũng khác nhau. Ví dụ tại tỉnh Long An, lễ Trai đàn (được dân gian hoá là lễ làm chay) tổ chức hằng năm tại đình Tân Xuân, thị trấn Tầm Vu có quy mô rất lớn, không chỉ bó hẹp trong phạm vi thị trấn mà còn mở rộng ra nhiều địa phương khác trong vùng, số người tham dự khá đông, khoảng 20.000 người. Còn tại những nơi khác như xã Khánh Hậu (thị xã Tân An) thì nghi lễ Trai đàn tới 3 năm mới đáo hạn một lần, số người tham dự chỉ khoảng vài trăm…

Hình ảnh không thể thiếu của lễ Trai đàn chẩn tế cô hồn là Tiêu diện đại sĩ (Tiêu diện có nghĩa là mặt xám, dân gian gọi là ông Tiêu), được hiểu là vị Bồ Tát chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sanh. Tiêu diện đại sĩ là một trong những hoá thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát(3). Vị Bồ tát này từng phát nguyện đại bi: “Thệ cứu vớt tất cả chúng sanh khổ nạn ở khắp mười phương để cho đều được giải thoát an vui”. Hầu hết các hình tượng về Quán Thế Âm Bồ Tát được thờ ở Việt Nam đều mang sắc tướng nữ, rất mực từ bi, đôn hậu, dịu dàng, chỉ riêng Tiêu diện đại sĩ thì thể hiện dưới sắc tướng nam, là một vị thần dáng điệu oai nghiêm, trang phục võ tướng Trung Hoa nhiều màu sắc sặc sỡ, tay phải cầm lá cờ, tay trái chống nạnh, gương mặt quái dị hung dữ với 3 cái sừng nhọn trên đầu và trán, tượng trưng 3 ngọn núi (tam sơn), hai mắt lồi to trợn ngược dữ tợn, sáng hoắc, cái miệng rộng nhe răng lởm chởm, khạc ra lửa khói, đặc biệt nhất là chiếc lưỡi thè cong dài xuống tới ngực. Chiếc lưỡi là biểu tượng uy quyền, đặc trưng nhất của ông Tiêu. Dân gian tin rằng lưỡi của Tiêu diện đại sĩ có tác dụng “liếm” sạch cô hồn ma quỷ, sau đó ra điều kiện nếu ma quỷ khuất phục thì được tha, còn không sẽ bị ông Tiêu nuốt hết vào bụng. Niềm tin này được dân gian xác tín, xem Tiêu diện đại sĩ quyền năng trừng trị, thu phục, cải tạo ma quỷ. Có lẽ chính vì ý nghĩa đó mà khi nhà chùa tổ chức chẩn tế cho cô hồn, ma quỷ, thì đều dùng hình tượng ông Tiêu(4). ở đây cần phân biệt nghi lễ cầu siêu – cầu an với nghi lễ cúng cô hồn “xá tội vong nhân” vào rằm tháng Bảy. Nghi lễ cúng cô hồn vào rằm tháng Bảy gắn với lễ “Vu Lan bồn” của Phật giáo, diễn ra ở chùa mang tính chính thống của nghi lễ tôn giáo, còn nghi lễ cầu siêu – cầu an không liên quan đến lễ Vu Lan, tuy cũng cần đến vai trò của các nhà sư Phật giáo nhưng nó là nghi lễ mang tính chất tín ngưỡng của cộng đồng cư dân.

Ví dụ “Lễ hội làm chay” ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, diễn ra vào rằm tháng Giêng với rất nhiều nghi thức(5). Ngày đầu tiên, người dân tổ chức đám rước, dẫn đầu là các vị chức sắc của đình bưng khay trầu rượu đến chùa Linh Phước để thỉnh tượng Tiêu diện đại sĩ. Tượng cao trên 2m, bằng giấy, được đưa về Linh Võ tự, nơi thờ Quan Thánh đế quân. Ngày hôm sau, người dân Thỉnh cổ bánh. Họ chuẩn bị nhiều mâm bánh cấp, bánh cúng – là loại bánh thường dùng để cúng cô hồn. Đoàn người lại tới Linh Võ tự rước hình tượng Tiêu diện đại sĩ về sân đình. Sau đó, nhà sư thực hiện nghi thức “Thỉnh cô hồn”, tức là đi rước vong (còn gọi là chiêu, hay rao binh).

