Khóa tu đã thu hút sự tham gia của gần 500 phật tử quanh vùng.
Ban Hướng Dẫn khóa tu gồm: Thầy Khải Đạo, thầy Khải Minh và thầy Toàn Như.
Nội dung tu tập trong khóa tu gồm có: Tụng kinh, tọa thiền, đi kinh hành, tập khí công, tập hát, v.v…
Buổi sáng, đúng 7h30”, sau khi trang nghiêm đạo tràng, toàn thể phật tử tụng kinh “Lạy Phật Sám Hối và Lời Khấn Nguyện”.
Kế đến, quý thầy hướng dẫn các phật tử ngồi thiền và tập khí công. Trong một ngày tu đến bốn thời ngồi thiền. Có những phật tử lớn tuổi cũng cố gắng ngồi tu với Hội chúng một cách nghiêm túc. Những ai ban đầu tập thiền đều phải chiến đấu với nội tâm và thân rất vất vả, vì thân và tâm đều có thói quen cử động và suy nghĩ, giờ muốn mọi cái đều giữ yên thì nó đi ngược với bản năng. Cho nên việc tu thiền không phải là ngày một, ngày hai, một năm hay hai năm mà là việc của nhiều nhiều kiếp. Vấn đề, chúng ta phải có quyết tâm tu tập vất vả lâu dài để chứng đạo. Muốn đắc được quả Thánh thì ta phải tạo phúc cho thật dày và công phu thiền định phải sâu, cho tới mất luôn bản ngã. Hiểu điều này, chúng ta không đặt thời gian tu bao lâu mà chỉ cần đi đúng đường, tức đi bước nào vững bước đó, còn không chỉ cần tu sai một ly đi một dặm.
Điều quý nhất, học sinh ở gần chùa khi trống giờ là đến chùa lễ Phật, tham gia tụng kinh và quanh quẩn trước sân chùa để chơi. Đến giờ học thì chạy về lớp. Chùa như là Tổ ấm đã thu hút bước chân các em tìm đến. Đến với chùa các em được quý thầy thương yêu, chia sẻ cho các em từng cái bánh, chiếc kẹo và dạy cho các em phải có tình thương, tình yêu với mọi người. Đặc biệt, chiều nào quý thầy cũng dành một giờ để dạy võ cho các em. Có những em được gia đình gửi vào chùa ở hẳn để tiện cho việc học hành.Tất cả vẫn đang sống rất đỗi bình thường như những người láng giềng gần gũi trong cửa đạo.Vì thế, hình ảnh ngôi chùa đối với các em hết sức thân quen. Chùa trở thành hình tượng tiêu biểu của làng xã, do ngôi chùa thể hiện phương châm hành đạo với những việc làm hết sức ý nghĩa.
Sau khóa tĩnh tu, đúng 9h00” sáng ngày 15/10, nhân chuyến Phật sự tổ chức Hội trại Tập huấn Thanh niên Phật tử Toàn quốc tại Học viện Phật giáo Việt Nam (Xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội), TT Thích Chân Quang về thăm chùa Viên Quangcùng các phật tử tại đây và đã có bài Pháp thoại làm quà cho những aicó diễm phúc vềnương tựa dưới bóng từ bi của Phật đài để tu tập, để hoàn thiện bản thân mình.
Thượng tọa nói bài pháp PHẤN ĐẤU – TRANH ĐẤU – CHIẾN ĐẤU để phân tích cho chúng ta thấy: Chúng ta sống trong cuộc đời luôn luôn động và đấu. Cả vũ trụ … tất cả đều đang vận động, và trong cái động đó thì ta đi tìm sự tĩnh tại, đó là trí tuệ của loài người; còn đang trong cái động đó mà ta đi theo cái động luôn, thành ra mình loạn, bất an. Cái hay của người đệ tử Phật là trong cái vận động của cuộc sống, ta biết giữ sự tĩnh tại của tâm hồn, nhưng phải biết lúc nào ta cũng bị đặt trong cái vận động và đó là sự đấu tranh.
Mác nói: “Cuộc sống là đấu tranh”, câu nói này không sai. Điều chúng ta phải chiến đấu trước hết là nơi chính mình, nơi cuộc sống của mình. Ví dụ ta sống trên đời là chiến đấu với cái đói, cái nghèo, ta sống làm sao phải có cơm ăn áo mặc, đừng để bị đói, bị nghèo, đó cũng là cuộc chiến đấu. Tiến lên nữa, ta phải chiến đấu chống lại cái dốt, không thể là con người mà không hiểu biết. Vì vậy ta phải học. Rồi ta phải chiến đấu chống lại tội lỗi, sai lầm nơi chính mình. Cho nên ta phải tu, cái tu dưỡng đó được cha mẹ, thầy cô giáo, những nhà tư tưởng lớn dạy dỗ; còn ta về với mái chùa, ta được Phật dạy dỗ, đó là chiến đấu với cái sai lầm nơi chính mình.
