Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật sân khấu – Văn nghệ Phật giáo: Vấn đề nhỏ,...

Nghệ thuật sân khấu – Văn nghệ Phật giáo: Vấn đề nhỏ, thách thức lớn

104

Vấn đề được đặt ra ở đây, trước hết nhằm khẳng định trách nhiệm của Phật giáo (tổ chức Giáo hội) đối với Nghệ thuật sân khấu và văn nghệ Phật giáo (từ đây viết tắt là NTSK–VN.PG) trong bước phát triển thời đại, bên cạnh làn sóng bùng nổ tin học và truyền thống hiện đại. Đó là những mối liên kết cht chẽ, hỗ tương lẫn nhau, không thể xem nhẹ nếu muốn phát triển và hoằng dương chánh pháp nhiều mặt. Từ đó đặt ra một chiến lược dài lâu, tạo nên một khối xuyên suốt để có được một nền NTSK và VNPG đúng nghĩa. Điều này ngay từ buổi giao thời, chư Tôn đức lãnh đạo phong trào chấn hưng Phật giáo đã có nghĩ đến, dù lúc ấy chưa đặt thành kế sách và mời chỉ phát huy về mặt sách báo, tạp chí để hỗ tương và song hành với công cuộc hoằng dương chánh pháp.


TỪ ĐỊNH NGHĨA NTSK VÀ VNPG


Chung quanh vấn đề này, chúng tôi đã trình bày đầy đủ trong TẬP KHẢO LUẬN “NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU PG” và đã trình nộp cho Ban PGVN. Ở đây chỉ xin được nói sơ qua để làm tiền đề cho các luận cứ liên quan.


Riêng NTSK, bao gồm nhiều loại hình kịch chủng như Tuồng-Chèo-Hát bội-Cải lương-Kịch nói.v.v… Theo các nhà nghiên cứu sân khấu, Phật giáo chúng ta có một thuận duyên rất lớn là từ xưa nay các loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc đều chịu ảnh hưởng của nền văn minh Đông phương, trong đó sâu sắc nhất là vai trò của Phật giáo và Nho giáo. Do đó đã có rất nhiều tuồng tích nói về Phật giáo ở các loại hình kịch chủng, kể cả các đề tài mang tính nhân quả, thưởng thiện phạt ác. Tuy nhiên tất cả cũng chỉ là “cảm tính tất nhiên”, hay nói một cách khác đó chỉ là “chịu sự ảnh hưởng của PG” mà thôi. Vì thế những sai sót về nhận thức Phật học, không ít thì nhiều đều bãng lãng trãi đều đây đó trong hầu hết các tác phẩm.


Xưa, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, vai trò NTSK-VNPG không được xem trọng nên tạo ra một khoảng trống xuyên suốt một thời gian dài. Nay, thời đại tiếp cận mọi mặt, một nền NTSK-VNPG vẫn chưa được định hình dù điều kiện phôi thai đã luôn sẵn có. Chúng tôi luôn tâm đắc câu nói lừng danh của đại danh hào Victor Hugo (1802-1885) “một dân tộc nô lệ nghệ thuật làm cho nó tự do; một dân tộc tự do nghệ thuật làm cho nó vĩ đại”. Cùng chia sẽ tư tưởng đó chúng ta thấy được giá trị của vấn đề đang được đề cập không nhỏ chút nào.


Vậy một nền NTSK-VNPG phải được xây dựng, trên phương châm nào và hướng phát triển ra sao?


a/ XÂY DỰNG: Trên nền tảng văn hóa Phật giáo, của Phật giáo, vì Phật giáo mà sinh tồn.


b/ PHƯƠNG CHÂM: Góp phần làm nhiệm vụ hoằng pháp.


c/ PHÁT TRIỂN: bổ sung nét đa dạng hội nhập, cùng nhau cúng dường chánh pháp.


