Trang chủ Văn hóa Giới thiệu sách Nghệ thuật Thiền định

Nghệ thuật Thiền định

148

Rất nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy thiền giúp chúng ta phát triển rất đáng kể các phẩm chất như sự tập trung, giữ thăng bằng trong tình cảm, nghĩ tới những người khác và có một nội tâm bình yên.

Các nghiên cứu khoa học cũng đã cho thấy những lợi lạc có được sau 20 phút thiền định hàng ngày, liên tục trong 6-8 tuần: giảm lo âu và khả năng bị tổn thương khi bất hạnh, bớt xu hướng trầm cảm và tức giận, củng cố năng lực tập trung, tăng cường hệ thống miễn dịch và trạng thái an lạc nói chung.

Bất cứ ta xem xét thiền dưới góc độ nào – thiền để chuyển hóa bản thân, để phát triển tình yêu thương đồng loại, hoặc vì sức khỏe thể chất – thiền đều tỏ ra là yếu tố cơ bản mang lại một cuộc sống cân bằng và giàu ý nghĩa.

 
Thiền chính là kiểm soát được tâm thức của mình, là  làm quen với cách tiếp cận mới về thế giới và xây dựng một lối sống vượt lên trên những ràng buộc của nếp tư duy cũ. Thiền thường khởi đầu bằng sự phân tích, kế tiếp là suy ngẫm và chuyển hóa nội tâm. Tự do có nghĩa là làm chủ được chính mình. Điều đó không phải là làm tất cả những gì ta hứng lên muốn làm, mà là thoát được ra khỏi sự trói buộc của những điều bực bội choán hết tâm trí và làm cho tâm trí tối tăm đi. Tự do là nắm cuộc đời mình trong tay, thay vì bỏ mặc nó cho những thói quen cố hữu và cho sự lẫn lộn của tâm thức.
 
Vậy, cách hành thiền như thế nào để có được kết quả tốt nhất? Trong cuốn sách Nghệ thuật thiền định, tác giả Matthiew Ricard sẽ giúp bạn tìm hiểu những vấn đề cơ bản trong cách hành thiền giúp bạn đạt được kết quả tốt nhất trong quá trình thực tập:
    • Động cơ trước và trong quá trình thiền;
    • Những điều kiện thuận lợi để hành tập thiền:
    • Theo chỉ dẫn của một người thầy có năng lực
    • Một nơi thích hợp cho việc hành thiền
    • Một tư thế ngồi phù hợp
    • Nhiệt tâm là động cơ để duy trì thiền
    • Một vài lời khuyên chung
    • Hướng tâm tới thiền quán về:
    • Giá trị cuộc sống con người
    • Bản chất tạm bợ của vạn vật
    • Những cách hành xử cần có (thiện) và cần tránh (ác)
    • Thái độ bất toại nguyện cố hữu của thế gian.
    • Thiền về trạng thái tỉnh thức trọn vẹn
    • An định tâm (shamatha):
    • Thiền về sự ra, vào của hơi thở
    • Tập trung vào một đề mục (hay một đối tượng)
    • Tập trung không vào một đề mục nào (hay không có đối tượng)
    • Vượt qua các chướng ngại
    • Tâm an định dần
    • Thiền về tình thương yêu tha nhân:
    • Tình thương yêu đồng loại (Từ)
    • Lòng cảm thông (Bi)
    • Vui mừng khi thấy người khác hạnh phúc (Hỷ)
    • Không thiên vị, hoặc vô tư (Xả)
    • Làm cách nào để kết hợp cả bốn loại thiền trên
    • Một sự trao đổi tuyệt tác
    • Làm dịu cơn đau về thể xác và tinh thần;
    • Nhìn xuyên thấu hay minh sát tuệ (vipasyana):
    • Hiểu thực tại hơn
    • Làm chủ các suy nghĩ và cảm xúc
    • Đi tìm bản ngã
    • Thiền về bản chất của tâm thức
    • Hồi hướng các thành quả tu tập của mình
    • Đưa thiền vào cuộc sống hàng ngày.

