Trang chủ Đời sống Chuyện đời - Ý đạo Nghệ thuật bắt ve

Nghệ thuật bắt ve

178

Mùa hạ, Khổng Tử dẫn  các môn sinh đến  nước Sở, đi qua một khu rừng, họ ngồi xuống uống nước nghỉ ngơi, lắng nghe ve sầu ca hát.


Tình cờ Khổng Tử nhìn thấy ông lão cưỡi lạc đà đi tới và dừng lại dưới một cội cây. Ông thận trọng nín hơi im tiếng, bắt ve bằng cái vợt máng trên đầu sào dài. Ông già đưa tay gỡ lấy ve trong vợt, thao tác thật nhanh lẹ, dễ dàng.


Khổng Tử nhìn bắt mê, rồi không nhịn được, cất tiếng hỏi:


– Tiên sinh!  Ông  bắt ve khéo và tài quá! Chẳng biết có bí quyết gì đặc biệt chăng?


Ông già đáp:


– Đương nhiên là có! Ve là loài côn trùng rất thính, chỉ cần nghe hơi thoảng nhẹ qua là nó bay liền. Bởi vậy, muốn bắt ve, trước tiên phải luyện tập cách cầm cây vợt sao cho mềm mại, nhuần nhuyễn đồng thời cử động phải thật nhẹ, nhanh, gọn… muốn được vậy phải  tập ít nhất từ năm đến sáu tháng.


Khổng Tử nghe nói, gật gù mãi. Các môn sinh vây quanh nghe kể, kinh ngạc đến há hốc mồm vì không ngờ nghề bắt ve cũng lắm công phu.


Ông già nói:


– Không chỉ có thế, lúc đứng dưới cây rình, phải hết sức cẩn thận, không được gây ra tiếng động. Nghĩa là lúc này thân và tay đều giống như cây khô. Quan trọng nhất là tâm phải tập trung chuyên nhất: Bất kể bên ngoài trời đất như thế nào, ta chỉ nghe có tiếng ve kêu; bất kể cảnh vật xung quanh hỗn tạp như thế nào, ta chỉ biết có con ve; bất kể chung quanh loạn động như thế nào, đều không làm tinh thần ta phân tán. Nếu đạt được như vậy thì việc bắt ve chẳng còn khó nữa.


Khổng Tử nghe ông già nói, khen ngợi không tiếc lời rồi quay qua bảo môn sinh:


– Các ngươi phải học theo cách bắt ve của ông lão đây, ông nhờ tập trung cao độ, chuyên tâm chú ý tỉ mỉ từng chút, không gì có thể phân tâm, nhờ vậy mà tài nghệ mới đạt đến đỉnh điểm, kiệt xuất thần kỳ.


(Theo Nhân sinh chân vị của Lâm Thanh Huyền)


BÀI HỌC ĐẠO LÝ:


Chỉ là bắt con ve nhỏ xíu, vậy mà đòi hỏi một nghệ thuật quá cao về thân lẫn tâm.


Có nghĩa là tài nghệ không phải thiên phú hay bẩm sinh, giống như câu: “Thiên tài chỉ có 5%, còn 95% là sự cố gắng” – Không ai sinh ra đã có năng khiếu đặc biệt mà chính sự khổ luyện và tâm linh đặc biệt của họ đã tạo ra tài nghệ thần kỳ.


Ai cũng phải trải qua khổ luyện trong thời gian lâu dài mới thành tựu sự nghiệp. Trong nhiều trường hợp sự tích lũy kinh nghiệm không chỉ ở kiếp này mà cả nơi kiếp trước. Điều này giải thích vì sao các bậc Phật sống hóa thân Tây Tạng khi sinh ra đang còn là một em bé mà sớm đã mê tít ngồi thiền, đã biết nguệch ngoạc viết cái tên thời còn làm sư trưởng của mình trong quá khứ, đã biết phun thịt cá ra và nhất quyết không chịu ăn, dù đang ở lứa tuổi cực kỳ bé bỏng còn đang quấn tả quanh mông.


Con người có thể làm nên những việc thần kỳ xuất chúng, tất cả đều nhờ vào sự kiên tâm tập luyện, sức tập trung cao, không để ngoại cảnh chi phối. Chính những người diễn xiếc, các ảo thuật gia cũng áp dụng kỹ thuật này.


Việc tu hành của ta cũng vậy, cũng phải học theo cách lão già bắt ve, mặc trời đất bao la rộng lớn, mặc vũ trụ vạn vật vô số, ta chỉ thấy và biết có mỗi công việc của mình, chú hết tâm tư vào đấy, không để tâm bị phân tán hay dao động dù bất cứ lý do gì.


Kỹ thuật này nói dễ, làm khó nhưng hiệu quả tột cao. Sự chuyên tâm nhất ý luôn cần thiết trong mọi lãnh vực. Trong cuộc sống hàng ngày, ta có thể chuyên tâm nhất trí, dốc sức làm những việc mình cực kỳ ưa thích, và khoảnh khắc của sự chuyên nhất giống như bắt ve này sẽ tự vận hành khiến ta hầu như “vong ngã”, quên hết cảnh vật xung quanh, trong lúc này lòng không vui không buồn, ta sẽ cảm nhận được niềm an nhiên khi tâm không có bóng dáng của khổ, vui mà vẫn nhạy bén, tỉnh táo và tinh tế…