Việc đi chợ, là việc bình thường, chắc ai cũng biết. Trước tiên, chúng ta chỉ mua những thứ gì mình cần tới. Thường những ai cẩn thận sẽ ghi ra thành một danh sách. Vậy mà có khi cũng quên, hay có khi ra chợ thấy cái gì tươi ngon là mua ngay, mặc dù không dự tính trước. Tới chợ, hằng hà sa số loại: nào là hàng trái cây, mùa nào cũng có, rau cải, thịt cá, đường, bột, gạo, mì, đủ loại bánh kẹo, thức ăn chế biến sẵn, rượu, trà cà phê v.v…kể hoài không hết. Có khác chi chợ đời. Chúng ta cẩn thận chọn thứ nào tươi, ngon và rẻ. Mua đem về cất trong tủ lạnh, rồi mỗi ngày lấy ra nấu nướng, chiên xào, chế biến thức ăn cho cả gia đình. Cứ thế, lâu lâu lại đi chợ. Mua thêm, cũng đem về cất trong tủ lạnh, món nào cần thì để trong ngăn đá giữ lâu hơn. Riết rồi cái tủ lạnh to lớn trong nhà đầy ắp, mua thêm cái tủ lạnh thứ hai, hay cái tủ ướp đá để cất giữ nữa.
Cuộc đời của mình có khi mình cũng hành xử giống giống như vậy. Giao tiếp trong xã hội, không cẩn thận chọn lọc bạn bè, ai vui vẻ, hoạt bát thì mình thích tới gần, tiệc tùng hội họp, kỳ này mừng sinh nhật nhà này, tháng sau đám giỗ nhà khác, khi là lễ Tạ Ơn, lúc mừng ngày ra trường của con cháu. Cứ thay phiên nhau ăn uống vui chơi. Không những uổng phí thời gian, mà nhiều khi đem về nhà buồn phiền giận hờn, trách móc, phê bình người này tốt vì giàu có, người kia xấu cho nên nghèo, người này nhà lớn, người kia con cái thành danh vv…Hễ mình hơn người khác thì vui, nếu thua kém cái gì đó thì tủi thân, buồn.
Những điều chúng ta thường lặp đi lặp lại đó sẽ tự động cất giữ trong ký ức của mình, lâu ngày thành nghiệp lực. Ký ức thì có giới hạn. Tuổi trẻ nếu cứ cất giữ những chuyện vui chơi phóng túng, tuổi trung niên vẫn tiếp tục hội họp ăn uống ca hát vui đùa, thì ký ức đâu còn chỗ nào cất giữ Phật pháp? Có người, hễ nghe giảng pháp là ngủ gục. Có người khá hơn, nghe giảng pháp, ghi chép đầy đủ, mà về nhà thì không xem lại, cũng không ghi nhớ, không thực hành theo. Nên cũng như không. Vì thế, người còn bị ràng buộc trong gia đình thường khó tiến tu. Mãi tới khi lớn tuổi, gần đất xa trời, nghĩ tới đường dài thăm thẳm trước mắt mới tỉnh ngộ, muốn dấn thân. Mà thân đã mỏi mòn rồi, tâm trí lu mờ, còn kỳ vọng gì nữa cho đời.
Lại có thể có một hạng người khác. Người này sớm tỉnh ngộ hơn. Thấy trong đời nhiều cảnh khổ, chung quanh hay ngay trong gia đình, cha mẹ chia tay, con cái bơ vơ có cha thì mất mẹ, gần mẹ thì xa cha, anh chị thì ghen tương giận hờn, bạn bè tranh chấp, lừa gạt, trong sở làm thì chèn ép, kỳ thị, muốn kiếm sống phải chan cơm với nước mắt. Người ấy có khi buồn chán, đưa tới muốn tránh xa đời, không giao tiếp nữa, ghê sợ những chuyện thị phi. Cuối cùng có lối thoát là xuất gia để tránh xa cuộc đời. Nhưng ở đâu cũng là đời, dù có lên núi, xuống biển, mênh mông vắng vẻ, khi mình còn cái tâm đời thì làm sao trốn được đời? Loại người này tương tự người đi chợ, chỉ thấy cá ươn, thịt cũ, rau héo, trái cây chua, quơ quào đem về, cất đầy tủ lạnh, rồi buồn rầu oán trách, tôi không đi chợ nữa đâu. Người này cũng không đủ thông minh để nhìn thấy chợ đời có đủ phẩm chất khác nhau.