Để thực hiện được ba nét đại cương này, vai trò lãnh đạo của Giáo hội phải được phát huy chặt chẽ. Có quyền xét duyệt và quyết định các mặt liên quan. Nếu chưa thực hiện được những điều trên, trước mắt cũng nên có sự quan tâm về mãng NTSK ngoài xã hội nếu có tác phẩm nào đụng đến Phật giáo, cần nên trở lại quyền hạn tối thiểu trước đây từng làm và kêu gọi sự hợp tác từ phía chính quyền (thí dụ các hãng phim-đĩa hát-băng từ)  và đài PTTT, báo chí…nếu có tác phẩm PG đều trình xin ý kiến văn hóa PG, sau đó mới dám thực hiện). Vâng! tối thiểu là như thế nhưng từ hơn 15 năm qua “quyền” tối thiểu ấy cũng bị lãng quên, thay vào đó là cái “quyền” xét duyệt từ trong ra. Nghĩa là các tác phẩm cá nhân mang danh Phật giáo trình duyệt từ nội bộ rồi đem ra ngoài thực hiện. Hệ quả là hàng loạt tác phẩm VNPG ra đời chưa đúng tầm giá trị của tên gọi PG.Thiển nghĩ, Giáo hội ngay từ bây giờ nên lưu ý đến các bộ phận văn hóa trực thuộc Ban Trị sự Tỉnh, Thành về vấn đề này. Nếu giao cho nơi đó quyền hạn nhất định (xét duyệt) đồng thời khuyến cáo, buộc phải chịu trách nhiệm nếu có sai sót. Có như thế mới phần nào hạn chế nhưng sai phạm trong hoạt động và sáng tác NTSK-VNPG, giúp cho những người vì hoài bảo cao đẹp nhắm hướng đến xây dựng một nền NTSK-VNPG, đang đi trên lộ trình khó nhọc lâu nay rút ngắn lại.


Trở lại với ba nét đại cương trên, nếu được thực hiện chúng ta nên bắt đầu từ dưới lên (c) PHÁT TRIỂN. Đây chính là yếu tố con người-Phật tử-Nhân tài và các thành phần khác. Sau đó đến (b) PHƯƠNG CHÂM. Đó là định hướng và lý tưởng phục vụ. Sau cùng là (a) XÂY DỰNG.Khi đã thuần thục, đồng cảm thì việc hết lòng sống và làm theo chánh pháp-vì chánh pháp là việc tất yếu.


Bàn đến vấn đề xây dựng NTSK-VNPG không phải chúng ta thế tục hóa vai trò Phật giáo. Thật ra như đã nói đây là một lãnh vực không thể thiếu trong điều kiện hoắng pháp và phát triển trong thời hiện đại. Hơn nữa khi đã hình thành nên NTSK-VNPG mà nhân tố xuất phát từ những nười nhiệt tâm cộng vào lý tưởng rõ ràng, cao cả thì con đường hanh thông không lối hẹp là điều chắc chắn.


Đến đường đi của NTSK-VNPG


Một cách tổng quát, các mặt mang tính chất phổ cập xã hội như sách báo, tạp chí và VNPG đã phần nào đem lại thành công nhất định cho Phật giáo thời kỳ phát triển sau chấn hưng. Có thể lấy điểm mốc quan trọng để đánh dấu sự kiện ấy bằng sự ra đời của Tổng Hội Phật giáo V.N 1951. Khi đã có một tổ chức mang tính chất cả nước, chư tôn lãnh đạo thừa hiểu giá trị các mặt xã hội ấy, để từ đó Phật giáo mạnh dạn bước vào đời, đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng tín đồ khắp nơi, theo kịp trào lưu tiến hóa.


Như chúng ta thấy, từ đó ngược về trước, Phật giáo chỉ thuần tu học, đóng khung trong giáo luật và nội điển, phó mặc các yếu tố xã hội bên ngoài. Sự thụ động này đã bị một số tư tưởng xu thời cũng như thực dân Pháp lợi dụng thế lực, đã đánh phủ đầu lên thân phận một tôn giáo lớn của dân tộc nhiều đòn chí tử. Tất nhiên họ không chừa những thủ đoạn hạ đẳng như tìm cách bôi đen, châm biếm v.v… để đi đến kết luận đạo Phật là đạo yếm thế, bi quan, mặc cảm, tự ti về một “dân tộc nhược tiểu” đã được họ không ngừng tiêm nhiễm cho lớp trẻ khiến lớp trẻ ngày ấy cứ nghĩ rằng cái gì đến từ phương Tây cũng đều là văn minh tiến bộ; từ đó phủ nhận mình là dòng giỏi con Hồng cháu Lạc, chấp nhận Tổ Tiên mình là dòng giống Gô-loa!


