Trang chủ Tuổi trẻ Ngày Tu của bé

Ngày Tu của bé

162

“…Gieo hạt từ tâm cho trí tuệ rạng ngời thế giới
Để tâm ta bừng sáng
Lòng từ bi bao la
Cho thế giới bình yên sống trong an lành…”

Bài hát này đã được nhiều các ca sĩ và các nhóm nhạc nổi tiếng hát, rất hay, nhưng sao hôm nay tại khóa tu – Gieo hạt từ tâm  với chủ đề ” Ngày tết của bé”  lần thứ 10 tại Tu Viện Quan Âm nghe các bé hát lại thấy hay đến thế, ý nghĩa đến thế, hay hơn bất cứ ca sĩ nào, nhóm nhạc nào hát.

Ôi nhìn kìa! Có cô bé chỉ mới tròn hai tuổi tên là Quỳnh Lam, cái tên quá đẹp. Cô bé nhỏ nhất đi theo bà ngoại( bà ngoại thì ngồi ngoài hành lang ) còn bé thì đứng sếp hàng đầu, hàng đầu là hàng dành cho các bé nhỏ nhất. Mặc dù khóa tu thông báo rất rõ về tuổi, ấy thế mà cũng tới hơn hai chục bé nhỏ dưới 5 tuổi. Nhìn bé Quỳnh Lam chắp tay, quì và cúi lậy Phật thì quả thật người lớn vừa gận đầu, vừa không nhịn được cười. Tuy bé mới chỉ có hai tuổi nhưng rất dạn. Theo ngoại cháu kể là bé đã được bà ngoại và mẹ cho đi chùa từ lúc 4 tháng tuổi, vì vậy mà bé còn hơn các anh chị khác khi không có người  nhà ở bên, trong khi có bé thì mếu máo khi không thấy bóng dáng mẹ.

Về tham dự khóa tu một ngày với chủ đề ” ngày tết của bé” có hơn 200 bé tham dự. Bé đặc biệt nhất trong hơn hai trăm bé là bé Phúc Gia cậu bé vừa tròn 3 tuổi bé có khuôn mặt khôi ngô rất dễ thương bé đã thuộc trọn bài Chú Đại Bi. Quả thật là thán phục, Nhiều người lớn và bé có thể chưa hiểu được nghĩa của từng từ, từng chữ, hay nôi dung của Chú Đai Bi, nhưng chỉ với ba tuổi mà đã thuộc Chú Đại Bi thì quả thật là bái phục. Ôi bé ơi ! cô thật nể phục con đấy, con đã hơn cô rất nhiều lần rồi.

Mải ngắm, mải ghi nhận những khoảng khắc rất ngộ nghĩnh của từng bé để mình thử tìm lại mình lúc khi mới  3,4 tuổi thì như thế nào. Tôi như quên hết tất cả mãi khi diễn viên Đại Nghĩa đố các bé:

–    Bé nào biết bánh chưng được luộc trong bao lâu thì  chín

–    Thưa chú! bốn ngày ạ, thưa chú ! một năm ạ

–    Ối trời ơi!  tới bốn ngày thế thì nhừ mất, Ôi phải chờ tới mãi một năm mới được ăn cơ à.

Hôm nay là chủ đề ” Tết của các bé” vì vậy mà rất nhiều các câu hỏi của anh Đại nghĩa đưa ra cho các bé.

–    Thế sáng mồng một tết các bé chúc tết ông bà cha mẹ như thế nào?

Hàng chục cánh tay bé xíu giơ lên: con chúc Ông bà mạnh khỏe;  Con chúc  ba mẹ tiền vô như nước , nghe đến câu này thì thật là không nhịn được cười, chắc  bé này vẫn nghe người lớn trong nhà chúc tết như vậy.

–    Thế các em nào có anh chị thì các em chúc anh chị như thế nào?

–    Con chúc chị học giỏi, xinh đẹp ạ.

Ô cũng biết cầu mong cho chị mình xinh đẹp cơ đấy, đúng là trẻ em thời nay. Ngày xưa  mình ở tuổi bé nào có biết xinh đẹp là gì, nói chi là những chuyện khác nữa.

–    Thế chúc tết xong rồi thì đến tiết mục gì nào ?

–    Lì xì ạ .

Lì xì thì chỉ có bé từ 7;8 tuổi trở lên mới biết thôi, chứ bé xíu  kia thì ngơ ngác không có biết lì xì là gì cả.

Thế là cũng đến giờ tạm biệt anh Đại Nghĩa rồi, tất cả các bé hát tặng anh Đại Nghĩa bài hát ” Gieo hạt từ tâm “. Chắc chắn anh Đại Nghĩa ra về sẽ rất thích thú mang theo tiếng hát hay nhất trong đời mà anh Đại Nghĩa đã được nghe hôm nay từ các ca sĩ nghiệp dư nhí này, cùng với những câu trả lời rất ngộ nghĩnh của các bé.

Phần hai của  ngày bé đi tập tu là phần tô mầu ảnh Phật. Vậy là các bé đều tập làm họa sĩ. Chắc chắn rằng chỉ có những bé khoảng 5-6 tuổi trở lên mới có thể thành ” Họa sĩ nhí ” trong sáng nay; còn cô bé hai tuổi kia chắc là sẽ bôi xanh đỏ  theo ” trường phái trừu tượng”.

