Trang chủ Tin tức Ngày tu tập cuối của khóa tu Tịnh Độ lần thứ nhất...

Ngày tu tập cuối của khóa tu Tịnh Độ lần thứ nhất tại Tổ đình Bồ Đề

68
Đúng 7h30’, đại chúng đã thành kính chắp tay búp sen, niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà để cung đón Hòa thượng Thích Quang Nhuận – Ủy viên thường trực HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN quang lâm thuyết giảng với chủ đề “Những giáo lý căn bản của pháp môn Tịnh Độ”.
Trước khi vào bài thuyết giảng, Hòa Thượng đã bày tỏ niềm hoan hỷ trước sự nhiệt tình trong công tác hoằng pháp của Hòa Thượng trưởng Ban hoằng pháp TW và chư tôn đức trong ban tổ chức đã duy trì, liên tục tổ chức các khóa tu tập cho Phật tử, đặc biệt tổ chức các pháp môn Tịnh Độ. Điều này nói lên sự nhận thức đúng đắn, sự duy trì mạng mạch Phật pháp giữa thế gian và hướng dẫn Phật tử đi đúng con đường Đức Phật đã dạy. Chúng ta sinh ở thời mạt pháp, cách xa thời của Đức Phật nhưng chúng ta có duyên tu tập, gặp pháp, ta tu trồng thiện căn phúc đức nhân duyên nhiều đời mới được gặp nhau, cùng nhau hướng tới con đường Tây Phương Tịnh Độ. Sau đó, Hòa thượng đã giải thích cho hàng Phật tử hiểu rõ pháp môn Tịnh Độ là pháp môn đặc ưu trong thời này. Sự tự lực để tu tập vãng sinh Tịnh Độ quá khó khăn nên cần phải có tha lực hỗ trợ chúng ta mới tu tập được, mới có cơ hội hướng tâm về cõi Tịnh Độ. 
Mọi hiện tượng trên thế gian sinh đời, đạo đều nằm trong định luật vô thường thành trụ hoại không, khi thịnh khi suy, nên mọi hiện tượng đều bị ảnh hưởng theo thời đại, bị thời đại ảnh hưởng thay đổi là do tâm niệm con người chúng ta không thanh tịnh, dễ bị thay đổi, thăng trầm bi kịch. Chúng sinh mà tâm niệm thanh tịnh thì chúng ta biến cảnh giới Ta Bà này thành cảnh giới Tịnh Độ. Thời đại này, con người số đông đều hướng về Tam Bảo, hướng về sự tu tập nhưng kết quả thì rất ít. Trong kinh Đại Bản Di Đà có nói: “thời chính pháp con người 10 người tu chứng ngộ 8 9 người, thời tượng pháp 10 người tu chứng ngộ 3 – 4 vị, thời mạt pháp 10 người tu chưa chắc đã được 1 người trọn vẹn”. Sự chứng ngộ của chúng ta không phải như sự chứng ngộ thực chất của các vị Thánh Tăng, chư vị Bồ Tát, mà sự chứng ngộ của chúng ta là tạm thời. Cảnh giới an lạc thanh tịnh mà chúng ta đang tu tập trở về cảnh giới Tịnh Độ có ít, hiện hữu trong mỗi chúng ta đều đầy đủ các thập pháp giới, tất nhiên có địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, thanh văn, duyên giác, Bồ Tát, Phật. Cảnh giới Phật có trong chúng ta nhưng ngắn quá, và các cảnh giới khác, các tâm lý khác, tâm lý địa ngục, tâm lý ngạ quỷ, tâm lý súc sinh hiện nhiều hơn tâm lý thanh văn, Bồ Tát, Phật. Hàng ngày trong tâm niệm của chúng ta sống bằng tâm người, có tham sân si mạn nghi đó là các cảnh giới của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh có nhiều hơn tính Phật, thanh văn, duyên giác, là từ bi hỷ xả có nhưng ít nhiều khi có thoáng qua, nhưng bị đánh mất bởi tham lam, sân hận, si mê.  
Hòa thượng chỉ dạy thế nào là tu, là sửa đổi cho mình, tu nhà tu chợ, đi chùa nhiều nhưng phải tu đúng chính pháp, chỉ có người biết đến tu, tu nhiều phúc đức mới có duyên đến chữ A Di Đà Phật. Chúng ta phải có niềm tin, củng cố niềm tin kiên cố vào chính pháp. Niềm tin là môi trường để nuôi dưỡng phát triển các căn lành, khi niềm tin vượt trội nuôi lớn các căn lành, thì niềm tin là nhân tố để giải thoát giác ngộ. 
Đồng thời, Hòa thượng cũng giải thích ý nghĩa của câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật“. Là chúc mình luôn luôn có cái tâm, có trí tuệ. Là chúc mình luôn luôn nhẫn nại trước mọi khó khăn, mọi công việc của cuộc đời. Là chúc mình luôn luôn làm gì cũng được thành tựu, đạt kết quả. Vì chữ A Di Đà Phật là vô lượng quang Phật, vô lượng thọ Phật, vô lượng công đức Phật. Khi niệm A Di Đà Phật mà chúng ta không phát huy trí tuệ thì rất oan uổng, niệm Phật A Di Đà mà chúng ta thấy việc khó mà lùi bước thì rất oan uổng, niệm Phật A Di Đà mà chúng ta làm việc thờ ơ, không kiên nhẫn thì rất oan uổng không thể vãng sinh Tịnh Độ. Nên ý nghĩa đức Phật A Di Đà chúng ta phải hiểu, phải tin tưởng. Phật nằm trong tâm, nên tin tuyệt đối, áp dụng Đức Phật trong tâm thì chúng ta được an lạc  giải thoát, đó là một trong những yếu tố trong sự vãng sinh Tịnh Độ.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng đại chúng hãy nhất tâm tinh tiến tu học, để thân khẩu ý luôn được thanh tịnh, gạn đục khơi trong, luôn để Đức Phật và những giáo lý của Ngài chỉ dạy ở trong tâm trí, tu tập thực hành theo những điều Ngài dạy để chuyển hóa thân tâm, xây dựng một cuộc sống tốt đẹp ngay thực tại. 
 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
 
Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Hòa thượng là thời khóa tụng kinh A Di Đà của đại chúng dưới sự chủ lễ của chư tôn đức Tăng trong ban tổ chức.
 
  
  
  
  
  
  
  
  
Chư tôn đức hướng dẫn Phật tử thực hiện nghi thức Cúng Quá Đường
 
  
  
 
Đầu giờ chiều, đại chúng tiếp tục được lắng nghe thời pháp thoại sâu sắc và ý nghĩa của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội, Trưởng BTC khóa tu về “Ứng dụng kinh Phật Thuyết A Di Đà trong cuộc sống”.
Trước khi bước vào thời pháp thoại, Hòa thượng cũng điểm lại hành trạng của Tổ Bồ Đề – vị Tổ đã dành trọn cuộc đời tu tập và hoằng truyền chính pháp của Đức Thế Tôn, đặc biệt là xiển dương giáo lý Tịnh Độ. Điểm nhấn lớn nhất trong cuộc đời của Ngài là thành lập hội Liên Xã Niệm Phật qua tác phẩm “Liên Xã Niệm Phật” mà Ngài để lại, qua đó thấy rằng dưới thời của Tổ, rất nhiều người tu tập theo pháp môn này và nhiều người chứng đắc.
Sau đó, Hòa thượng đã tán thán công đức chính báo và y báo của cõi Cực Lạc. Chính báo là hiện thân của Đức Phật A Di Đà và Thánh chúng ở cõi Tây Phương Cực Lạc. Còn y báo là cảnh giới của thế giới cực lạc, một thế giới mà ở đó con người và đất nước hoàn toàn trong sạch, một thế giới thuần tịnh, không có khổ đau, không có sự tha hóa qua hình ảnh trong Kinh A Di Đà là “không có ba đường ác”. Khi Đức Phật Thích Ca giới thiệu về các loài chim Ca Lăng, Tần Già, Cộng Mệnh cất tiếng hót thì Đức Phật nói rằng đấy là những bài pháp vi diệu, mà loài chim đó không phải do nghiệp báo sinh ra, mà là do Đức Phật A Di Đà hóa hiện, có nghĩa rằng đó là một thế giới không có địa ngục, không có địa ngục tức là không có những người phạm tội, không có ngã quỷ tức là không có những người tham lam mà chỉ có đầy tình thương yêu, không có súc sinh tức là một thế giới lấy trí tuệ để làm điểm tựa trong cuộc sống. 
Cuối cùng, Hòa thượng đã tán thán công đức của quý Phật tử vì đã dành thời gian về chốn Tổ đình Bồ Đề để tham dự khóa tu Tịnh Độ lần thứ nhất này. Đồng thời Hòa thượng khuyến tấn đại chúng “tuy khóa tu hai ngày đã thành tựu viên mãn nhưng nếu muốn mang tinh thần tu tập và đặc biệt là tinh thần kinh A Di Đà về xây dựng con người và xã hội thì như ở trong Kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca đã mô tả “muốn xây dựng thế giới tịnh độ hiện tiền thì phải gieo nhân Tịnh Độ Ta Bà này tốt để kết quả Cực Lạc hoa khai”.
 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
 
Sau đó, dưới sự chủ lễ của chư tôn đức Tăng trong bản tự, toàn thể đại chúng đã chí thành chí kính tụng thời Kinh A Di Đà cầu nguyện quốc thái dân an.
 
  
  
  
  
  
  
 
Nhân dịp này, để đáp ứng nguyện vọng thỉnh cầu của các thiện nam tín nữ muốn được quy y Tam Bảo, học hỏi giáo pháp Như Lai, cố gắng nỗ lực trở thành con người chân – thiện – mỹ, xây dựng cuộc sống tốt đẹp, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã đăng đàn truyền thụ Tam quy Ngũ giới cho các thiện nam tín nữ. 
Tại buổi lễ quy y, Hòa thượng đã giảng giải cho đại chúng hiểu Tam Quy Ngũ Giới là gì cũng như ý nghĩa của việc quy y Tam Bảo đối với mỗi người Phật tử. 
Cuối cùng đối trước Phật đài, Hòa thượng cùng chư tôn đức Tăng Ni đã làm lễ niêm hương bạch Phật và làm lễ truyền thụ Tam Quy Ngũ Giới cho các thiện nam tín nữ, khép lại khóa tu Tịnh Độ lần thứ nhất tại Tổ đình Bồ Đề thành tựu viên mãn.