Trong hoàn cảnh chung của một xã hội bị trị, bị “bảo hộ”, những giá trị văn hóa-nhân bản hòa nhập của hơn hai ngàn năm Phật giáo, không đủ sức chống chế hay bảo vệ tự thân, đã làm Phật pháp lu mờ và xa dần, tưởng như là một cuộc đào thải tất yếu. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên lắm khi trong lãnh vực nghệ thuật sân khấu và văn nghệ (ngoài xã hội), hình ảnh một vị Tăng sĩ hết sức cục mịch, ít hiểu biết và từ bi tiêu cực, thiếu vắng bản năng trí tuệ. Bên cạnh đó, các tác giả đã gởi vào các nhân vật này những lời “giảng đạo” hết sức ngây ngô và tùy tiện bằng chính hiểu biết Phật học non kém của mình. Ở đây chúng ta không phủ nhận có một vài tác phẩm tích cực-chấp nhận được; tuy nhiên số tích cực-chấp nhận được này quá khiêm tốn so với sự sai sót-nếu chưa muốn nói là phỉ báng, chống phá Phật giáo, rất nhiều. Tất cả, dù sao đó cũng chỉ là nghệ thuật sân khấu và văn nghệ ngoài xã hội, khi Phật giáo còn bỏ ngỏ lãnh vực này. Một phần tỏng đó còn có sự ỷ lại và tự tin thái quá cũng rất ư là thụ động của Phật giáo.


Từ Tổng Hội Phật giáo về sau, tân nhạc đã vào cuộc và có mặt trong chùa thông qua các buổi sinh hoạt của tổ chức Gia đình Phật tử (1951). Hậu thân của Gia đình Hóa Phổ-Gia đình Tâm Minh (1945) và Hướng thiện Lạc thiện (1947). Đây có thể xem là sự thành công to lớn trong chiến lược tài ba của chư tôn lãnh đạo Phật giáo thời bấy giờ. Biết nhìn xa trông rộng, trước mắt đã quy tụ được giới trẻ và gây được sự chú ý từ bên ngoài, khiến diện mạo Phật giáo dần khởi sắc. Tuy vậy, do điều kiện và hoàn cảnh chung cộng vào buổi giao thời chấn hưng, Phật giáo chỉ dừng lại nơi sự thành công khiêm tốn đó mà chưa có hứa hẹn gì mai sau. Tất cả sẽ chỉ dừng lại nơi đó nếu như pháp nạn 1963 không xảy ra và GHPGVNTN được ra đời, phất cao lên ngọn cờ vượt thoát. Ở tổ chức này, chúng ta thấy sự nhập thế mạnh mẽ và tích cực hơn thông qua Hội đồng Lưỡng Viện và các Tổng Vụ. Văn thơ nhạc họa đã được khỏi xướng, tuần hành rầm rập theo nhịp bước hóa đạo thời kỳ mới. Tổng Vụ Thanh Niên bây giờ không chỉ riêng có một GĐPT mà có thêm năm Vụ khác như Thanh niên Phật tử, Hướng đạo Phật giáo, Sinh viên Phật tử, Học sinh Phật tử, Thanh niên thiện chí Phật tử, đáp ứng và thu nạp được nhiều tầng lớp trẻ đến tham gia tu học và sinh hoạt. Từ đây các buổi sinh hoạt và văn nghệ của các đoàn thể này đã khơi dậy được tiềm năng sáng tác của chính họ, sản sinh một tầng lớp nhạc sĩ Phật giáo hẳn hoi, cộng vào các nhạc sĩ Phật giáo trước đó của GĐPT thành niềm tự hào to lớn của VNPG. Dù vậy, tất cả cũng chỉ dừng lại ở chừng mực biên độ đó, có chăng cũng chỉ là đôi ba kịch thơ-kịch-múa hát nhưng cũng chỉ bó hẹp trong các buổi VNPG và nghiệp dư mà thôi. Tất nhiên một phần do ảnh hưởng thời cuộc và đặc biệt sự phân hóa trầm trọng trong nội bộ Phật giáo chúng ta. Như vậy cho đến lúc này NTSKPG vẫn chưa được định hình, trong khi ngoài xã hội các tuồng kịch-cải lương v.v… nói hoặc liên quan đến tư tưởng nghiệp báo-thưởng thiện phạt ác của Phật giáo đã rầm rộ ra đời. Tất cả đều mang tính chất cảm tính (qua công cuộc đấu tranh mùa pháp nạn 1963), mọi sai sót là điều khó tránh khỏi, bởi vì đó không phải của Phật giáo, từ Phật giáo mà ra.


