Chùa Xá Lợi tọa lạc tại 89, Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP HCM. Tôi đến đây không phải lần đầu bởi tôi biết nơi đây có một thư viện sách quý. Gần 6.000 cuốn sách bằng các thứ tiếng như Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Việt… luôn làm thỏa chí người mê sách và biết 5 thứ ngôn ngữ như tôi. Nhiều cuốn sách rất hiếm và quan trọng.
Chùa Xá Lợi có một người thầy chuyên dạy thư pháp. Khá nhiều học trò từ khắp mọi nơi đến đây không chỉ để khám phá ra vẻ đẹp tiềm ẩn, những ý nghĩa sâu ra, những tâm tư của con chữ mà để học viết thư pháp. Nhiều việt kiều từ khắp năm châu cũng là học trò của thầy. Người thầy dạy thư pháp ở ngôi chùa đặc biệt này có cái tên cũng rất ý nghĩa: Chính Trung.
Thầy Chính Trung viết thư pháp rất đẹp. Tôi bị hút hồn ngay lần đầu tiên đến đây vài năm về trước. Và mỗi lần đến Sài Gòn tôi lại tìm cho mình 1 cơ hội ghé qua chùa Xá lợi. Thầy Chính Trung đặc biệt rất nhiệt tình. Thầy cũng thích trà mạn Thái Nguyên miền bắc. Thầy bảo uống loại trà này lúc đầu đắng miệng, nhưng càng về sau càng ngọt giọng, ngọt cổ.
Thầy nói rằng uống nhiều đâm nghiện nên không còn thích mấy loại trà ướp trong này nữa. Vậy là tôi có duyên may hay gửi trà biếu thầy.
Tôi có may mắn được thầy tặng chữ mỗi lần vào Sài Gòn. Có lẽ mấy chục bức thư pháp mà tôi đang sở hữu cũng đủ để mở 1 triển lãm nho nhỏ. Biết tôi là thầy giáo nên thầy tặng tôi chữ “thầy” kích cỡ quãng hơn 1 mét với câu “Thầy là con đò nhỏ; Đưa con qua bến bờ. Con không là lữ khách; Qua sông trong thờ ơ”.
Rồi chữ Thái Hà với câu “Chảy nữa đi sông ơi”. Những chữ khác như “Tiếp – tâm định cứ tiếp tục”, chữ Zen (Thiền) theo tiếng Nhật làm tôi ngắm mãi không chán.
Các chữ “Phật” và “Ngộ” rất có ý nghĩa với một Phật tử đang tu tập như tôi mà tôi đang treo tran trọng trong phòng thiền. Rồi câu “Đọc sách xưa nay nâng niu từng chữ nghĩa; Noi gương hiền thánh vun đắp khối tình người”,… được tôi treo ở cơ quan. Còn chữ Hùng với chính tên mình kèm theo câu “Nhẫn giả vô địch; Dĩ hòa vi phương” thì tôi treo ngay trong phòng làm việc của mình.
Ngày hôm nay, thứ 6, tức mười tư tôi lại dành trọn buổi sáng đến ngắm sách và thư pháp. Khách đến khá đông và đang bình phẩm từng bức tranh. Thầy Chính Trung ân cần giải thích ý nghĩa mỗi bức, với mỗi nét mực và từng từ. Tôi ngắm mãi không chán. Càng ngắm càng mê. Mà mỗi lần ngắm lại thấy thêm 1 ý mới. Hinhg như thư pháp nơi đây là TÂM THƯ PHÁP chứ không chỉ là thư pháp bình thường. Mà đã là tâm thì canà gì phải giải thích, cần gì phải hiểu nghĩa.Thật là tuyệt vời.
Tôi rất thích chữ THẦY mà mình được tặng năm 2011. Tác giả bức tranh thư pháp này nói rằng trong chữ Thầy có tất cả. Thầy là người lái đò đưa khách qua sông. Con đò (hay thuyền) ở đây chính là chữ T. Dấu huyền giống như 1 đèn pha. Nếu chữ thầy thiếu đi dấu huyền sẽ thành thây, tức xác chết. Đèn soi sáng đường cho trò đi là rất quan trọng. Và tôi chợt nhớ đến câu “Ơn giáo dưỡng 1 đời nên huệ mạng; Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”. Hay quá! Còn chữ Y chính là mái chèo đưa thuyền tiến về phía trước. Chúng ta đi đâu? Từ bờ bên này đến bờ bên kia. Từ ngu dốt đến với tri thức. Từ mê sang tỉnh.
Triển lãm thư pháp ở chùa Xá Lợi kéo dài quanh năm. Lúc nào đến đây bạn cũng có thể ngắm thư pháp và đàm đạo về từng nét chữ. Tuy nhiên, mỗi mùa Phật Đản về, triển lãm có thêm nhiều tác phẩm hơn, khách cũng đông hơn và sự bình phẩm, phân tích cũng nhiều hơn, thú vị hơn.
Cả buổi sáng ngày cuối tuần ở chùa Xá Lợi mà thấy ít quá. Thời gian trôi nhanh làm sao. Trưa mà không muốn về. Một ngày thật ý nghĩa. Vừa lễ Phật, vừa ngắm thư pháp. Vừa thăm thầy vừa được uống trà và đàm đạo cùng bạn tu – những người khách từ khắp nơi. Hơn thế nữa, khi về lại được tặng quà. Lần này, quà tôi nhận được là chữ “believe” bằng tiếng anh. Niềm tin là lá bùa hộ mệnh cho mỗi chúng ta. Một món quà không thể ý nghĩa hơn!
Gõ đến những dòng chữ này, tự nhiên tôi nghĩ: Ngôi chùa Xá Lợi nên có thêm tên mới – chùa Thư Pháp. Bởi đây là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam có dạy thư pháp và triển lãm tranh thư pháp quanh nắm.
Ngày mai tôi bay về Hà Nội. Thế là tôi có may mắn đón mùa Phật Đản ở cả 2 đầu đất nước. Tôi quyết định mang tinh thần và dấu ấn chùa “Thư Pháp” về với thủ đô. Để các Phật tử phía bắc có cơ hội thưởng thức và sẻ chia.
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty sách Thái Hà