Trang chủ Tết Việt Du xuân Ngày xuân trảy hội chùa Hương

Ngày xuân trảy hội chùa Hương

84

Ở Việt Nam, ít ai lại không biết đến Lễ hội Chùa Hương, bởi đây là lễ hội diễn ra ở phạm vi rộng nhất, dài ngày nhất và thu hút nhiều khách thập phương nhất. Đối tượng hành hương chủ yếu là các Phật tử, người dân lao động, người buôn bán, thanh thiếu niên…, và cả du khách nước ngoài. Bài viết này, tiếp cận dưới giác độ văn hóa, đi từ lễ hội đương đại lần về lịch đại để bóc tách các lớp văn hóa Phật giáo đan xen với văn hóa tín ngưỡng dân gian trên nền bức tranh văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Lễ hội Chùa Hương gồm có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ là những lễ thức liên quan đến cúng tế ở đền Trình (đền Ngũ Nhạc) và chùa Thiên Trù; phần hội có múa tứ linh, hát chèo, hát chầu văn, kể hạnh… Đó là những hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian hết sức sinh động.

Du khách trẩy hội Chùa Hương, ngoài đi lễ Phật còn kết hợp tham quan du lịch. Các Phật tử từ khắp mọi miền đất nước đã về chiêm bái cảnh Phật Hương Sơn, không phân biệt tuổi tác, địa vị, dân tộc, tôn giáo hay quốc gia. Bởi vậy, lượng người đến Chùa Hương mỗi năm một đông, và thời gian lễ hội không chỉ bó hẹp trong 3 tháng Xuân mà các tháng còn lại trong năm vẫn có người hành hương, chiêm bái, thưởng ngoạn.

Trong tâm thức của người đi lễ, Hương Sơn là đất Phật. Với một quần thể chùa tháp, hang động rất đa dạng, mỗi ngôi chùa đều ghi lại dấu ấn văn hóa, dấu ấn lịch sử và cả huyền thoại về Bà Chúa Ba hóa thân thành Bồ tát Quán Thế Âm để cứu khổ, cứu nạn cho tất cả chúng sinh. Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã có sự “tương thích” với tín ngưỡng mẫu hệ để tồn tại và phát triển, mà hệ thống thờ Tứ pháp ở khu vực Chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) là một ví dụ. Ở Ấn Độ, Bồ tát Quán Thế Âm có thân tướng nam, khi truyền sang Việt Nam thì mang hình tướng nữ. Với Chùa Hương, tuyến Thiên Trù, động Hương Tích cũng cho ta thấy sự giao thoa văn hóa giữa Phật giáo với tín ngưỡng bản địa rất sinh động, mà điển hình là sự tích Bà Chúa Ba đến Am Phật Tích, Suối Giải Oan gột rửa nỗi oan ức bụi trần, trước khi hóa thân trở thành Bồ tát. Pho tượng Bà Chúa Ba được tạc bằng đá xanh từ thời Tây Sơn (1793), hiện được tôn thờ tại động Hương Tích, là biểu tượng đẹp đẽ về sự chân tu hành đạo cứu đời, và trở thành hình tượng gần gũi thân thương, cảm thông sâu sắc với chúng sinh.

Ở Việt Nam, chỉ có Chùa Hương và Bích Động (Ninh Bình) là hai địa điểm tâm linh có hành trình bằng đò, bằng thuyền trên suối để vào chốn Bồng lai tiên cảnh thắp hương lễ Phật. Sự khoan thai của mái chèo đưa con thuyền lướt nhẹ trên mặt nước, gợi cho ta nhớ về cội nguồn “văn hóa thuyền” của người Việt cổ xa xưa. Nay con thuyền trên dòng Suối Yến không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là con thuyền Bát Nhã chở các thiện nam tín nữ đến với cõi Phật, khai mở trí tuệ, hướng lòng người về với thiện tâm. Ngồi trên thuyền ngắm cảnh núi non, cảnh thuyền ra vào tấp nập, tuy không ai quen ai mà những lời kể hạnh về sự tích Bà Chúa Ba, những tiếng chào nhau “A Di Đà Phật” lại cứ ngân nga trên dòng Suối Yến, tạo ra một sắc thái rất riêng của lễ hội Chùa Hương.

