Rửa sạch sẽ hoa, ngắt đi những lá xấu, trảy cánh hoa úa màu, các thầy bắt đầu cắm vào hàng chục bình hoa bằng sứ, đồng. Trong cách cắm, tính đối xứng đặt lên hàng đầu, tuy nhiên phải có nhánh hoa chủ đạo nằm ở vị trí trung tâm làm chuẩn.
Sang nhất là cắm 1 nhành hoa mai làm cành chủ, và phải là loại mai Huế thân nhỏ dáng uốn lượn có bông nở đều trên các nhánh. Nếu không có thì hoa ly phối hợp với lay ơn, huệ và cúc vàng làm thành 1 bình hoa to. Lúc cắm phải phối hợp màu theo nguyên tắc: cành thấp màu tối, cành cao màu nhẹ để thấy được sự thanh thoát.
Trên bàn thờ Phật Thích Ca cắm 4-6 bình, bàn Quan Âm – Địa Tạng 2 bình, nàn thờ Tổ 4 bình, bàn linh 2 bình, bàn sau nhà hậu 2 bình. Màu của chùa chủ đạo là màu vàng vì đây là màu của Phật giáo.
Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo TT-Huế, trụ trì chùa Bửu Lâm (phường Đúc, TP Huế) cho biết: “Cắm hoa Tết tuy có thể có nhiều cách với đa dạng hoa, nhưng khi cắm, các thầy chú ý vào từng hành động, tâm tĩnh lặng không xáo động, lòng hướng về đức Phật với một sự trang nghiêm thành kính cao độ”.
Nguồn hoa dâng lên bàn thờ Phật chính là dâng tâm nguyện của mình lên Phật. Cắm hoa còn là một cách rèn luyện tâm và trí bản thân, hun đúc lại con người qua một năm, từ đó để lòng thanh thản hơn, nhân ái hơn”.
Bàn thờ trên chùa ngày Tết đẹp hơn bởi hoa tươi đầy màu sắc
Thầy Thích Giác Quang tặng một câu triết lý của Phật và đạo làm con nhân dịp năm mới: “Cắm hoa lên bàn Phật không cần hoa đẹp, chỉ làm sao cho bình hoa tươm tất, thể hiện lòng thành của mình. Tương tự, với gia đình, dù con khôn lớn đi đâu nhưng khi nghĩ về gia đình, khi cho ba mẹ một thứ gì đó thì quan trọng nhất là cách cho. Như một người con nghèo có hiếu thuận – dù cho ba mẹ một chén cơm nhưng với tất cả tấm lòng thì còn gấp trăm lần người con giàu cho cha mẹ ở nhà lầu, đi xe hơi nhưng vô lễ, mắng nhiếc cha mẹ”.