 

Tác giả:
Trình duyệt của bạn có thể không hỗ trợ hiển thị hình
này.
Matthieu Ricard là nhà sinh học, nghiên cứu về tế bào di truyền nhiều năm tại Institut Pasteur, học trò của Francois Jacob. Matthieu Ricard đã đi theo đạo Phật và trở thành một trong những nhà sư rất được kính trọng. Ông là phiên dịch viên tiếng Pháp của Đức Dalai Lama, nhà nhiếp ảnh, dịch giả và tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như: Nhà sư và triết gia (Cùng với Jean-Francois Revel, Nil, 1997); Những nhà sư vũ công của Tây Tạng (Albin Michel, 1999); Himalaya Phật giáo (La Martinière, 2002); Tư tưởng Tây Tạng (Le Seuil, 1996); Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Cùng với Trịnh Xuân Thuận, Nil, 2000) và gần đây nhất là cuốn sách Bàn về hạnh phúc (Thaihabooks & NXB Lao động XH, 2009)
 
Tác phẩm Cái vô hạn trong lòng bàn tay là cuộc đối thoại giữa Matthieu Ricard với giáo sư Trịnh Xuân Thuận, người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng cao quý Kalinga của UNESCO về Phổ biến khoa học năm 2009, đó là “cuộc đối thoại” giữa Phật giáo và khoa học. Ðúng như điều Einstein cảm nhận, Phật giáo là một tôn giáo có thể đối thoại với khoa học, cả hai không những không đối kháng mà còn bổ khuyết cho nhau trong việc tìm hiểu khoa học hiện đại và đời sống tinh thần của từng cá nhân cũng như trong nỗ lực chế ngự thiên nhiên và kềm chế bản ngã để tìm đường thoát khổ.
 
Hiện Mathieu Ricard đang ở tại tu viện Shéchèn (Nê-pan), cống hiến cuộc đời cho việc bảo tồn nền văn hóa Tây Tạng và cho những dự án nhân đạo ở Tây Tạng. 
 
Động cơ
Cũng như bất kỳ một hoạt động nào khác, khi bắt đầu tập thiền, điều cơ bản là xem xét kỹ lưỡng bản chất động cơ của chúng ta. Thật vậy, chính động cơ đó (vì người khác hay vì mình, cao thượng hay hẹp hòi) sẽ dẫn đến việc các hành động của chúng ta đi theo hướng tích cực hay tiêu cực và vì vậy, sẽ quyết định kết quả của các hành động đó.
Tất cả  chúng ta đều muốn được hạnh phúc, tránh khổ  đau và chúng ta đều có quyền cơ bản  để thực hiện khát vọng ấy. Tuy nhiên, những hành động của chúng ta thường hay mâu thuẫn với ý muốn của mình. Chúng ta đi tìm hạnh phúc ở nơi nó không tồn tại, và lao tới những thứ sẽ làm cho mình đau khổ. Thực hành Phật pháp không đòi hỏi phải chối bỏ mọi thứ thực sự có ích lợi trong cuộc sống, mà là biết từ bỏ những nguyên nhân gây ra khổ đau mà chúng ta cứ bám vào như nghiện ma túy vậy. Vì nỗi đau khổ đó sinh ra từ tâm trí mê muội, mất tỉnh táo của chúng ta, từ cách nhìn nhận, đánh giá của chúng ta, cho nên cách duy nhất để cải thiện tình trạng này là có được một cách nhìn đúng đắn (chánh kiến) về thực tại và chuyển hóa tâm thức của mình. Làm như thế, chúng ta sẽ loại trừ được những nguyên nhân đầu tiên: những độc tố của tâm thức là thiếu hiểu biết, độc ác, tham lam, kiêu ngạo và đố kỵ. Chính thái độ bám chấp ích kỷ và xảo trá của “cái tôi” đã sinh ra những độc tố đó.
Tuy vậy, thoát khỏi những đau khổ của bản thân mình chưa  đủ. Mỗi chúng ta chỉ là một chúng sinh mà  thôi, trong khi những người khác thì có tới vô  lượng và đều mong muốn không phải chịu khổ  đau như chúng ta. Hơn nữa, mọi chúng sinh đều phụ  thuộc lẫn nhau, và vì thế, gắn bó với nhau rất mật thiết. Do vậy, mục đích rốt ráo của quá trình chuyển hóa mà chúng ta sắp dấn thân vào qua con đường thiền định cũng nhằm giải phóng mọi chúng sinh khỏi khổ đau và góp phần làm lợi lạc cho tất cả mọi người.
Thiền
Hãy suy nghĩ về hoàn cảnh của chúng ta hiện nay. Chẳng lẽ những cách ứng xử hay phản ứng theo thói quen của chúng ta không đáng phải sửa đổi cho tốt hơn hay sao? Hãy nhìn thật sâu vào chính bản thân mình! Chẳng lẽ, chúng ta không thấy mình có tiềm năng để thay đổi ư? Chúng ta hãy tin rằng mình có thể thay đổi, chỉ cần có quyết tâm và trí tuệ mà thôi. Hãy nguyện chuyển hóa bản thân không chỉ vì lợi ích của riêng mình, mà còn để một ngày nào đó, chúng ta có khả năng giải thoát mọi người khỏi khổ đau và giúp họ tìm thấy hạnh phúc lâu dài. Hãy để cho quyết tâm này lớn dần và bám rễ thật sâu và chắc trong tâm trí chúng ta.
Nguồn cảm hứng
“Chúng ta thường tỏ ra có đầu óc hẹp hòi hay cởi mở? Thông thường, chúng ta xem xét tổng thể sự việc hay chỉ nhìn vào chi tiết? Chúng ta nhìn nhận sự việc cho trước mắt hay cho lâu dài? Động cơ của chúng ta có thực sự là tình thương yêu hay không? Phải chăng tình thương yêu ấy chỉ giới hạn trong gia đình, trong bạn bè và tất cả những ai giống chúng ta? Cần phải không ngừng tự hỏi mình những câu như vậy.”
Đức Dalai Lama thứ XIV 
 
