Trang chủ Tết Việt Phong tục Ngày Xuân nói chuyện mâm ngũ quả

Ngày Xuân nói chuyện mâm ngũ quả

93

Cô bạn thân của tôi tên Lan, con gái Hà thành, đất Bắc chính hiệu. Lấy chồng người miền Nam, năm đầu làm dâu Lan lại chẳng chịu tìm hiểu phong tục gì cả, cứ nghĩ cũng như nhà mình cô nhanh nhảu đi chợ mua sắm trang hoàng nhà cửa và bày mâm ngũ quả.

Mâm ngũ quả ngày Tết của miền Bắc.
Mâm ngũ quả ngày Tết của miền Bắc

Trước đây ở nhà chẳng bao giờ Lan phải nghĩ đến những chuyện bày biện này cả, học lỏm được bài bày mâm ngũ quả trước khi đi lấy chồng, nào là chuối xanh ứng với mùa xuân (hành mộc), phật thủ màu vàng tượng trưng cho hành thổ, hồng và các loại quả màu đỏ (kể cả ớt) ứng với hành hỏa, các loại quả màu trắng (đào, roi…) ứng với hành kim, mận, hồng xiêm ứng với hành thủy… Thế là Lan cứ thế đi mua và bày theo cách hướng dẫn chuối xanh chọn nải to, đặt giữa mâm, để ngửa theo quan niệm nó giống như bàn tay hứng lấy tinh hoa đất trời, đặc biệt tinh hoa của một năm mới. Quả phật thủ được đặt trong lòng nải chuối như bàn tay chấp thành, cầu mong hạnh phúc cho một năm. Các loại quả khác đặt chung quanh tượng trưng cho sự quần tụ.

Sau nửa buổi vật lộn với công việc bày mâm ngũ quả, Lan hả hê khi ngắm lại thấy màu sắc cân đối, hài hòa, chắc mẩm sẽ được cả nhà chồng khen.

Thế nhưng cô đâu biết rằng, đó là phong tục bày mâm ngũ quả của miền Bắc, còn nhà chồng là người miền Nam thì phải chọn loại quả khác. Mẹ chồng nhìn cô chằm chằm khi thấy cô bày nải chuối trên bàn thờ, cứ nghĩ cô có ý không tốt. Bởi lẽ, mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi”, thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”.

Ngày hôm sau, mẹ chồng Lan tự đi chợ và bày lại mâm ngũ quả, Lan thấy mẹ chồng bày toàn mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài và hai quả dưa hấu vỏ xanh ruột đỏ cô mới hiểu ra rằng, mỗi nơi phong tục một khác.

Mâm ngũ quả ngày Tết của miền Nam
Mâm ngũ quả ngày Tết của miền Nam

Lan liền xin lỗi khéo với mẹ chồng và cũng may mẹ cô hiểu được nàng dâu ở đất Bắc nên đã giảng giải cho Lan hiểu để rút kinh nghiệm năm sau. Hóa ra, mâm ngũ quả của người miền Nam lại rất chú ý đến yếu tố may rủi. Nói theo cách người dân Nam Bộ tên các loại quả này tạo thành câu nối: “Cầu sung vừa (dừa) đủ xoài”. Ngoài ra, không thể thiếu cặp dưa hấu. Dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh, tượng trưng cho lòng trung nghĩa và trinh tiết của người dân phương Nam.

Tuy mỗi miền có những quan niệm khác nhau trong việc chọn bày những loại quả khác nhau ở mâm ngũ quả ngày Tết, nhưng nhất nhiết phải đủ ngũ (tức là 5) loại quả.

Theo thuyết duy vật cổ đại, tất cả mọi vật chất đều được tạo nên bởi 5 yếu tố ban đầu gồm: kim loại (kim), gỗ (mộc), nước (thủy), lửa (hỏa) và đất (thổ) – gọi là ngũ hành. Tư tưởng này đã xâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hóa của các dân tộc phương Đông, trong đó có người Việt được thể hiện ở mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên đán.

“Ngũ” là biểu tượng chung của sự sống. “Quả” biểu tượng cho sự sung túc qua cấu tạo của nó: bên trong chứa hạt tượng trưng cho sao, quả bao lấy là vũ trụ, ý nghĩa là sự sinh sôi trường tồn tái sinh bất tận của sự sống.

“Ngũ quả” chỉ sự tập trung đầy đủ các loại trái cây trong đất trời. Ông cha ta chọn 5 loại trái cây để cúng đêm giao thừa là ngụ ý rằng: Những sản vật này đựơc kết tinh từ công sức, mồ hôi, nước mắt của con người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh trong giờ phút linh thiêng của vũ trụ vạn vật sinh tồn. Và tư tưởng, hình ảnh ấy đã ăn sâu và tâm thức của người Việt Nam bao đời nay.

Chính vì thế, dù ở thành thị hay thôn quê, bên cạnh những bánh chưng xanh, hoa đào đỏ, gia đình nào cũng bày một mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên trong những ngày Tết. Đây là một nét văn hóa độc đáo của dân tộc ta, thể hiện quan niệm tâm linh của người dân mỗi vùng văn hóa.