Lại nữa, khi bước ra xã hội, ta chiến đấu – ta tranh đấu với những người xấu, không để cho người xấu ăn hiếp ta, không để cho người xấu họ chiếm ưu thế trong cuộc đời và điều đó cũng là một cuộc chiến đấu, một cuộc tranh đấu. Thế nên, mọi mặt trong cuộc sống đều là vận động, đều là chiến đấu cả.
Phấn đấu có nghĩa là sự nỗ lực của bản thân để cho ta tốt lên thêm. Phấn đấu thường có 2 nghĩa: Một là đạo đức, tức là ta phấn đấu sửa sai, hoàn thiện chính mình, làm cho đạo đức của ta tăng tiến thêm, đó là ý nghĩa thứ nhất của phấn đấu; thứ hai là ta tăng được năng suất làm việc của mình lên cao hơn.
Tuy nhiên, cái phấn đấu để hoàn thiện đạo đức bản thân là vô cùng khó, vì ta có lỗi mà ta không biết, đó là cái trở ngại thứ nhất. Đó là lí do mà ta phải về với Phật Pháp; ta phải quy y, nương tựa Tam Bảo; ta phải đến với mái chùa yêu thương và phải chắp tay cúi đầu trước những bậc chân tu là vì vậy. Do có những người mà ta kính trọng tột độ, nên vị đó họ nói của lỗi ta, ta chấp nhận được và quyết tâm sửa lỗi lầm của mình. Còn ta không nhận lỗi, không biết lỗi thì đời đời không bao giờ ta sửa lỗi. Cho nên, cái cánh cửa đầu tiên để ta có thể tu dưỡng, hoàn thiện được bản thân mìnhlà phải biết lỗi, phải nhận lỗi. Nhưng người làm cho ta biết lỗi, nhận lỗi thì đó phải là một người mà ta tôn kính, cái công thức là như vậy.
Mà trên đời này, ai là người ta tôn kính? Đó là người phải hơn mình về đạo đức. Họ phải trong sạch, thánh thiện, cuộc đời họ đàng hoàng, minh bạch, rõ ràng hơn mình. Đó chính là những vị chân tu xuất hiện giữa thời đại, họ buông thõng đôi tay, không có gì giấu diếm, họ sống minh bạch giữa cuộc đời, mà rõ ràng họ không tham, không sân, không sống gì cho họ. Và rõ ràng họ đi tìm một cái mục tiêu cao thượng trên đời này, đó là sự giác ngộ, sự giải thoát. Thì có những bậc chân tu đó, ta mới cúi đầu, mới quỳ xuống, mới lắng nghe và ta mới chấp nhận cái lỗi của mình.
Vì vậy, cái giá trị của một bậc chân tu giữa cuộc đời này là vô cùng cao quý. Nhưng ở đâu có những vị chân tu đó? Chính vì có một Đức Phật phi thường xuất hiện giữa thế gian này, mà cái nguồn đạo lý tuôn chảy mãi qua bao nhiêu nghìn năm và cái nguồn đạo lý đó đã thắp sáng, đã nuôi lớn biết bao nhiêu trái tim của những vị chân tu, những vị Thánh Tổ, những vị cao Tăng nối nhau truyền thừa cái mạng mạch Phật pháp đó cho đến ngày hôm nay. Để rồi chúng ta được quỳ xuống dưới chân Đức Phật, dâng lên Ngài niềm tôn kính tuyệt đối. Nên chính có một Đức Phật vĩ đại đó, chính vì có Chư tăng chân tu mà ta có con đường để hoàn thiện bản thân mình. Và đó là cái phúc lạc cho dòng nghiệp luân hồi của ta. Chứ còn nếu trên cuộc đời này, ai cũng như ai thì không ai dạy ai được cả.
Vì thế, thương thay những người mà trong tâm hồn họ không có ai để họ kính, không có ai để họ sợ thì mãi lang thang trong cuộc đời trầm luân, đau khổ, dơ bẩn này, vì không ai sửa họ được, không ai nói họ nghe được và chẳng ai làm cho họ nhận lỗi được.
