Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Nắng mùa đông

Nắng mùa đông

266

Một bộ phim hay là người làm phim chủ ý chừa khoảng trống cho những người thưởng thức đồng sáng tác, đồng cộng hưởng với tác giả để nâng sự cảm thụ tác phẩm lên một tầm cao hơn.


Vì vậy, sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên khi bộ phim: “Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi  lại Xuân” lại có sự cảm nhận rất khác nhau từ nhiều phía.


Mùa xuân: đường thẳng tắp của điện tâm đồ


Màn ảnh hiện dần lên mặt nước trong veo, rồi thể hiện trọn vẹn cảnh một cái hồ, cái hồ có mặt nước phẳng lặng, không dậy sóng. Chính giữa cái hồ có một cái am thờ Phật, từ cái am ấy tỏa lên một làn sương khói cho người ta nhận biết có sự sống ở đây.



Trong cái am có hai con người: một trung niên, một cậu bé; một vị sư ánh mắt còn hốt hoảng, một chú tiểu hồn nhiên phạm giới sát sinh. Và… một con gà. Tiếc thay con gà đó là một con gà trống! Nếu chung quanh bờ hồ không có cây cỏ xanh tươi, hoa lá bỡn cợt khi được làn gió xuân mơn man, ve vuốt thì với những khuôn hình như trên, người xem không thể cảm nhận được mùa xuân.


Một cái hồ mạch nước không thông thương. Một cái am trơ trọi không hàng xóm. Hai con người phái nam và một con gà trống. Sự trầm mặc của cảnh, vật và người nó thẳng tắp như đường biểu diễn của điện tâm đồ.


Theo quy luật sinh tồn: con gà trống không thể sống lâu, vị sư tất yếu phải viên tịch, chú tiểu rồi sẽ già và cũng viên tịch theo, cái am không còn ai hương khói, còn chăng là cái hồ vì đó là vật do trời đất tạo nên. Mùa xuân ấy sao mà ngắn ngủi vì không có dấu hiệu của mùa hạ tiếp theo…


Dù từng khuôn hình rất được chăm chút đẹp như bức tranh tĩnh vật, trong đó hương khói là một sự lay động duy nhất nhưng chính sự lay động đó lại gợi cho người xem một cảm giác mong manh, dễ vỡ.


Mùa hạ: khúc khuỷu, gập ghềnh thể hiện sự sống


Mặt nước đã được nhuộm vàng bởi nắng. Cũng mặt nước phẳng lặng ấy nhưng nắng đã làm cho nước trong hồ lung linh, lay động. Cây cỏ, hoa lá quanh bờ hồ xanh mướt, hừng hực, bức bối. Cái am, hai con người và con gà trống dưới ánh nắng mùa hạ cũng lấp lánh theo làm người xem như nghe được tiếng khúc khích cười.



Vị sư trung niên ở mùa xuân khi bước qua mùa hạ đã luống tuổi, ánh mắt của ông vời vợi phản ánh cái tâm đã lắng. Chú tiểu qua mùa hạ đã là một thanh niên, sức sống toát ra từ thân, háo hức toát ra từ mắt. Đúng lúc này, cô gái đến. Cô khuấy động sự tĩnh lặng của vạn vật. Cô làm cho cuộc sống của hai con người và con gà nơi đây khúc khuỷu, gập ghềnh. Bởi đi theo cô là tiếng cười, tiếng khóc, tình yêu và lòng thù hận.


Mùa hạ của tạo hóa tỏa ánh nắng từ trên xuống bao trùm cảnh vật. Mùa hạ của con người lại đi qua một cái cửa ở ven hồ. Cái cửa không có khóa, nó cứ bật qua bật lại khi có người đi qua. Cái cửa được dựng lên chơ vơ giữa núi rừng. Cái cửa không có vách vì thế cứ thông thống, lồng lộng, phóng khoáng.


Từ cánh cửa không vách, cô gái bước qua đem đến tai ương. Cũng từ cánh cửa này chàng sư trẻ ôm con gà trống trốn theo cô lòng trĩu đầy hệ lụy. Phải chăng cánh cửa không vách ấy là cánh cửa lòng, nó đóng kín hay mở toang là do chính từng người quyết định. Và,  hạnh phúc hay bất hạnh cũng từ cánh cửa này mà đến, mà đi.