Từ giai đoạn này về sau, chúng ta có thể nhận định được vấn đề qua sự ví von tuy bất cập nhưng rất thực tế là: các chương trình VNPG, tân nhạc thì PG có rồi, còn cải lương, kịch v.v… thì cứ lấy của ngoài đời (các tuồng tích, bài ca “cảm tính” đã nói) mà phục vụ đạo. Các chùa vì muốn có mặt nghệ sĩ A, ca sĩ Z tất nhiên phải chìu theo, khi mà học một bài hát đạo đúng nghĩa người ta ngại chịu học; nếu có học lại ít ca và nếu có ca thì tiền cát-sê chỉ là tượng trưng-cúng dường thôi! Họ rất có lý vì hơn nữa chã lẽ đem các bài ca đạo đã học ấy đi hát ngoài xã hội, có nghĩa là không kinh tế. Đó cũng là lý do vì sao người ta không cảm thấy ngượng khi đem cả chuyện tình Lan và Điệp vào chùa hát… cúng dường! Đặc biệt là các chùa Ni. Tất nhiên ở đây Phật giáo rất trân trọng nhiệt tâm đóng góp cảu các ca sĩ-nghệ sĩ, nhưng để nhiệt tâm cúng dường đầy ý nghĩa hơn thì cả hai phía Phật giáo và ca sĩ-nghệ sĩ đều phải cố gắng, hy sinh một phần về mình, để qua đó có tiếng nói chung.


Có một thực tế cần nên nói qua rằng cho đến hiện nay, chính xác là tư hơn năm năm trở lại đây, riêng lãnh vực cổ nhạc-cải lương đã có nhiều tác giả sáng tác về đề tài Phật giáo, nhưng để xứng danh một bài “cổ nhạc Phật giáo” thì cần nên xem xét lại. Đáng lưu ý hơn phần đông trong số đó có không ít tác giả là tu sĩ. Đây là điều dễ gây ngộ nhận nếu người ta không chú ý đến yếu tố Phật học-văn học và nghệ thuật trong các tác phẩm đó. Đây cũng là điều đáng tiếc cho VNPG một khi Phật giáo đang rất cần phát huy về lãnh vực này. Những tác giả trên cho ra đời hàng loạt các tác phẩm dễ dãi ấy với những ngôi sai thượng thặng mà không qua một bước kiểm duyệt và có ý kiến nào từ văn hóa Phật giáo; tận dụng điều kiện (tu sĩ) bản thân, bất chấp hiệu quả nghệ thuật lẫn Phật học mà lẽ ra phải đi đầu trong việc ý thức cao độ nhằm hướng đến xây dựng nền NTSK à VNPG trong thời hiện đại một cách trong sáng, có tổ chức và định hướng rõ rệt. Những bộ phim liên kết nói về Phật Thích Ca, những tuồng cải lương cùng chủ đề và không ít các bài ca cổ lẻ, các bài nhạc dễ dãi mang đậm dấu ấn cá nhân, đã lần lượt chìm sâu vào quên lãng ngay từ lúc mới thực hiện, đã đủ nói lên điều đó. Đó là một thực trạng đáng báo động để cần có một định hướng. Cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, các vị tiền nhiệm Ban Văn hóa Phật giáo đã bước đầu thực hiện sự định hướng đó khi trong tay có vô số kịch bản, kịch nói và cải lương viết về lịch sử Phật Thích Ca rằng: Cuộc đời và lịch sử đức Phật quá lớn, nếu phải thể hiện bằng nghệ thuật thì chỉ có phim ảnh mới đảm đương phần nào giá trị đó. Và nếu thực hiện cần phải có sự liên kết sâu rộng nhiều mặt, kể cả kêu gọi sự đầu tư hay hỗ trợ từ nước ngoài. Tóm lại, đó phải là một dự án rất lớn. Đáng tiếc định hướng chính đáng đó đã không tồn tại khi chính các vị tiền nhiệm ấy không còn tiếp tục làm việc. Lẽ ra những vị kế tục trách nhiệm đồng cảm, chia sẻ hoài bão đó, thực hiện một cuộc chạy tiếp sức thì đã không có những bộ phim, tuồng tích non nớt ấy ra đời, không để lại một dấu ấn nào khả dĩ. Rõ ràng ngay từ đầu, không phải không có các dự án, hoặc không có ai biết viết kịch bản cải lương-kịch nói về đề tài lịch sử đức Phật Thích Ca như người ta lầm tưởng, để phải tự cho mình cái khả năng “biết” và viết các tác phẩm mà ngay từ khi ra đời đã không được công chúng chấp nhận như vậy.


