Trang chủ Tết Việt Phong tục Ngày xuân đi lễ

Ngày xuân đi lễ

159

Ngay chiều và đêm tất niên người ta cũng đã có cúng bái. Mấy năm nay trong số hàng hàng lớp lớp người đi lễ có rất đông thuộc giới trẻ. Nơi họ đến cúng là những chỗ có việc thờ tự. Địa danh càng nổi tiếng người đến cúng lễ càng nhiều. Trong đêm đầu xuân chuyển sáng vang tiếng chuông ngân và trống điểm từ các mái chùa, mái đình…! Đây là những âm thanh thiêng liêng nhất của một năm.

Ngày xuân bầu trời Hồ Gươm bừng sáng. Nơi đây khi tết đến xuân về có lẽ là không gian tiêu biểu nhất của Thủ đô. Trước và sau thời khắc chuyển năm đền Ngọc Sơn người vào ra tấp nập. Trong đền, đèn nến như sáng hơn, hương khói như đậm đà hơn. Cả đảo Ngọc như được kết bằng hương khói. Lời khấn ước trước Trời Phật Thánh Thần rì rầm. Rồi chùa Quán Sứ và nhiều nhiều nữa những ngôi chùa rạng rỡ đèn nhang. Thời khắc đầu chuyển giao ấy với cuộc sống hình như không còn đêm khuya, không có giây phút đợi sáng. Lòng tín ngưỡng của người đi lễ được tượng thanh lên bằng âm vang lời niệm Phật và tượng hình lên bằng hương hoa tâm thành.

Hà Nội còn có những ngày mùng trong tết thật đặc biệt. Đường phố thưa vắng xe cộ, vỉa hè thênh thang bước chân. Hà Nội không vắng người nhưng chưa phải lúc mọi người ra phố nhiều. Nhưng cũng chỉ gần trưa thôi là đường phố đông dần lên nhưng vẫn không đến nỗi nghìn nghịt như những ngày thường khác. Những cụ ông cụ bà thả bộ trên đường đưa nhau đến chùa gần nhà gần phường mình thắp hương. Đồ lễ là một thẻ nhang thơm và những đồng tiền mới. Nhang để lễ Phật còn tiền mới thì để vào hòm công đức. Nhiều lứa tuổi rủ nhau đến xin chữ ở Văn Miếu. Có đôi vợ chồng năm nào cũng vậy khi năm mới đến hướng xuất hành đầu xuân là đưa nhau lên tận phủ Tây Hồ lễ Mẫu. Lệ này đã thành quen hàng năm với nhiều người nữa như một tín ngưỡng hiếu thảo đầu xuân…

Những ngày đầu năm tại Hà Nội và nhiều nơi đất Bắc, cả nước mình chắc cũng vậy, nhà nhà thường có người đi lễ tại những công trình tín ngưỡng thuộc cộng đồng chung. Họ không phải đi lễ ở tất cả mọi nơi. Người có sức có của đi lễ xa tận trên Lạng Sơn, Tuyên Quang… bằng xe ô tô. Gần vài chục chục cây số ở quanh Hà Nội như chùa Tây Phương, chùa Thầy… người đi lễ thường đi bằng xe máy. Cũng nhiều người lấy câu “gần đâu âu đấy” thành tâm thành kính gửi niềm tin của mình vào ngôi đền, ngôi chùa gần nhà. Cũng dịp này các nhà thờ họ tộc, danh nhân… cũng đèn nhang thường trực suốt ngày để đón các con cháu đến khấn vái tri ân. Mọi lễ nghi dù ở địa danh tín ngưỡng nào nội dung chủ yếu là khát vọng bình yên và no ấm, đủ đầy…! Tâm trạng người cúng lễ thường thanh thản hơn sau nguyện cầu, giúp cho họ có những thanh thản khác…!

Thật đông, thật dài và lâu vào loại nhất nhì đất nước đó là hội chùa Hương của Hà Nội. Gọi là hội nhưng những người đi hội chủ yếu là lễ. Khách thập phương nô nức về với đền Trình, suối Yến. Nhiều người còn rủ nhau đi trước cả ngày khai hội. Có người không năm nào cho dù bận đến đâu cũng phải dành thời gian đi cho bằng được để tránh mang tiếng là thất lễ.

Gần đây rộ lên việc xin Ấn ở đền Trần vào dịp giữa tháng giêng. Lúc ấy trên nhiều ngả đường nhất là con đường số một đông đúc người xe từ nhiều nơi về  Nam Định cung kính dâng lễ, xin Ấn và xin nhiều điều tốt đẹp hanh thông khác cho sự nghiệp của mình. Họ hầu như đa phần nếu không nói là tất cả đều đang làm việc ở công sở hoặc tư sở…

Tháng Giêng là tháng mà mật độ người đi lễ đông nhất. Cao điểm là ngày giữa tháng. Lễ quanh năm không bằng rằm tháng giêng. Đây là một ngày lễ trọng trong nhiều gia đình, ở tất cả những nơi có việc cúng bái. Âm sắc tín ngưỡng lại rộ lên từ những tấm lòng. Có phần còn sầm uất hơn cả ngày đầu năm. Hương khói, vàng mã cho những ngày này tốn không biết bao nhiêu mà kể. Nhiều ngôi chùa ngôi đền sau vị thơm của hương là sự ngột ngạt của khói. Không gian của nhiều địa danh tín ngưỡng, nhất là nơi có tiếng, như được hun đúc trong lửa bởi rất nhiều, rất nhiều vàng mã do con người đốt lên.

Đầu năm đi lễ là phong tục dân gian có từ xưa. Chỉ ước giá mọi người mỗi ngày xuân với lòng thành một nén tâm nhang ở nơi thờ cúng chắc vẫn thuận với lẽ đạo lẽ đời và thời gian cũng đừng quá triền miên. Còn số tiền mua sắm những thứ khác khá tốn kém rồi hóa đi kia, ta dành để công đức cho nhà Đền nhà Chùa… làm từ thiện hoặc tôn tạo những nơi mình đến cúng lễ ngày một khang trang hơn thì đấy vẫn nguyên vẹn sự thành tâm của ta trước Trời Phật Thánh Thần. Tin rằng sự chứng giám và ân thưởng của các bậc thiêng liêng đối với người trần lúc ấy sẽ càng sâu đậm hơn bởi những niềm tin tâm linh giàu tính nhân văn của các tín chủ.

Theo Sài Gòn Giải Phóng