Trang chủ Tết Việt Du xuân Ngày xuân trảy hội

Ngày xuân trảy hội

110

Mỗi nơi một vẻ, đâu đâu cũng tươi vui, thi vị và rất mực thanh tao. Trong đó nổi trội nhất là lễ hội có tính tâm linh ở các đình, chùa, miếu, hay đền thờ các vị tiên hiền, anh hùng dân tộc… Chẳng những ở trong nước, mà bất cư nơi nào trên thế giới có người Việt sinh sống là ở đó có lễ hội vui xuân. Nhất là sau cuộc di cư vĩ đại từ biến cố tháng Tư năm 1975 thì những lễ hội ấy cũng đã theo chân người Việt cắm sâu vào vùng đất mới khắp nơi trên thế giới.

Trảy hội chùa Hương

Hàng năm cứ mỗi độ Xuân về khi hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn cũng là lúc hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương.

Mồng sáu tháng Giêng là ngày khai hội. Lễ hội kéo dài đến hạ tuần tháng Ba âm lịch mà đỉnh cao là từ Rằm tháng Giêng đến 18 tháng Hai âm lịch.

Trước giờ khai hội một ngày, tất cả các đền, chùa, miếu đều khói hương nghi ngút bao trùm cả làng Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Từ những những triền núi xen kẻ từng đám rừng mơ trắng xóa cho chí dòng sông uốn lượn qua bờ bãi xanh tươi xinh xắn ẩn hiện những chiếc thuyền mộc đưa người người trẩy hội. Kẻ đi ra, người đi vào, kẻ đi lên, người đi xuống bồng bềnh vào những đám mây nhẹ như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh, hay cõi Tịnh độ.

Gặp nhau dù quen hay không quen cũng vui vẻ chào nhau bằng tiếng niệm: "Nam mô A Di Đà Phật" nhẹ nhàng đằm thắm, ấm tình sông núi, đẹp nghĩa đồng bào huyết thống lẫn tâm linh với cả sự nồng nhiệt của tuổi trẻ, thành kính của bậc cao niên, và hoan hỷ của tất cả mọi người.

Nét văn hóa độc đáo ấy đã được nhạc sĩ Trung Đức diễn tả qua nhạc phẩm : Em đi chùa Hương :

Hôm nay em đi chùa Hương
Hoa cỏ còn mờ hơi sương
Cùng thầy me em vấn đầu soi gương
Khăn nhỏ, đuôi gà cao
Em đeo giải yếm đào
Quần lãnh, áo the mới
Tay em cầm chiếc nón quai thao
Chân em di đôi guốc cao cao

Đường đi qua bến Dục
Moi người ngắm nhìn em
Thẹn thùng em không nói
Em bây giờ mới tuổi mười lăm
Em hãy còn bé lắm (chứ) mấy anh ơi

Đường đi qua Đồng Vọng
Mọi người ngắm nhìn em
Thẹn thùng em không nói
Nam mô A Di Đà
Nam mô A Di Đà.

Bài hát được ca sĩ Ái Vân thể hiện rất ngọt ngào xen lẫn tiếng chuông tiếng mõ nhà chùa vừa thanh thoát vừa thể hiện nét đẹp bình dị của hương quê (nghe Ái Vân hát bài Em đi chùa Hương).

Trảy hội xuân Yên Tử

Sau chùa Hương đến non thiêng Yên Tử. Không biết tự bao giờ Lễ hội Yên Tử đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp đầu xuân, hàng vạn người dân cả nước lại trẩy hội về đỉnh non thiêng được mệnh danh là kinh đô Phật giáo nước nhà vào thế kỷ thứ 13.

Vẻ đẹp kỳ vĩ của núi non Yên Tử hoà với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp cùng với đường tùng, thông, đại, trúc, mai mọc ở hai bên đường toả bóng mát làm cho du khách thập phương quên nỗi mệt nhọc đường dốc cheo leo.

Nhờ hệ thống cáp treo nên khách du xuân, nhất là người lớn tuổi có thể tới được những thắng tích cao nhất như chùa Hoa Yên ở độ cao 534 mét, nơi có hai cây đại 700 năm tuổi. Từ đó khách tiếp tục leo núi, tới các ngôi chùa nằm rải rác trên đường đi tới chùa Đồng ở độ cao 1068 mét, với độ cao này kẻ du xuân có cảm giác bềnh bồng như đi dạo trong mây.

Dù phải trèo đèo lội suối như thế mà không một ai từ thiếu niên cho chí cụ già bảy tám mươi tuổi đều không thấy chi là mệt nhọc, ngược lại ai nấy cũng đều hoan hỷ một cách lạ thường, giống như niềm vui được về thăm đất Tổ xa xưa.

Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày mùng Mười tháng Giêng âm lịch hằng năm và cũng kéo dài suốt mùa Xuân. Là lễ hội đứng hàng thứ hai sau lễ hội chùa Hương.

Trảy hội Làng Mai

Con cháu ở đâu, ông bà ở đó. Từ khi người Việt Nam có mặt khắp nơi trên thế giới sau biến cố Tháng Tư năm 1975 những nét đặc thù trong văn hóa truyền thống của dân tộc cũng theo chân người tị nạn từng bước cắm rễ sâu vào vùng đất mới.

Chả giò (nem), nước mắm, phở, bún bò,  bánh chưng, hạt dưa, áo dài, nón lá bài thơ v.v… là những món ăn, cũng như trang phục tiêu biểu của người Việt Nam mà giờ đây bất cứ người Tây phương nào cũng có thể biết, và trình bày một cách lưu loát mỗi khi được nhắc tới.