Mùa thu: Tâm hồn lắng đọng lại vương sầu


Mặt nước đằm thắm trong nắng thu. Mùa hạ chói chang không còn nữa. Chung quanh hồ lá hoa, cảnh vật đỏ ối, chín đẫm một màu. Mùa thu là một mùa đẹp nhất trong bốn mùa của tạo hóa, không rực rỡ như mùa xuân, chói chang như mùa hạ, lạnh lẽo như mùa đông. Con gà trống và vị sư trẻ đã ra đi, trên mặt hồ chỉ còn lại cái am, vị sư già và một con vật mới, con mèo; có lẽ cũng lại là con mèo đực!




Ánh mắt của vị sư già giờ đây đã bất muội, thế nhưng, người xem lại thấy hình như nó hoe đỏ và ngân ngấn nước vào mỗi buổi chiều tà. Chắc là ánh mắt đó đỏ vì nắng thu phản chiếu, chứ lẽ nào một tâm hồn đã lắng đọng lại vương sầu?


Cuộc đời trong con người ta cũng có mùa thu. Lúc này, tâm hồn đã lắng đọng. Đủ chín chắn để ngoái lại phía sau và thừa từng trãi để nhìn về phía trước. Vị sư già bình thản nhìn  chàng trai quay trở lại sau khi phạm tội giết cô gái – người mà chàng muốn chiếm hữu. Từ chàng trai, ông nhìn thấy quá khứ của mình; từ ông, ông nhìn thấy tương lai của chàng trai. Một dòng đời lẩn quẩn.


Câu nói của vị sư già như tiếng thở dài: “Tai ương xãy ra khi ta bắt đầu ham muốn chiếm hữu, bởi, cái ta muốn người khác cũng muốn”. Tiếc thay, cuộc sống quá tách biệt đã dồn nén khiến chàng sư trẻ dễ yếu lòng. Chàng vội vàng ham cái chưa xứng đáng cho nên phải gánh chịu tai ương nặng nề ngay từ lần muốn đầu tiên trong đời.


Chàng trai phải ra đi để trả giá cho tội lỗi của mình. Vị sư già và con mèo viên tịch trong cô quạnh.


Mùa đông: Ước gì có nắng mùa đông


Mặt nước khô cứng, cô đặc, cả mặt hồ như một tảng đá lớn sần sùi, lạnh lẽo. Ven bờ hồ không còn hoa cỏ, còn chăng là những cành cây trụi lá, trơ thân. Cảnh vật trắng xóa một màu như không có sự sống. Cái am tỉnh lặng, quạnh quẽ hơn bao giờ hết. Người đàn ông mãn hạn tù quay trở lại chốn xưa, chàng bắt đầu cuộc sống mới hay lặp lại cuộc sống cũ?



Vào mùa đông nước trong hồ đóng thành băng và người ta có thể đi trên đó. Có một người phụ nữ trẻ khăn che kín mặt, tay bế con thơ bước qua cánh cửa không vách rồi đi trên mặt hồ để tìm đến cái am.


Trong đêm đông giá lạnh, cái am như một lò sưởi ấm áp ấp ủ ba con người: một đàn ông trung niên ánh mắt còn hốt hoảng, một phụ nữ trẻ mà nếu không che mặt chắc chắn đôi mắt đã đẫm đầy lệ và một bé trai bé bỏng, mong manh. Đã có lúc người đàn ông dậy lòng thương cảm định đưa tay tháo khăn che mặt, ve vuốt khuôn mặt của người phụ nữ,  nhưng… rồi lại thôi.


Sáng sớm hôm sau, người phụ nữ trẻ cùng đường đành bỏ lại con thơ trốn đi và đã chết trên mặt hồ bởi cái hố mà người đàn ông đào để lấy nước. Đứa bé thức dậy không thấy mẹ hoảng hốt bò đi tìm cũng suýt rơi xuống hố chết theo. May mà người đàn ông kịp phát hiện.


Giá mà, người đàn ông đừng dừng tay, tiếp tục dịu dàng tháo khăn che mặt, khẽ khàng ôm người phụ nữ cùng đường ấy vào lòng rồi đùm bọc cả hai mẹ con thì có thể sẽ chấm dứt được dòng đời lẩn quẩn. Và biết đâu, hạnh phúc sẽ đến với ba con người ấy như nắng về giữa mùa đông.