Thật đắc tội biết bao với công lao chư liệt vị tổ sư từ thời chấn hưng, khi mà đến nay hàng hậu sinh chúng ta vẫn chưa nhận thức và thực hiện được một nền NTSK-VNPG đúng nghĩa, để hiện giờ chúng ta từng ngày từng giờ phải đối đầu với làn sóng vũ bão của sự bùng nỗ thông tin, thiếu vắng đi tiếng nói cũng như sự hiện hữu của Phật giáo thông qua NTSK-VNPG. Phật giáo là một tôn giáo của dân tộc, góp phần xây dựng giá trị nhân bản-nhân văn cho dân tộc, từng chia ngọt xẻ bùi cùng bao bước thăng trầm nhục vinh của dân tộc; thế mà đáng buồn thay tiếng nói và sự có mặt ấy lại trở nên điều xa lạ mà lẽ ra phải được tôn xưng xứng đáng qua NTSK-VNPG trong các phương tiện truyền thông đại chúng. Lịch sử và khả năng chân lý Phật giáo V.N thừa sức thực hiện điều đó, không cần mượn vỏ bọc tài trợ-quảng cáo-kinh tế-viện trợ v.v… khuynh đảo các làn sóng phát thanh truyền hình như các tôn giáo khác từng làm. Vấn đề là chúng ta đã xây dựng và trang bị cho đội ngũ tiên phong là NTSK-VNPG chưa, nếu có thì nhân tài, lãnh vực này không thiếu, có vị gần trọn cả cuộc đời sống và cống hiến một cách tích cực, có thiếu chăng chỉ là thiếu người có khả năng lãnh đạo NTSK-VNPG mà thôi. Sự vắng mặt của NTSK-VNPG qua nhiều “triều đại” đã chứng minh điều đó. Ngay các tờ báo-tạp chí Phật giáo ít ỏi của chúng ta, mãng đề tài NTSK-VNPG cũng không được coi trọng, nếu không muốn nói là xem nhẹ. Họa hoằn lắm mới có một vài bài để gọi là điểm xuyết cho có màu nhưng lại do các tác giả ngoài đời được “đặt hàng” viết về… đạo! Xem thường sự hiện hữu của những người trong cuộc, làm tổn thương thêm sự cống hiến nhiệt tình của anh chị em văn nghệ sĩ Phật giáo vốn rất cần tiếp sức và hỗ trợ nhiều mặt. Vì không được coi trọng về mãng này nên trong các tổ chức chính quyền Đoàn-Hội trực thuộc (Hội Nhà báo) nhân tố văn nghệ của các tòa soạn Phật giáo chưa bao giờ được góp mặt, thay vào đó là người của các tòa soạn tôn giáo bạn.


