Trang chủ Tết Việt Du xuân Ngày xuân đi lễ chùa

Ngày xuân đi lễ chùa

99

Không khí xuân rộn ràng với các chuyến trẩy hội chùa chiền có lẽ đậm nét nhất, kéo dài nhất là ở miền Bắc.

Miền Bắc có nhiều ngôi chùa nổi tiếng có thể kể đến như: Trúc Lâm Yên Tử, chùa Bút Tháp, chùa Dâu ở Bắc Ninh, chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương ở Hà Tây (cũ), chùa Chuông, chùa Nôm ở Hưng Yên, chùa Trấn Quốc, Quán Sứ, Kim Liên, chùa Láng và ô số ngôi đền khác. Ngoại trừ chùa Kim Liên, tôi chưa có duyên ghé qua, các ngôi chùa khác tôi đều có lần ghé đến trong những chuyến ngược Bắc xuối Nam.

Nói về kiến trúc, mỗi ngôi chùa đều có một nét đẹp riêng hòa hợp cùng cảnh quan xung quanh. Và xét về kiến trúc, các ngôi chùa xứ Bắc đều được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”, có nghĩa là vẻ bên ngoài có hình chữ “quốc”, vẻ bên trong có nét chữ “công”, theo Hán tự. Do vậy mà không chỉ thu hút du khách gần xa về “trẩy hội” hàng năm vào dịp xuân, các ngôi chùa xứ Bắc còn là nơi tham quan, vãn cảnh.

Khác với các ngôi chùa xứ Bắc mang dáng vẻ thâm trầm cổ kính, các ngôi chùa ở Huê mang dáng vẻ tĩnh lặng, cô tịch. Chùa Thiên Mụ nằm riêng biệt trên đỉnh đồi, luôn yên tĩnh dẫu rằng không lúc nào thưa vắng dấu chân du khách lui tới thưởng ngoạn cảnh quan sông Hương, viếng chùa. Chùa Huyền Không Sơn Thượng, theo phái Tiểu Thừa, nằm khuất sâu trong núi, saumootj cung đường ngoằn nghèo gần như tách biệt với bên ngoài, cảnh quan chùa đẹp như tranh thủy mặc.

Xuôi về phương Nam, các ngôi chùa ở Sài Gòn cũng mang vẻ phong phú đa dạng như đời sống nhộn nhịp vốn có của nơi này. Chùa Giác Lâm, ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn, cho đến nay vẫn còn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc cũng như các pho tượng, cổ vật. Chùa Vĩnh Nghiêm, ngôi chùa theo phái Đại Thừa, được nhiều du khách trong và ngoài nước thường xuyên ghé viếng. Chùa Xá Lợi, chùa Giác Viên, chùa Ngọc Hoàng, chùa Huyền Trang, chùa Nghệ Sĩ…

Các ngôi chùa Hoa cũng góp phần không nhỏ tạo nên sự náo nhiệt của bầu không khí đi lễ chùa đầu năm. Người Hoa lập chùa tập trung theo từng khu vực sinh sống của Ngũ Bang. Thế nhưng, cho đến ngày nay, hầu như không có sự phân biệt giữa Đại Thừa, Tiểu Thừa, chùa Hoa, hay đền thờ… mà bất kì ai cũng có thể đến viếng bất kỳ ngôi chùa, đền thờ nào để cầu an hay gửi gắm những điều ước nguyện.

Và trong không khí se lạnh của những ngày đầu xuân, trong không gian thanh tĩnh của cảnh chùa, trong thời khắc đất trời giao hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc… với tất cả những duyên may đó thì những chuyến du xuân đến thăm viếng cảnh chùa đều sẽ mang đến sự bình an trong tâm hồn, niềm an lạc trong cuộc sống cho mọi người… Chính vì vậy mà đã từ rất lâu, đi lễ chùa đầu xuân vẫn luôn là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống không hề phai nhòa trong một tâm hồn người Việt.