Ngày nhà giáo Việt Nam còn gọi là ngày Hiến chương nhà giáo là ngày kỷ niệm được tổ chức hằng năm vào ngày 20 tháng 11. Đây là ngày hội của ngành giáo dục và là ngày “tôn sư trọng đạo” nhằm mục đích tôn vinh những người làm nhiệm vụ trồng người “người thây giáo nhân dân, người kỷ sư tâm hồn” “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người “. Ngày này là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn với những người thầy giáo. Bởi vì “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.
Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, đó là phẩm chất tốt đẹp mà nhân dân ta mãi giữ gìn và ngày càng phát huy. Trong lịch sử lâu dài của dân tộc, người thầy giáo chân chính, có đạo đức cao trọng luôn luôn là những nhà yêu nước, thương dân luôn xứng đáng với tình cảm cao quý mà nhân dân dành cho.
Dưới chế độ phong kiến đã có những tấm gương sáng ngời của thầy giáo Chu Văn An, dưới đời Vua Dụ Tông -thời kỳ suy sụp nhà Trần- tình hình thế sự thay đổi, vua quan ăn chơi sa đoạ, bọn gian thần tham nhũng, đục khoét dân nghèo ngày một nhiều. Cảm xót trước vận mệnh nước nhà, thầy đã nhiều lần can ngăn và dâng sớ chém 7 nịnh thần nhưng đều bất thành nên cáo quan về dạy học, viết sách cho tới khi mất. Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong hoàn cảnh đen tối của một triều đại suy tàn đã khẳng khái dâng sớ xin chém đầu bọn lộng thần. Nguyễn Trãi, lĩnh hồn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, người viết “Bình Ngô đại cáo” đã từng là thầy dạy học ở thành Đông quan. Thầy giáo Nguyễn Thiếp không đành ẩn dật nơi thâm sơn cùng cốc, trong cơn hoạn nạn của nước nhà ông sẵn sàng ra giúp người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh và sau khi yên giặc thầy đã mở Viện Sùng chính để chỉnh đốn việc học cho cả nước.
Người thầy giáo lớn của đất phương Nam có chí khí và đạo đức cao đẹp, đó là Võ Trường Toản. Học trò quý mên thầy không chỉ buổi sinh thời và cả sau khi qua đời (lúc giặc Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ học sinh đã dời mộ thầy về miền Tây, nơi còn là vùng đất tự do). Không ai có thể quên hình ảnh người thầy giáo, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, bị mù lòa lúc còn sung mãn nhưng đã không từ bỏ lý tưởng của mình và ông đã sống một cuộc đời thanh cao yêu nước thương dân, không hợp tác với giặc và đề cao nhân nghĩa.
Trong phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược bấy giờ đã xuất hiện những thầy giáo nổi bật như Phan Bội Châu, ông “lấy câu chuyện và nhân vật lịch sử làm dụ để giáo dục một tư tưởng, một đường lối” như các tác phẩm: “Kỷ niên lục”, “Sùng bái giai nhân”, “Hoàng Phan Thái”, “Việt Nam nghĩa liệt sĩ” nói về cuộc đời hoạt động và thành tích chiến đấu của những anh hùng xả thân cứu nước; hoặc “Việt Nam vong quốc sử”, “Việt Nam quốc khảo sử” là những tác phẩm có giá trị và tác dụng lớn trong phong trào yêu nước chống Pháp.
Ngoài ra, các tác phẩm của Phan Bội Châu còn là một bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác của thực dân Pháp cướp nước và ca tụng lòng yêu nước, chí khí anh hùng của các nghĩa sĩ chống Pháp. Nhà chí sĩ thầy giáo Trần Quý Cáp, năm 1906 khi ông làm giáo thụ ở Khánh Hòa, Khi phong trào chống thuế ở Quảng Nam bị đàn áp nhà chức trách Khánh Hòa đã chú ý đến ông và lục soát thư từ tài liêu của ông. Họ tìm thấy thư ông viết gửi bạn “ngô dân thứ cử, khoái, khoái” (dân ta làm như vậy, thích, thích quá…) nên đã kết án ông “mạc tu hữu” (đại phản nghích, không cần có) và xử tử ông tại cầu Sông Cạn, Diên Khánh, Khánh Hòa, lúc đó ông mới 38 tuổi. và còn các nhà giáo Nguyễn Thượng Hiền, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền… đã đóng vai trò quan trọng trong việc vận động nhân dân đứng lên cầm vũ khí chống giặc. Cả một thế hệ nhà giáo sau này như Trần Phú, Hà Huy Tập, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đức Cảnh, Châu Văn Liêm, Phan Đăng Lưu, Võ Nguyên Giáp… đã sớm thành những cán bộ ưu tú, có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc mãi mãi đi vào lòng quần chúng nhân dân.
Hơn hết cả, kết tinh cho hình ảnh cao đẹp của nhà giáo Việt Nam là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu cuộc đời hoạt động yêu nước của mình bằng nghề dạy học. Đó là thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết). Người đã có một số quan điểm giáo dục cụ thể, hiện đại: dạy vừa sức học sinh, dạy trên lớp kết hợp với thực tiễn, tôn trọng nhân cách học sinh, dạy chữ, dạy người… Đây chính là nền tảng cho nền giáo dục nước nhà mà hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trong suốt cả một đoạn đường lịch sử oai hùng của dân tộc những nhà giáo ưu tú xuất hiện là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước thương dân, có ý chí bất khuất trước kẻ thù, có lòng nhân ái sâu sắc, có tính vị tha cao cả, họ sống giản dị dù bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng không màng danh lợi, không chuộng hư vinh, luôn luôn giữ gìn tâm hồn cao khiết.
Trong lịch sử hào hùng của dân tộc, tiếp bước cha anh lớp lớp các thầy cô giáo của bao thế hệ đã tận tình tâm huyết với nghề đã tạo nên những truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam để cho mỗi chúng ta học tập và phát huy. Ngày hôm nay, trong bộn bề khó khăn của nền kinh tế thị trường, đất nước đang bước vào thời kỳ mới – thời kỳ hội nhập quốc tế – công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, hàng vạn thầy cô giáo đang mang trong mình một trọng trách lớn đóng góp trí tuệ và công sức của mình để làm chuyển biến một bước mới trogn sự nghiệp giáo dục, từ đó có trách nhiệm đào tạo lớp người lao động mới có đủ phẩm chất, đạo đức và tri thức khoa học để xây dựng đất nước phát triển “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Ôn lại truyền thống nhà giáo Việt Nam, chúng ta càng thêm yêu nghề dạy học, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Có gì vẻ vang hơn là đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất, những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.
Hôm nay, ngày 20/11/2014 Kỷ niệm lần thứ 32 (1982-2014) Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thể hiện lòng biết ơn đối với các Thầy cô giáo. Bởi vì “Muốn sang thì bắt cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy” Nhân dịp này kính chúc quý Thầy Cô giáo vui, khỏe, an lành, hạnh phúc có một ngày Nhà Giáo Việt Nam thật vui, dạt dào yêu thương, ấm tình đồng nghiệp….
Trí Bửu – Tháng 11/2014