VỚI CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG


Nhân mùa Phật đản 2630 PL 2550 vừa qua, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, ngày đại lễ của chúng ta đã được hâm nóng trở lại sau hơn 30 năm nguội tàn trong nghiệp dĩ. Trong đó NTSK-VNPG góp phần không nhỏ, dù mới chỉ riêng có Đài Truyền hình Tp.HCM (HTV) có hai chương trình ca nhạc và cổ nhạc đón mừng Phật đản[i]. Qua hai chương trình này, vấn đề nội dung sai sót hay bàn tay đạo diễn chưa sâu sát trong lần khác chúng ta sẽ bàn sau. Ở đây, người viết muốn nhấn mạnh chi tiết để bổ sung cho chuyện đang nói đến là NTSK-VNPG. Đó là tính đặc thù chuyên trách của Phật giáo. Đây là những chương trình do chính các tác giả-nhạc sĩ Phật giáo sáng tác, HTV thực hiện và đạo diễn. Một mối liên kết bước đầu mang nhiều ý nghĩa thực tiễn. Dĩ nhiên nếu do Phật giáo thực hiện và đạo diễn thì sẽ trọn vẹn ý nghĩa NTSK-VNPG hơn, đúng như định hướng và ao ước bấy lâu nay của chúng ta. Ngược lại nếu HTV làm chủ hết; có nghĩa là từ tác giả-nhạc sĩ, đạo diễn thực hiện đều là của HTV thì chuyện đã không còn là của Phật giáo, ý nghĩa sẽ khác rất nhiều, kem theo đó là một hình ảnh thiếu tôn trọng và bất hợp lý. Phật giáo là một tôn giáo lớn của nhân loại và là một tôn giáo có nền tảng giáo lý đầy đủ (Kinh-Luật-Luận) đồ sộ nhất. Do đó nói về Phật giáo mà không có người của Phật giáo tham gia thì sự chuyển tải sẽ không tránh khỏi sai sót. Đó là điều tất yếu.


Tương tự, hãy thử hình dung một chương trình giới thiệu về tư tưởng và chủ nghĩa Mác-Lênin, người phụ trách không là một người chuyên trách cao (Giảng viên) dứt khoát ý nghĩa sẽ biến dạng. Vì vậy,tuy chỉ mới là sự liên kết nhưng so với tình hình hiện tại sẽ là mô hình và là bài học cho cả hai (các phương tiện truyền thông và Phật giáo). Biết tôn trọng lẫn nhau, từ đó có thể tiến tới, mở ra định hướng chặt chẽ, đưa hình ảnh Phật giáo trở lại với công chúng thông qua loại hình NTSK-VNPG mà lẽ ra từ lâu, với tính thể đậm nét dân tộc của mình, Phật giáo phải được trân trọng đúng mức. Thêm một thí dụ nữa, hơn một năm qua các đài phát thanh đã có những chương trình về tôn giáo, đó là hai Đài Tiếng nói Việt Nam-hệ AM (VOV1) sóng 657Mhz có chương trình “Phát thanh tôn giáo”, phát 12h30-13h trưa thứ hai và thứ sáu hàng tuần và Đài phát thanh Truyền hình Đồng Nai có chương trình “Dành cho đồng bào có đạo”-Hệ FM sóng 97.50 MZ, phát lúc 10 giờ sáng thứ ba và thứ bảy hàng tuần. Đây là những chương trình do chính các bổn đài tự biên tập và thực hiện, nội dung mang tính chất “đề huề” với những bài viết chủ yếu nêu gương người tốt việc tốt, cùng nhau làm từ thiện v.v… phần lớn đều sử dụng lại các bài báo đã được đăng; thiếu tính chuyên sâu và khách quan. Nghe qua những chương trình này không khác các chương trình khác, do đó đã không nhận được sự quan tâm theo dõi của thính giả, đặc biệt đồng bào có đạo. Ngay như dòng nhạc Intro mở đầu chương trình “Phát thanh tôn giáo” của VOV1, cách phối âm đơn điệu, thiếu thuyết phục. Đầu tiên là tiếng chuông nhà thờ, sau đó là nhịp mõ-cũng là nhịp trường canh, ai cũng hiểu đó là tiếng mõ “đại diện” cho Phật giáo! Dĩ nhiên vai trò biên tập và xét duyệt đều phải do bổn đài chịu trách nhiệm, các mặt còn lại nếu không tận dụng hoặc tối thiểu có sự tham vấn, đóng góp của chính các tôn giáo-đặc biệt là Phật giáo thì sự có mặt của các chương trình tôn giáo chỉ dừng lại ở góc độ phiến diện, đơn điêu. Hiện chỉ có thể xem đó là một tiết mục “tin tức về các hoạt động tôn giáo” không hơn không kém mà thôi. Sẽ không có mô hình-nhân tố để nhân rộng, nhưng chúng tôi cũng xin mạo muội nhắc lại từ hồi ức vấn đề đang nói, vì nhận thấy nội dung thực hiện và liên kết rất đáng được quan tâm: Trước năm 1975, Đài phát thanh Sài Gòn hằng tuần đều dành hết năm ngày, từ 17 giờ-17,30 mỗi chiều cho các tôn giáo hiện hữu, từ thứ hai đến thứ sáu. Chương trình phát thanh “Tiếng chuông chùa” của Phật giáo vào mỗi chiều thứ sáu. Mở đầu là nhạc hiệu của chính bài ca “Phật giáo Việt Nam”, tiếp ngay sau một bài luận hoặc quan điểm Phật giáo, kế nữa là phần chính yếu tức là một thời pháp ngắn. Cuối cùng là một bài nhạc Phật giáo trước khi phần tin tức Phật sự và trả lời thư thính giả, kết thúc chương trình. Từ các phát thanh viên đến toàn bộ nội dung chương trình, cả thơ và nhạc hoàn toàn là của Phật giáo. Đó là chưa nhắc đến Đài Quân đội cũng có chương trình Phật giáo và ngay cả Đài truyền hình cũng có các chương trình tương tự. Đặc biệt hơn, mỗi dịp lễ lớn như Phật đản-Vu lan-Thành đạo các Đài phát thanh sau mỗi bản tin 5 phút đầu giờ đều mở một bài nhạc Phật giáo. Đó là chuyện của hơn 30 năm trước.