Theo sự giải thích của các cụ già thì địa phương nào tổ chức lễ Trai đàn nhiều thường nơi đó có nhiều người chết. Ngày xưa, người ta chết vì dịch bệnh, sau đó chiến tranh là nguyên nhân làm nhiều người chết, và hiện nay, tai nạn giao thông là hiểm hoạ gây chết chóc cho con người nhiều nhất. Người dân tin rằng,  những nghi thức đi thỉnh vong, rao binh rất nhân đạo, bởi vì vong linh những người chết bờ, chết bụi, chết ngoài đường sá nếu không được siêu thoát sẽ bơ vơ vất vưởng khổ não. Họ chỉ có thể nghe được tiếng chuông, tiếng kêu gọi của nhà sư để đi theo về chùa Phật, được nghe kinh cầu siêu, giải oan và siêu thoát. Phải chăng chính vì ý nghĩa nhân văn đó mà dân làng tham gia vào đoàn rước vong rất đông, dù phải đi bộ cả chục cây số. Như vậy, Phật giáo tại địa phương đã tìm được tiếng nói chung với tín ngưỡng dân gian.

Đoàn người đi rước vong tại thị trấn Tầm Vu rất đông. Ngày xưa, dân làng chỉ đi bộ rước vong, ngày nay người ta đi xe đò, xe máy. Trên các con đường liên xã bụi bốc mù trời vì hàng mấy chục chiếc xe đò chở đông đúc người và đi theo xe là hàng trăm chiếc xe máy. Mặc cho đám đông dân chúng với cơn lốc xe cộ và khói bụi mù mịt đường đất, các vị sư vẫn an nhiên tự tại làm nhiệm vụ của mình. Đi đến các ngã tư giao lộ, các nhà sư lặng lẽ bày bàn hương án, gióng chuông, đọc kinh kêu gọi vong hồn đi theo mình. Song song với rước vong đường bộ là rước vong đường sông, trên ghe cũng có nhà sư, có bàn hương án, cũng có chuông gọi hồn… Ghe chở đầy người, xuôi đi một số ngả đường sông để nhà sư rước vong cô hồn tử nạn trên sông nước.

Vì sao cư dân Nam Bộ chú trọng đến tín ngưỡng “cô hồn đường biển”, cúng “thuỷ đạo trường sa”? Phải chăng đó là những hồi ức về tổ tiên người Việt từ miền Trung, Đàng Trong đã vượt biển vào Nam Bộ tìm đất sống. Trên con đường vượt biển vào Nam bằng ghe bầu, có lẽ họ đã gặp không ít tai ương, nhiều người bỏ mạng, do đó nghi thức rước vong đường biển, đường sông là một dấu ấn khá đặc trưng của lịch sử và văn hoá Nam Bộ.

Ngày xưa, các chùa làng thường tham gia rước vong đường thuỷ. Nếu rước vong đường bộ chỉ diễn ra một ngày thì rước vong đường sông phải mất một tháng. Ví dụ chùa Thiên Phước (xã Khánh Hậu, thị xã Tân An, tỉnh Long An) vào khoảng trước năm 1945 đã tổ chức Chiêu u đường sông rất lớn. Các nhà sư đi trên 2 chiếc ghe to (loại ghe có thể chở khoảng 3 thiên lúa), 2 chiếc ghép lại liền nhau như căn nhà. Trên ghe bày đầy đủ bàn Phật, bàn vong, tượng Tiêu diện đại sĩ bằng giấy. Ghe của dân làng nối đuôi nhau dài dằng dặc tháp tùng đoàn rước vong.

Buổi tối, người ta làm nghi thức “phóng đăng”. Trên ghe đặt bàn hương án và thức cúng cô hồn, sau đó ghe từ từ đi ra sông, thả đèn nến thắp sáng trên mặt nước. Đúng 12 giờ khuya, người ta thực hiện nghi thức xô giàn. Những chiếc đụn tre treo đầy tiền, bánh kẹo, thức ăn được đẩy xuống đất cho mọi người tranh giành. Từng thúng bánh cấp, bánh cúng được bưng đổ tràn xuống cho đám đông chụp, giật, tạo thành một cảnh tượng hỗn loạn. Người dân tin rằng nếu có được những đồng tiền và bánh trái do nhà sư cúng tế sẽ đem lại may mắn. Những thức cúng cho cô hồn người Việt xưa còn gọi là cúng thí rế, vì thức ăn để trên cái rế nồi.

Tiếp theo, người ta phóng hoả tượng Tiêu diện đại sĩ. Giữa đêm khuya, hình ảnh ông Tiêu cháy rực thành một đám lửa dữ dội. Cuối cùng, người trong đình thực hiện nghi thức “tống ôn tống phong” tống tiễn thần “ôn hoàng dịch lệ, cô hồn các đẳng”. Một chiếc ghe bằng giấy khá to đặt trên bè chuối. Trên ghe có đầu heo, rượu, nhang, gạo, muối… Sau một hồi trống tống tiễn, chiếc ghe “tống ôn tống phong” được thả trôi sông với ý nghĩa đem đi theo nó mọi điều xui xẻo, dịch bệnh.

Nghi lễ Trai đàn cầu siêu – cầu an nếu thực hiện ở chùa thì không gian lễ hội mang màu sắc Phật giáo đậm nét hơn. Các chùa lập đàn để thực hiện các nghi thức “Trai đàn chẩn tế” cho những vong hồn bơ vơ, đói khát, không nơi nương tựa.

