Trang chủ Tin tức Ngày thứ mười một của khóa tập huấn Hoằng Pháp viên

Ngày thứ mười một của khóa tập huấn Hoằng Pháp viên

77

Trong bài giảng, đại chúng đã được nghe Đại đức Thích Chiếu Tuệ chia sẻ về Hiến chương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, mà đầu tiên là thiết chế của Giáo hội bởi “Nếu chúng ta không hiểu thì chúng ta khó có thể thực hiện được tất cả bổn phận của người Phật tử là thành viên của GHPGVN”.

Mở đầu, Đại đức chia sẻ với các cư sĩ Phật tử trong khóa tập huấn về bối cảnh lịch sử và sự hình thành của GHPGVN. Hiến chương GHPGVN có một lịch sử hình thành gắn liền với lịch sử của dân tộc vào cuối thập kỷ 70 của thế kỉ 20. Căn cứ vào điều kiện lịch sử của đất nước khi hòa bình lập lại (Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975) thì chúng ta có thể phân tích lịch sử thành lập GHPGVN qua các giai đoạn lịch sử để chúng ta có thể nghiên cứu tổng thể Hiến chương của GHPGVN.

Cho đến thời điểm Thống nhất Việt Nam năm 1975, tại miền Bắc và miền Nam có nhiều tổ chức Phật giáo hoạt động. Với mục đích thống nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo tại Việt Nam dưới một tổ chức duy nhất, cuộc Vận động thống nhất Phật giáo được tiến hành. Năm 1980,Ban vận động thống nhất Phật giáo ra đời, do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm trưởng ban.

Năm 1981, Đại hội các tổ chức Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Một tổ chức mới ra đời, lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là hợp nhất của 9 tổ chức:

Sau 8 lần hiệp thương, từ ngày 4 đến ngày 7/11/1981, tại chùa Quán Sứ thủ đô Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đại biểu thống nhất Việt Nam với sự tham dự của 165 đại biểu đại diện cho 9 tổ chức hệ phái Phật giáo, thành lập và cái tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức được ra đời để “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Đây là một tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng Ni Phật Tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài”. 

Đại hội đã thông qua Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng thời suy tôn, suy cử giáo phẩm lãnh đạo Hội đồng Chứng Minh và Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ I (1981 – 1986) bao gồm:

  • Pháp chủ là Hòa thượng Thích Đức Nhuận (nguyên Quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam)
  • Đệ nhất Phó pháp chủ kiêm Giám luật là Hòa thượng Thích Đôn Hậu (nguyên Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất)
  • Chủ tịch Hội đồng Trị sự là Hòa thượng  Thích Trí Thủ (nguyên Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất)
  • Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự là Hòa thượng Thích Trí Tịnh (nguyên Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất).
Sau đó, Đại đức Thích Chiếu Tuệ đã giảng cho đại chúng hiểu thế nào là Hiến chương.
– Hiến chương GHPGVN chính là sản phẩm trí tuệ của tập thể chư tôn đức Tăng Ni và cư sĩ của 9 hệ phái Phật giáo lúc bấy giờ. GHPGVN được thành lập nhằm mục tiêu là xác lập việc thống nhất, quản lý và điều hành Phật sự trên phạm vi toàn quốc theo tiêu chí “thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp”.
Để thiết lập một trật tự, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của Tự viện, Tăng Ni Phật tử trong bối cảnh đất nước thống nhất thì GHPGVN đã xây dựng Hiến chương như một Đạo luật (hiến pháp) chủ đạo trong hệ thống Giáo hội nhằm tổ chức thể chế chính trị, bộ máy Giáo hội và các quan hệ xã hội phù hợp với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
– Khoa học về Hiến chương GHPGVN: Hiến chương được nghiên cứu theo 5 nội dung:
Đối tượng điều chỉnh của Hiến chương: là những vấn đề, những quan hệ xã hội mà Hiến chương tác động đến nhằm thiết lập một trật tự nhất định phù hợp với ý chí của Giáo hội. 
Phương pháp điều chỉnh Hiến chương: cách thức, biện pháp mà Hiến chương tác động đến quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến chương nhằm hướng đến các đối tượng điều chỉnh đó phải tuân thủ.
Quy phạm của Hiến chương: là những quy tắc xử sự do Giáo hội đặt ra để thừa nhận và điều chỉnh những quan hệ quan trọng gắn liền với địa vị pháp lý của Tự viện, Tăng Ni và Phật tử cũng như các cơ cấu tổ chức hoạt động của Giáo hội. 
Quan hệ của Hiến chương: Có chủ thể và khách thể. Chủ thể là Tăng Ni và cư sĩ Phật tử, các cơ quan của GHPGVN như HĐCM, HĐTS, BTS các tỉnh thành.v.v…Khách thể tức là địa giới hành chính, nằm trong phạm vi của Nước CHXHCNVN. Những giá trị vật chất như cơ sở tự viện, đồ thờ pháp khí.v.v…Tóm lại ở đây nói đến quan hệ của hiến chương giữa hiến chương với các tổ chức cá nhân trong GHPGVN.
Hệ thống của Hiến chương: gồm nhiều chế định khác nhau, mỗi chế định điều chỉnh một mối quan hệ khác nhau. 
Với Hiến chương GHPGVN được tu chỉnh lần thứ V này, Đại đức đã giải thích cho đại chúng hiểu về tổng cộng 13 chương và 71 điều trong Hiến chương, được xây dựng trên cơ sở kế thừa những ưu việt của Hiến chương đầu tiên được Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo VN cả nước nhất trí thông qua năm 1981, được tu chỉnh lần thứ nhất tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kì II năm 1987; lần thứ hai tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ III năm 1992; lần thứ ba tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ IV năm 1997; lần thứ tư tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ VI năm 2007. Hiến chương được chính thức thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc kỳ VII, ngày 24/11/2012.