Mùa xuân ở Xóm Mới Làng Mai luôn ngập tràn hoa với đủ các loại, đủ mọi màu sắc và đua nở khắp nơi. Hoa bồ công anh vàng, hoa cúc trắng dại trải thảm dưới chân, hoa tulip đủ màu, và nhiều loại hoa không thể nhớ hết tên ở bên tường, bên bờ rào, cạnh lối đi. Chỉ cần bước ra khỏi cửa, ta có thể thấy cả một vùng trời hoa: hoa mận trắng xóa trên đầu, hoa táo phơn phớt hồng, hoa đào rực đỡ cả một vòm trời. Tôi đang được sống trong một rừng hoa như vậy nên chẳng còn nhu yếu ngắt một cành hoa nào về trang trí bàn học như ngày xưa nữa. Tôi thấy quá đủ đầy và không nỡ để chúng rời xa nơi sống của mình, dù chốn ấy là nơi bình dị ven đường hay dưới chân người qua lại. Chúng chỉ đẹp nhất khi ở nơi chúng thực sự thuộc về.
Mùa xuân cũng là khi chim về xây tổ ấm. Mỗi sớm mai thức giấc, dù đang ở trên tầng gác mái trong tòa nhà xa khu vườn đầy hoa thì lòng tôi vẫn hân hoan bởi tiếng chim. Chúng líu lo suốt ngày từ sáng sớm đến chạng vạng tối. Và thường tập trung ở những lùm cây to, có lẽ đó là một ngôi nhà lớn an toàn cho chúng. Có lần, khi đang đứng chào hỏi sư cô Chân Đức, sư cô nói “Xóm Mới có nhiều chim quá ha!”. Tôi trả lời “Dạ, nhiều lắm ạ!”, rồi không biết nói gì hơn vì khung cảnh bình yên và đẹp quá. Lời lẽ không thể diễn tả được sự mầu nhiệm của thiên nhiên và năng lượng bình yên, hạnh phúc của nơi này. Tôi chỉ có thể cảm nhận mọi thứ bằng cả thân tâm mình. Giây phút đứng bên một vị tu hành đức độ có nhiều niềm vui, sự bình yên thì lời lẽ không còn cần thiết. Sự có mặt của họ đã là một nguồn an lạc cho những người xung quanh.
Là những người xuất gia, chúng tôi cố gắng duy trì nếp sống đơn giản mà gần gũi với thiên nhiên. Nhưng vì đang ở trong thời đại của truyền thông mạng – là cách hữu hiệu để kết nối tu học với mọi người, nhất là giai đoạn virus corona ngăn cách gặp gỡ trực tiếp, nên tu viện cũng phải trang bị những thiết bị điện tử để kết nối với thiền sinh khắp nơi. Con đường của Làng là đạo Bụt dấn thân, chúng tôi cũng tìm cách để mang những khóa tu trực tuyến đến với muôn nơi, mong giúp người tu tập, chuyển hóa. Công việc này khiến mỗi người phải tiếp xúc nhiều hơn với các thiết bị điện tử. Nhưng thật may là thời khóa tu tập hàng ngày như thiền hành ngoài trời, thiền tọa hay các lớp học của tu viện đã giúp tôi không phải ngồi quá lâu trước máy vi tính.
Với tôi, thực tập đi thiền như là một chuyến đi “tắm rừng” (forest bathing). Tắm rừng là thuật ngữ của giới khoa học với liệu pháp trị liệu đi bộ trong rừng cho con người đang dần trở nên mắc nhiều căn bệnh từ thân cho tới tâm bởi lối sống xa rời thiên nhiên. Liệu pháp này đã rất thịnh hành ở Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nơi khác để giúp con người trở về tiếp xúc thiên nhiên, để được trị liệu những căng thẳng từ đời sống hiện đại. Nó còn dành để chữa trị cho những đứa trẻ đang dần đánh mất bản thân bởi các loại trò chơi điện tử. Mỗi khi đặt chân trên lên đồi mận Xóm Mới, thân tâm tôi như được buông thư. Tôi như hòa vào với thiên nhiên chung quanh mà không cần bất cứ một sự cố gắng nào. Rừng cây bao bọc tôi, che chở và ôm lấy tôi. Tôi có cảm giác mình đang được tắm, được ngâm mình vào màu xanh mát dịu của lá, có hương thơm cỏ hoa thoang thoảng cùng với tiếng gió tiếng chim. Nhiêu đó thôi cũng đã giúp tôi rũ bỏ được biết bao suy tư trong cái đầu bé nhỏ của mình.
Thiên nhiên không chỉ nuôi dưỡng ta, mà còn dạy cho ta rất nhiều bài học bổ ích trong cuộc đời. Tôi rất ấn tượng khi nghe ý này trong một lần chia sẻ của sư cô Thoại Nghiêm tại Xóm Mới. Theo quan sát và kinh nghiệm trồng cây đã nhiều năm của sư cô thì những cây mận của Làng là cây mận ghép giữa phần thân trên là mận lai trồng và phần gốc là mận dại. Nhờ gốc mận dại nên cây có khả năng thích ứng với môi trường sống nhanh hơn và sức sống cũng mạnh mẽ hơn. Mận dại thường mọc thành bụi để bảo vệ lẫn nhau mà không chỉ một gốc đơn lẻ như mận trồng. Các gốc cây mận hay mọc lên nhiều cành nhánh nhỏ, ta phải cắt tỉa nếu không muốn nó trở nên um tùm như mận dại và cũng để chúng dồn sức nuôi thân cây chính mà cho nhiều trái to như loài mận trồng. Sư cô nói người tu cũng vậy, nếu không chăm sóc tập khí tốt của mình và thường xuyên tỉa đi những tập khí hoang dã của bản thân thì ta cũng như mận dại um tùm gai góc mà không có được trái ngọt nào.
