Toàn Phật giáo Việt Nam chỉ sử dụng đến từ Vesak từ năm 2008, năm tổ chức Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc. Sau năm 2008, từ Phật đản được sử dụng lại. Đến năm nay, 2014, với việc tổ chức Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc, từ Vesak được sử dụng trở lại một lần nữa.
Nhân việc tổ chức Đại lễ Vesak 2014, từ Vesak được dùng trở lại, thì đây là cơ hội sử dụng thống nhất từ Vesak thay cho từ Phật đản.
Tại sao lại đặt vấn đề sử dụng từ Vesak thay thế từ Phật đản?
Vesak đã là một từ có tính chất quốc tế. Ngày nay, ở các nước Phật giáo Nguyên thủy và nhiều nước khác trên thế giới, nói từ Vesak là mọi người hiểu ngay, thay cho cụm từ Phật đản, ngày sinh của Đức Phật.
Nhưng vấn đề không phải chỉ là việc thông dụng hay phổ biến. Từ Vesak có nội hàm được sự chấp nhận cao trong giới Phật giáo thế giới và Việt Nam, điều không có ở từ Phật đản. Chính vì lý do này khi dự các hội nghị Phật giáo thế giới, chúng ta cũng thấy đoàn Việt Nam cũng dùng từ Vesak, và khi Việt Nam tổ chức lễ mà như Phật giáo Việt Nam vẫn quan niệm, lễ Phật đản Liên hiệp quốc, thì từ Vesak cũng được sử dụng. Đại lễ Vesak, theo Phật giáo Nguyên thủy, là đại lễ tam hợp (tập hợp 3 ngày lễ lớn: đản sinh, thành đạo và niết bàn của Đức Phật).
Trong khi đó, Phật đản lại là một khái niệm không có trong Phật giáo Nguyên thủy, gồm cả khối các nước Phật giáo nguyên thủy thế giới. Bởi lẽ, theo quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy, không có Đức Phật đản sinh mà chỉ có Bồ tát đản sinh.
Nói các nước Phật giáo Nguyên thủy (Sri Lanka, Myanma, Thái Lan…) không có quan niệm về ngày Phật đản, thoạt nghe có vẻ buồn cười, nhưng đúng thực như thế.
Đó là vì các nước Phật giáo Nguyên thủy không có quan niệm về sự thị hiện của Đức Phật như Phật giáo Bắc tông. Trong đó, Phật đản là một sự kiện biểu trưng cho thị hiện.
Các nước Phật giáo Nam tông quan niệm Đức Phật lịch sử là kiếp sau cùng của một vị Bồ tát đã tu hành nhiều năm. Chúng ta chú ý danh từ Bồ tát dùng để chỉ Đức Phật trước khi thành đạo trong các bộ kinh Nikaya. Chỉ khi thành đạo, Đức Bồ tát mới trở thành Đức Phật. Sự kiện sinh ra là sự kiện trước khi thành đạo, vì vậy, các nước Phật giáo Nguyên thủy không cho là có Phật đản, mà chỉ có Đức Bồ tát đản sinh.
Vì vậy, sử dụng từ Vesak vừa là đúng hợp được các truyền thống Bắc tông và Nam tông, vừa thể hiện sự đoàn kết, hội nhập Phật giáo Việt Nam vào Phật giáo thế giới.
Danh từ Vesak bao gồm cả 3 ngày lễ đản sinh, thành đạo và niết bàn. Như thế, nếu sử dụng thì liệu có chăng ý nghĩa phủ nhận 2 ngày lễ thành đạo và niết bàn theo Phật giáo Bắc tông?
Quá trình sử dụng danh từ Vesak trong năm 2008 và hiện nay năm 2014, đã cho thấy không có sự phủ nhận đó. Tăng ni Phật tử Việt Nam đều hiểu Vesak chỉ là tam hợp theo truyền thống Nguyên thủy, trên hết là lễ Phật đản. Lễ vía Phật thành đạo theo truyền thống Bắc tông vẫn được tổ chức bình thường và có chùa tổ chức ngày càng lớn. Vì vậy, không ngại có sự phủ nhận.
Truyền thông hiện đại, nhất là truyền hình và internet, đã làm cho từ Vesak trở nên hết sức phổ biến trong xã hội. Phật giáo Việt Nam nên khai thác thuận lợi này, Việt hóa tuyệt đối từ Vesak, dùng chính thức từ Vesak thay cho từ Phật đản.
Tác động của việc này sẽ là ngày lễ được xác định là lớn nhất của Phật giáo Việt Nam sẽ ngày càng mang tính thế giới hơn, thúc đẩy Vesak trở thành một ngày lễ tôn giáo lớn nhất thật sự tại Việt Nam, thay vì chỉ dùng từ Vesak để chỉ những dịp đăng cai đại lễ của Liên hiệp quốc.
MT