Trang chủ Văn hóa Nét độc đáo của những ngôi chùa ở Ninh Bình

Nét độc đáo của những ngôi chùa ở Ninh Bình

118

Ở Ninh Bình có nhiều chùa cổ như: Chùa Bàn Long ở thôn Khê Đầu Thượng, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư được hình thành từ trước thế kỷ thứ X. Tấm bia ở vách núi Đại Tượng khắc vào thế kỷ XVI, niên hiệu Nguyên Hoà, tức là đời vua Lê Trang Tông (Duy Ninh) (1533 – 1548), cho biết: “Từ thành cổ Hoa Lư men theo núi đá đi về phía Nam đến làng Khê Đầu ở đó có chùa Bàn Long. Đây là danh thắng từ ngàn xưa. Trải các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, chùa này càng thêm nổi tiếng”.

Chùa Hoa Sơn ở thôn Áng Ngũ, xã Ninh Hoà, huyện Hoa Lư cũng có trước thời Đinh. Chùa đã có từ lâu, là nơi nuôi ấu chúa. Cho nên có tên là Phôi Sinh Tự. Nhân dân vùng này quen gọi là chùa Bà Đẻ.
 
Chùa Thiên Tôn thuộc thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư ngày nay, cũng được xây dựng từ trước thời Đinh. Tương truyền khi mới đứng đầu một sứ quân, trước lúc đem quân đi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh nghe đồn động Thiên Tôn thờ thần Trấn Vũ Thiên Tôn rất thiêng và ở đó có chùa, đã sửa lễ mong Phật và Thần Thiên Tôn giúp đỡ.
 
Thời Đinh và Tiền Lê, ở khu vực Kinh đô Hoa Lư (thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) đã xây dựng nhiều chùa. Chùa Tháp có tháp Báo Thiên nằm gần sông Hoàng Long, được xây dựng ở thời Đinh. Chùa Bà Ngô cũng nằm gần sông Hoàng Long được xây dựng ở thời Đinh. Chùa Đìa, chùa Am nằm ở khu vực thành Ngoại thuộc Kinh đô Hoa Lư xưa cũng có ở thời Đinh. Chùa Nhất Trụ, được xây dựng từ đời vua Lê Đại Hành. Trước cửa chùa có cột kinh bằng đá hình tám cạnh, khắc bài “Kinh Lăng Nghiêm”. Chùa Ngần nằm trong Thành Nội ở Kinh đô Hoa Lư được xây dựng từ thời tiền Lê. Như thế ở Ninh Bình có rất nhiều ngôi chùa cổ.
 
Điều độc đáo thứ hai của chùa ở Ninh Bình là những chùa lớn đều nằm trong các núi đá. Nếu ở tỉnh Hà Tây có chùa lớn nhất nước – chùa Hương – “Nam thiên đệ nhất động” nằm trong núi đá, thì ở Ninh Bình có “Nam thiên đệ nhị động”, “Nam thiên đệ tam động” cũng nằm trong núi đá.
 
Khi xây dựng Kinh đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư), vua Đinh Tiên Hoàng đã dựa vào nhiều trái núi để làm thành, dùng một số hang động để làm kho. Ông đã biết khai thác triệt để thiên nhiên nhằm phục vụ cho con người. Vì thế người dân thời đó cũng dựa vào một số hạng động đẹp để làm chùa.
 
Ninh Bình có nhiều núi đá vôi nên có nhiều hang động đẹp. Bản thân các hang động đó đã đẹp rồi, nên làm chùa ở trong hang động càng đẹp thêm lên. Đó là sự hoà nhập giữa con người và thiên nhiên. Những chùa lớn ở Ninh Bình nằm trong hang động, bây giờ là những điểm tham quan du lịch hấp dẫn và lý thú như: Chùa Bích Động ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, được mệnh danh là động đẹp thứ hai ở trời Nam; chùa Địch Lộng ở xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, được mệnh danh là động đẹp thứ ba ở trời Nam.
 
Ngoài ra, Ninh Bình còn khoảng 15 chùa khác cũng nổi tiếng nằm trong các hang động đẹp là: Chùa Bàn Long (xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư); chùa Hoa Sơn (xã Ninh Hoà, huyện Hoa Lư); chùa Đìa, chùa Am, chùa Am Tiêm (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư); chùa Phong Phú, chùa Trung Trữ (xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư); chùa Động Mát (xã Yên Sơn, thị xã Tam Điệp); chùa Hang (xã Yên Mạc, huyện Yên Mô); chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn); chùa Thanh Sơn (xã Gia Vân, huyện Gia Viễn); chùa Linh Cốc (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư); chùa Kỳ Lân (xã Gia Phương, huyện Gia Viễn)… Tất cả những chùa này đều là hang động.
 
Điều độc đáo thứ ba về chùa ở Ninh Bình là một số ngôi chùa nằm trong hang động đẹp, đều được các vua chúa đến thăm và đặt tên chùa.
 
Chùa Bàn Long đã được chúa Trịnh Sâm đến thăm và đặt tên là “Bàn Long Tự”. Chùa Bích Động chúa Trịnh Sâm cũng đến thăm và đặt tên là “Bích Động”. Chùa Địch Lộng đã được vua Minh Mạng đến thăm và tặng cho 5 chữ “Nam thiên đệ tam động”. Năm 1842, vua Thiệu Trị cũng đến thăm chùa Địch Lộng và ban tặng cho chùa 100 quan tiền. Chùa Hoa Sơn, vua Tự Đức cũng đến thăm và đặt tên cho chùa là Hoa Sơn…
 
Ngoài ra, một số chùa ở Ninh Bình còn được nhà vua trực tiếp cho xây dựng. Chùa Sở ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư do vua Trần Thái Tông về đây lập Hành cung Vũ Lâm đã cho xây dựng. Vua Trần Thái Tông còn lập ra chùa A Nậu thuộc thôn Đái Nhân, nay thuộc thành phố Ninh Bình, cấp cho chùa 160 sào ruộng… Như thế một số chùa ở Ninh Bình đã gắn liền với tên tuổi các vua, chúa qua các triều đại phong kiến. Đó cũng là niềm tự hào của Ninh Bình.
 
Đến nay, có hàng chục ngôi chùa ở Ninh Bình đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá.                          
(báo Ninh Bình điện tử)