Nhìn khuôn mặt các bé, nhìn các anh chị tình nguyện viên trong bộ quần áo đồng phục khỏe mạnh  đang hướng dẫn tận tình cho các bé. Nhìn các  Sư Cô và những người làm công quả đang tất bật chuẩn bị cho các bé một bữa ăn chay chất lượng và sạch sẽ tại chùa trưa nay mà lòng với bao ý nghĩ  vui, buồn lẫn lộn: Vui ! vì  nhìn  thấy các  cháu sướng quá, thích quá, được tất cả người lớn có mặt bây giờ và tại đây chăm chút, yêu thương, dậy dỗ và dành cho các bé những gì tốt nhất có thể.

Vui vì con cháu mình đã hơn ông bà, cha mẹ chúng rất nhiều.

Buồn! Vì giá như các chùa ở khu vực Phía Bắc ở  miền Trung có nhiều chùa làm được như vậy, thay vì chỉ là một ngôi chùa mang nặng tín ngưỡng. Người đến chùa chỉ là vài bà già hoặc có khi hàng ngàn người đến chùa chỉ để xin, còn con trẻ có khi nhà ở ngay cạnh chùa mà không biết đến Phật là ai. Đạo Phật là gì.  Vì vậy mà câu nói  tệ hại này ” Trẻ vui nhà, già vui chùa”, đã bao năm qua làm cho Đạo Phật lụi tàn ở phía Bắc.

Quả thật đúng như một vị Thượng Tọa đã nói muốn làm cho đạo Phật  được chấn hưng và phát triển thì câu nói này phải là ” Trẻ vui chùa, già vui nhà” .

Vậy trẻ vui chùa sẽ mang lại lợi ích gì? Này nhé: Trẻ sẽ học được cách biết để đôi dép trước cửa. Trẻ được học nói lời cám ơn khi nhận được sự giúp đỡ của người khác, biết xin lỗi khi làm phiền toái người khác , khi bé làm sai, khi bé có lỗi. Trẻ học nói những lời yêu thương giữa con người với con người giữa các bé với các loài động vật. Trẻ được học cách ăn, trẻ được học kỹ năng sống tự lập khi không có ông bà, cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ …Trẻ được học: cái gì không phải của mình, cái gì của người khác, khi không được  phép mà mang sử dụng là một điều rất xấu về đạo đức, sẽ bị pháp luật chừng trị. Trẻ được học khi giết, bắt một con kiến, con chim là  đã làm một điều ác, bé sẽ biết sợ và hối lỗi khi chú chim hay chú kiến đó có cha mẹ, con cái, anh chị em chúng  đang khóc thương khi không còn được về tổ. Trẻ được học sự yêu thương biết chia sẻ, lễ phép, hiếu kính với ông bà, cha mẹ…

Già vui nhà: vì theo  vị  Thượng Tọa này họ đã có suốt bao nhiêu năm tu tập  rồi giờ tuổi già đi lại khó khăn, khi đi lại trên đường cũng không yên tâm cho con cháu. Vì vậy vui ở nhà với con cháu mới là nguồn vui của tuổi già, nhà sẽ ngập tràn yêu thương, cảm thông, quan tâm nhau, san xẻ tình yêu thương, quí trọng những giây phút bên nhau thì người già hạnh phúc ấm êm, vui vầy bên con cháu, ngoan hiền đã là viên mãn lắm rồi. 

Hỡi những bậc ông bà, cha mẹ! Hãy đưa con em đến chùa để các bé được học làm người ngay khi còn trong bụng mẹ. Đừng để đến khi quá muộn mới chạy vội đến chùa khấn vái, kêu van, cầu xin Đức Phật ơi phù hộ cho con con, cho cháu con nó đang hư hỏng, nó bất hiếu, nó hút xì ke ma túy, nó bỏ nhà đi bụi đời, nó vướng vòng lao lý , nó… cho con con, cháu con tai qua, nạn khỏi, cho ngoan ,cho hiền cho… thoát khỏi kiếp nạn này… ôi đến lúc đó thì có bao nhiêu Đức Phật thì cũng chịu  không độ được , chẳng Phật nào cứu được.

Để ” trẻ vui chùa…” thì đòi hỏi các vị xuất gia, những Tăng Ni phải có tài, có tâm( không ngồi đợi đến lúc có tiền mới làm ) lập ra được những chương trình mới lạ, có sức hấp dẫn phù hợp với từng lứa tuổi thích khám phá của trẻ, để trẻ không bị nhàm chán, không thấy buồn tẻ hay phải ngồi gò bó nghe và nghe mà phải để cho trẻ biết đặt câu hỏi và tự có đáp án… Những bài giảng cho trẻ từ những câu kinh kệ của Đức Phật phải áp dụng thực tế, trong đời sống thường nhật của  từng lứa tuổi…

Để thực sự điều mong ước của Vị Thượng Tọa này và cũng là của tất cả những người con Phật mong muốn làm sao để ” Trẻ vui chùa, già vui nhà” thì mới có thể cứu vãn được việc đạo đức đang bị suy đồi một cách nghiêm trọng như hiện  nay,  nhà nhà  mới sống trong an lạc.
 
Gieo hạt từ tâm

Không ghen ghét hơn thua hật thù
Gieo hạt từ tâm
Gieo yêu thương chan hòa
…..

Đem đến trần gian ngập tràn thương yêu
                       
Sài Gòn  tháng 1 năm 2013