Tấm lòng thương xót những “vong linh” xiêu mồ lạc mả, nhất là trong đời sống hiện nay, tai nạn giao thông xảy ra như một nỗi ám ảnh lớn, nên nhà sư và cư dân địa phương dành một ngày để đi gọi các vong linh vất vưởng về dưới mái ấm của chùa để được cứu rỗi.

1.2. Nghi lễ cầu an cúng bổn xóm

Cầu mong thần linh – cụ thể là Thổ thần (Thần đất) – phù hộ cho người dân trong vùng được an cư lạc nghiệp là một dạng tín ngưỡng phổ biến tại Nam Bộ. Khi làm lễ cầu an tức là nơi đó đã từng không bình an nên người ta mới cần phải cúng lễ. Truy ngược về nguồn gốc tín ngưỡng này có thể hiểu được bối cảnh lịch sử, kinh tế, xã hội của một vùng đất vốn đã từng trải qua nhiều tai ương. Ví dụ nghi lễ “Cúng bổn xóm” của người Việt ở xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, một lễ hội được tổ chức vào hai ngày mùng 4 và mùng 5 tháng Giêng hằng năm.

Lễ hội diễn ra tiếp ngay sau Tết Nguyên Đán, mục đích cầu an, cầu “phong điều vũ thuận” cho thôn xóm; bên cạnh đó lễ cúng còn thực hiện nghi thức cầu siêu cho các linh hồn bơ vơ đói lạnh.

Ngày đầu tiên, người ta dựng rạp, quay lợn và làm một chiếc tàu to bằng giấy màu hoặc kết bằng bè chuối. Trên tàu bày các thức cúng như hoa quả, cơm vắt, muối, trà, gạo, đặc biệt tàu phải vẽ hai con mắt như một hình thức “khai quang điểm nhãn” (theo niềm tin của người dân, năm nào quên điểm nhãn cho tàu thì năm đó mùa màng thất bát, đói kém, dịch bệnh hoành hành). Sau khi làm xong, chiếc tàu sẽ được nhà sư và các vị cao niên trong làng khiêng đặt lên bàn thờ phủ lụa đỏ cùng các lễ vật cúng. Ngoài ra, người ta còn bày cúng các món sau:

– Một cây dao phay
– Một cây phảng phạt cỏ
– Một cây cuốc
– Một cây búa
– Một tấm thớt chặt thịt

Các lễ vật này phần lớn là nông cụ, đặc biệt cây phảng là dụng cụ phạt cỏ ở vùng môi sinh đất phèn, nơi không thể sử dụng cày. Các nông cụ trên thể hiện công việc đồng áng của người dân, phải chăng cúng bày các món đồ vật này người dân cầu mong cho việc canh tác được thuận lợi?

Đúng 12 giờ, nhà sư bắt đầu đọc kinh cầu siêu, mời các vong linh cô hồn về hưởng vật thực cúng kiếng.

Tiếp đó, nhà sư tụng kinh cầu an, nội dung cầu “quốc thái dân an” cho người dân trong xóm được an bình, không bị nạn binh đao chiến tranh. Tìm hiểu kĩ, các cụ già tại đây cho biết cả thời kì chống Pháp và chống Mỹ vùng này thường xảy ra giao tranh ác liệt, nhiều người dân vô tội bị thương vong, nên trong vùng rất quan tâm tổ chức lễ cầu an. Cuối buổi lễ là bữa cơm cộng cảm của cả dân làng, riêng lễ vật là con heo quay dành lại cho buổi cúng tiếp ngày hôm sau, tức ngày mùng 5 Tết là buổi chính lễ. Người ta xẻ heo quay xếp thành 3 đĩa để đủ các bộ phận của heo, mỗi thứ một miếng nhỏ, ngoài ra còn xếp 12 bát cháo vừa nấu chín tới để cúng Thập nhị quỷ vương. Dân làng đứng theo “nam tả nữ hữu”, già trước trẻ sau cùng quỳ lạy lắng nghe nhà sư đọc văn tế quỷ thần, đọc kinh cầu siêu, cầu an. Cuối cùng, cư dân tiến hành nghi thức “đưa tàu” với ý nghĩa “tống ôn tống phong” cho ma quỷ và mọi điều xui xẻo, rủi ro trôi đi xa. Để thực hiện nghi thức này, một nhà sư đi đầu, tay cầm chuông mõ đọc kinh mở đường, tiếp sau là các vị cao niên bưng khay nhang, đèn, trà, rượu và trầu cau têm sẵn. Một nhóm thanh niên khiêng chiếc tàu đi theo; cuối cùng là người thầy cúng vừa đi một quãng vừa cắm xuống đất các lá bùa ếm, đó là những cây cờ nhỏ bằng giấy màu đỏ. Đoàn người ra đến kênh rạch, vị sư đọc kinh lần cuối, sau đó người ta đặt trầu cau, nhang đèn, giấy tiền vàng mã, muối, gạo, hoa quả vào tàu rồi kính cẩn thả tàu tống tiễn.