Điều thứ hai của việc phấn đấu là nâng cao năng suất lao động của ta. Theo Thượng tọa:
“Mỗi người làm việc bằng ba; Chính mình có phước, nước nhà vinh quang”.
Đây là cái ý nghĩa mà Thượng tọa đặt ra cho mục tiêu phấn đấu trong bài học này. Muốn có phước thì ta phải cống hiến cho cuộc đời này rất nhiều. Còn người mà ít cống hiến, sống hưởng thụ thì cực kỳ nguy hiểm. Và Thượng tọa đã minh chứng điều này bằng nhiều ví dụ xác thực trong cuộc sống.
Tiếp theo, Thượng tọa cho biết: Người cống hiến nhiều cho đời, đó mới là người tích lũy được cái phúc duyên của mình cho đời này và đời sau. Mà muốn cống hiến được nhiều thì năng suất lao động của ta phải tăng cao; đồng thời tâm ta phải có đạo đức (tức ta biết yêu thương con người, yêu thương cuộc đời, sống không có ích kỷ, lúc nào cũng sống vị tha, lúc nào cũng muốn phụng sự, muốn cống hiến). Cho nên, trong cái tâm đạo đức đó, ta có sự nhiệt thành. Và cái nhiệt thành cống hiến này nó thành cái mệnh lệnh là siêng năng. Cái siêng năng này thúc đẩy ta làm nhanh tay lên một chút nữa… Chỉ như vậy thôi, từ cái đạo đức, từ cái nhận thức, đi qua vài bước tâm lý, cuối cùng ra tới cái tay của ta, làm nhanh tay hơn một chút, đó là ta phấn đấu được thành công của ý nghĩa thứ hai là: Tăng năng suất lao động của mình.
Trong đời, ai cũng có cái tâm lý “làm nhanh tay lên” đối với việc nhà; việc cơ quan; hoặc vụ mùa, nhưng cái nhanh tay lên đó, đôi khi là vì ta có đạo đức, hoặc đôi khi vì sức ép của một điều gì đó. Chẳng hạn vì sợ mất việc làm; vì sức ép của thời tiết, v.v… chứ không phải là vì đạo đức. Còn ở đây, ý nghĩa phấn đấu từ nơi đạo đức, ta biết rằng ta phải làm tăng năng suất lao động lên để ta có phước, mà có phước rồi ta mới tu được. Do đó, khi thấy ai làm việc lề mề, không có ráng nhanh tay lên thì ta biết rằng cuộc đời người này tiêu do họ không cố gắng phấn đấu để tăng năng suất lao động, họ không có đạo đức, không có nhiệt thành phụng sự, đợi khi nào bị ai la mắng họ mới nhanh tay lên một chút, thì cái nhanh tay đó không thuộc về đạo đức.Ngược lại, người nào ta thấy họ lúc nào cũng vui vẻ, thương người, làm việc gì cũng cố gắng làm nhanh tay thì ta hiểu cái nhanh tay, cái tăng năng suất lao động của người này xuất phát từ đạo đức, từ lòng yêu thương.
Tương tự, Thượng tọa định nghĩa “Chiến đấu” là ta phải đối phó, phải đánh lại với kẻ thù khác chiến tuyến. Để hiểu thế nào là kẻ thù khác chiến tuyến, Thượng tọa đã dùng ví dụ để giải thích cho ý nghĩa này. Và nhấn mạnh cái “chiến đấu” này thực sự trong đời một con người có khi chả bao giờ đụngphải, nhưng khi trong chiến tranh thì cả nước buộc lòng phải bước vào cuộc chiến đấu. Mà nếu cả nước bước vào cuộc chiến đấu thì có nhiều hy vọng là chiến thắng. Còn nếu trong cuộc chiến đấu mà chỉ có một bộ phận tham gia, còn lại bao nhiêu người khác không tham gia, chỉ hưởng thụ, ăn chơi thì phe ta có nguy cơ là thua trận. Đồng thời trong cuộc chiến đấu với kẻ thù khác chiến tuyến này thì đa phần ta phải dùng tới vũ khí, tức là đánh nhau trên mặt trận cứng; và có khi ta phải dùng tới mưu trí, dư luận, ngoại giao, chính trị, tuyên truyền, là trên mặt trận mềm. Tức là đánh giặc trên cả hai phương diện: mặt trận cứng và mặt trận mềm. Mặt trận cứng là liên quan tới vũ khí sát thương. Còn có những cái đánh nhau mà không có vũ khí, chỉ bằng lời nói, rỉ tai thôi, ta gọi là mặt trận mềm và đòi hỏi sự quyết liệt, còn không thì giặc giết ta liền. Nên những người nào mà quyết liệt thì khi bước vào trong cuộc chiến đấu với kẻ thù khác chiến tuyến, những người đó dễ trở thành anh hùng của đất nước.
