Diễn đàn Phattuvietnam.net lại sôi nổi với những ý kiến xung quanh vấn đề “chùa to Phật lớn”, nên chúng tôi thấy cần thiết trở lại vấn đề này, trả lời câu hỏi còn đang bỏ lửng ở cuối bài viết Tiền và việc cải đạo tín đồ Phật giáo?
Người viết vẫn ủng hộ việc xây chùa to, Phật lớn. Phước báu của việc này được ghi rõ trong kinh điển, không phải bàn cãi.
Duy chỉ có điều, cần đặt việc xây dựng chùa to, Phật lớn song song với việc tín đồ Phật giáo hàng ngày đang bị cải đạo bằng tiền, để xét xem, chùa to Phật lớn có phải là biểu hiện sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam hay không?
Chúng ta cùng bàn luận câu trả lời.
Chùa to thì chúng ta có thể lấy ví dụ chùa Báo Ân ở Hà Nội. Đầu thế kỷ XX, trên cái nền hoang tàn của chùa Báo Ân, một tôn giáo đi cùng với chủ nghĩa thực dân đã xây lên đó cơ sở dành cho những vị bề trên nước ngoài cư trú điều khiển giáo hội trong nước.
Những tín đồ làm việc đó chắc chắn là cháu chắt của những Phật tử mà mấy trăm năm trước đã cải đạo, mà rất có thể cũng vì tiền, tiền mua đạo trong hoàn cảnh khốn khó.
Còn Phật lớn thì có thể lấy ví dụ 2 pho tượng Phật ở Afghanistan. Những người đặt mìn phá hai pho tượng Phật khổng lồ, là công trình điêu khắc có một không hai trên thế giới, hẳn là cháu chắt nhiều đời của những Phật tử địa phương đã kiến tạo nên hai pho tượng đó. Taliban là người tại chỗ, đâu phải là người từ nước nào đến.
Để phá hủy công trình thể hiện sự kính ngưỡng của không biết là bao nhiêu người, đầu tư không biết bao nhiêu công sức, tồn tại qua hàng ngàn năm, cả thế giới coi là vô giá, chỉ cần vài giây, với thứ vũ khí đơn sơ nhất: những quả mìn.
Cải đạo rồi, họ tàn nhẫn đến mức man dại với ông bà tổ tiên của họ.
Ở miền Bắc nước ta, đúng là có rất nhiều ngôi chùa xây dựng từ thời Lý Trần. Nhưng trong kháng chiến chống Pháp, những người phá hủy những ngôi chùa đó, những đội quân mang dấu thánh từ những vùng gọi là tỉnh tự trị của một tôn giáo, với những thầy tu bản xứ khoác áo sĩ quan, cũng chính là cháu chắt của những người trước đây mấy trăm năm đã theo đạo Phật, rồi cải đạo. Ông bà của họ cải đạo, nhưng không nỡ phá chùa, đốt chùa. Nhưng cháu chắt của họ thì không còn nhớ gì tôn giáo tổ tiên nữa, mà sẵn sang đốt chùa, đập tượng, cắm lên đó những cây thánh giá lạnh lùng mang đến từ những tàu chiến của người Tây ngoài biển.
Bây giờ, ở Hàn Quốc con cháu của những người sống trên bán đảo Cao Ly từng theo đạo Phật chưa phá chùa đập tượng, nhưng họ cũng đang làm cái việc gần giống như thế: loại bỏ tên các ngôi chùa ra khỏi bản đồ, phá bỏ những bản chỉ dẫn đến những ngôi chùa…
Một bài về việc này đăng trên Phapluanonline viết “Năm 2006, trong một hội nghị mở rộng của Tin Lành tại Bussan, các tín hữu Tin Lành đã đồng thanh “cầu nguyện” “tất cả tự viện Phật giáo sẽ phải hư hủy”. Và Tổng thống Lee Myung – bak, tín đồ Tin Lành, lúc bấy giờ đang làm thị trưởng Seoul, đã gửi điện văn chúc mừng hội nghị này. Sau đó, ông có lời xin lỗi và nói rằng, ông không biết gì về những lời cầu nguyện này”.
Thế đấy, họ không phải là Taliban, nhưng họ vẫn nghĩ như thế và nếu có điều kiện thì họ vẫn làm như thế. Đều là cháu chắt của những người theo đạo Phật và đã cải đạo đấy chứ.
Như vậy, không khó khăn gì mà nghiệm ra rằng, nếu những tín đồ đạo Phật ở Việt Nam cứ xây chùa to Phật lớn, mà bên cạnh đó vẫn bàng quan với việc cải đạo tín đồ Phật giáo với 3 triệu, 5 triệu đồng đang diễn ra, thì có thể, chưa đợi đến đời cháu, mà chỉ đời con họ đã cải đạo, và “cầu nguyện” những chùa to Phật lớn mà cha mẹ đã góp tiền của xây dựng sớm hư hủy.
Còn nhãn tiền, có đứa con nhận vài triệu đồng tiền cải đạo, về nhà nốc rượu lật cả tượng Phật và di ảnh ông bà, vì không thể chấp nhận việc “mê tín” thờ phượng “bụt thần ma quỷ”!
Ở một số huyện thuộc Nam Định, Ninh Bình, dưới những ngôi thánh đường quy mô hoành tráng mới mọc lên đó, chắc chắn có nền những ngôi chùa bị phá từ mấy trăm năm trước.
Vì vậy, khi hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo vẫn còn, thì xây dựng chùa to Phật lớn vẫn chỉ có thể xây trên nền cát. Vấn đề là ở cái nền.
Điều chúng ta quan tâm không phải là chùa lớn hay chùa nhỏ, Phật lớn hay Phật nhỏ, chuông lớn hay chuông nhỏ. Cái cách phá những pho tượng Phật vĩ đại ở Afghanistan khi Taliban u mê vì bị cả thế giới tẩy chay hay phá một ngôi chùa nhỏ như chùa Một Cột có khác gì nhau? Chỉ khác ở lượng chất nổ mà thôi.
Nên điều chúng ta cần quan tâm là hôm nay, ngày mai, có còn những Phật tử bị cải đạo vì cái giá của một ca mổ lúc ngặt nghèo , của một suất lao động xuất khẩu hay cái giá đánh đổi một đám cưới?
Phật giáo chúng ta đã làm gì để những người theo đạo Phật không lâm vào tình thế cắn rứt đó? Để con cháu họ không hủy phá những gì mà ông bà cha mẹ đã thành kính kiến tạo nên.
Làm những việc thiết thực để giúp những người cùng theo đạo Phật với chúng ta không chịu cái bi kịch cải đạo chính là chúng ta vun bồi nền móng vĩnh cữu để xây trên đó chùa to Phật lớn.
Còn nhìn quanh thấy nay bạn mình cải đạo chỉ vì vài triệu đồng, mai cháu mình cải đạo để làm đám cưới…, thì chúng ta không thể dự kiến tuổi thọ của những ngôi chùa, tượng Phật mới xây bằng chất lượng vật liệu xây dựng.
Và như thế thì còn quan tâm chi đến Phật và chùa to hay nhỏ?