 Duyên may cho ai đi lễ Chùa Hương vào ngày khai hội mùng 6 tháng Giêng sẽ được thỏa mình chiêm ngưỡng cảnh múa rồng, phượng, rùa, lân của các bậc thượng võ làng Yến Vĩ, Đục Khê, Hội Xá, Phú Yên…, biểu diễn múa rồng trên thuyền giữa dòng Suối Yến, từ ngoài Chùa Trình vào tận chùa Thiên Trù rất ngoạn mục. Tiết mục múa rồng không chỉ để làm tăng thêm phần sinh động cho ngày hội, mà thực chất là tái hiện lại cảnh giao hòa giữa trời đất, con người và muôn vật… nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa.

Rời Thiên Trù, du khách hòa mình vào núi non, vãng cảnh chùa, bắt đầu một cuộc đăng trình lên núi. Leo núi, chơi hang, thăm động là nét sinh hoạt văn hóa rất cổ, nay còn diễn ra ở một số dân tộc như Mường (Hòa Bình, Thanh Hóa), Thái (Nghệ An), Tày (Thái Nguyên, Lạng Sơn)… Du khách nâng bước chân nhẹ nhàng trên những phiến đá xanh, tay chống gậy trúc leo núi, với kỳ vọng được chiêm ngưỡng vẻ đẹp u huyền của tạo hóa trong động Hương Tích, và thỏa mình ngắm nhìn các pho tượng Phật, Bồ tát đã ăn sâu trong tiềm thức văn hóa của người việt.

Du khách đến chùa Hương, ngoài lễ Phật, ngắm cảnh thiên nhiên còn được thưởng thức các làn điệu hát chèo đò, kể hạnh của các sư, vãi ở các ngôi chùa làng đồng bằng Bắc Bộ đến vui hội chùa Hương. Sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, giữa các Phật tử, và khách thập phương, tạo thành bản sắc văn hóa Phật giáo rất riêng ở Việt Nam.

Đi lễ chùa Hương, du khách được cảm nhận vẻ đẹp của dòng suối Yến, núi rừng, các công trình kiến trúc Phật giáo, tăng thêm sự hiểu biết về giá trị văn hóa của thời kỳ đồ đá, của văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn qua các di chỉ khảo cổ học đã được khai quật trong quần thể di tích chùa Hương. Được ngắm nhìn những trang sử khắc trên bia đá lưu truyền cho hậu thế, các ngôi bảo tháp của các bậc thiền sư, ẩn hiện dưới mái chùa cổ kính, càng tăng thêm vẻ đẹp huyền diệu của chốn A lan nhã. Thưởng thức các món ăn đặc sản của núi rừng như chè củ mài, rau sắng, mơ, hay mua các vị thuốc Nam của cư dân bản địa mang về nhà chữa bệnh, và nhất là mua cây cảnh với quan niệm hái lộc đầu năm…

Đến với lễ hội chùa Hương, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp huyền diệu của sông nước bao la, của trời đất hùng vĩ, của núi rừng huyền bí, của hang động ngời sáng, của cổ tháp, của sự đa dạng về văn hóa. Cảnh đẹp, hội vui không chỉ hấp dẫn người trần mà còn làm say lòng Phật, Thánh. Để rồi, qua bao nhiêu điểm vân du, vẫn thấy Bà Chúa Ba đã thả hồn về cõi Tịnh Độ, lại hóa thân thành Bồ tát để cứu giúp cho muôn dân. Chùa Hương đang mở rộng vòng tay đón chào du khách đến chiêm bái một kho tàng di sản văn hóa của dân tộc đang được nâng niu, giữ gìn cho muôn đời sau.