Những điều kiện thuận lợi  
để hành thiền
Theo chỉ dẫn của người có  năng lực
Để có thể thiền, đầu tiên phải biết cách tập. Vì thế, người thầy đóng một vai trò cơ bản. Trường hợp may mắn nhất là gặp được một vị thầy tâm linh chân chính, có khả năng hiến tặng nguồn cảm hứng, kiến thức hiểu biết sâu rộng và những kinh nghiệm dầy dạn của bản thân vị đó. Thật vậy, không gì có thể thay thế được sức mạnh của một tấm gương và sự sâu sắc của lối trao truyền trực tiếp, sống động. Ngoài sự có mặt đầy cảm hứng và bài học thầm lặng truyền cho trò thông qua cách sống của mình, vị thầy luôn luôn để ý sao cho đệ tử không đi lạc vào những con đường sai trái.
Nếu không có cơ hội gặp được một vị thầy như  thế, chúng ta cũng có thể tiếp nhận những lời chỉ giáo của một thiện tri thức, hiểu biết hơn và có kinh nghiệm hơn chúng ta, với điều kiện là những lời chỉ bảo đó phải dựa trên một truyền thống chân thực và được thực chứng rất nhiều lần. Nếu không, tốt hơn cả là tìm sự trợ giúp từ những kinh sách, kể cả những sách lược giản như cuốn sách này, miễn là nó dựa trên những nguồn đáng tin cậy, còn hơn là trao gửi mình cho một người chỉ biết hướng dẫn theo những ngẫu hứng của chính anh ta.
Một nơi thích hợp cho việc hành thiền
Hoàn cảnh cuộc sống thường nhật của chúng ta không phải lúc nào cũng thuận lợi cho việc hành thiền. Thời gian và tâm trí chúng ta liên tục bị những hoạt động và lo toan choán chỗ. Chính vì thế mà ban đầu, cần phải tự tạo cho mình một số điều kiện thuận lợi. Khi bị cuốn theo cuộc sống hối hả hàng ngày, chúng ta hoàn toàn có thể và cần duy trì lợi ích của thiền, đặc biệt là thực hành “tỉnh thức”. Song lúc đầu, cần phải đặt tâm trong một môi trường thích hợp. Người ta không thể học những kiến thức sơ đẳng về lái tàu trong một cơn giông bão mà phải vào lúc trời yên biển lặng. Cũng như vậy, lúc đầu nên tập thiền ở một nơi yên tĩnh để tâm có cơ hội trở nên sáng sủa và ổn định. Kinh sách của đạo Phật thường hay dẫn chứng hình ảnh ngọn đèn dầu. Nếu cứ liên tục để đèn ra trước gió thì ánh lửa sẽ yếu và có nguy cơ bị tắt bất cứ lúc nào. Ngược lại, nếu ta biết chắn gió cho đèn thì ngọn lửa sẽ được giữ yên và rực sáng. Đối với tâm thức của ta cũng vậy.
Một tư thế ngồi phù  hợp
Tư thế  ảnh hưởng tới tâm trạng. Nếu ngồi uể oải thì  dễ bị hôn trầm và buồn ngủ khi thiền. Ngược lại, nếu ngồi quá cứng nhắc và căng thẳng thì tâm trí lại dễ bị loạn động. Vì thế, cần phải chọn một tư thế cân bằng, không quá căng thẳng, cũng không quá trễ nải. Trong kinh sách có mô tả tư thế ngồi bảy điểm, được gọi là thế Kim cương.
