Trong 02 tiếng đồng hồ Ni sư đã giới thiệu tóm tắt sơ lược lịch sử Phật giáo Ấn Độ sau thời Đức Phật niết bàn.
Từ xứ Ấn Độ, Phật giáo được truyền bá rộng rãi và trở thành một trong những tôn giáo lớn của nhân loại. Ấn Độ là nơi xuất phát của Phật giáo nên việc tìm hiểu lịch sử Phật giáo Ấn Độ trở thành một vấn đề quan trọng nhất trong lĩnh vực Phật học.
Tại khóa học toàn thể hội chúng được tìm hiểu sơ lược về lịch sử Phật giáo Ấn Độ sau thời Đức Phật diệt độ, tạm gọi là qua ba thời kỳ; thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, thời kỳ Phật giáo Bộ phái và thời kỳ Phật giáo Phát triển.
1.Thời kỳ Phật giáo nguyên thủy: được tính từ thời Đức Phật tại thế đến thời điểm sau khi Ngài diệt độ khoảng một trăm năm. Ni sư đã giới thiệu vài nét về tổ chức giáo hội thời kỳ này đã có đủ bốn chúng là Tăng Ni, nam nữ cư sĩ, hình thành hai thành phần là xuất gia và tại gia. Giáo hội này do đức Phật sáng lập tổ chức và trực tiếp điều hành, với những uy đức và trí tuệ lớn của Ngài, nên Giáo hội được tổ chức khéo léo, là một cơ thể thống nhất hữu cơ, luôn đặt mục tiêu tu tập để đạt đến giải thoát, giác ngộ lên hàng đầu.
Sau thời Đức Phật diệt độ, Tôn giả Đại Ca Diếp thay Ngài lãnh đạo Giáo hội, khoảng một trăm năm sau Phật diệt độ đã có những Hội nghị kết tập kinh điển với những bất đồng về giới luật đã đưa đến sự phân hóa về tổ chức Giáo hội.
Diễn biến hội nghị lết tập kinh điển lần thứ nhất nhằm ôn lại lời thuyết pháp và sinh hoạt thường nhật của Đức Phật cùng Thánh chúng đệ tử của Ngài. Ở hội nghị kết tập lần này chỉ mới hình thành kinh và luật tạng. Đây là những kỷ lục được xem như là tài liệu cổ xưa nhất ghi lại cuộc đời của Đức Phật và sinh hoạt của Giáo hội thời Ngài còn tại thế, là căn bản cho tư tưởng Phật giáo thời Nguyên thủy.
2.Thời kỳ Phật giáo Bộ Phái: chỉ cho thời kỳ khởi đầu diễn ra sự phân hóa của Giáo hội thành hai bộ, rồi từ hai bộ tiếp tục phân hóa và hình thành thêm mười tám bộ phái, tức khoảng sau Phật diệt độ (thế kỷ II sau TL). Trong thời kỳ này cũng đã diễn ra các hội nghị tâp kết kinh điển vần thứ hai, thứ ba và thứ tư.
Hội nghị kết tâp kinh điển lần thứ hai diễn ra sau Hội nghị kết tập lần thứ nhất khoảng một trăm năm. Điểm nổi bật ở Hội nghị kết tập kinh điển lần thứ hai là đánh dấu khởi đầu sự phân hóa về tổ chức Giáo hội. Giáo hội Tăng già sau Hội nghị đã chính thức phân thành hai bộ với những quan điểm đối lập với giới luật. Thượng tọa bộ gồm thiểu số các vị trưởng lão có khuynh hướng bảo thủ. Đại chúng bộ gồm đa số Tỳ kheo trẻ tuổi có khuynh hướng cấp tiến.
Hội nghị kết tập kinh điển lần thứ ba: Phật giáo ngày càng được truyền bá rộng rãi ở nhiều vùng của lãnh thổ Ấn Độ. Đặc biệt, dưới triều đại của vua A Dục vì vua là người mộ đạo nên Phật giáo được ưu đãi rất lớn. Tăng Ni trở nên đông đảo, trong đó có không ít kẻ cơ hội trà trộn vào đoàn thể Tăng già và gây nên những mỗi bất hòa, do đó. Phật giáo trở nên hỗn loạn. khó phân biệt chính, tà. Đây cũng là lúc các bộ phận phân hóa đến cực điểm. Trước thực trạng như vậy. vua A Dục đã phát tâm khởi xướng và là người bảo trợ cho Hội nghị kết tập kinh điển lần thứ ba trong lịch sử Phật giáo.
Hội nghị kết tập kinh điển lần thứ tư: diễn ra vào thời vua Ca Nị Sắc Ka. Có nhiều sử liệu ghi nhận khác nhau về niên đại, nhưng hợp lý nhất là vào khoảng bốn trăm năm sau Phật diệt độ, đây là giai đoạn cuối của thời kỳ phân hóa bộ phái.
3.Thời kỳ Phật giáo Phát triển: là thời kỳ lịch sử mà tư tưởng trên hưng thịnh, truyền bá rộng rãi và trở thành một tư tưởng nổi bật nhất của Phật giáo
Tư tưởng Phật giáo Đại thừa đã có thời kỳ thời Đức Phật trong thời kỳ Phật giáo Bộ phái, tư tưởng này đã hình thành tương đối rõ ở Đại chúng bộ và xen lẫn trong giáo nghĩa của các phái khác.
Nói đến Phật giáo phát triển (Đại thừa) trước hết người ta thường nhắc đến tên tuổi của ngài Long Thọ, vì Ngài là người có công trong việc chú thích các bộ kinh căn bản, hệ thống giáo nghĩa và hoằng dương cho tư tưởng này rất tích cực.
Toàn thể đại chúng được tìm hiểu Phật giáo thời đại qua các ngài như ngài Vô Trước, ngài Thế Thân, ngài Thanh Biện, ngài Hộ Pháp, ngài Trí Quang và Giới Hiền cũng như sự hình thành và hưng thịnh của đại tòng lâm Na Lan Đà – Trung tâm của thời kỳ Phật giáo phát triển, của mật giáo và thảm họa của đạo Phật trước sự tàn bạo của Hồi giáo…
Tổng kết bài giảng Ni sư đã khái quát Phật giáo Ấn Độ sau thời Đức Phật luôn có những biến thiên, thăng trầm. Điều này là biểu hiện rất sinh động và thực tế đối với Phật giáo, một cơ thể sống gồm các đặc tính khế cơ, khế thời và khế lý, do đó vận động để thích ứng là một sự tất yếu. Diễn biến qua ba thời kỳ của Phật giáo Ấn Độ đã thể hiện điều đó. Tuy nhiên vấn đề cốt lõi là bản chất giáo lý không hề thay đổi, có lúc phân hóa dường như phức tạp nhưng chỉ là một tiến trình nhất quán và liên tục, không có sự gián đoạn hoặc đột ngột, lệch lạc.
Qua bài học Ni sư hy vọng giúp các học viên tại khóa học sẽ có một cái nhìn tổng quát, sơ lược về lịch sử Phật giáo trên quê hương Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Quý Phật tử đã được nghe giới thiệu sơ lược lịch sử Phật giáo Ấn Độ. Điều cốt yếu của người học Phật là phải hiểu một cách thấu đáo và mỗi chúng ta hãy chọn pháp môn tu tập phù hợp với mình để từ đó phát huy nỗ lực tinh tiến tu tập để làm lợi ích cho bản thân, cho đạo pháp và xã hội.