… Rồi lại xuân: Biết xuân là xuân!


Mặt nước hồ lại trong xanh, phẳng lặng. Hoa cỏ quanh bờ hồ vẫn mơn mởn xanh tươi. Cái am lại có hương khói tỏa lên. Trong cái am ấy có hai con người: một vị sư trung niên ánh mắt còn hốt hoảng và một chú tiểu hồn nhiên phạm giới sát sinh… Cớ gì những con người ấy phải tu trong một không gian cô tịch, trong một cái am trơ trọi giữa hồ, quá cách ly với thế giới bên ngoài; phải chăng là một sự tránh né? Mùa xuân của tạo hóa lại trở về nhưng cuộc đời của hai con người nơi đây giống như một mùa đông kéo dài, một dòng đời lẩn quẩn không có lối ra. 



Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại mùa Xuân là sự lặp đi lặp lại của bốn mùa của tạo hóa. Nhưng từng giờ, từng ngày, từng mùa trong cuộc đời của con người lại do chính mỗi người quyết định. Nếu mùa xuân mà cuộc sống thẳng tắp như điện tâm đồ thì tại sao những người đàn ông (trong phim) không chọn mùa hạ khúc khuỷu hoặc mùa thu nồng ấm? Và, nếu hạnh phúc chưa mỉm cười với họ trong ba mùa: xuân, hạ, thu, thì người xem thầm mong mùa đông của cuộc đời họ sẽ ngập tràn ánh nắng.


Bởi lẽ, những người đàn ông (trong phim) đi tu không phải vì ngộ triết lý nhà Phật mà tìm đến cửa chùa vì hoàn cảnh đẩy đưa!  







Phim Hàn Quốc, dài 1 giờ 43 phút – Kịch bản: Kim Ki-Duk, Quay phim: Baek Dong-Hyun, Âm nhạc: Bark Jee-Woong.


Vị cao tăng sống đơn độc tại ngôi chùa nhỏ chơ vơ giữa một cái hồ cùng với bé trai côi cút mà ông nuôi dưỡng. Đứa bé lớn lên, cùng những thay đổi dần dà xuất hiện, như lẽ thường tình của cuộc đời, như thời gian bốn mùa của tạo hóa lặng lẽ trôi qua.


Mùa Xuân, chú tiểu hồn nhiên trong sáng với những trò chơi tuổi thơ nghịch ngợm có phần nhẫn tâm. Vị sư già chứng kiến, hiểu rằng đó như một báo hiệu trước của số phận.


Bước vào mùa Hè ấm áp cũng là thời kỳ chàng trai trẻ nếm trải vị ngọt của tình yêu. Khi một cô gái đến đây nương tựa, đó là việc đương nhiên phải xãy ra, vị sư già biết rõ như vậy. Rồi cô gái rời nơi thanh tịnh trở về cuộc sống bên ngoài, lôi cuốn theo chú tiểu lên đường tìm lại một nửa kia của mình.


Khi rừng phong thu đã nhuốm màu quan san cũng là lúc đôi lứa ngàn đời ly biệt và chú tiểu ngây thơ ngày nào giờ đã trở thành kẻ sát nhân đã ra tay hạ thủ người yêu bội bạc. Rồi chú trở về chốn cũ, mang theo cả nỗi niềm thù hận không nguôi. Với sự bình thản cố hữu, vị sư già đón đứa con lưu lạc trở về. Một ngày, cảnh sát tìm đến bắt kẻ tội phạm. Vị sư chỉ xin họ một điều: chờ cho chú tiểu khắc xong bài kinh “Bát nhã” cô đọng trong 260 chữ, mà nội dung vi diệu và thâm hậu đã được cả Đông phương lẫn Tây phương ca tụng.


Một ngày mùa Đông, khi vị cao tăng đã viên tịch, người thanh niên năm xưa trở về, nay đã đứng tuổi và tìm lại sự an lạc trong đời sống lạng lẽ, khiêm cung.


Vòng đời vẫn quay, mọi chuyện lại bắt đầu, khi một thiếu phụ giữa đêm mang con đến gửi chùa rồi bươn bả ra đi.


Vào mùa Xuân tiếp theo, đứa bé lớn lên trong sự bảo bọc của vị cao tăng, dần dà thay đổi dưới cái nhìn bình thản của một người, nay đã ngộ ra được lẽ đời…