Chính vì những ý nghĩa trên, việc HTV, là Đài truyền hình duy nhứt trong cả nước có 2 chương trình cổ nhạc-tân nhạc Phật giáo mừng Phật đản rất đáng được chúng ta trân trọng, ghi nhận thiện chí. Có lẽ đã đến lúc các phương tiện truyền thông đã nhận thức được vai trò tích cực của Phật giáo trong đời sống xã hội và thẳng thắn nhìn nhận như Nghị Quyết BCH Trung Ương Đảng khóa VI đã gợi mở. Theo chủ trương đường lối đó, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tuy không có các chương trình VNPG mùa Phật đản vừa qua, nhưng lọt thỏm trong đó có một điều rất thú vị là Chương trình “an ninh với cuộc sống” (VTV2) trích hơn 20 phút bài thuyết pháp với chủ đề “an ninh trật tự dưới góc nhìn luật nhân quả” của một vị Tỳ-kheo phía Nam (phát lúc 18 giờ 30-19 giờ ngày 13.5. 2006. Phát lại 15,30-16 giờ ngày 14.5.2006 và 8 giờ 30-9 ngày 15.5.2006). Đây là chương trình chủ yếu dành cho lực lượng an ninh nhân dân, vì thế lời kết thúc chương trình có đoạn rất tích cực như: “Đây là băng được trích trong ‘Sự công bằng của luật nhân quả’ do NTX Tôn giáo xuất bản. Đương nhiên đây là những góc nhìn lý giải của các nhà tu hành, chúng ta có quyền tin hay không tin. Nhưng những gì phù hợp với cuộc sống mới, dân chủ đạo đức hôm nay thì chúng ta-trong đó các chiến sĩ công an nhân dân cần phải trân trọng…”. Chỉ tiếc một điều nhỏ là nội dung đoạn trích giảng ấy, giảng sư chỉ nói nhiều về các nhân và cái quả một chiều không đi sâu thêm một chút để người ta có thể hiểu trong nhân có quả, trong quả có nhân và vì vô minh biết đâu hiện tại lại đang gieo nhân (Dị thời nhi thục-biến loại dị thục…), tránh được khía cạnh xã hội hết sức tế nhị hiện nay đối với người mồ côi, kẻ khuyết tật v.v… mà từ lâu kẻ xấu đã từng lợi dụng, tung hỏa mù để bôi nhọ Phật giáo.