Hai hạng người trên đều có mặt chung quanh ta, hằng ngày. Một hạng người tìm những vui thú trong cuộc đời, giải trí, ăn uống, vui chơi, thích hội họp, tìm tới những nơi náo nhiệt tưng bừng, không biết tới ý nghĩa của đời sống. Một hạng khác lại chỉ nhìn thấy cảnh đời đen tối, đau khổ, tàn bạo nên sinh tâm chán đời, trầm cảm.
Cả hai loại người này đều đáng thương, cứ tích trữ những nghiệp bất thiện vào tâm, còn chỗ nào trống để Đức Phật rót Pháp bảo vào nữa. Họ giống như người đi chợ mà không biết nghệ thuật mua sắm. Một người ham thích mua sắm quá nhiều những thứ không cần thiết. Tâm đầy ắp những thứ vô ích, không còn chỗ nào cho Pháp chảy vào.
Người kia thì tâm đầy ắp những cảnh tàn bạo, bi thảm, ngang trái, xấu xa của cuộc đời, nên Pháp cũng không thể rót vào một cái tâm đen tối, cửa đóng kín. Cả hai loại người này đều thấy cuộc đời là thật, thú vui có thật, đau khổ có thật.
Vậy đi chợ như thế nào mới đúng? Cuộc đời có khác nào một cái siêu thị, vô số hàng hoá, có tốt có xấu, có mắc có rẻ, mà cái nào bề ngoài nhìn thấy cũng đẹp, cũng sang, cũng ngon. Con người cũng vậy, ai cũng muốn phô bày ra ngoài cái tốt nhất của mình, che giấu đi cái xấu xa, cái khuyết điểm của mình.
Cho nên điều kiện đầu tiên là mình phải có một chút trí, hiểu biết và cẩn thận. Mình phải suy xét đời sống của mình có mục tiêu nào là quan trọng? Mình có những ưu điểm nào cần phát huy thêm để hữu ích cho mình, cho gia đình mình? Những nhược điểm nào cần phải điều chỉnh lại? Nhìn ra cuộc đời, thấy rõ có tốt có xấu. Trong khi hai hạng người trên là hai cực đoan, người thì chỉ thấy cái mặt tốt, mình cho là tốt, và lo hưởng thụ, người thì chỉ nhìn mặt xấu của cuộc đời, rồi sinh ra chán đời.
Giáo pháp của Đức Phật hóa giải tất cả. Đối với người ham mê ngụp lặn trong những thú vui vật chất, thì giảng cho họ qui luật vô thường, những thú vui đó sẽ phai tàn đi mau chóng, tuổi trẻ sẽ bay đi, sức khỏe cũng vậy, hạnh phúc cũng phù du, làm cho họ thức tỉnh. Với người chán đời vì chỉ nhìn những nỗi khổ đau của con người, cũng giải thích cho họ hiểu những nỗi khổ đó do nhiều nhân duyên, nó sẽ thay đổi, sẽ phai nhạt theo thời gian, bản thể của khổ là trống không, cuộc đời chỉ như giấc mộng, vậy phải mau mau ra khỏi giấc mộng này.
Chúng ta thấy rõ cuộc đời có người tốt, người xấu, có việc thiện, việc ác. Vậy buổi đầu, nên gần người hiền, tránh xa người ác. Mình nên làm việc tốt, không làm việc xấu ác. Giữ gìn lời nói, hành động và ý nghĩ thiện lành, có ích lợi cho mình và cho người.
Ý nghĩ thiện lành, lời nói thiện lành, hành động thiện lành đều sẽ ghi vào trong ký ức của mình. Không nghĩ tới, không nhìn kỹ những việc bi thảm, tàn bạo chung quanh, để cho ký ức không ghi khắc những việc đó, là những ấn tượng xấu, vô ích. Tâm mình cần tươi mát, trống rỗng mới có thể tiếp thu giáo pháp. Thông hiểu rồi phải áp dụng trong đời sống của mình.
