Đặc biệt, đây là ngày chuyên tu Tịnh Độ của đại chúng, nhằm hướng lòng thành kính kỷ niệm ngày khánh đản Đức Phật A Di Đà.
Đúng 7h30′ sáng, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN đã làm lễ niêm hương bạch Phật và đăng đàn truyền giới cho các hành giả tu tập Bát Quan Trai giới trong ngày tu này. Tiếp theo, dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng chư Tăng bản tự, các hành giả tu tập bát quan trai đã trang nghiêm lắng nghe và lễ lạy 48 đại nguyện của Đức Phật A Di Đà khi còn là Pháp Tạng Tỳ Khiêu. Với mỗi lời nguyện, đại chúng đều thành kính niệm 10 câu Nam Mô A Di Đà Phật “nhất tâm bất loạn”.
Sau đó, đại chúng đã nhất tâm tụng hai thời kinh là kinh A Di Đà và Kinh Pháp Hoa quyển thứ 7 nhằm cầu nguyện sự an lạc, yên vui trong cuộc sống và hòa bình cho tất cả chúng sinh.
Buổi trưa, đại chúng thực hiện nghi thức cúng Quá Đường, dùng cơm chay trong chính niệm tỉnh thức.
Đầu giờ chiều, đại chúng đã thực hiện các thời khóa niệm Phật trong sự nhất tâm hướng lòng về Đức Giáo Chủ cõi Cực Lạc Phương Tây. Đặc biệt, đại chúng đã được đón nghe thời pháp thoại vô cùng ý nghĩa của Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Trụ trì chùa Đại Từ Ân nói về ý nghĩa của việc cầu về Tây Phương Cực Lạc, cũng như giá trị của pháp môn Tịnh Độ.
Thượng tọa chia sẻ: “Thế giới mà chúng ta đang sống chính là thế giới uế độ, còn thế giới của chư Phật là thế giới Tịnh độ. Thế giới của chúng ta bởi vì tâm của chúng sinh cấu uế mà tạo nên thế giới uế độ này. Còn tâm của chúng sinh trong sạch sẽ tạo nên thế giới Tịnh độ. Cho nên tâm của chúng sinh sai khác là yếu tố tạo nên sự sai biệt giữa các thế giới. Bởi vậy, tâm của chúng ta thanh tịnh thì dù ở thế giới Sa Bà này đã là ở Tịnh độ rồi. Tùy vào tâm của ta mà tạo ra mười loại cảnh giới khác nhau. Hằng ngày tâm ta thường dạo chơi trong mười cõi này. Khi ta nhiếp tâm niệm Phật, chính là đã đặt chân vào cõi Phật. Chúng ta làm những thiện hạnh, lợi mình lợi người, chính là đã đặt chân vào cõi của các bậc Bồ Tát. Chúng ta tự mình đoạn trừ tham sân si, cầu Phật pháp giác ngộ thì cũng đã vào cõi của các vị La Hán và Bích Chi Phật. Chúng ta biết bỏ ác làm lành, tu nhân tích thiện thì có nghĩa là đang sống trong cõi trời, cõi người. Tuy nhiên, nếu mang thân cõi người mà tâm đầy tham dục, sân hận, si mê, tà kiến thì chúng ta cũng đang ở trong cảnh khổ đau của cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Cho nên về mặt lý mới nói Tịnh độ không xa mà Tịnh độ ở ngay trước mắt, ở ngay trong tâm của mình“.
Qua đó, Thượng tọa giảng sư đã sách tấn các hành giả Pháp Hoa trong mùa tu gia hạnh này cần dụng công tu tập hơn, nỗ lực và tinh cần hơn nữa; hãy niệm Phật đừng lo sợ vọng tưởng bởi bản chất của vọng tưởng đó là không thật. Đức Phật nói: “Không một quả vị tu chứng nào có được nếu không dựa vào sự tinh cần. Không một thành công nào trên thế gian có được mà không nhờ tới sự cố gắng nỗ lực”.
Sau cùng, Thượng tọa nhấn mạnh “Chúng ta muốn cầu xin về Tịnh Độ, chúng ta phải có tư lương đó là ba nghiệp thân khẩu ý được thanh tịnh, trong sạch. Tùy theo mức độ trong sạch mà quyết định khi vãng sinh sẽ có ba phẩm là thượng phẩm, trung phẩm và hạ phẩm. Thân không trong sạch vì các nghiệp sát sinh, trộm cắp. Muốn được thân thanh tịnh thì phải bỏ các nghiệp sát sinh, trộm cắp thì cần siêng năng lễ bái, tọa thiền. Miệng của chúng ta, hằng ngày cũng phải tụng kinh, niệm Phật, còn lại thì nên im lặng để không còn khẩu nghiệp. Bớt đi một lời nói, thêm một câu niệm Phật. Chúng ta dùng câu niệm Phật để chuyển nghiệp, để đối trị với bốn lỗi của miệng là nói dối, nói lời thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác. Còn ý thì cần chuyên nhất, chúng ta cần phải dùng tâm để niệm Phật, buộc tâm của mình vào thế giới Cực Lạc, vào Đức Phật A Di Đà như là con nhớ mẹ, như là mẹ nhớ con. Chúng ta phải nhớ đến khao khát, cháy bỏng, phải nhiệt tâm, chính niệm và tỉnh giác. Chứ không phải chúng ta chỉ gọi tên Phật nhưng tâm lại không ở bên Phật, không ở cõi Tây Phương. Chúng ta cứ niệm Phật tinh tấn như vậy, đi đứng nằm ngồi đều dụng công niệm Phật thì lâu dần, các tập nghiệp, phiền não, vọng tưởng sẽ được loại trừ dần. Khi tâm của chúng ta dần thanh tịnh trở lại thì cõi nước thanh tịnh, lúc bấy giờ chúng ta sẽ tương ứng với các phẩm vị ở thế giới Cực Lạc“.
Bài giảng ý nghĩa của Thượng tọa giảng sư đã khép lại ngày tu Tịnh độ tràn đầy hỷ lạc.
Diệu Tường – Quang Đức