Mà một đất nước có những chiến sĩ quyết liệtthì thường đất nước đó dễ chiến thắng. Còn người nào khi đối đầu với giặc khác chiến tuyến mà lòng cứ do dự, mềm yếu, nhu nhược thì người ta đánh mấy cái là mình đâm đầu bỏ chạy. Vì thế, trong cái gọi là chiến đấu với kẻ thù khác chiến tuyến này, cái tính quyết liệt phải rất cao và đòi hỏi một điều quan trọng khác, đó là ta có chính nghĩa hay không. Nếu quyết liệt chiến đấu, nhưng lỡ phe đó không có chính nghĩa thì từ trên xuống dưới đi đứt hết,vừa mang tội, vừa không tạo thành phước và dân tộc đó sau này cũng tiêu vong luôn. Còn trong cuộc chiến đấu mà có chính nghĩathì thực sự những con người tham gia chiến đấuđó đều là những người có phước.
Thực ra, đi qua một cuộc chiến đấu rồi, dù ta có chính nghĩa và ta chiến thắng, nhưng trong cuộc chiến đó đều có sự tàn bạo, giết chóc. Cho nên, sau cuộc chiến thắng, ai cũng có bổn phận xây dựng, làm nhiều điều phúc, tu dưỡng để ta tiếp tục thắp sáng chính nghĩa của dân tộc, được vậy thì những anh hùng đã mổ xương máu cho cuộc chiến đó, họ sẽ được hưởng phước lây. Còn nếu sau cuộc chiến thắng đó rồi, ta sống phi nghĩa, ích kỷ, hẹp hòi, không dựng xây, không tu dưỡng thì rất tội nghiệp cho máu của bao nhiêu anh hùng đổ xuống đất nước này.Vì vậy, phải hiểu rằng: Sau cuộc chiến thắng mãi mãi phải là dựng xây và tu dưỡng để giữ chính nghĩa cho quốc giathì cuộc chiến đấu đó mới đem lại cái phước cho dân tộc ta.
Cái thứ ba là “Tranh đấu” và Thượng tọa phân biệt ba cách đấu nó khác nhau như sau:
“Phấn đấu” là đấu với chính mình.
“Chiến đấu” là đấu với kẻ thù khác chiến tuyến.
“Tranh đấu” là đấu với chính đồng chí, đồng đội, ngay trong nội bộ, ngay trong chiến tuyến của mình.
“Tranh đấu”, tức không phải ai cũng đã là Thánh rồi, cho nên làm con người thì có sai, có đúng và ngay trong nội bộ, ngay trong đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội ta, vẫn có những người phạm sai lầm. Chính ta cũng phạm sai lầm, nhưng mà may là ta có phấn đấu, ta có tu dưỡng. Nhưng có những người họ không biết điều này. Bề ngoài họ vẫn nói những điều thiện, vì dân, vì nước, nhưng mà thẳm sâu trong tâm hồn họ là sự ích kỷ, ác độc, thủ đoạn, sự tranh giành, sự chèn ép, thế là buộc ta phải đấu tranh nội bộ.
Tuy nhiên, cái đấu tranh nội bộ này nó khác với chiến đấu, vì đối với kẻ thù ta quyết liệt, có khi ta phải tiêu diệt, nhưng đây là đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp, đồng bào của ta, cho nên còn có cái tình trong đó. Điều ta mong mỏi là cái người “đồng” của ta đóhọ giác ngộ, thấy được lỗi của họ, đừng làm sai nữa. Cho nên, ta vừa đấu tranh, vừa dùng mọi biện pháp ngăn chận, không cho họ làm bậy, đồng thời vừa cảm hóa, khuyên lơn. Đấu tranh nội bộ là như vậy, nên nó đòi hỏi chúng ta phải vừa có đạo đức, vừa có trí tuệ và phải hết sức khôn ngoan, tỉnh táo và đạo đức, vì không khéo, ta đấu tranh rồi ta cũng giống như họ, tức là họ giành quyền lợi cho họ, cho phe của họ; ta cũng đấu tranh để giành quyền lợi cho ta, cho phe của ta thì nội bộ tan nát vì không có chính nghĩa nào trong đây cả. Nên trong cuộc đấu tranh nội bộ thì đòi hỏi ta phải có chính nghĩa, lấy lợi ích của đất nước, của tập thể lên trên.Và trong cuộc đấu tranh đầy mưu trí, ngoan cường đó, còn có một chút tình giữ lại của những con người “đồng” với nhau, cũng như còn có luật pháp nữa.
