Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Ngày xuân bàn chuyện kiện… Trời

Ngày xuân bàn chuyện kiện… Trời

98

Cóc kêu một tiếng thấu trời,
Ếch kêu ộp oạp một đời ai nghe!

Người bình dân Việt Nam vẫn thường nói theo kiểu ví von, so sánh như thế. Phải chăng vì ếch kêu nhiều quá nên tiếng kêu không còn tác dụng, mất linh thiêng. Trong lúc cóc yên lặng nhưng cũng đã có lúc xách gói kiện Trời! Văn hóa phương Đông thiên về tĩnh. Sự yên lặng có khi diễn đạt nhiều hơn lời nói.

Hài tính trong ca dao cũng phản ánh một phần triết lý sống của dân tộc. “Con cóc là cậu ông Trời…” là một biểu tượng nòi giống Việt thầm lặng ở phương Nam cũng có vai vế chẳng kém hèn trước thiên tử Trung Hoa.

Loài người xưa nay khác nhau nhiều chuyện; nhưng thiên hạ Đông Tây kim cổ đều có vẻ như hoàn toàn “nhất trí” với nhau rằng, Trời là một biểu tượng quyền năng đệ nhất. Ông Trời được mặc nhiên công nhận là vị chủ tể càn khôn vũ trụ, mặc dầu xưa nay chưa hề có ai biết hay hình dung một cách cụ thể Trời là ai, Trời là gì, Trời là như thế nào cả.

Trong những nền văn hóa phụ hệ, nam quyền như Việt Nam thì Trời được hình dung qua hình ảnh của người đàn ông, nên được gọi là “Ông”… ông Trời! Ông Trời là vua của cõi Trời – cõi thần tiên trong mơ ước của con người – nên gọi là Vua Trời, là Thượng Đế.

Các tôn giáo tin vào Thượng Đế cũng giống như người bình dân Việt Nam tin vào ông Trời. Tất cả đều cho rằng, có một đấng cao cả nhất làm chủ muôn loài. Đấng toàn năng siêu việt không hình, không tướng để bái niệm, cầu khấn mà không thể nghĩ bàn.

Nhân loại đã có người kêu lên:

– Trời ơi! Vậy thì ông Trời là ai mà mênh mông cao viễn đến thế?!

Những nhà “khoa học tôn giáo” (Scientology), có khuynh hướng giải thích triết lý tôn giáo theo những tiêu chí khoa học, thì cho rằng, ông Trời hay Thượng Đế là một “Suối Nguồn Vũ Trụ”. Suối nguồn uyên nguyên ấy vượt ra ngoài phạm trù giới hạn của thời gian, không gian, vật lý, tâm lý… mà tất cả chỉ còn là tín lý, là niềm tin thuần khiết. Tin thì có mà không tin thì chẳng có đều do ta – linh tại ngã, bất linh tại ngã!

Truyền thống dân gian Việt Nam coi Trời là một nhân vật vừa cao vời thăm thẳm (Trời xanh); mà cũng vừa gần gũi thường hằng, thường tại quanh ta (cầu Trời, kêu Trời). Ông Trời uy vũ là thế mà cũng bình dân “dễ thương” đến độ những loài vật nhỏ bé ở chốn trần gian cũng kéo nhau kiện Trời khi chốn trần gian chịu cảnh thiên tai, dịch họa. Tuy không biết rõ Trời là ai, nhưng người ta tin rằng: “Trời có mắt!” Mắt Trời phải chăng là ngọn đèn lương tâm trong mỗi chúng ta.

Truyền thống nước ta thì chỉ có loài vật “điếc không sợ súng” mới dám kéo nhau đi đấm cửa nhà Sấm như trưòng hợp cóc kiện Trời; chứ còn loài người thì chỉ mới dám cầu Trời, kêu Trời… chứ chưa hề nghe ai vác chiếu ra tòa để kiện Trời bao giờ.

Thế mà ở cái nước Huê Kỳ “hay dở cái gì cũng có” giữa ban ngày, ban mặt của thế giới vào thế kỷ 21 nầy lại có người nộp đơn lên tòa án trần gian khởi kiện ông Trời… đang vân du đâu đó ở chốn thiên đình.