1. Hai chân bắt chéo trong tư thế Kim cương (vajra), thường được gọi là “thế hoa sen” hay “kiết già”: đầu tiên gập chân phải lên đùi chân trái, sau đó gập chân trái lên đùi chân phải.
Nếu cách ngồi này quá khó, ta có thể ngồi theo “thế  nửa hoa sen” hay “bán già”: để chân phải dưới đùi trái và chân trái dưới đùi phải (sukhasana).
2. Hai bàn tay đặt vào lòng, trong tư thế buông xả, bàn tay phải đặt trên bàn tay trái sao cho đầu hai ngón cái chạm vào nhau. Một cách khác là để úp hai bàn tay lên đầu gối.
3. Hai vai hơi nhô lên và đầu cúi về phía trước.
4. Cột sống thật thẳng, “giống như một chồng tiền xu bằng vàng”.
5. Cằm hơi gập xuống cổ.
6. Đầu lưỡi chạm nhẹ vào hàm trên.
7. Mắt nhìn thẳng hoặc nhìn xuôi theo sống mũi, mở to hoặc khép hờ.
Nếu ngồi bắt chéo hai chân mà khó thì đương nhiên chúng ta có thể ngồi thiền trên một chiếc ghế, hoặc trên một chiếc gối cao. Điều cốt yếu là duy trì một tư thế cân bằng, lưng thẳng và tuân thủ những điểm đã được mô tả ở trên. Kinh sách nói rằng nếu thân được giữ thẳng, các đường kinh dẫn năng lượng vi tế cũng sẽ thẳng, và nhờ thế, tâm trí sẽ minh mẫn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thay đổi một chút tư  thế ngồi tùy theo diễn biến trong quá trình thiền. Nếu ta có xu hướng hôn trầm, thậm chí buồn ngủ  thì hãy dựng thẳng lưng lên cho khỏe khoắn và mắt nhìn lên cao. Ngược lại, khi tâm trí quá loạn động thì chúng ta ngồi thoải mái hơn một chút và đưa mắt nhìn xuống.
Cách ngồi thích hợp phải được duy trì lâu nhất có  thể, song nếu nó trở nên khó chịu thì  tốt hơn cả là thư giãn một lúc còn hơn là liên tục bị mất tập trung vì đau đớn. Người ta cũng có thể trải nghiệm đau đớn theo khả năng chịu đựng của mình, không chối bỏ nó mà cũng không cường điệu nó, đón nhận nó như bất kỳ một cảm giác thích thú hoặc chán ghét nào khác, trong trạng thái tâm tỉnh thức ở hiện tại. Cuối cùng, ta cũng có thể xen kẽ thiền tọa (ngồi) với thiền hành (đi). Đây là phương pháp mà chúng tôi sẽ nói tới ở phần sau.
Nhiệt tâm là động cơ để duy trì  thiền

Để quan tâm tới điều gì và dành thời gian cho nó, trước hết cần thấy rõ lợi ích mà điều ấy mang lại. Việc suy nghĩ tới những lợi lạc của thiền, sau đó tự mình nếm thử chút xíu hương vị của nó sẽ nuôi dưỡng tính bền bỉ của chúng ta. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng thiền là một loại thực hành lúc nào cũng dễ chịu. Người ta có thể ví nó như một buổi leo núi, không phải lúc nào cũng thích thú. Điều cơ bản là cảm nhận được lợi ích sâu sắc của thiền để duy trì nỗ lực, bất chấp những lúc lên xuống trong quá trình thực hành tâm linh. Khi đó, sự mãn nguyện do tiến dần tới đích mà mình đặt ra cũng đủ để duy trì quyết tâm và niềm tin rằng nỗ lực bỏ ra là xứng đáng.