Như vậy, nghi lễ “Cúng bổn xóm” là tín ngưỡng truyền thống của người Việt, mang tính chất lễ nghi nông nghiệp, kết hợp cầu an cho người sống và cầu siêu cho vong linh người chết bằng tâm lí vừa kiêng sợ vừa thương xót.

2- Nghi lễ cầu siêu – cầu an của người Khmer

Hằng năm, người Khmer Nam Bộ tổ chức lễ cầu an (bon kònsal) tại các miếu Neak Tà của xóm, gọi là cúng “Ông Tà chủ xóm”. Neak Tà là thần bảo hộ phum srock, khu vực dân cư, ruộng đồng. Vào ngày cúng, các vị sư Khmer được thỉnh tới đọc kinh cầu phúc ở miếu, người dân tề tựu đông đúc, dâng cúng đầu heo, lễ vật trái cây cho Neak Tà.

Với cư dân Khmer sống ở vùng biển, ví dụ tại xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, người Khmer thực hiện nghi thức cầu siêu – cầu an qua lễ cúng biển hoặc lễ phước biển (Chrôi rum check). Lễ này tổ chức hằng năm vào ngày rằm tháng 2 Âm lịch. Lễ này nhằm tạ ơn biển cả đã ban cho con người tôm cá dồi dào và cầu an cho người đi biển được thuận buồm xuôi gió, đánh bắt nhiều hải sản. Ngoài ra, lễ cúng biển còn là nghi thức cầu siêu cho những ngư dân bỏ mình ngoài biển cả. Các vị sư chùa Srei Cròsăng và cư dân trong vùng đã xây một ngôi tháp hướng ra biển. Vào lễ “cúng biển”, các vị sư và đồng bào Khmer lập đàn làm phước tại tháp này để cầu siêu cho vong hồn những ngư dân chết ngoài biển, cầu các vong hồn đó phù hộ cho người đi biển bình an và thu hoạch được nhiều tôm cá. Nghi thức cầu an, cầu phước được thể hiện qua tục đắp núi cát(6). 

Tại những vùng đa dân tộc, tín ngưỡng cầu an – cầu siêu thể hiện sự đan xen, giao lưu văn hoá khá đặc sắc. Ví dụ tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, lễ cầu an – cầu siêu pha trộn sắc thái văn hoá Việt – Khmer đậm nét. Trước lễ cúng chính vài ngày, sáng nào các vị sư Khmer cũng được cư dân Việt – Khmer mời đến một số địa điểm, thường là sân nhà người dân nào đó trong xóm để đọc kinh cầu an. Cư dân ngồi nghe kính cẩn.

Lễ cúng chính diễn ra tại ngôi miếu cổ của người Việt ở ấp Phú Bình, xã Phú Tân, huyện Mỹ Tú. Nơi sân miếu người ta che rạp để các vị sư Khmer đến tụng kinh từ sáng đến tối. Theo người dân địa phương kể thì vùng này thời xưa dịch bệnh lan tràn, người chết nhiều không kể xiết, do đó hằng năm lễ cúng cầu siêu – cầu an nơi đây đều được tổ chức quy mô. Người đến miếu cúng rất đông, khói nhang nghi ngút. Một “tàu khách” bằng giấy khá to xếp đầy lễ vật cúng cô hồn như thịt, trái cây, muối, gạo…(7) Sau khi cúng, dân làng khiêng chiếc tàu ra sông thả cho trôi đi thật xa để “tống ôn tống phong”.

Người Khmer còn có những dạng “cầu siêu” mang nghi thức tôn giáo, như Hội linh (Bôn Pchum bôn). Hằng năm, từ ngày 16 đến 30 tháng 8 Âm lịch, đồng bào lên chùa làm lễ pchum bôn để tạo phước cho linh hồn thân nhân quá vãng. Người ta nấu cơm nếp, vắt thành từng cái bánh tròn gọi là “bai banh” rồi đem lên chùa nhờ sư sãi tụng kinh cầu siêu cho linh hồn thân nhân, cho vong linh của cô hồn(8). Người Khmer quan niệm nếu không ai dâng cúng “bai banh” và nếu các sư không cầu siêu thì các linh hồn sẽ đói lạnh, không siêu thoát. Người ta đem “bai banh” để ở cổng chùa cho người nghèo và còn đem những bánh này bẻ nhỏ rắc ở ruộng để “cầu an” cho mùa màng, ruộng vườn được tươi tốt.