Tâm hay ký ức, cũng giống như cái tủ lạnh, cất cái gì, sẽ lấy ra cái đó, và tâm hay ký ức cũng có giới hạn, nếu mình bỏ vào đó bừa bãi, nó sẽ rối ren hỗn tạp.
Vậy sống trong đời phải biết chọn lọc, cái nào cần, cái nào quan trọng, cái nào hữu ích mới cho vào tâm. Những lời châm biếm mỉa mai không ích lợi thì nghe bên ngoài tai như gió thoảng, không nhắc lại, không suy nghĩ tới, thì nó sẽ bay mất. Những lời khen nịnh bợ cũng vậy, cho nó bay theo mây gió, nếu không, mình tưởng thiệt rồi sinh ra ngạo mạn hay tự mãn.
Mình là người cư sĩ, sống chen lẫn trong xã hội, phải biết chọn bạn tốt, có đức hạnh mới giao tiếp, thân cận, để học hỏi thêm, bắt chước theo, làm việc thiện lành. Thấy gia đình bạn ấm cúng vui vẻ, thấy bạn khuyên dạy con cái, mình cũng học thêm kinh nghiệm.
Nếu là người xuất gia thì sống trong tăng chúng, là một tập thể đã phát tâm dũng mãnh bước theo con đường trau dồi đạo đức và trí tuệ, tất cả có cùng lý tưởng, nên dễ hài hòa, quên đi lỗi của người, mà chỉ quan sát lỗi của mình.
Đời sống xuất gia không phải ích kỷ, chỉ lo cho mình, quên cuộc đời khổ đau ngoài kia. Trái lại, xuất gia là một phương thức sống cao thượng, hữu ích cho mình và cho người khác. Đến đổi, trong kinh sách nói: “Một người phát tâm xuất gia, cả cõi Trời và cõi người đều vui mừng, còn cõi ma thì rúng động run sợ”.
Ngay cả khi mình mới bắt đầu tu, giữ tròn giới hạnh, ý lời và hành động đều thiện lành, chưa làm được gì cho đời, chưa ra giáo hóa, mà công đức và phước báu không thể tính kể. Vì sao vậy? Mọi người chỉ nhìn mình như một tấm gương sáng, đoan trang, chân thật, an vui, trầm tĩnh, chỉ bấy nhiêu đó cũng gieo được hột giống kính tin Tam Bảo vào tâm người khác. Đó là công đức trước nhất của người xuất gia. Về sau, trên con đường tu, vừa giúp người theo khả năng của mình, vừa lấy đó trau dồi đạo đức và trí tuệ, công đức không kể hết. Cho nên luôn luôn người tu chân thật đều được chư Phật bảo hộ gìn giữ, con đường tu thênh thang, thẳng tắp, luôn thuận duyên.
Khi chúng ta thấy con đường tu không có chướng ngại nữa, lúc đó cuộc đời cũng không còn chướng ngại. Tại sao? Con đường đời hay con đường tu, chỉ là một. Chính ta chỉ có một đời đang sống mà thôi. Khi ta chuyển hóa được tâm mình thuận theo sự vận hành của vạn pháp, thì nơi nào cũng an lạc hài hòa. Bây giờ thấy ai còn khổ, còn mê mờ, ta mới phát tâm muốn giúp. Tâm từ, bi, hỷ, xả tự nhiên phát sinh. Người xuất gia chỉ cất giữ đạo đức, trí tuệ, công đức, phước báu vào kho tàng. Trí tuệ thông suốt những sự thật điều hành thế gian được lưu giữ trong kho tàng và những kinh nghiệm đã trải qua cũng lưu giữ, kết thành nguồn suối bất tận, tuôn chảy tới đâu, cuốn trôi hết sinh già bệnh chết, khổ đau, nghiệp chướng. Nguồn suối trí tuệ này chuyển hóa tất cả, trở thành nguồn suối trong veo của hạnh phúc an vui cho người nào chịu đẳm mình trong dòng nước mát rượi của tâm.
Vậy ta hãy mau quay về suối nguồn hạnh phúc, chính thật là Tâm mình.
Thích Nữ Triệt Như