Ngày 15-10- 2008, Nate Jenkins, phóng viên hãng tin Associated Press – đứng hàng đầu của ngành truyền thông đại chúng Hoa Kỳ – cùng nhiều tờ báo khác đã loan tin “Người kiện Trời” sốt dẻo giống chuyện Tôn Ngộ Không đại náo Thiên đình như sau đây:

Nguyên cáo là thượng nghị sĩ tiểu bang Nebraska, ông Ernie Chambers. Ông Chambers là một nhân vật có học vị, địa vị và… tỉnh táo như sáo đường hoàng chứ không phải bị “chạm điện” khi nộp đơn lên tòa án kiện Thượng Đế.

Tưởng cũng cần giới thiệu thêm là ông Chambers nầy tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa hẳn hoi và đã làm thượng nghị sĩ trong cơ quan lập pháp nhà nước Nebraska suốt 38 năm qua.

Ông ta đưa ra lý do kiện Thượng Đế, rằng là: “Thượng Đế đã làm cho Chambers và quần chúng tại địa phương Ohama sợ hãi. Tại sao Thượng Đế vừa sinh vừa diệt; vừa ban ân lại vừa trừng phạt hằng triệu triệu người và sinh linh trên trái đất như thế. Trời can tội làm hoảng vía trần gian nên đã đến lúc phải kiện để xét xử cho công bằng.”

Bản chất vụ kiện Thượng Đế vốn đã mang tính bi hài; nhưng phán quyết của tòa án lại còn “thú vị” hơn. Thẩm phán Marlon Polk thuộc tòa án quận hạt Douglas, nơi đệ đơn khởi tố, đã bác đơn kiện của

Chambers với lý do là “Bị cáo (Thượng Đế) không có địa chỉ đăng ký và tên tuổi, lý lịch rõ ràng để tòa án có thể liên lạc được theo những nguyên tắc luật định nên tòa phải bác bỏ vì không có cơ sở pháp lý để thụ lý hồ sơ khởi tố… kiện Trời!

Tòa án thông báo cho Chambers là ông ta có thời hạn 30 ngày để xin khiếu nại và ông nghị sĩ nầy đã loan tin là sẽ nộp đơn khiếu nại.

Nguyên cáo Chambers đã phản đối với lý do là: “Tòa án đã biết rõ sự hiện hữu của Thượng Đế. Cả nước Mỹ đều biết rõ có Thượng Đế. Nếu không thì tại làm sao trên mọi đồng đô la Mỹ đều xác định bằng dòng chữ in đậm đầu tiên trên đồng bạc là có một Thượng Đế để tin theo (In God We Trust) và cầu xin ban ân, cứu rỗi.”

Câu hỏi về dòng dõi – có sự bà con nội ngoại nào giữa thượng nghị sĩ Mỹ Chambers và Cóc Việt Nam hay không – thì xin nhường lại cho các sử gia tâm sinh lý rộng đường thênh thang nghiên cứu thêm.

* * *

Dẫu ta hay Tây, nhưng ý đồ kiện Trời là một phản ứng tâm lý đầy hy vọng hơn là tuyệt vọng. Sự phản kháng là một cách kêu đòi và níu kéo quyền năng bao la, bất tử về với số phận nhỏ bé và bèo bọt của thân phận con người trước tạo hóa.

Sự chuyển hóa không ngừng Xuân, Hạ, Thu, Đông của thiên nhiên và vòng xoay sinh, già, bệnh, chết của con người là những đối lực khách quan không có gì ngăn cản nổi. Sức bộc phát càng mạnh thì tác động hủy hoại càng ghê – bạo phát, bạo tàn – là một nguyên lý và hiện tượng nhân quả. Đi tìm Thượng Đế hay đi kiện Thượng Đế, kiện Trời, than Trời… cách biểu hiện khác nhau, tùy duyên, nhưng động cơ tâm lý chỉ là một.

Trời ở đâu mà kêu đòi than trách?