Sâu sắc hơn là lễ cầu siêu “Bôn Bang skâul”. Lễ này diễn ra trong dịp Mừng năm mới (Chol chnam thmây) của người Khmer. Là tín đồ Phật giáo, người Khmer tin tưởng rằng dù người qua đời ở đâu hay chết như thế nào cũng đều là chúng sinh của Phật, linh hồn người chết được Phật độ trì, nên họ trông chờ được các vị sư cầu siêu cho siêu thoát. Song song đó, người Khmer cũng thực hiện nghi thức cầu an, cầu phước bằng tục đắp núi cát.

3. Nghi lễ cầu siêu – cầu an của người Hoa

Nghi thức cúng cầu siêu – cầu an của người Hoa được lồng trong các lễ hội có nội dung lớn hơn, mang tính chất tín ngưỡng phức hợp. Hàng chuỗi nghi lễ diễn ra với rất nhiều chi tiết mà để hiểu hết ý nghĩa các chi tiết ấy không phải là điều dễ dàng.

3.1. Tín ngưỡng cầu siêu – cầu an trong “lễ hội Chùa Bà”

Nghi lễ diễn ra tại miếu Thiên Hậu, phường Bửu Long, thành phố Biên Hoà. Tiền thân ngôi miếu này là miếu Tổ sư, có niên đại xây dựng khoảng 200 năm nay, vốn thờ Ngũ Đăng tổ sư (Tam vị tổ, gồm các Tổ sư nghề chạm đá, nghề mộc và nghề rèn). Có lẽ để thu hút nhiều người đến cúng bái nên từ lâu ngôi miếu này đã có sự phối thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Quan Thánh Đế quân ở bàn thờ tả hữu hai bên của bàn thờ chính Tam vị tổ sư.

Đáo lệ 3 năm một lần, nghi lễ cúng Tam vị tổ sư và Thiên Hậu Thánh Mẫu diễn ra trọng thể trong 3 ngày, từ ngày 10 đến ngày 13 tháng 6 Âm lịch. Nội dung chính của lễ hội là lập trai đàn, giải oan, cầu siêu cho các vong linh, cô hồn và cầu an – cầu phúc cho cộng đồng cư dân địa phương tránh được những điều rủi, điều xấu, cho công việc làm ăn được suôn sẻ.

Nghi lễ cầu siêu – cầu an này của cộng đồng người Hoa khác người Việt ở chỗ nếu lễ cầu an – cầu siêu của người Việt thiên về vai trò của Phật giáo, thì ở người Hoa lại thiên hơn về vai trò của Đạo giáo. ít nhất có khoảng 6 vị đạo sĩ người Hoa đóng vai trò chủ tế trong nghi lễ cầu siêu – cầu an tại ngôi miếu này. Cuộc lễ được định danh là “Lễ hội Chùa Bà”. Khuôn viên trước miếu dựng 5 cây phướn treo 5 dãy lồng đèn hình ống bằng giấy trắng, chữ Hán màu đỏ. Dãy ở giữa dài nhất với 20 chiếc đèn lồng cúng Ngũ Đăng Tiên sư, 4 dãy đèn lồng hai bên, mỗi bên 8 chiếc, cúng hai vị Tổ sư: Uất Trì tiên sư, Lỗ Ban tiên sư cùng Thiên Hậu Thánh Mẫu và Quan Thánh Đế quân. Dưới cây phướn bày bàn hương án để đạo sĩ cúng tế.

Thể hiện rõ nét nhất nghi lễ cầu siêu vong linh cô hồn là tượng Tiêu diện đại sĩ bằng giấy sặc sỡ đặt bên trái cây phướng, cùng tượng các vị thần độ trì, giải oan cho cô hồn đường sông, đường bộ.

Tín ngưỡng cầu siêu cho vong linh theo quan niệm của Đạo giáo được thể hiện như sau: Lập đàn cúng tế Tam Thánh, chủ yếu là Thái Thượng Lão quân. Trong khuôn viên miếu còn đặt bàn hương án của vị Phán Quan chuyên xử án ở nơi âm phủ.

Vị chủ tế là đạo sĩ mặc áo đỏ tụng kinh Địa Tạng (bằng tiếng Quảng Đông) để cầu siêu cho các vong linh.

Đám rước kiệu Bà diễn ra theo lộ trình đường bộ, có thỉnh bài vị của Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng bài vị của Tiên cô và Thổ công. Các gia đình trên lộ trình đám rước đi qua đều bày mâm cúng hoa quả để nghinh đón và sau đó bưng các mâm cúng đi theo đám rước vào miếu. Các mâm này đựng phẩm vật để cúng cầu siêu cho các vong linh.