Mùa xuân này, tôi đã có một sự khám phá nho nhỏ về những bông hoa bồ công anh. Vì tôi đã rất thắc mắc về quá trình phát triển của chúng. May thay hoa trong vườn đang biểu hiện với từng hình dáng phát triển khác nhau cho tôi dễ dàng tiến hành cuộc tìm hiểu của mình. Khi những nụ hoa mới chớm nở sẽ điểm chút màu vàng trên đầu, rồi có những bông hoa với các cánh bung nở vàng rực trong nắng. Lại có những bông khác, cánh đã trở nên nâu sẫm héo úa và rụng đi, chỉ còn đài hoa xanh bên ngoài bao bọc, nuôi dưỡng phần nhụy bên trong. Có những bông thì hé lộ một chút phần nhụy hoa đã đổi thành màu trắng. Có những bông đã trở nên như những cục bông gòn trắng tinh khôi. Từng cọng nhỏ từ cục bông gòn ấy như chong chóng bay đi khắp nơi, gieo hạt mầm cho những mùa hoa bồ công anh tới. Tôi đã chụp lại những giai đoạn biểu hiện của một bông hoa bồ công anh với đầy thích thú như khi tham dự chuyến đi tìm hiểu về sinh vật học của mình thuở còn là một học sinh.
Con người hay người tu cũng như hoa bồ công anh. Khi nhỏ, ta e dè như nụ hoa chớm nở, từng bước dò dẫm học hỏi đi ra cuộc đời. Đến tuổi trưởng thành, như một bông hoa bung nở, ta xông xáo bước ra làm việc đầy nhiệt huyết, cống hiến sức khỏe, năng lượng cho sự nghiệp của tăng thân và thực hiện lý tưởng tu học, chuyển hóa bản thân và phụng sự. Khi tới giai đoạn trung niên của đời người, như bông hoa buông xuống những cánh vàng rực rỡ và trở về nuôi dưỡng tinh anh, ta biết đi từng bước chậm rãi bình an và chắc chắn. Cho tới một ngày, những tinh anh đó như những hạt bồ công anh theo gió bay xa, gieo mầm khắp nơi để tạo nên những bông hoa đẹp đẽ cho thế hệ sau. Đó là sứ mệnh của những bậc trưởng thượng luôn muốn xây dựng thế hệ tương lai trên con đường tu đạo.
Sư Ông Làng Mai rất yêu thiên thiên, trân quý những mầu nhiệm của sự sống và luôn truyền lại tinh thần này cho các đệ tử. Thầy có thể ngồi yên rất lâu bên cửa sổ ngắm nhìn khoảng sân trước nhà. Thị giả kể rằng, họ thường đẩy xe lăn của Thầy đến ba cây tùng mà Thầy đã tự tay trồng từ mấy chục năm trước để ngồi chơi hóng mát. Một hôm cũng tại nơi đó, Thầy đã nhờ thị giả lượm những bông hoa rơi trên cỏ, rồi bằng một tay còn cử động được Thầy đưa lên mũi ngửi, và lần lượt đưa hoa lên mũi của từng thị giả cùng các đệ tử xung quanh. Thầy trân quý từng thứ nhỏ nhất quanh mình và dạy cho đệ tử biết tận hưởng những nhiệm mầu đó của cuộc sống. Thầy thấy một cây hoa ngọc lan không còn được xanh tươi nữa, Thầy chỉ vào cây và cố gắng ra hiệu cho đến khi đệ tử hiểu được là phải thay đất, thay chậu và tưới nước cho cây. Đến nay cây ngọc lan đó đã lớn lên mạnh mẽ nhờ sự quan tâm của Thầy. Sau này, mỗi khi nhìn cây ngọc lan, các đệ tử lại nhớ đến Thầy mình cùng với tình thương của Người dành cho cây cối.
Một nhà báo nước ngoài đã từng đến Làng Mai phỏng vấn Thầy. Khi thấy Thầy cuốc đất trồng rau, họ nói Thầy có tài viết sách rất hay và khuyên Thầy dành thời gian để viết sách, làm thơ thay vì trồng rau. Vì việc trồng rau có thể để người khác làm. Thầy đã trả lời họ rằng, những bài thơ của tôi được sản sinh từ những giây phút trồng rau, những lúc tiếp xúc thiên nhiên. Nếu không có trồng rau, không sống trong thiên nhiên thì tôi không thể nào làm ra những bài thơ, những cuốn sách như thế.
Con người là một phần của thiên nhiên và không nên tách rời thiên nhiên. Vì thiên nhiên thực sự có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu thân tâm. Tôi biết ơn Thầy đã tạo dựng môi trường tu học bình an và trao truyền tình yêu thiên nhiên cho các đệ tử như tôi. Nhờ đó, tôi mới được sống trong môi trường này, biết cách trân quý, bảo vệ và giữ gìn nó. Và cũng vì có Thầy mà tôi đã biết trở về nguồn cội của con người, biết sống nếp sống giản dị mà có hạnh phúc, bình an, thương yêu và trân quý cuộc sống mà đất Mẹ đã hiến tặng.
Xóm Mới, Làng Mai Pháp, tháng 4/2021
Chân Trăng Tùng Hạc