Gần đây, họ còn biết thêm về Lễ Giỗ ông bà, tổ tiên. Tại Làng Mai vào mỗi khóa tu mùa Hè thiền sinh người ngoại quốc với hơn 50 quốc tịch khác nhau đều có dịp học và thực hành lễ Giỗ tổ tiên ông bà cha mẹ đã khuất bóng.

Thấy cách họ đi chợ mua sắm lễ vật ; cách họ vào bếp sửa soạn món ăn ; cách họ dâng hương hoa, trà quả, tiếng nhạc lời ca  ; cách họ cung kính lễ lạy bằng cả năm thân sát đất… ta sẽ biết được sự chân thành của họ tới mức nào đối với ân nghĩa sinh thành. Có rất nhiều người, nếu không muốn nói là tất cả (hàng ngàn người) đã rơi nước mắt trong giờ phút linh thiêng đó.

Cứ mỗi lần như thế, nếu bạn là người Việt Nam đang đứng gần họ, bạn sẽ được họ cung kính cảm tạ. Tuỳ cách thể hiện của mỗi người, có khi là một vòng tay ôm, khi là một chắp tay búp sen,… họ cung kính cúi đầu nói với bạn rằng : nhờ bạn, nhờ văn hóa của người Việt mà họ biết được cách bày tỏ sự biết ơn đến các đấng sinh thành một cách cụ thể và rất sâu sắc ấy.

Cố nhiên họ không bao giờ quên nhờ bạn chuyển lời cám ơn tới vị Thầy tâm linh người Việt Nam đã trao truyền cho họ nét đẹp văn hóa đó.

Họ cũng sẽ nói với bạn rằng : họ rất xúc động vì Thầy của họ (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) luôn khuyên họ không nên cải sang đạo Phật, mà hãy giữ lấy truyền thống tâm linh của mình, hãy xem đạo Bụt như một con đường, một phương cách sống tỉnh thức, và nên áp dụng bài học đó vào đời sống hàng ngày vì nó có công năng giúp họ khám phá ra nhiều nét đẹp trong tôn giáo của họ.

Nó hoàn toàn trái ngược với thời các Thừa sai (Missionnaires) truyền đạo Kitô vào nước ta. Thuở ấy, những Thừa sai đã bắt những kẻ tân tòng (người mới theo đạo Kito) phải phá bỏ bàn thờ gia tiên – một cách bắt buộc Con chiên phải chối bỏ cội rễ giống nòi. Gây ra không biết bao nhiêu là hệ lụy thương đau dẫn đến đêm đen mất nước vào tay thực dân Pháp gần cả trăm năm.

Nếu bạn có cơ hội tới Làng vào dịp Tết nguyên đán thì bạn sẽ thấy người Pháp, người Mỹ, người Anh, người Ý, người Đức, người Hòa lan, người Tây ban nha, người Bồ đào nha, người Ba tây, người Do thái, người Ấn độ, người Hoa, người Nhật, người Hàn, người Thái, người Nam dương, người Nga, người Tiệp, người Bắc Phi, người Nam Phi, v.v… cùng quây quần bên nhau để hết tâm tình vào những chiếc bánh chưng, bánh tét qua bàn tay khéo léo dưới sự hướng dẫn của các thầy, cô và cư sĩ người Việt tại Làng.

Tôi tin chắc là bạn sẽ không khỏi cúi đầu thán phục trước sự chân thành cả thân lẫn tâm của họ đặt hết vào việc gói bánh, nấu bánh để dâng lên tổ tiên huyết thống cũng như tâm linh nơi họ.

Tôi đã từng xấu hổ trước những đòn bánh gói thật vuông, thật tròn của họ vì đòn bánh của tôi nó méo xẹo như cái bánh bao chiều, như sự hời hợt làm lấy có cho qua buổi, trả nợ quỷ thần.

Tiếp theo, họ sẽ được nghe vị Thầy tâm linh của họ kể chuyện ngày Tết qua các sự tích: Bánh dày bánh chưng, Cây nêu, phong pháo, cành mai, v.v…, và nhất là được nghe Thầy bình thơ trước giờ đón Giao thừa, tiếp theo là dâng lời khấn nguyện đầu năm lên tổ tiên huyết thống và tâm linh* ngay trong giây phút giao mùa.

Sáng mùng Một Tết họ được đón pháo mừng xuân, được xem Lân chúc Tết, được bóc quẻ Kiều (xem). Đặc biệt, những năm gần đây gia đình thiền sinh nói tiếng Pháp đã sáng tạo ra quẻ Victor Hugo mà kẻ viết bài này có dịp tham dự vào sáng mồng Một Tết năm nay tại thiền đường Hơi Thở Nhẹ ở Paris rất là linh nghiệm như quẻ Kiều vậy.

Cũng bắt đầu từ đó, bốn chữ "Trảy hội Làng Mai" được biết đến qua những câu chuyện trong giờ giải lao ở các công, tư sở, hay giữa sân trường sau mỗi mùa hè,hoặc sau mỗi mùa nghỉ Đông ở Pháp (nhằm vào tuần lễ Tết nguyên đán) hoặc các nước ở châu Âu.

——————————

* Với người không cùng huyết thống Việt thực hành đạo Bụt theo pháp môn Làng Mai, thì Việt Nam là tổ tiên tâm linh của họ, vì Thầy của họ là người Việt Nam, văn hóa và đạo Bụt mà họ thực tập cũng có gốc rễ từ Việt Nam,…

Lê Nguyên
Sáng mùng Ba tết Tân Mão (2011)