Ngày hôm sau, các đạo sĩ khai kinh cầu an tại Trai đàn, nơi để hình ông Tiêu và các lễ vật của cư dân đem đến miếu để cúng cô hồn, siêu độ chúng sinh. Sau đó, các đạo sĩ nhập đàn, tụng kinh cầu siêu và thực hiện nhiều nghi thức để trừ tà khí và xua đuổi ma quỷ. Đến tối, người ta thực hiện nghi thức phóng đăng, phóng sinh cầu siêu cho vong hồn, vốn là nghi thức có nguồn gốc Phật giáo. Người ta tổ chức đám rước bằng đường thuỷ tượng trưng. Kiệu Bà dừng lại ở bên sông Tân Thành. Nghi lễ cầu siêu – cầu an diễn ra ở bến sông này vì tương truyền 300 năm trước, tại vùng sông nước nơi đây có nhiều người Hoa (người Hẹ) đã chết khi họ ngược sông Đồng Nai đi từ Cù Lao Phố tới lập nghiệp. Do đó, bến sông này làm nơi phóng đăng cầu siêu các cô hồn tử nạn đường sông, đường biển. Người ta đặt phía trước đàn 360 bộ áo giấy trải kín mặt đất, 18 bát thức ăn chay cúng cô hồn, gồm 5 món: bún gạo, tàu hủ, củ cải muối, đậu que xào, đậu trắng (tượng trưng ngũ hành). Vị pháp sư đọc kinh cầu siêu cô hồn và bắt ấn xua ma quỷ, sau đó đốt giấy tiền và phóng đăng 36 chiếc đèn hoa sen xuống sông, như một hình thức ma thuật cầu siêu thoát cho vong linh, cô hồn. Ngoài phóng đăng, người ta còn phóng sanh chim sẻ, quan niệm giải oan cho các cô hồn, xua đi những điều xấu, điều rủi.

Nghi thức quan trọng tiếp theo là lập Trai đàn và làm lễ bắc cầu. Người ta dùng một tấm vải đỏ thật dài rắc bông vạn thọ, tượng trưng cho nghi thức dẫn đường cho cô hồn. Đến 2 giờ là lễ cúng thí xô giàn. Thức cúng có các đụn đồ chay như bánh bao, cải xanh, xôi nếp trắng… Sau đó, pháp sư vừa tụng kinh cầu siêu vừa rung chuông (tiếng chuông thức tỉnh các cô hồn tề tựu lại để siêu thoát). Cuối cùng, người ta phóng hoả tượng Tiêu diện đại sĩ, Phán quan cùng các hình nhân khác và 52 chiếc đèn lồng. Đông đúc dân cư ùa vào giành giật đèn lồng và những sản vật cúng thí(9). 

Nhìn chung, nghi lễ cầu siêu – cầu an của người Hoa nổi trội tính chất Đạo giáo, đồng thời nó vẫn thể hiện sắc thái Phật giáo trong nghi thức cầu siêu, cúng cô hồn.

3.2. Nghi lễ cầu siêu – cầu an của người Hoa Triều Châu

Nghi lễ này được lồng vào nội dung của ngày cúng cô hồn vào rằm tháng Bảy Âm lịch. Tại xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, cộng đồng người Hoa Triều Châu tổ chức cúng cô hồn tại miếu Thiên Hậu. Theo thông lệ, nghi lễ cúng vong cô hồn được giao cho một nhà sư người Việt. Từ sáng, vị sư này đến miếu tụng kinh. Sau đó, ông cùng với các thành viên của Ban Quản trị miếu và đông đảo người dân tháp tùng đi bộ từ ngã ba Lạc Hoà ra tới biển rồi vòng trở lại miếu.Việc rước vong theo lộ trình này có ý nghĩa là rước cả cô hồn đường bộ lẫn cô hồn đường biển.

Nhà sư vừa đi rước vong vừa tụng kinh, gõ chuông, mời chư vị cô hồn về miếu để nhận lễ cúng thí thực. Trở về miếu, người ta đã chuẩn bị sẵn cơm canh, chè xôi để cúng cô hồn bằng thức mặn lẫn thức chay.

Khoảng 8 giờ, người ta bắt đầu nghi thức cúng Ông Bổn. Tại đền, miếu, Ông Bổn là Phước Đức Chính thần, vị thần ban phước đức tài lộc, bảo hộ dân cư(10). 

Để tiếp xúc được với Ông Bổn, có một người trong xóm chuyên nhập đồng làm người trung gian truyền thông điệp của Ông Bổn cho cư dân địa phương. Người nhập đồng này dân cư cũng quen gọi là Ông Bổn. Người này có khả năng dị thường là khi cúng tế Ông Bổn, ông ta có thể xỏ một chiếc cây nhọn bằng bạc xuyên từ má bên này sang má bên kia nhưng không đau, không chảy máu. Trong lễ cúng vào rằm tháng Bảy, năm 2003, Quan Thánh Đế quân “nhập” vào ông này. Tay ông ta cầm thanh long đao múa may, trèo lên cả bục cao trước miếu. Dưới sự ứng nhập của thần linh, ông ta viết trên giấy đỏ và phát cho người dân, giấy đó sẽ độ trì cho người dân được an lành. Như vậy, Ông Bổn là người có khả năng “nhập thần” và điều khiển được thần linh, ma quỷ để đạt mong muốn của họ. Cuối cùng là nghi thức “xô giàn”. Nghi thức này được thể hiện tại một thửa ruộng trống, giữa ruộng người ta đóng một cái sàn cao, người đứng trên đó bốc từng nắm thẻ đựng trong giỏ ném xuống ruộng cho người dân tranh giành. Hàng ngàn người, hầu như chỉ toàn nam giới xô nhau nhặt thẻ. Thẻ bằng gỗ, nhỏ như quân bài tứ sắc, bên trên viết bằng chữ Hán những sản vật cúng thí, ví dụ: gạo, thịt, rau, củ.

