Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ nhân đầu tiên dệt thành công lụa tơ sen ở Việt...

Nghệ nhân đầu tiên dệt thành công lụa tơ sen ở Việt Nam

280

Nghệ nhân Phan Thị Thuận, 70 tuổi, đã nghiên cứu làm thành công lụa tơ sen. Để kéo được 25 kg sợi to, bà cần 100 tấn thân sen.


Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, có nghề nuôi tằm, dệt lụa truyền thống. Vài năm gần đây, vùng quê tự hào khi nghệ nhân Phan Thị Thuận nghiên cứu làm thành công lụa tơ sen.


Hàng năm, từ tháng 5 đến 9, mùa sen bắt đầu là gia đình bà Thuận bước vào công đoạn khai thác tơ sen. Thân cây sen khi còn tươi đều có thể cho ra sợi tơ. Bên cạnh nhiều đầm sen nhà trồng, bà còn đi khắp nơi trong và ngoài huyện tìm đầm sen đặt hàng làm nguyên liệu.


Mỗi thân sen về được đưa vào bể rửa sạch bùn và tuốt hết gai để thuận thiện cho quá trình rút sợi. Năm 2017, lần đầu tiên bà Thuận bắt đầu nghiên cứu làm lụa tơ sen, nhưng sản phẩm đầu chưa ưng ý sau khi đánh giá qua quá trình sử dụng.

“Hai năm sau sản phẩm lụa tơ sen hoàn thiện, được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm làm từ lụa sen tốn rất nhiều công sức và thời gian nên chỉ những người sành về lụa mới dám dùng hoặc đặt hàng mua”, bà Thuận chia sẻ.


Để lấy được tơ sen, bà Thuận dùng dao khứa xung quanh cuống sen, rồi dùng tay vặn và kéo tơ, ve cho sợi tơ sen tròn lại. Mỗi thân sen làm ra một mét sợi tơ. Thợ thạo việc rút trung bình 200 cuống lá sen một ngày.

Để đào tạo một thợ thành thạo việc rút tơ sen mất một tháng, vì kỹ thuật dùng dao cắt đòi hỏi chính xác, nếu quá sâu vào thân sen thì sợi tơ sẽ đứt và ngắn.

Tơ rút xong được cho vào ống và đưa vào guồng. Tất cả công đoạn đều được làm thủ công bằng tay.

Tơ sen khi rút ra khỏi thân cây gặp nước luôn có màu trắng đục, nhưng khi khô và se thành sợi sẽ dần chuyển sang màu trắng sáng. Quá trình quay sợi người quay phải luôn chăm chú điều chỉnh để sợi không bị đứt.

Công đoạn cuối cùng là dệt thành tấm lụa trên máy. Với những tấm lụa có hoa văn chìm, người đứng máy phải khéo léo tạo tác ngay khi đưa đẩy con thoi.

Từng chiếc khăn, tấm lụa sau đó được luộc ở nhiệt độ cao trong hơn một tiếng để tan hết nhựa sen, rồi phơi trong môi trường khô thoáng có ánh nắng.

Để hoàn thiện một chiếc khăn lụa tơ sen phải trải qua 14 công đoạn, đòi hỏi từng người thợ phải tập trung và có tình yêu với nghề dệt.

Sản phẩm lụa từ tơ sen bền, mát và có thể làm thành túi, vỏ bọc sổ sách, đồ trang trí trong nhà, đóng khung treo tường… Trong đó, được ưa chuộng nhất là khăn quàng cổ. Cần tới 4.800 cuống sen cho một chiếc khăn quàng cổ dài 1,7 m, giá thành hơn 8 triệu đồng.

Một chiếc khăn làm thủ công bằng lụa tơ sen mất 0,07gr tơ, nhiều người cùng làm trong một tháng và 7 ngày thêu họa tiết. Những mẫu khăn này đã được nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang tới Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2019 để làm quà tặng.

Sản phẩm từ tơ sen của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã có mặt ở nhiều quốc gia như: Pháp, Mỹ, Nhật Bản… Hầu hết được đặt hàng từ trước mùa sen.

Từ ngày làm thành công lụa tơ sen, vào dịp hè nhà bà Thuận thường xuyên có hàng trăm học sinh trong và ngoài huyện đến học cách se sợi, lấy sợ tơ từ thân sen.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận dành tất cả tâm huyết và tình yêu truyền nghề miễn phí. Bà mong muốn những lớp măng non sau này sẽ kế cận và đủ tình yêu với lụa tơ sen để nhân rộng dòng sản phẩm đặc biệt, quí tộc này như chính cái nôi của làng nghề dệt Phùng Xa nổi tiếng.

“Khi sen bắt đầu lên nụ là có thể khai thác phần thân để mang về kéo tơ, hoa thì ướp chè hoặc lá bán làm thuốc, người trồng sen tận dụng tối đa để không bỏ đi phần nào mà vẫn mang lại giá trị kinh tế”, bà Thuận nói.


theo VNN