Nội dung tu tập trong khóa tu gồm có: Tụng kinh, tọa thiền, đi kinh hành, tập khí công, tập hát, v.v…
Theo thời khóa, đúng 7h30” sáng, sau khi trang nghiêm đạo tràng, toàn thể phật tử tụng Kinh .
Kế đến, quý thầy hướng dẫn các phật tử ngồi thiền và tập khí công. Trong một ngày tu đến bốn thời ngồi thiền. Có những phật tử lớn tuổi cũng cố gắng ngồi tu với Hội chúng một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, việc tu thiền không phải là ngày một, ngày hai, một năm hay hai năm mà là việc của nhiều nhiều kiếp. Vấn đề, chúng ta phải có quyết tâm tu tập vất vả lâu dài để chứng đạo. Muốn đắc được quả Thánh thì ta phải tạo phúc cho thật dày và công phu thiền định phải sâu, cho tới mất luôn bản ngã. Hiểu điều này, chúng ta không đặt thời gian tu bao lâu mà chỉ cần đi đúng đường, tức đi bước nào vững bước đó, còn không chỉ cần tu sai một ly đi một dặm.
Mở đầu bài pháp thoại, Thượng tọa chia sẻ rằng ngay từ khi vừa mới về Nghệ An để phục dựng lại ngôi cổ tự Viên Quang, người đã đặt nền tảng của Thiền tại đó. Bởi Thiền định là con đường tâm linh cốt lõi của đạo Phật. Ngày xưa Đức Phật dạy về Thiền, cả đại tạng kinh mênh mông của đạo Phật cũng chỉ nói về thiền. Sau đó, cách Phật 200 năm thì các kinh Tịnh Độ mới xuất hiện, gồm 2 cuốn kinh là kinh A Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ. Vì vậy nhiều vị tôn túc trong đạo Phật dù xuất thân từ các chùa Tịnh Độ nhưng thẳm sâu bên trong các vị đều là Thiền sư cả. Mà trên thế giới ngày nay, khi đến với Phật giáo người ta cũng tìm về thiền định và tôn thờ đúng Đức Phật Thích Ca – vị Giáo chủ có thật của đạo Phật mà thôi. Cho nên đã là Phật tử, dù tu theo pháp môn, tông phái nào thì cũng không thể thiếu thiền định.
Nói về cái tình tự giữa đạo pháp và dân tộc, theo Thượng tọa, xưa đến nay, khi đến với dân tộc nào thì Phật giáo lập tức trở thành tài sản của riêng dân tộc đó. Và ta không ngờ rằng khi tìm đến chùa, tu tập nghiêm túc là ta đã đóng góp rất nhiều cho việc bảo vệ đất nước mình, vì Phật giáo là cội nguồn tâm linh, là sức mạnh của dân tộc. Đó là tổng quát. Còn nói gần lại, một người nếu có bốn yếu tố dưới đây sẽ đóng góp được cho cộng đồng, cho dân tộc mình, đó là:.
– Tâm hồn đạo đức
– Tâm thức thông minh
– Tâm lý ổn định
– Tâm linh giác ngộ
Chúng ta tu tập là cũng để tìm bốn chữ “tâm” này.
“Tâm hồn” thì thiên về tình cảm. “Tâm thức” thiên về lý trí. “Tâm lý” thiên về hoạt động của những ý niệm chồng chéo bí mật trong tâm. Tâm ta đi từng bước như vậy, cuối cùng, với những người biết tu tập thì từ tâm hồn, tâm thức bình thường họ sẽ vượt lên cõi giới siêu nhiên thần bí của “tâm linh”.
Thế giới ghi nhận rất nhiều trường hợp về sự xuất hiện của các đĩa bay, nhưng tại sao họ thoắt ẩn thoắt hiện, không tiếp xúc trực tiếp với con người trái đất? Nếu ta được nghe họ nói, có lẽ ta sẽ nghe rằng vì tâm hồn đạo đức của con người không bằng họ, tâm thức con người không đủ thông minh như họ, tâm lý con người còn đầy phân biệt, chia rẽ, thù hận và cuối cùng tâm linh con người không đạt được mức độ siêu nhiên như họ.
Khi ta xây dựng 4 chữ tâm đó thì cuộc đời ta cực kì ý nghĩa, lợi ích. Bằng không, ta trở thành mối đe dọa cho người chung quanh. Nếu tâm hồn không đạo đức, ta đến đâu mọi người bất an đến đó. Nếu tâm thức ngu si, ta là gánh nặng của cuộc đời. Nếu tâm lý không ổn định, suy luận điều gì sai điều đó thì ta làm khổ người khác. Cuối cùng, nếu tâm linh ta tầm thường, mê tín, ta sẽ gây họa cho cuộc sống này.