Người Hoa ở xã Vĩnh Hải từ xưa tới nay tin rằng nếu năm nào không tổ chức cúng thí giàn cô hồn và cầu an thì năm đó trong làng sẽ xảy ra nhiều chuyện xui xẻo, rủi ro, làm ăn khó khăn, do đó năm nào miếu cũng tổ chức cúng.

Như vậy, nghi lễ cầu siêu – cầu an ở đây cũng thể hiện rõ nét lòng mong ước của người dân được thần linh che chở cho xóm làng, dân cư được bình yên, làm ăn thuận lợi, đồng thời người ta cũng tin rằng ma quỷ, cô hồn có được thí thực và siêu độ sẽ không làm hại dân lành, để cho dân cư được bình yên.

4. Nghi lễ cầu an – cầu siêu trong lễ hội Tả tài phán của người Nùng

Nghi lễ này của nhóm tộc người Nùng hiện cư trú tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, vùng Sông Mao tỉnh Bình Thuận, tỉnh Đồng Nai, v.v…(11)  Lễ hội Tả tài phán(12) diễn ra tại miếu Quan Âm của cộng đồng cư dân này. 

Người đóng vai trò quan trọng trong lễ hội là thầy cúng. Dân gian tin rằng các ông thầy cúng của cộng đồng dân cư này có sức mạnh chi phối, trấn áp được ma quỷ. Có thể nói, các thầy cúng trong cộng đồng cư dân này ở Nam Bộ là những Shaman. Thời gian cuộc lễ không quy định sẵn mà tuỳ thuộc vào tình hình từng vùng, đặc biệt mỗi khi trong vùng có dịch bệnh, mất mùa hay có điều gì bất an là cư dân trong vùng tổ chức cúng. Mục đích của lễ hội Tả tài phán là cầu an cho xóm làng, cho cư dân và cầu siêu cho vong linh người chết.

Nếu trong nghi thức cúng của người Việt, người Hoa thường dùng tượng Tiêu diện đại sĩ để chiêu nạp vong hồn thì người Nùng trong lễ hội Tả tài phán dùng hình tượng Sơn đại nhân, đó là một người cao lớn, nét mặt dữ tợn. Sơn đại nhân có nhiệm vụ cung thỉnh cô hồn trong khu vực dân cư sinh sống, đồng thời có trách nhiệm trấn giữ nơi hành lễ không cho tà ma xâm nhập. Hai bên tả hữu của Sơn đại nhân có những cây nêu cầu thí của các gia chủ (là cây tre treo tấm vải đỏ dài viết nội dung cầu tế). Nếu nhằm mục đích cầu phúc thì vải đó nối vào Văn đàn (nơi thờ Tam Bảo), còn cầu thọ thì nối vào võ đàn (nơi thờ Ngọc Hoàng và các vị thần linh). Khu vực gian thờ cúng chính của lễ hội là trung tổ đường, nơi được lập trai đàn.

Ngày thứ hai, người ta cúng thí thực cho cô hồn, rải tiền bạc vàng mã, gạo, muối, bánh kẹo khắp nơi làm lễ. Các thầy cúng làm lễ trấn đàn, các pháp sư vừa đi vừa làm động tác múa trừ tà, trấn quỷ để ma quỷ không xâm phạm.

Ngày thứ ba, người ta thỉnh Sơn đại nhân chiêu vong hồn. Các pháp sư thỉnh rước Sơn đại nhân đi trong thôn xóm để chiêu u, dân chúng đi theo rước vong rất đông. Nơi nào Sơn đại nhân được đặt dừng lại thì nơi đó các pháp sư làm phép, tụng niệm pháp chú thu phục vong hồn.

Ngày thứ tư, nhiều nghi thức cúng cầu an, cầu phúc được cử hành. Người ta làm lễ rước thuỷ thần và dựng cây nêu lớn gọi là Cửu lườn trúc. Sau cùng là lễ trảm tế vật hiến sinh (bò, heo). Các thày cúng thực hiện nghi trảm, xách đầu con vật tế rải huyết trên hai hàng chén đựng lễ vật như gạo, mắm, muối, bánh kẹo… bày dọc sân thí thực cho các vong hồn. Nghi thức hiến sinh ở đây có lẽ là tế thần rừng và cô hồn để cầu bình yên. Các pháp sư tụng niệm kinh chú và làm nghi thức tượng trưng khởi  binh phá ngục để cứu rỗi các vong hồn được siêu thoát. Các gia chủ cầu siêu chuyền bát nhang luồn qua những cửa ngục cho đến khi từng ngục bị phá. Người ta gọi đó là lễ giải oan.