Sẽ không công bằng nếu như các vấn đề khó khăn lẫn thách thức chúng ta đặt ra để từng bước gỡ mối rối và tìm phương sách hoạch định kế hoạch phát triển về lâu dài cho Phật giáo, được hiển theo nghĩa đấu tranh, giành giật lại thế đứng một cách tầm thường. Thế nhưng qua những sự tự mãn, ỷ lại đã ru ngủ chúng ta nhiều thập niên qua, đã phần nào giúp cho các thế lực xấu tiếp tục tồn tại, kềm hãm đà phát triển của Phật giáo thì việc làm tối thiểu-tầm thường ấy cũng nên được đặt ra. Bởi vì sao? Như phần đầu đã thưa, bề dày lịch sử vẻ vang đồng hành cùng dân tộc hơn 2000 năm “không đủ sức” bảo vệ giá trị tự thân Phật giáo thì quả là điều bất hạnh cho dân tộc và đạo pháp. Do vậy sẽ rất buồn cười rằng mới có một vài chương trình VNPG hay vài tiết mục chấm phá cho ngày Đại lễ Phật giáo toàn thế giới, được các phương tiện truyền thông giúp chuyển tải, đã làm chúng ta vui mừng hồ hởi đến vậy. Riêng với Phật tử khắp nơi, chúng tôi rất cảm thông và chia sẻ sự vui mừng ấy, vì rằng như giữa cơn nắng hạn gặp một trận mưa rào, dù tươi mát ngắn ngủi nhưng sự vui mừng đó rất đáng để những ai quan tâm suy nghĩ. Riêng chúng tôi, những người đang trực tiếp hoạt động và đấu tranh cho một nền NTSK-VNPG đứng đắn, tất cả những việc liên quan đã trình bày, vẫn là một nỗi lo âu to lớn.


(1) Ban Phật giáo Việt Nam-VNC Phật học Việt Nam


(2) Chương trình cổ nhạc “Cánh hoa ưu đàm”. Biên tập Hiền Phương, đạo diễn Quốc Trung, chủ nhiệm Huỳnh Nguyên Khởi. Ban văn nghệ đài THTPHCM thực hiện. Phát lần đầu 22h ngày 8.5. 2006 (11.4al), phát lại lần hai 15h30 ngày 9.5.2006 (12.4al) trên kênh HTV9. Phát lại lần thứ ba trên HTV7 lúc 3h30 rạng sáng 11.5.2006 (14.4al).


Chương trình tân nhạc “Hoa vô ưu nở”. Biên tập Quốc Hưng, đạo diễn Quốc Trung, chủ nhiệm Bùi Thị Mai. Ban ca nhạc đài THTPHCM thực hiện. Phát duy nhất một lần vào lúc 22h ngày 12.5.2006 (15.4al).


Trước đó, Phật đản năm 2628 (PL. 2548) 2004, cũng đài THTPHCM có thực hiện một chương trình ca nhạc chủ đề “Sen nở mùa hạ”. Biên tập Quốc Hưng, đạo diễn Chu Hồng Hà, chủ nhiệm Bùi Thị Mai. Phát lần đầu lúc 15h30 ngày 2.6.2004 (15.4al) sau đó phát lại nhiều lần nữa với những giờ giấc khác nhau (cũng chương trình này được dùng để phát lại nhân mùa Phật đản năm sau (2005) do năm này không có dàn dựng mới). Cùng năm này, Vu lan 2004, đai THTPHCM cũng có chương trình cổ nhạc mang tên “Mênh mông trời biển”.


Riêng đài Tiếng nói nhân dân Tp.HCM (VOH), tuy lúng túng và nhầm lẫn giữa chủ đề Phật đản và báo hiếu cha mẹ do các nhạc sĩ Phật giáo cung cấp, cũng đã cho phát sóng được một chương trình ca nhạc Phật giáo trên hệ FM lúc 13h05 ngày 12.5.2006.


Ở lãnh vực khác, VOH trong chương trình “Sài Gòn buổi sáng” (hệ FM 99.9) có một bài bình luận về giá trị Phật giáo với dân tộc ngày 12.5.2006. Trưa cùng ngày, cũng VOH (hệ AM 12.5) chương trình “Văn hóa-thể thao” 11h30, phần “văn hóa” dành trọn nói về Phật giáo với dân tộc.


Tất cả những đài PT.TH khác chỉ có đưa tin tức về các hoạt động đón mừng đại lễ Phật đản thế giới, không có chương trình văn nghệ. Có thể các đài PT.TH này không biết Phật giáo hiện vẫn có thể cung cấp các bài hát Cổ-Tân nhạc Phật giáo chăng?


(Bài viết Hội thảo “Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và Thách thức”)