Xứ Huế là kinh đô xưa của đất Việt, bởi vậy nhiều nét văn hóa đậm chất dân tộc còn được lưu truyền ở nơi đây, một trong đó phải kể đến là làng hương Thủy Xuân.
Nằm cách trung tâm thành phố Thừa Thiên – Huế khoảng 7 km theo hướng Tây Nam, ngôi làng xinh đẹp này nằm ẩn mình dưới chân đồi Vọng Cảnh, và âm thầm chảy trôi cùng dòng sông Hương thơ mộng hữu tình. Hầu hết người dân sống ở đây đều làm nghề se hương nên sáng sáng lại thấy các bông hoa hương xanh đỏ khoe sắc tỏa mùi khắp khoảng không gian rộng lớn.
Trước đây, hương chỉ có hai màu nâu và đỏ. Nhưng để bắt mắt du khách, những người thợ cần mẫn đã tìm cách phối thành nhiều màu để nhuộm chông.
Từng bó chông hương với đủ loại màu sắc, xòe thành từng chùm, dựa vào nhau rồi tỏa ra như những đóa hoa và cứ thế níu chân không biết bao đoàn du khách.
Đến đây vào bất cứ mùa nào, bạn cũng sẽ bắt gặp hình ảnh quen thuộc của những người nghệ nhân và cảm nhận được hương thơm thanh khiết làm nên tên tuổi một làng nghề.
Còn gì thú vị hơn khi được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm ra sản phẩm, từ lúc nó chỉ mới là các nguyên liệu thô bao gồm: ngũ vị thuốc Bắc, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi, quế, trộn đều với nước cho đến lúc se hương, chuốt tre làm ruột.
Ở làng Thủy Xuân, người người làm hương, nhà nhà làm hương, nghề truyền thống của ông cha để lại dường như đã “ăn sâu vào máu thịt” nên họ làm hương bằng niềm say mê trân quý. Nhìn những bàn tay thoăn thoắt không một phút nghỉ ngơi mới thấu hết được niềm tâm huyết, từng sản phẩm nhỏ bé sinh ra như bồi đắp thêm tình yêu với cái nghề này.
Các công đoạn làm hương đều được thao tác vô cùng tỉ mỉ. Từ khâu tuyển chọn nguyên liệu, bao gồm ngũ vị thuốc bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi; ngoài ra còn kèm thêm cả vỏ quả bưởi rừng, hoa bưởi khô, quế, bạch đàn… để làm nên bột hương. Sau đó đến công đọan làm lõi hương.
Tăm hương là phần lõi được vót từ ruột tre già sau đó mang nhúng vào phẩm màu để tạo chân hương. Để có được màu sắc tươi tắn cho chân hương, người thợ hòa một lượng bột màu thích hợp trong nước nóng, nhúng chân hương qua vài lần, sau đó đem phơi khô nhiều ngày nữa. Chất keo được tạo thành từ vỏ cây bời lời.
Bột trầm được pha trộn với tỷ lệ thích hợp từ nhiều nguyên liệu khác nhau như trầm và các vị tùng, trắc, quy đầu, bạch chỉ, hắc hương, hoa hồi, quế chi, ngoài ra còn kèm thêm cả vỏ quả bưởi rừng, hoa bưởi khô, quế, bạch đàn… Sau đó, các thành phần sẽ được đem trộn đều với nước sao cho hỗn hợp bột đạt độ “dẻo quánh” là có thể bắt đầu công đoạn se hương.
Se hương là một trong những công đoạn khó nhất trong quy trình làm hương và quyết định đến tính thẩm mỹ của sản phẩm. Khi se hương, người thợ phải lăn thật nhẹ và chắc tay để cho bột bám đều vào que hương. Hương sau khi se xong phải đủ nắng mới không bị mốc và để được lâu.
Làm ra “sợi nối tâm linh” nên người làng Thủy Xuân đã quá am hiểu đời sống tâm linh của người dân xứ Huế. Văn hóa Phật giáo như mạch nguồn đã hòa quyện và thấm sâu vào tín ngưỡng dân gian truyền thống nơi đây, hình thành nên một nét đẹp văn hóa tâm linh.
Không chỉ cuốn hút du khách bởi vẻ đẹp của những bó chông hương, làng Thủy Xuân còn đặc biệt đem lại sự thích thú cho du khách khi tạo điều kiện để họ tìm hiểu và trực tiếp tham gia vào việc làm hương.
Vào ngày rằm hay lễ Tết, khắp không gian bỗng tràn ngập hương trầm thơm nức. Thứ mùi khiến ta dễ dàng hồi tưởng, nhớ nhung miền quá khứ xa xôi nào đó. Thứ đồ không thể thiếu ấy hiện diện ở tất cả mọi nơi, đốt lên tưởng nhớ người thân đã khuất, hay đơn giản chỉ vì muốn có cảm giác ấm áp, bình an.
Những năm gần đây du lịch trên đà phát triển, Huế mộng mơ nườm nượp đón nhiều đoàn khách từ trong nước đến quốc tế. Họ thăm quan Huế, thăm quan đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức đều không quên ghé làng hương Thủy Xuân Huế bởi vẻ đẹp cuốn hút mà không phải nơi nào cũng có được.
Phạm Trọng Tùng/Pháp luật và Đời sống