Cửu lườn trúc là biểu tượng điềm lành cho nghi thức cúng cầu an – cầu siêu, xem như có Thần, Phật chứng giám.

Ngày thứ năm, các thàgy cúng thực hiện nghi thức đi qua đống lửa than hồng dài 3m, đã được chuẩn bị và làm phép cúng(13). Khi xin keo được ứng, những người bưng bát nhang đi theo pháp sư làm lễ rửa chân, tẩy uế và nối bước chậm rãi qua dãy than cháy rực. Mọi người tham dự lễ có tâm niệm hướng cầu điều phúc đều có thể đi trên đống than hồng. Cho tới nay chưa hiểu vì sao người ta có thể đi và “chạy lửa” như thế mà không bị bỏng. Nghi thức sau cùng là cúng thí, xô giàn. Các hình nộm, hàng mã, bùa chú đều hoả kết và rải thí khắp sân lễ. Người dân dự lễ tranh giành nhau để lấy những vật cúng với sở nguyện giữ được cho mình những lộc mà các vị Thần, Tiên, Phật đã chứng giám.

Nhìn chung, nghi lễ cầu siêu cho người chết và cầu an cho người sống rất phổ biến trong đời sống các dân tộc tại Nam Bộ. Dưới tính chất chung của tam giáo Phật, Nho, Đạo kết hợp với rất nhiều nghi thức shaman bùa chú thì yếu tố Phật giáo vẫn thể hiện nổi trội nhất, vì cư dân quan niệm chỉ có Đức Phật mới cứu rỗi được chúng sinh và linh hồn con người. Nói như nhà văn Sơn Nam, “Chết giữa rừng hoang cũng vui vẻ chấp nhận nhưng với điều kiện là phải có nhà sư tụng kinh cầu siêu, dù ngày xưa khó tìm được nhà sư đúng nghĩa, phần lớn là dạng mà ngày nay người ta gọi bôi bác là “Thầy cúng”. Miễn là khi động quan, khi hạ huyệt có tiếng chuông, tiếng mõ thì được “Tây phương tiếp dẫn” với tiếng Nam mô A Di Đà Phật mà ý nghĩa chẳng ai hiểu rõ. Chết mà được Phật chiếu cố là đã mãn nguyện đối với thân nhân. Thiếu nghi thức ấy là vô phước, trở thành cô hồn, “thập loại chúng sinh” mà thi hào Nguyễn Du đã nhắc nhở, nhờ Đức Phật cứu rỗi(14). Thực sự, trong Phật giáo không có kinh nào là kinh cầu siêu, kinh cầu an mà các nhà sư chỉ vận dụng các loại kinh khác nhau cho hai mục đích vừa nêu, ví dụ kinh Di Đà, kinh Địa Tạng để cầu siêu; kinh Phổ Môn, kinh Dược Sư để cầu an, v.v… Phải chăng, cầu siêu thực chất là để cho người sống được an tâm? Ngoài vấn đề do tình cảm thương xót thân nhân quá vãng, thương xót đồng bào tử nạn, thương xót những cô hồn đói lạnh nên người sống cầu siêu cho người chết, đồng thời cũng trấn áp, hạn chế sự tác hại của ma quỷ, của các vong linh, cô hồn để cuộc sống được bình an. Nhưng sâu xa hơn, phải chăng nghi thức này đã phản ánh một cuộc sống còn đầy bất trắc, bấp bênh, cư dân muốn trấn an, xoa dịu nỗi khổ của chính họ, an ủi chính họ? Điều này gần với lí thuyết chức năng mà Malinowski đã nhận định: “Phù phép để trấn an chính con người về mặt tâm lí, mong được an toàn”(15).

Là người nghiên cứu văn hoá các cư dân tại Nam Bộ, nếu tham dự nghi lễ “cầu siêu – cầu an” của các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, v.v… chúng ta sẽ thực sự thú vị. Nếu không hiểu văn hoá của cư dân Nam Bộ, không hiểu tâm thức của một cộng đồng cư dân bắt đầu từ sự lưu lạc, gian khổ để khẩn hoang, đối mặt với rừng thiêng nước độc, dịch bệnh, tai ương, chiến tranh, nghèo đói, đầy bất trắc… thì sẽ cho rằng các nghi thức diễn ra trong cuộc lễ là “mê tín”, là hủ tục, là tầm thường cần dẹp bỏ. Nhưng nếu hiểu được ý nghĩa của những nghi lễ diễn ra trong các lễ hội này thì chúng ta sẽ thực sự đồng cảm với cộng đồng cư dân ở đây./.