Nhân đây, Thượng tọa nhắc nhở: Giữa cái vũ trụ, giữa cái xã hội, giữa cuộc sống thiên nhiên đang vận động nàythì ta cũng vận động và cũng đấu tranh.Trong cuộc đấu tranh này ta cũng vất vả với ba chữ “đấu”: một là “phấn đấu”; hai là “chiến đấu”; ba là “tranh đấu” và chưa bao giờ ta ngừng cuộc chiến này cả. Ít nhất, đến với chùa trong giây phút bình yên này, ta vẫn đang chiến đấu chống lại cái “tôi” của mình. Nếu ngưng, ta phạm sai lầm lập tức, nhưng chiến đấu làm sao cho đúng;phấn đấu hoàn thiện bản thân mình thì phải có cách cho đúng, vì nếu tu không khéo, ta bị kiêu mạn tăng ngay. Rồi trong chiến tranh, hoặc là trong thời bình, đối phó với những âm mưu hiểm độc của kẻ thù bên ngoài cũng hết sức là gian lao, vất vả.Còn trong cuộc sống xã hội này, tranh đấu với nội bộ mình cũng không phải dễ. Chừng nào ta đắc đạo, giải thoát thì mới chấm dứt ba chữ “đấu” này.
Người đệ tử Phật của ta, nhiều khi đã chịu thua trong ba cuộc chiến giữa cái “chiến đấu”, “tranh đấu” và “phấn đấu” này, vì ta thụ động, không đấu, do hiểu đạo lý mà hiểu một chiều, cho nên ta đã buông xuôi, đã thụ độngvà thua cuộc. Ví dụ Phật dạy từ bi là yêu thương mọi loài, và ta hiểu một chiều, vì vậy ta không nghiêm khắc với kẻ xấu.Thật sự, từ bi đúng là yêu thương, nhưng yêu thương để cho chúng sinh được giác ngộ, chứ không có nghĩa là chiều chuộng chúng sinh trong cái xấu. Cha mẹ hay bị bản năng thương con mà chiều con, làm hư hết con mình. Nên tình thương không đúng lại là liều thuốc độc, phật tử của mình hay bị cái này mà không chiến đấu, không tranh đấu. Hoặc hiểu nhẫn nhục theo kiểu buông xuôi, không biết tranh đấuđể kẻ xấu chiếm ưu thế thì đó là cái tội. Trong Bát Chánh Đạo, có khi ta phải nghiêm khắc ngăn kẻ xấu làm điều sai – đó là chánh nghiệp.
Sau khi phân tích, lý giải ngọn ngành mọi điều, Thượng tọa buộc các phật tử phải thệ nguyện:
– Ta sẽ chiến đấu nhưng thề không ác độc.
– Ta sẽ tranh đấu rất kiên quyết nhưng thề không hèn hạ thủ đoạn.
– Ta sẽ phấn đấu hết sức tinh tấn nhưng thề không kiêu mạn.
Tức là trong chiến đấu ta thắng, trong tranh đấu ta thành công, trong phấn đấu ta hoàn thiện, nhưng không kiêu căng và để có thể được cái điều trong chiến đấu quyết liệt ta không ác độc, trong tranh đấu ta không hèn hạ thủ đoạn, trong phấn đấu tinh tấn ta không kiêu mạn thì từng ngày; từng giờ ta phải có phương pháp biết tu tập để diệt trừ bản ngã, phải diệt đi cái tôi bí mật thẳm sâu trong lòng mình thì ta mới thành tựu được lời thệ nguyện trên.
Đến đây bài Pháp thoại kết thúc nhưng âm hưởng của Pháp vị như vẫn còn đọng lại, khiến người nghe cảm nhận mỗi lời Pháp có thể đem lại hạnh phúc thật sự cho họ bởi một điều đơn giản “đó chính là điều đem lại sự thay đổi trong cách nghĩ và cách nhìn của mỗi người liên quan đến sự liên hệ giữaPHẤN ĐẤU; TRANH ĐẤU và CHIẾN ĐẤU”./.