Đã có cả tỷ người vinh danh, định nghĩa, cầu khẩn hay kêu réo… ông Trời nhưng hầu như chưa ai xây dựng nổi, dù chỉ là dấu hiệu tượng trưng một ông Trời chung mà chỉ có hiện tượng trời riêng; rồi cho “Trời ta” là Trời thiên hạ. Nhưng tất cả đều chỉ có khả năng tới được “một câu trả lời về Thượng Đế không trọn vẹn cho một câu hỏi không thể trả lời được bằng những phương tiện quá giới hạn đang có trong tay của con người qua ngôn ngữ, lý luận, chứng minh, suy diễn, tưởng tượng…” như ý kiến của nhà thần học Mỹ, Howard Anderson.

Đi tìm một đối tượng vô cùng bằng phương tiện giới hạn thì rốt cuộc cũng chỉ nắm được một hay những mảnh vụn xứng hợp với tầm mức giới hạn ấy mà thôi!

Mùa Xuân, hoa từ đâu mà về nở trên trần gian nấy nhiều thế. Chim chóc, ong bướm về theo hoa cũng nhiều. Đàn bướm muôn màu rực rỡ và đoàn người vui Xuân kia trăm năm trước nơi đâu và trăm năm sau còn gì để lại. Dòng chuỗi hỏi và trả lời về thời gian, không gian và số phận sẽ trôi chảy mãi không có điểm dừng vì chẳng có ai biết điểm khởi đầu và kết thúc của thời gian và không gian nằm ở đâu cả.

Khoa học tới thế kỷ 21 nầy, như lý thuyết táo bạo nhất của nhà vũ trụ học Neil Cornish cũng chỉ phỏng định đo được kích thước của hoàn vũ rộng chừng 156 tỷ năm ánh sáng (theo tốc độ ánh sáng là 200.000 cây số một giây); và, tuổi của… nàng vũ trụ là 13.7 tỷ xuân xanh!

Khi một chuỗi dài mắt xích tiếp nối nhau mãi làm cho người trở nên bơ vơ, chóng mặt giữa hai bờ vô tận của quá khứ và tương lai thì người ta chỉ còn vái ba vái để giao cho ông Trời tính hộ. Vâng, nhân loại và nền khoa học phải gặp ông Trời để nhờ ngài nắm giữ cõi mênh mông mà con người không thể biết tới.

Khi còn có một người hỏi đến ông Trời thì ông Trời mặc nhiên hiện hữu trong tâm tưởng của họ như trong mặt nước phẳng lặng có hình ảnh đám mây trời đang trôi. Mây bay rồi, nước không còn bóng mây. Một người mất đi, mùa Xuân không còn với họ. Mùa Xuân và con người không còn thì ông Trời cũng vắng bóng trong chính “người” đó vì năng lượng tinh hoa mà người ta gọi là hồn phách có đi quanh hoàn vũ rồi cuối cùng cũng trở về với nguồn cội là Suối nguồn Vũ trụ. Mỗi người là một “chủng tử”, một hạt giống nhỏ bé của rừng núi bao la, một giọt nước của đại dương mang đầy đủ mọi yếu tính của thế giới cội nguồn.

Có phải chăng ông Trời, đấng Tạo Hóa, Thượng Đế, Thái Cực, Phạm Thiên, A-La… là những tên gọi khác nhau “tùy nghi phương tiện” về một Suối nguồn Vũ trụ như thế. Địa cầu là một giọt bụi nước của vũ trụ. Giọt bụi từ nguồn cội mà ra nên cuối cùng cũng sẽ quay về chốn cũ. Mỗi người là một “tiểu ngã” của đại ngã ông Trời. Nên kiện Trời là kiện chính mình. Trách Trời là tự trách mình trước hết. Trời ở không cân là vì mình làm hơn hay làm không bằng người khác.

Bên tách trà Xuân trước hiên nhà, lặng lẽ mời một mảnh trời xanh vào trong chén nước và lẩn thẩn đọc thơ Ta kiện một vầng trăng của Samikai Gutschi xứ anh đào Phú Sĩ thì tuyệt vời biết mấy: “Với đàn cháu bé tranh nhau con ve đất thì ta là quan tòa. Với nắng lửa mưa nguồn thì ta là nguyên đơn khiếu kiện. Với Hằng Nga thì ta là bị cáo vì ngắm trộm một vầng trăng…”

Napa, Cali; mùa Thanksgiving 2008